(Bài của Herschel B. Chipp – giới thiệu phần các thư từ của Cézanne trong sách Theories of Modern Art – University of California Press, 1968, dịch bởi tác giả Trịnh Lữ)
Chúng ta chỉ biết đến quan điểm nghệ thuật của Cézanne qua một số rất ít thư từ riêng của ông. Ông viết thư rất nhiều, phần lớn vẫn còn lưu giữ được, nhưng lại rất ít khi nói đến nghệ thuật, mà chỉ trao đổi những việc gia đình, bạn bè và những chuyện chung chung khác. Ngay cả trong đống thư khổng lồ ông viết cho người bạn từ thủa thơ ấu là Emile Zola, người rất năng động trong các nhóm trí thức và nghệ sỹ ở đô thành Paris, ông cũng chỉ nói những chuyện riêng tư, về các cuốn tiểu thuyết của Zola, và đủ các chuyện khác nữa, nhưng chả đả động gì đến chuyện vẽ của mình. Trong những thư viết cho người bạn thân đồng thời là bảo trợ tinh thần của mình là họa sỹ Camille Pissaro, ông cũng viết rất dài về vô số những vấn đề gia đình của người bạn già cũng như của mình, nhưng chả mấy khi động đến các vấn đề lý thuyết nghệ thuật.
Một bức tự họa của Cézanne
Số ít những thư từ của ông có viết về nghệ thuật là do những hoàn cảnh đặc biệt, và có vẻ có lý do khá rõ ràng. Phần lớn số thư này được viết trong ba năm cuối đời, khi ông đã gần 70 tuổi, và tất cả chúng đều là viết cho ba chàng trai trẻ, những người đã cố gắng rất nhiều để có thể trở thành bạn của ông, người họa sỹ già cô độc. Cả ba người này đều đã lần lượt trở thành bạn thân của Cézanne, thật sự biết được những quan điểm của ông, những nghi ngại và sợ hãi, và lòng căm ghét của ông đối với đám phê bình cũng như không khí quan cách của giới nghệ thuật Paris.
Joachim Gasquet (1873-1921) là nhà thơ, tìm đến với Cézanne khi mới 23 tuổi sau khi xem và khâm phục tác phẩm của ông bày ở phòng tranh Père Tanguy tại Paris năm 1896. Lúc đầu, mặc dù Gasquet là con trai một người bạn từ thủa nhỏ của mình, ông già Cézanne vẫn nghi ngờ và còn cho rằng anh này định riễu cợt mình. Tuy nhiên, thái độ nghiêm túc nhẹ nhàng và tế nhị của Gasquet đã làm nảy nở mối quan hệ ấm áp giữa hai bác cháu. Charles Camoin là một sinh viên mỹ thuật. Năm 1901, ở tuổi 22, khi đang làm nghĩa vụ quân sự tại Aix, anh đã tìm đến xin được Cézanne khuyên bảo. Hai bác cháu cũng thành thân thiết và trong những thư từ qua lại về sau, Cézanne đã bộc lộ với anh nhiều ý kiến về nghệ thuật của mình. Emile Bernard (1868-1941) thì Cézanne đã nghe tên từ năm 1890 khi đọc một bài viết của anh ca ngợi các tác phẩm của mình, đăng trên loạt bài Les Hommes d’Aujourd’hui tại Paris. Lúc ấy Bernard mới 22 tuổi. Nhưng mãi đến năm 1904, hai người mới gặp nhau khi Bernard đến tìm ông tại Aix. Anh đã có được lòng tin của ông già Cézanne đến mức trở thành một đệ tử thân tình nhất của ông. Bernard là một thanh niên đặc biệt năng động, cực kỳ hiếu học, và có đầu óc lý thuyết. Anh đã rời bỏ Gauguin và nhóm Nabis để tìm kiếm một dạng hội họa mạnh mẽ hơn về Hình mà anh hy vọng sẽ có những hàm súc tín ngưỡng đích thực. Những câu hỏi truy tìm trung thực của anh rõ ràng đã khích lệ Cézanne xác định được những ý tưởng của riêng ông về nghệ thuật, phần nhiều đều có ý uốn nắn chính những suy tưởng mà Bernard đã bộc lộ trong những câu hỏi nêu ra với ông. Bernard đã có một tháng liền theo Cézanne đi vẽ và trò chuyện cùng ông. Trong một loạt những bức thư qua lại sau đó, Cézanne đã diễn đạt được rõ ràng nhất các ý tưởng của mình. Từ dịp gặp gỡ và những trao đổi thư tín ấy, Bernard đã viết nhiều bài báo truyền đạt khúc triết các tư tưởng của Cézanne.
Trong bài “Une Conversation avec Cézanne” đăng trên tờ Mercure de France năm 1921, Bernard viết:
“Năm 1904, khi cùng nhau đi bộ quanh vùng Aix, tôi đã hỏi Cézanne:
Bác nghĩ sao về các bậc thầy thời xưa?
Họ hay chứ. Thời còn ở Paris sáng nào bác cũng đến Louvre; nhưng rồi cuối cùng bác vẫn gắn bó với thiên nhiên hơn họ. Ai cũng phải tạo được một cách nhìn riêng của mình.
Nghĩa là thế nào ạ?
Nghĩa là mình phải tạo một hệ quang học riêng, phải nhìn thiên nhiên như chưa từng có ai đã nhìn như thế…
Liệu như vậy có thành một cách nhìn quá riêng tư, người khác không ai hiểu được không ạ? Dù gì đi nữa, vẽ vẫn cứ khác nói, phải không ạ? Khi nói, cháu dùng cùng một thứ ngôn ngữ với bác. Liệu bác có hiểu cháu không nếu cháu dùng một ngôn ngữ do chính cháu tạo ra, chả ai biết cả? Diễn đạt ý tưởng mới vẫn cứ phải dùng ngôn ngữ chung, phải không ạ? Có lẽ đấy là cách duy nhất khiến các ý tưởng mới ấy có giá trị và được chấp nhận.
Khi nói hệ quang học, là bác muốn nói đến một cách nhìn có logic, không có cái gì ngớ ngẩn trong đó.
Nhưng hệ quang học ấy của bác dựa trên cơ sở gì, thưa bác?
Dựa vào thiên nhiên.
Hai chữ ‘thiên nhiên’ bác dùng ở đây có nghĩa gì ạ? Nó là cái tự nhiên ở ngoài kia, hay là bản chất tự nhiên của chúng ta?
Là cả hai.
Tức là, bác quan niệm nghệ thuật là sự đồng nhập của vũ trụ và cá thể?
Bác quan niệm nó như một cảm thụ có ý thức. Bác xây dựng cái cảm thụ có ý thức ấy từ giác quan, rồi vận dụng trí lực tổ chức nó thành tác phẩm.
Nhưng bác đang nói đến những giác quan nào? Những giác quan về cảm xúc, hay những giác quan trong võng mạc của bác?
Bác nghĩ chúng không thể tách bạch được. Ngoài ra, là một họa sỹ, bác gắn bó trước hết với thị giác.”
Mặc dù Cézanne luôn chán ghét sâu sắc việc truyền dạy và mọi phương diện thể chế hóa nghệ thuật, ta có thể hiểu lý do tại sao ông lại đáp ứng mối quan tâm như vậy của mấy người trẻ tuổi. Họ đã tìm đến ông như học trò, đều rất xúc động trước những tác phẩm của ông, hăng hái muốn hiểu công việc của ông để tự tiến trong sự nghiệp của mình. Ông trở thành một nhà thông thái, đơn độc và lớn lao, việc làm và cử chỉ nào cũng là quý giá. Cái vị thế độc đáo ấy khác hẳn với tình cảnh lúng túng và thậm chí khổ sở của ông mỗi khi ngồi giữa những cuộc trò chuyện đao to búa lớn của đám người tụ họp nhau ở quán Cafe Guerbois (nhóm họa sỹ Ấn tượng), và với lòng căm hận đối với đám phê bình thường phê phán chỉ trích công việc của ông. Khi về già, ông thường than rằng cả thế hệ đồng trang lứa đã chống lại mình. Cái ẩn ức ấy đã hình thành và ngày càng sâu sắc thêm với hàng loạt những rào cản từ thời còn trẻ luôn ngăn cản ước vọng trở thành họa sỹ của ông. Nó xuất phát ngay từ trong gia đình, nơi mà mãi sau này, cha mẹ mới chịu đầu hàng ý chí hội họa của ông; rồi tiếp tục ở Paris, nơi từ các phòng tranh sang trọng cho đến giới buôn tranh và người sưu tầm đều liên miên từ chối ông. Trong khi đó, những người bạn của ông trong nhóm Ấn tượng thì lại được công nhận, lần lượt từng người một, đến nỗi khi tất cả họ đều đã được phòng tranh có thẩm quyền nhất nước Pháp (Salon) chấp nhận vào năm 1880, mà ông vẫn bị gạt ra ngoài.
Sự kiệm lời của ông về lý thuyết hội họa chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Mặc dù luôn nói rằng mình chỉ làm chứ không thích lý thuyết, ông không phải là người phản tri thức. Ông đã từng học rất giỏi ở nhà trường, năm nào cũng được giải thưởng, đặc biệt về môn Latin và toán học; và khi còn trẻ ông còn thường làm cả thơ cho Zola. Ông thông thạo các tác phẩm lớn trong văn học và kịch, có những bình luận sắc sảo ghi trong các cuốn tiểu thuyết được nhiều tác giả gửi tặng. Nhưng ông không thể tham gia, không thể chịu đựng nổi những cuộc đối thoại tinh tướng của bạn bè họa sỹ văn sỹ của ông tại Cafe Guerbois diễn ra trong năm 1866. Thường ông chỉ lầm lỳ ngồi đó. Khi nào lên tiếng thì thể nào cũng thành cãi vã cáu bẳn rồi tức giận bỏ về. Có vẻ ông chỉ có thể bàn luận nghiêm túc với từng người một, và chỉ khi hoàn toàn thoải mái với người ấy. