Chỉ trong 4 năm của cuộc chiến, người ta đã chứng kiến những đổi thay kinh ngạc: từ quân lính với quần áo giáp đầy màu sắc hành quân với trống trận, từ những kị binh cưỡi ngựa tuốt gươm lao vào đại bác đến những khẩu súng máy có thể bắn hàng ngàn viên mỗi phút và máy bay chiến đấu. Những đổi thay đó đã biến chiến tranh thế giới thứ nhất thành một cuộc chiến đặc biệt không chỉ vì tầm cỡ mà còn vì những thay đổi trong công nghệ và chiến thuật quân sự.

Và những người An Nam xa xôi lạc hậu đã ở đó.

Những người lính thợ phân thành 19 tiểu đoàn gồm 4 tiểu đoàn chiến đấu và 15 tiểu đoàn xây dựng[1]. Lính xây dựng có nhiệm vụ đào hào, bảo vệ cứ điểm, vận chuyển đạn dược và tuần tra No man’s land. Lính chiến đấu thì tham chiến ở Somme, Verdun, Aisne, Chemin-des-Dames, Vosges, Reims và rất nhiều nơi khác. Những ghi chép về trải nghiệm của họ tuy ít, nhưng thông qua hồi kí và thư từ của François Bertrand Can và Nguyen Van Ba đã cho ta ít nhiều thông tin về mặt trận phía Tây.

François Bertrand Can tới Marseilles vào ngày 5/5/1915 ở Trung Đoàn thuộc địa 23 để đào tạo lính thợ tình nguyện và được gửi tới mặt trận Champagne vào ngày 29/9/1916. Vào sáng ngày 2/10, tiểu đoàn của ông được chọn vào một cuộc tấn công: “Những người lính này chắc chắn đang tiến vào địa ngục… bầu trời rực lửa, tiếng gào của những khẩu pháo, những vụ nổ long trời lở đất. Đạn pháo bắn rơi ngày đêm. Hôm nay ( 3 tháng 10) bắt đầu chuẩn bị tấn công; hôm qua chẳng có gì ăn nên bụng kêu gào ầm ĩ.” 
~ Hồi ký của François Bertrand Can [2]

François Bertrand Can mất đi cánh tay trái do đạn pháo của Đức và được phong thưởng huân chương Thập Tự lá liễu trước khi giải ngũ [2].

Nếu những ghi chép của Can cho ta biết về trải nghiệm chiến đấu thì hồi ức của hạ sĩ Nguyen Van Ba lại cho thấy về cuộc sống của người lính thợ làm việc ngay tại tiền tuyến. Tới Pháp vào tháng 9/1917, Nguyen Van Ba được phân vào tiểu đoàn 2 và phục vụ tại mặt trận phía bắc vùng Rennes để sửa đường vận tải, vác đạn, mang pháo độc, và làm vật liệu công sự. Ông ghi lại rằng không ngày nào mà đạn pháo Đức không rơi vào chiến hào ông làm việc, dù nước Pháp có “hàng ngàn người, ngựa, pháo, xe tải và máy bay” cũng không ngăn được “giặc Đức”.

Tháng 5/1918, Ba bị thương nặng khi một trái pháo rơi ngay vào hầm trú ẩn của ông, giết chết 30 người trong tiểu đoàn [3].

Qua những bức thư được chép lại, chúng miêu tả rõ những trải nghiệm kinh hoàng mà chiến tranh chiến hào đã ảnh hưởng tới họ như thế nào. Năm 1917 là năm mà người An Nam chịu nhiều thương vong nhất. Một người lính viết: “Từ tháng 4, trong 330 lính [An Nam] tại [tiểu] đoàn, 250 người đã chết. Chỉ còn 12 trong số những người rời Đông Dương chung với tôi còn sống” [4]. Theo hạ sĩ Chan, “Xác [người An Nam] chất cao như cá xếp hộp”[5]. Những lính thợ hi sinh đầu tiên thường là người mới tới và thiếu kinh nghiệm. Vài người thậm chí còn đầu hàng và đi bộ qua làm tù binh cho quân Đức “trước khi bắn phát nào vào quân địch”. Một số thì khen ngợi sự “dũng mãnh” của quân Đức khi cứ 1 lính Đức bị bắt thì 10 người Pháp trở thành tù binh [5].

Trung sĩ Bình của tiểu đoàn số 6 ghi lại: “ Vì kết cuộc nào mà chúng ta phải chia ly khỏi bố mẹ và con cái? Tôi cảm thấy không vui khi ở đây – Đồ ăn tồi tệ và không được nghỉ ngơi” rồi ông khuyên bố mẹ rằng: “Nói với già làng đừng tuyển thanh niên và gửi chúng sang đây [để chết] nữa”[6]. Nhiều lá thư đã cho thấy sự chán nản xảy ra ở tất cả các trại lính người Việt vào năm 1917 và sự thất vọng vô cùng về quyết định đi lính của những người An Nam.

Trong lúc đó tại Đông Dương, một số nhà trí thức yêu nước cũng bắt đầu tìm đường để cứu An Nam thoát khỏi tình trạng thuộc địa Pháp.

Nguồn : Facebook của hội Hội những người thích tìm hiểu về thế chiến thứ 1

Tài liệu tham khảo:

[1] Exposition Coloniale Internationale de Paris, Les Armées Françaises d’Outre Mer, 72–97
[2] Can, Carnet de Route d’un Petit Massouin Cochinchinois, 35, 37.
[3] Marquet, Lettres d’Annamites, 33–4: Nguyen Van Ba’s letter of January 1918, informing his family in Indochina of his arrival in France and his life on the front line. 
[4] nf 227, letter from Thanh in Battalion no. 7, November 1917. 
[5] nf 227, Postal Censor Report, November 1917.
[6] 1 SLOTFOM 8, Postal Censor Reports, December 1916.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.