Như ta đã biết, người An Nam đăng lính trong Chiến tranh thế giới thứ nhất vì nhiều lí do nhưng thật ngạc nhiên, lý do được họ viết ra đơn nhiều nhất, chính là “mộng giang hồ” [6]. Châu Âu xa xôi như một giấc mơ cho những người nông dân An Nam chân lấm tay bùn quanh năm với ruộng đồng. Tuy nhiên, trải nghiệm giấc mộng đó tại Pháp lại là một sự thật cay đắng hơn nhiều.

Khi đặt chân tới cảng Marseille, những người An Nam sẽ phải kiểm tra sức khỏe và nhận hợp đồng gồm thông tin lương, lợi ích, trách nhiệm. Các lính thợ có tay nghề được hợp đồng trước sẽ được chuyển thẳng tới nơi đã định trong khi số còn lại tham dự một bài thi chuyên môn để nhận định khả năng trước khi được thuê tại nhà máy, xí nghiệp, hoặc xưởng quân sự khắp nước Pháp. 

Những người chủ sẽ đảm bảo thức ăn, chỗ ở, quần áo, và y tế cho nhân công. Tuy nhiên, điều kiện sinh sống và làm việc khá khác nhau ở nhiều nơi. Thật tốt khi ở La Ciotat, công nhân được ngủ nệm, gối, trong tòa nhà có lò sưởi và đầu bếp riêng. Ở quân cảng Toulon, người An Nam và Pháp ở chung một nơi, có nước nóng lanh, được chọn đồ ăn Việt hay đồ ăn Tây, và ngủ trên võng [5]. Nhưng ở những nơi khắc nghiệt hơn, nhân công phải ngủ trên nền xi măng với 1 tấm chăn vào mùa đông (tại Challuy, Nievre và Cazau), hay phải đi bộ 1,5 km để lấy thực phẩm (ở Clermont-Ferrand), hay chỉ được tắm một lần một tuần do thiếu nước (ở St.Chamas). Có nơi có tới 2400 công nhân nhưng chỉ cấp 200 cái quần bó và 600 đôi ủng. Đến gần cuối cuộc chiến thì những người An Nam chỉ còn quần áo “chắp vá và thủng lỗ khắp nơi”[1]. 

Thời gian làm việc mỗi nơi mỗi khác. Thường thì tại các nhà máy, một ngày chia làm 2 ca: Ca sáng khoảng 8 tiếng và ca tối khoảng 7 tiếng. Khi bước vào giai đoạn khốc liệt hơn của cuộc chiến, các công nhân phải làm việc nhiều hơn, “công việc rất nặng nhọc, không được nghỉ kể cả là Chủ Nhật… Nếu vắng mặt một ngày, chúng tôi sẽ bị ném vào tù…” [4]
Hình phạt cho những người này là 15 ngày tạm giam và cắt trợ cấp gia đình[2]. Một tình trạng khác dẫn đến sự bất bình giữa những người An Nam nữa là sự thiếu thực phẩm trầm trọng. Do Van Diem, một lính thợ, cho biết thực phẩm trong cả 2 tuần của anh là một ổ bánh mì. Những người khác cũng than phiền rằng họ bị “bỏ đói”. [3]

Những trải nghiệm này dù dẫn đến sự bất đồng và tức giận giữa cộng đồng công nhân An Nam lúc đó nhưng cũng chính là liều thuốc chính trị cực đoan đầu tiên dành cho họ – điều mà vô cùng quan trọng với phong trào dân tộc tại Đông Dương hậu Chiến tranh thế giới thứ nhất. 

Nguồn : facebook của hội Hội những người thích tìm hiểu về thế chiến thứ 1

[1] 10 SLOTFOM 3, Report by Inspector Lamarre, 15 January 1918; 10 SLOTFOM 5, Report by Inspector Tri Phu Vinh, February 1918

[2] 3 SLOTFOM 93, Postal Censor Report, July 1918.

[3] 1 SLOTFOM 8, 3 SLOTFOM 93, Postal Censor Reports, March, May and July 1918.

[4]. 16 N 1507, instruction regarding working hours for workers, 12 December 1915; 3 SLOTFOM 93, CP reports, January 1918.

[5] ‘Le Groupement des travailleurs Indochinois employés à l’arsenal de Toulon’, in Le Courrier d’Haiphong, 28 March 1917

[6] 10 SLOTFOM 6, Service de Liaison avec les Originaires des Territoires de la France d’Outre Mer) in: ANOM “Liste nominative des gens de la famille royale d’Annam dans les bataillons Indochinois”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.