Hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ sau năm 1955 chiến thắng Điện Biên Phủ, khi tôi ở lứa tuổi 20 thuộc lớp học trò Khóa I, Trường Mỹ thuật 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Từ phút đầu được tiếp cận họa sỹ Nguyễn Sáng, với đôi mắt cá mở to nhìn thẳng, với vầng trán vuông rộng nhô ra một cách bướng bỉnh, đã gây ấn tượng mạnh trong tôi. Sau đó, lại bị choáng ngợp hơn khi được xem bản chính hai bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp của Nguyễn Sáng Giặc đốt làng tôi và Chân dung họa sỹ Bùi Xuân Phái mà bên Hội Mỹ thuật Việt Nam đưa đến gửi ngay phòng cạnh lớp tôi học.

Tranh sơn mài “Vũ trụ”, Nguyễn Sáng 1985

Hòa sắc xanh huyền ảo và hòa sắc trắng lung linh của hai bức tranh đã cuốn hút tôi đến tận bây giờ. Tranh Nguyễn Sáng với bút lực đầy xung động, mạng mẽ và quyết liệt, không gian trong tranh tuôn chảy liền mạch như muốn thách thức cùng số phận con người. Nguyễn Sáng nhanh chóng trở thành thần tượng của thế hệ trẻ chúng tôi. Biết ông quý mến đám hậu sinh, từ đấy tôi thường đến căn nhà tập thể số 65 đường Nguyễn Thái Học thăm ông. Nguyễn Sáng ngồi đó, đang gò lưng với tấm vóc sơn mài trong căn phòng chật trên 10 thước vuông, miên man vẽ dài, say dài, mặc gió mưa nóng rét, mặc thế sự xoay vần. Ước vọng cao nhất của Nguyễn Sáng là vẽ, là sáng tạo nghệ thuật. Nên nói rõ, ngôi nhà chung cư mà Nguyễn Sáng ở trên tận gác 3, được nhà nước chọn lọc cấp cho những văn nghệ sỹ ưu tú thời bao cấp như: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Phan Chánh, Đỗ Nhuận, Mai Văn Hiến, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Song Văn, Nguyễn Văn Lý… Tiêu chuẩn đó là ân huệ đặc biệt.
Hồi đó, họa sỹ vẽ ra tranh nhưng không bán tranh, nếu có bán thì gọi là “nhuận bút” hay “thù lao” hay “tiền bồi dưỡng”. Được biết, Nguyễn Sáng có thù lao cao nhất là bức chân dung vẽ mẹ dược sỹ Cao Xuân Toàn. Vị này về Pháp, gửi sang Việt Nam cho ông: một xe máy tay ga nhãn hiệu Peogeot 102 – một áo chống lạnh đặc biệt – một tấm chăn dạ có dây kéo. Mà ít lâu sau, chiếc xe cũng bốc hơi cùng men rượu, nghe nói gán cho ông Lê Chấn. Tuy thiếu thốn nhưng Nguyễn Sáng sống thanh thản, lạc quan, hào phóng, sẵn sàng chơi hết mình cùng bạn bè.
Nguyễn Sáng vẫn ngồi đó bên khung vải trắng, sau lưng trên tấm giấy dán lên tường ông viết mấy chữ: Vẽ Như Thở. Ông thong thả nhấp một ngụm rượu và nói: “Mình vừa tìm ra màu vàng chanh cho sơn mài”. Đó là viên Ký ninh vàng chữa sốt rét có tên quinacrine. Ông cũng sử dụng phẩm xanh diệp lục phủ lên bạc trong sơn mài. Phát hiện màu mới, Nguyễn Sáng rất vui, niềm vui của người nông dân tìm ra hạt giống quý trên thửa ruộng của mình.
Các nhà phê bình mỹ thuật nói rằng: sau danh hoạ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng và Nguyễn Tư Nghiêm cũng là cây đại thụ của chất liệu sơn mài Việt Nam.
“Trong sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Sáng không chịu bó tay, liên tục đi tìm cái mới, cái riêng biệt. Tranh ông toát ra vẻ đẹp trần trụi mà chân thực, bình dị mà sang trọng, nghiêm khắc mà đôn hậu… Nguyễn Sáng như vó ngựa bất kham không chịu nổi sân đua, đã muốn phá rào về với thảo nguyên vô thức nguyên sơ của chính mình. Trên cái mâm bản ngã đã đầy ứ thức ăn của riêng ông, ông thèm món độc vị cực đoan cuối cùng…”
Nguyễn Sáng rất kén bạn. Năm 1946 đến 1953, hồi ở Tuyên Quang Việt Bắc, Nguyễn Sáng quen một đồng hương Nam Bộ: ông Nguyễn Kim Sơn (sinh 1927, Đại tá, Nguyên Cục trưởng Cục Chính trị Tổng cục III, Bộ Công An), hai ông quan hệ đến cuối đời. Nguyễn Sáng đã vẽ chân dung bằng sơn dầu bà Nguyễn Thị Huệ mẹ Kim Sơn mà ông gọi là “má”, và bức chân dung lụa duy nhất Sáng vẽ vợ Kim Sơn, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (30/4/1978).
Hồi xưa, ở Hà Nội, Nguyễn Sáng sống chung cùng một cô gái Pháp, 1945 cô về nước và bặt tin. Khoảng 1977, Nguyễn Sáng xây dựng gia đình cùng cô Nguyễn Thị Thủy (1955 -1979), cưới ngày 1 tháng 1 năm 1977, đoàn tụ trên dưới một năm thì cô Thủy qua đời tại Sài Gòn.
Nguyễn Sáng thường kính cẩn thương nhớ và nhắc đến người mẹ của ông ở Mỹ Tho, Tiền Giang.
Nguyễn Sáng tài năng và hào phóng là thế, nhưng rất nghèo và cô đơn. Chỉ có rượu và lao động nghệ thuật có thể làm cân bằng tâm thế đa chiều trong tâm hồn Nguyễn Sáng. Tôi nhiều lần được tiếp cận với ông trong tình trạng thiếu tiền và nhớ rượu. Ở Hà Nội, cái quán nhỏ nổi tiếng nơi các văn nghệ sỹ thường lui tới có tên “Thủy Hử” nằm trên phố Ngô Sỹ Liên gần Văn Miếu, là một cái lều trống trải, nền đất nện, vách bằng liếp trét đất, mái lợp lá và tôn. Trong quán, bàn ghế xiêu vẹo nhem nhuốc. Trên vách dán đầy tranh ảnh cắt trong họa báo cũ nhàu, lem luốc. Hôm mưa, nước dột ngay trên bàn khách đang ngồi nhâm nhi. Vậy mà, các cụ nhà ta những danh nhân nước Việt lại ưa thích tọa lạc nơi túp lều nhỏ này. Khi vào Sài Gòn, Nguyễn Sáng thường “xả hơi” nơi quán rượu trên đường Trương Định.
Trung tuần tháng 7 năm 1984, triển lãm cá nhân duy nhất lần đầu và cũng là lần cuối của Nguyễn Sáng khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông chỉ có 8 bức, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mượn về trưng bày hơn 140 bức phần lớn là sơn dầu và sơn mài.Trong triển lãm, Nguyễn Sáng nói “lần thứ nhất cha mẹ sinh ra ông, triển lãm này ông được tái sinh lần thứ hai”. Hình như ông còn một bức sơn dầu mang tên “Chợ Bo đẫm máu” tố cáo vụ nhân dân bị giặc tàn sát ở Thái Bình. Không biết tác phẩm này đang lưu lạc ở đâu?
Cũng trong triển lãm Nguyễn Sáng, nhà văn Nguyễn Tuân có nói đùa một câu: “Nguyễn Sáng vẽ tuyệt như thế mà chưa nhận được cái mề-đay nào nhỉ”. Mọi người trong triển lãm đều cười ồ lên.
Để khẳng định một nhân cách và tấm lòng nhân ái mà ông ứng xử với đồng loại, tôi xin kể vài kỷ niệm của tôi với Nguyễn Sáng.
Năm 1977, tôi và vợ con chuẩn bị di cư từ Hà Nội và Sài Gòn. Buổi đầu, nơi đất khách quê người, tôi gặp Nguyễn Sáng tại nhà ông ở Cầu Bông. Tôi chân thực bày tỏ cùng ông hoàn cảnh hiện tại của mình. Ngay lập tức, Nguyễn Sáng viết một bức thư cho bạn là đạo diễn Mai Lộc, Tổng thư ký Hội Điện ảnh và đưa cho tôi. Vì bức thư ngắn, hơn nữa để biết rõ thêm con người Nguyễn Sáng, tôi xin chép ra đây toàn bộ bức thư: “Sài Gòn 13/3/1977. Anh Mai Lộc mến, tôi về đây sáng tác một năm rất tiếc không gặp bạn. Độ gần tháng 4/1979 tôi sẽ trở ra Hà Nội. Tôi có anh bạn họa sỹ Bùi Quang Ngọc là hs có nhiều khả năng trong công tác nghệ thuật và có thể giúp ở anh rất nhiều. Vậy mong anh để ý giúp anh BQ Ngọc để có thể gần anh học hỏi thêm ở anh. Cám ơn anh. Hs Nguyễn Sáng (ký tên)” Đã 35 năm trôi qua, tôi còn lưu giữ đến nay bức thư có bút tích Nguyễn Sáng.

