Dẫn nhập: Nếu người ta thường nói “Sau lưng một người đàn ông luôn luôn có một người đàn bà” thì chúng ta cũng có thể nói: Sau lưng (sự thành công của) nhà danh họa lập thể Pablo Picasso là nữ họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Dora Marr, người tình bẩy năm của ông, người đã tạo nguồn cảm hứng cho ông trong loạt tranh nổi tiếng “Weeping Woman”.
Điều đáng buồn là tuy đã gây một ảnh hưởng sâu xa trong cuộc đời và sự nghiệp của Picasso, Dora Marr lại chính là người phải chịu đựng những sự đối xử tàn ác nhất của nhà danh họa, và mọi người đã không sai khi nói rằng cuộc tình giữa Picasso và Marr đã khiến Marr trở thành một “weeping woman”, và dường như nước mắt là nét đặc trưng của nàng.
Những người khác, mô tả nàng một cách có cảm tình hơn: “Quĩ đạo của Dora Marr, trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật nhiếp ảnh, giống như một vẩn thạch tới quá gần Mặt Trời”.
Những năm cuối của cuộc đời, việc Dora Marr sống ẩn dật lại càng khiến người ta cho rằng nàng là một nạn nhân.
Henriette Theodora Markovitch chào đời tại Paris ngày 22 tháng Mười Một năm 1907, con gái duy nhất của ông Joseph Markovitch, một kiến trúc sư người Croat, và bà Julie Voison, một phụ nữ Công giáo Pháp.
Sống thời thơ ấu tại Á Căn Đình, Henriette nói tiếng ba thứ tiếng Tây Ban Nha, Anh và Pháp. Năm 1926, khi Henriette được 19 tuổi, gia đình nàng trở lại Paris. Henriette theo học một trường nhiếp ảnh trước khi ghi danh vào học viện Julian và đổi tên (hoặc rút gọn lại) thành Dora Marr.
Thoạt tiên Marr vừa vẽ tranh vừa chụp hình, cho tới khi được khuyến khích nhiều về khả năng nhiếp ảnh, nàng đã bỏ trọn thì giờ vào hoạt động này. Nhưng khi Picasso tỏ vẻ không tin tưởng ở khả năng nhiếp ảnh của nàng và thúc giục nàng trở lại với khung vải, Marr nghe theo.
Năm 1929, trong khi Marr hành nghề nhiếp ảnh, nền Nhiếp Ảnh Mới – chú trọng vào sự trung thực của hình ảnh, chất liệu và vẻ đẹp của những vật dụng hàng ngày – lên cao tại Pháp.
Nhiếp ảnh gia Hung Gia Lợi Brassai hồi tưởng lại hình ảnh của Marr vào lúc đó. Đã là một nhiềp ảnh gia chuyên nghiệp, trong chiếc áo dài màu trắng, Marr giống như một thợ săn bước quanh con mồi, tìm kiếm những chi tiết nhiều ý nghĩa nhất.
Cuối năm 1935, đang là nhiếp ảnh viên trong “Le Crime de Mr. Lange” do Jean Renoir đạo diễn, Marr được thi sĩ Paul Eluard giới thiệu với Pablo Picasso. Ở tuổi 54, Picasso thường mặc “bộ đồ lớn cũ với những cái túi xệ, cái quần rộng thùng thình, một cái áo gilet không giống ai bên ngoài một hai cái áo lạnh và cái chemise nhàu nát…” đầu đội cái mũ nồi, quấn khăn phu la, lưng đeo chùm chìa khóa, bóp đựng tiền nằm bên trong cái áo vét được cài kim cẩn thận. Khi đó, Picasso không còn ở với người vợ đầu tiên Olga Kokhlova, và mới có một đứa con gái – Maya – với Marie-Thérèse Walter. Picasso vẫn luôn gần gũi với Walter trong suốt thời gian cặp với Marr. Walter là người yêu trong hậu trường và Marr là người yêu trước công chúng.
