Hãy thử tưởng tượng giữa những năm 1914 tại Pháp, nhóm công nhân An Nam nhuộm răng bỗng bị quăng vào môi trường làm việc cùng những người Phi da đen và những người Pháp kiêu ngạo, chắc chắn xảy ra nhiều xung đột bởi văn hóa, cách sinh hoạt, tư tưởng, và cả tiền bạc hay gái gú.
Từ 1914 – 1918, Pháp đã thuê hơn 662 ngàn lao động nước ngoài để phục vụ chiến tranh, từ công nghiệp đến nông nghiệp. Sự va chạm văn hóa đã dẫn tới những xung đột, thậm chí bạo lực giữa các nhóm công nhân[1]. Người Việt được cho là “đối thủ cạnh tranh của người Pháp, không chỉ về công việc mà còn về phụ nữ”, nên thường xuyên trở thành mục tiêu công kích và bạo lực của công nhân bản địa. Một người Pháp nói: ”Chẳng lẽ chúng ta đánh nhau rồi để tụi Trung Quốc, Ả Rập và Tây Ban Nha cưới vợ và con chúng ta ngay khi mà chúng ta bỏ mạng ở chiến trường”. Để trút giận, những người bản địa này thường xuyên bắt nạt, sỉ nhục, thậm chí tấn công những người An Nam, vài trường hợp còn dẫn đến giết người [2].
Ở Versaille, tục nhuộm răng đen của người An Nam hay cách họ ăn mặc, tắm gội đều bị người Pháp chế giễu. Việc này dẫn đến mâu thuẫn và bạo lực giữa hai bên [3]. Ngày 31/5/1917, một công nhân An Nam bị đánh và giết, một việc tương tự xảy ra ngay sau đó. Người Pháp chê họ là hèn nhát vì không ra mặt trận [4]. Khi một công nhân nhà tù đâm rách bụng một cai tù Pháp, dẫn đến việc anh này bị tử hình vào ngày hôm sau, một người bạn của nạn nhân ca thán: ” Chúng tôi rời quê cha đất tổ đến đây để rồi bị xử tử bởi những người mà chúng tôi muốn giúp đỡ. Công lý ở đâu?” [7]
Những người An Nam đi chung với phụ nữ Pháp cũng bị tấn công thường xuyên. Cang Xuong, một lính An Nam, viết rằng khi ông đi Renee thăm một nữ đồng nghiệp cũng đã bị đuổi đánh bởi một lũ “du côn”. Vì chúng quá đông nên ông vừa bỏ chạy vừa chịu đựng [5]. Các lao động nước ngoài thường bị người bản xứ chặn đánh khi đi một mình. Ngược lại, khi thành một nhóm, những người An Nam thường không “ngán” ai cả. Sau khi một người Pháp đánh một người An Nam, nhóm bạn của anh ta đã “bao vây” và phá hủy nhà của người đó, làm 3 người khác trong nhà bị thương [6].
Lính Châu Phi và An Nam cũng có những vụ đụng độ lớn. Tết năm 1918, một nhóm công nhân Việt đấu súng với một nhóm công nhân Madagascar dẫn đến cái chết của một người Việt. Tháng 10/1918, tiểu đoàn 119th Senegal và 483 người Việt trong cục Kỹ Thuật được bố trí cùng xây dựng đường sắt từ Morlaas tới Pau. Người Senegal ghét người Việt vì người Việt giàu hơn và ăn uống ngon hơn, người dân và thậm chí nhà chứa trong khu vực cũng ưa thích người An Nam. Ngày 27/10/1918, sau khi rời khỏi hộp đêm, 3 người An Nam bị tấn công bởi một người Senegal phục kích sẵn. Một bị thương nhưng hai người kia bỏ chạy được. Và rồi lính An Nam đã trả thù bằng cách bắn một người Senegal đi ngang qua doanh trại của họ. Ngay sau đó, những lính Senegal làm nổ thùng thuốc súng và tấn công nhóm người Việt khi họ đang ngủ, bằng súng trường và lưỡi lê ăn cắp từ kho quân dụng. Cuộc tấn công chỉ kết thúc khi lính Senegal hết đạn và lính chống bạo động Pháp tới. Có 16 người An Nam bỏ mạng, 18 bị thương nặng và hàng chục người khác bị thương. Lo sợ trả thù, chính quyền Pháp đã chia nhỏ nhóm lính thợ này ra nhiều nơi trên khắp đất nước. Chỉ có một người Senegal bị kết tội [8].
Không chỉ vậy, xung đột còn xảy ra giữa những người An Nam, vào ngày Lễ các Thánh năm 1917, hai nhóm người Việt, Bắc Kỳ (Tonkin) và Nam Kỳ (Conchinchina) đã đánh nhau bằng “nắm đấm và dao” trong một nhà máy bột. Sáu công nhân nhập viện. Một người Nam Kỳ sau khi thua trong một cuộc đánh nhau, đã để dao dưới giường của một người Bắc Kỳ rồi báo cho an ninh để bắt người này. Sau đó, cả hai nhóm công nhân đều thủ dao trong tay áo để bảo vệ nhóm của mình [9].
Sau nhiều lần phán quyết, người Việt nhận ra được sự bất công và dần mất niềm tin với hệ thống công lý Pháp, cũng như nhận thức về sự đối xử phân biệt chủng tộc và quốc gia. Sự nhận thức này sau đó còn được chính trị hóa bởi tuyên truyền của đảng Cộng Sản Pháp và dẫn đến sự thay đổi thái độ của những người lính An Nam với Mẫu Quốc sau Thế Chiến, trở thành nền tảng tư tưởng quan trọng cho các cuộc đấu tranh trong nước.
Nguồn : Facebook của hội Hội những người thích tìm hiểu về thế chiến thứ 1
Tài liệu tham khảo:
[1] Magraw, A History of the French Working Class 1992, p. 151; SHAT7N2121, “Conditions dans lesquelles des ouvriers Indochinois sont mis à la disposition du GQG.”
[2] Roger Magraw, quote from Le Havre’s Police Report, May 1917, in A History of the French Working Class, vol. ii (Cambridge, MA: Blackwell, 1992), 152.
[3] 10 SLOTFOM 5, Report by Inspector Dupuy, September 1917; report by Tri Phu Vinh, 14 January 1918.
[4] 10 SLOTFOM 5, Report by J. Bosc, 15 July 1917. The report also cited reports from the commander in Frère-en-Tardenois on 9 June 1917, the commander general of the army in Champagne on 14 June 1917, and the commander of Battalion no. 16 on 20 June 1917. No specific date was given to the murder in June 1917.
[5] SHAT 7 n 997, Postal Censor Report, August 1917
[6] 10 SLOTFOM 1, CP reports, August 1918.
[7] 3 SLOTFOM 93, CP reports, January 1918.
[8] 10 SLOTFOM 5, reports by Inspectors Tri Phu Vinh and Paul Chassaing and Colonel Briand on 6, 7, and 14 November 1918 and official memorandum from the office of the Ministry of War on 13 February 1919.
[9] 10 SLOTFOM 5, reports by Inspectors Tri Phu Vinh and Paul Chassaing and Colonel Briand on 6, 7, and 14 November 1918 and official memorandum from the office of the Ministry of War on 13 February 1919.