Sau triển lãm ở Hà Nội (1984), Nguyễn Sáng vào Sài Gòn. Tôi lại được gặp ông ở quán rượu trên đường Trương Định. Qua vài lời thăm hỏi, ông lấy trong túi ra một tập sách mỏng là vựng tập giới thiệu triển lãm cá nhân vừa qua của ông. Vựng tập in đen trắng, nộp lưu chiểu ngày 27/8/1984 tại Hà Nội. Ông mở sách viết tặng Ngọc đề ngày 7/12/1984 và ký tên. Tôi thật sự xúc động trước cử chỉ ưu ái đầy nghĩa tình của Nguyễn Sáng vẫn còn nhớ tới người bạn nhỏ ở phương Nam đã không có mặt trong triển lãm của ông. Vựng tập đó đang nằm trong tủ sách quý của gia đình tôi.
Cũng trong quán rượu ở đường Trương Định, một trưa, sau khi rượu đã ngà ngà say, Nguyễn Sáng bỗng tâm sự: “Người Nhật đặt mình vẽ hai tranh sơn mài đề tài quê hương và vũ trụ, quê hương thì đã rõ, còn vũ trụ thì mình đang nghĩ”. Hơi men đã ngấm, tôi bèn góp ý: “Anh cứ vẽ hai người đang bay trong vòm trời sao”, Nguyễn Sáng nghe xong, im lặng gật đầu.
Tôi nay đã ở tuổi 80, muốn nhắc lại để ghi tạc những gì còn nhớ được về danh họa Nguyễn Sáng. Lời nói gió bay, bao kỷ niệm mong manh rồi cũng phai nhòa hoặc sẽ lãng quên đi theo giòng năm tháng, biết tìm đâu?
Năm 1990, một lần từ miền Nam ra Hà Nội, tôi đến thăm ông Bổng ở 93 Hàng Buồm. Vừa mở cánh cửa trên gác nhà ông, tôi giật mình bàng hoàng sửng sốt trước bức tranh sơn mài Vũ trụ của Nguyễn Sáng. Bức tranh nền son đỏ với hai khối người đang bay cạnh chòm sao Bắc Đẩu hình ghế. Đây là một kiệt tác. Với bút lực dữ dội phi thường, tác phẩm này là kết tinh hoàn chỉnh cuối cùng của thiên tài Nguyễn Sáng, người tử vì đạo đã hiến trọn đời mình cho nghệ thuật.

Nguyễn Sáng như chiếc đòn gánh quẩy trên vai tinh hoa nghệ thuật của hai miền đất nước: huyết thống Nam Bộ và truyền thống Bắc Kỳ. Bộc trực – Hào phóng – Trữ tình – Uyên thâm và Cổ kính.
Những ngày cuối đời ở Sài Gòn, Nguyễn Sáng sống trong cô đơn, không nơi nương tựa, không người chăm sóc. Ông lại bị chứng tâm thần nhẹ, luôn trong tình trạng lo sợ, gặp ai cũng tưởng người đó sắp hại mình. Khi ông ngủ trong ngôi nhà trống trải ở Cầu Bông, khi ngủ nhà người em ruột tên là Hoa trên đường Lý Chính Thắng. Vì sức khỏe đã quá yếu, bạn bè và bác sỹ bắt ông cách ly rượu. Nguyễn Sáng không thể cùng một lúc nhịn vẽ và nhịn rượu. Và… điều đáng tiếc đã xảy ra hay giờ định mệnh đã điểm. Hôm ấy, bị ức chế vì cơn khát rượu, lại thiếu tiền, Nguyễn Sáng bèn vời một đệ tử lưu linh tên là Tích, đến nhà họa sỹ Thanh Liêm lấy lại mấy ký họa chì khổ nhỏ mà ông đã vẽ làm tư liệu cho tác phẩm “Trong vườn”. Tích bán tranh, có tiền và mua rượu. Đây là bữa rượu “bụi đời” cuối cùng của họa sỹ. Cơn say bất tận đã cuốn theo thiên tài Nguyễn Sáng của chúng ta mãi mãi vào cõi vĩnh hằng.


Bùi Quang Ngọc

Bài đăng Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh tháng 08/2013

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.