Nếu Marr còn nhớ rõ lần đầu gặp gỡ thì Picasso chẳng nhớ chút nào. Theo sử gia Jean-Paul Crespelle, vào đầu năm 1936, trong khi đang ngồi với người bạn của cả hai là Paul Eluard tại Café des Deux Magots, Picasso để ý tới một thiếu phụ đang ngồi ở một cái bàn kế bên. Crespelle ghi lại:
“Nét mặt thiếu phụ như sáng lên bởi đôi mắt màu xanh lợt, trông còn lợt hơn vì đôi chân mày rậm, một khuôn mặt nhậy cảm, đăm đăm với ánh sáng và bóng tối thay phiên. Cầm một con dao nhỏ, nàng liên tục đâm qua giữa mấy kẽ ngón tay xuống mặt bàn. Đôi khi nàng đâm hụt và một giọt máu hiện ra giữa những cánh hồng thêu trên găng tay… Về sau, Picasso xin Dora cho ông cặp găng tay này mà ông cất vào tủ làm kỷ niệm”.
Sau khi Eluard giới thiệu đôi bên, Picasso nói với Marr bằng tiếng Pháp và nàng đáp lại bằng tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng mà nàng biết là tiếng mẹ đẻ của Picasso. Ba điểm chính của buổi gặp đầu tiên: con dao, những ngón tay và đôi găng, giống như những yếu tố của một đời sống bất động siêu hiện thực. Chúng cũng có những giá trị rất cao cả. Picasso ngạc nhiên thích thú với việc tự gây thương tích của Marr, chơi dao như một người chơi lửa. Việc Picasso bị lôi cuốn bởi hiểm nguy được thấy rõ và được diễn tả bằng những hình ảnh khổ sở mà ông dùng để vây bọc một vài hình ảnh của Marr… những cái ghế rất không thoải mái, những góc cảnh bén như dao cạo, côn trùng và nhện và sừng… Và trong khi Picasso giữ cặp găng nhuốm máu, Marr cũng giữ kỹ một vết máu khô của ông…
Vào tháng Bẩy năm 1936, Tướng Franco cầm đầu cuộc đảo chánh chống lại chính phủ dân chủ Tây Ban Nha và một cuộc nổi chiến bùng nổ. Qua năm sau, loạn quân hữu khuynh Tây Ban Nha, với sự trợ lực của Ý, chiếm Málaga, sinh quán của Picasso. Tướng Franco bèn cho phong tỏa bằng đường biển.
Ngày chủ nhật 26 tháng Tư năm 1937, thành phố Guernica của người Basque, một thành phố không phương tự vệ, bị phi đoàn Condor của Đức thả bom tan nát.
Đầu năm đó, chính phủ cộng hòa Tây Ban Nha yêu cầu Picasso vẽ một bức bích họa cho gian hàng Tây Ban Nha tại Hội chợ Triển lãm Paris vào tháng Năm. Picasso đồng ý nhưng tới lúc đó, những bức phác học của ông không có hồn.
Chính cuộc tấn công tàn bạo vào Guernica đã gợi hứng cho ông.
Trong khi đó, Marr, với sự bất mãn trước tình trạng quân phiệt gia tăng sau nhiều năm liên hệ cùng tả phái, là nhiếp ảnh viên lý tưởng để ghi nhận sự chuyển biến trong bức họa của Picasso. Nhiếp ảnh gia Brassai, người từng ôm máy chụp hình đeo sát những bức họa của Picasso, nhường chỗ cho nàng.
Trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, chính Dora Marr là nhân chứng và đồng lõa của Picasso qua hình ảnh. Nàng còn vẽ một vài nét sọc trên con ngựa Guernica, một biểu tượng đóng góp nho nhỏ.
Bức bích họa khổng lồ – bề ngang gần tám thước – được hoàn tất trong thời gian chưa đầy một tháng.
Picasso đã tuyên bố một câu nổi tiếng:
“Bức họa được hoàn tất không phải để trang hoàng apartment mà là một dụng cụ chiến tranh, chống lại sự tàn bạo và đen tối”.
Picasso đưa Marr vào Guernica qua hình ảnh một phụ nữ đang giơ cây đèn, và cả trong loạt hình Minotaur, căn cứ vào Marie-Thérèse Walter.
Giai thoại đáng ngạc nhiên nhưng khá thích thú là việc Walter và Marr đụng độ trong khi công việc đang tiến hành.
Một hôm Walter bước vào phòng vẽ và nhất định đòi Marr phải đi ra.
Francoise Gilot, một người yêu về sau của Picasso, thuật lại vụ này theo lời kể của Picasso:
– Marie-Thérèse nói: “Tôi đã có một đứa con với người đàn ông này. Bởi thế đây là chỗ của tôi với ông ta”.
Dora đáp: “Tôi cũng có nhiều lý do như bà để ở lại đây. Tôi không sinh con cho ông ta nhưng tôi chẳng thấy điều gì khác biệt”.
Picasso nói với Gilot rằng trong khi hai người đàn bà cãi nhau, ông tiếp tục vẽ. Ông kể tiếp với Gilot:
– Cuối cùng, Marie-Thérèse quay sang tôi và nói “Anh quyết định đi. Trong hai đứa tôi, ai phải đi?”.
Đó quả là một quyết định rất khó khăn vì tôi thích cả hai vì những lý do khác nhau. Marie-Thérèse thì ngọt ngào, lịch sự và làm bất cứ điều gì tôi muốn, còn Dora thì thông minh… Tôi bèn nói rằng họ phải tự tranh đấu để tìm hiểu. Và thế là đôi bên nhào vào vật lộn.
Picasso kết luận về việc này:
– Đó là một trong những ký ức quí giá nhất của tôi.
Giữa năm 1936 và 1937, Picasso và Marr cộng tác trong vài công việc và ông đã vẽ nhiều bức tranh về nàng. Nhiều bức trong số này có nét bạo động mà theo Gilot, Picasso giải thích rằng đó là điều đương nhiên.
Dù Picasso nói rằng ông đã cười với Marr nhiều hơn với bất cứ ai, nhưng “Tôi không thể vẽ được một bức tranh của nàng khi nàng đang cười… Trong nhiều năm trời, tôi vẽ nàng với những góc cạnh khổ sở. Đó không phải vì sự bạo dục mà cũng không phải vì sự thỏa mãn đặc biệt nào. Tôi chỉ tuân theo một hình ảnh sâu xa đã ghi đậm trong tôi. Một thực tế sâu xa”.
Trong thời gian này, bản chất ưa nóng giận của Marr qua những góc cảnh lạ lùng của Picasso khiến những người thưởng ngoạn có cảm tưởng như nàng nhẩy ra khỏi bức tranh lao vào họ. Trong năm 1937, nhiều lần Picasso vẽ Marr như một “Weeping Woman”, hoặc giam hãm hình ảnh giống như côn trùng của nàng trong một hệ thống đường nét dày đặc. Tuy nhiên không phải tất cả những bức vẽ trong giai đoạn này đều có những đường nét bực bội, bứt rứt. Họa sĩ hiện thực Roland Penrose nói về màu sắc tươi sáng trong bức họa Dora Marr Seatted được vẽ vào năm 1937 “vui vẻ biểu hiện sự tươi vui trong tuổi trẻ của nàng”. Quả là điều bất hạnh, tuy là sự thực, khi sự tan vỡ trong cuộc tình của đôi bên và cuộc sống của nàng sau đó khiến người ta hầu như chỉ nói về những bức họa đầy khổ sở trong giai đoạn này. Vì ngoài việc đưa những đường nét nổi bật của nàng vào lời than trách sự tàn bạo của chiến tranh một cách mạnh mẽ không kém, Picasso cũng diễn tả sự lạc quan, năng lực và sự dịu dàng.
Sau Guernica, vào tháng Chín năm 1937, Marr đi với Picasso và Eluard tới Mougins ở gần Cannes. Lúc đó Marr vẽ rất nhiều, đặc biệt thí nghiệm bằng cách đưa hình ảnh của người nàng yêu và bè bạn lên khung vải. Picasso thúc giục nàng trở lại với hội họa qua lời tuyên bố, có thể là cả sự tin tưởng, rằng trong mỗi nhiếp ảnh viên có một họa sĩ muốn thoát ra.
Ngày mùng 3 tháng Sáu năm 1940, phi cơ Đức ném bom phi trường Paris. Picasso và Marr trở lại đó, sống bất mãn và bực bội dưới sự chiếm đóng. Trong những năm này, Picasso làm việc không mệt mỏi: Những bức họa Marr đội nón ngồi trên ghế bành, tượng bán thân của Marr và Eluard.
Bầu không khí chính trị vẫn nặng nề. Vào tháng Bẩy, gần 13,000 người Do Thái bị cảnh sát Pháp đưa tới trường đua Mùa Hè trước khi bị đưa tới trại tập trung ở Drancy thuộc vùng Đông Bắc Paris. Tới tháng Mười Hai, Hitler ra lệnh trục xuất tất cả những người Pháp gốc Do Thái. Việc cha mẹ của Marr là người gốc Do Thái (chưa hề được xác định) không bị ai để ý tới và cũng không ai tố cáo nàng hoặc cha nàng. Tuy nhiên sự lo lắng chắc chắn không thể đo lường nổi.
Tới tháng Năm 1943, sự liên hệ giữa Marr và Picasso bị khủng hoảng trầm trọng khi Picasso gặp Gilot, nhỏ hơn Picasso… 40 tuổi. Gilot cao, mảnh khảnh và đẹp. Sự ghen tuông khiến đầu óc Marr trở nên rối loạn. Trong nhiều năm trời, nàng đã chia xẻ Picasso với Walter và Maya, và sự chia xẻ đó không phải dễ dàng. Picasso thường nói rằng Marr thiếu nữ tính, cằn cỗi – điều rất ít khi được nói tới nhưng có thể là nguyên do tạo nên cá tính phức tạp của Marr, trái ngược hẳn với Walter, một người rất dịu dàng và… “màu mỡ”.
Tuy nhiên trong những bức họa, đôi khi Picasso lại cố tình “pha trộn” hai người khi cho Marr cài hoa của Walter trên tóc, hoặc cho Walter mặc những trang phục thích hợp với Marr hơn. Ông cũng vẽ một bức họa đôi hai người.
Khi đó Marr đã bỏ hẳn nghề nhiếp ảnh. Có lẽ niềm hứng khởi trong việc hội họa đã bắt nguồn từ việc vẽ mấy nét trong bức họa Guernica; cũng có thể việc thân cận với một thiên tài hội họa – cùng những lời khuyến khích, đã thúc đẩy Marr. Marr cũng hiểu rằng việc chiều ý Picasso là một hi sinh lớn, và đã có lần cô nói về mối liên hệ giữa đôi bên “Tôi không phải vợ của Picasso mà ông là thầy tôi”.
Sau khi đôi bên đã chia tay, một hôm Picasso và Gilot tình cờ gặp Marr tại Café de Flore. Picasso bắt Marr phải đưa ông và Gilot về phòng vẽ của Marr để xem những bức họa của nàng. Tại đây, Picasso bắt Marr cho Gilot hay rằng giữa ông và nàng không còn gì nữa. Gilot thuật lại:
– Dora Marr liếc nhìn tôi, thở dài. Nàng nói rằng giữa nàng và Pablo đã thực sự kết thúc và tôi đừng lo rằng chính tôi là nguyên nhân của sự đổ vỡ.
Theo Gilot, sau đó Marr nói thẳng rằng chính Gilot cũng sẽ bị Picasso đá đít trước thời hạn ba tháng. Rồi Marr quay nhìn Picasso:
– Anh không bao giờ yêu ai trong đời anh. Anh không biết yêu là gì.
Khi Marr bị đưa vào bệnh viện, bị điều trị bằng cách cho điện giựt trước khi được chuyển sang một bệnh viện tư nhờ sự can thiệp của Eluard, Picasso cho rằng nguyên nhân không phải vì ông bỏ rơi nàng mà vì sự hợp tác của nàng với các nhà siêu hiện thực. Ông dẫn chứng… Jacques Vaché, Jacques Rigaut và René Crevel, cả ba đều tự tử; Antonin Artaud, hoàn toàn điên loạn. Và Picasso nói thêm, Marr cũng luôn luôn điên.
Nhưng Marr không quên Picasso. Trong nhiều năm sau, đôi bên vẫn tặng cho nhau những món quà… quái dị! Sau khi Picasso gởi tặng Marr một cái ghế làm bằng ống sắt và giây thừng cứng ngắc, nàng tặng lại ông một lưỡi cuốc rỉ.
Trong những ngày cuối của cuộc đời, Marr sống thật âm thầm tuy vẫn giữ nhiều kỷ niệm của Picasso. Nhà bếp rất quí giá vì Picasso đã bước vào; những cái ghế vì ông đã ngồi lên…
Dora Marr từ trần ngày 16 tháng Bẩy năm 1997, thọ 89 tuổi. Bà đã sống lâu hơn Picasso 24 năm. Những bài thơ của bà được giữ trong một quyển sổ, kết thúc với hàng chữ “Sân khấu chuẩn bị sẵn sàng cho một thảm kịch”.
Tác giả : Nguyễn Ðình Khánh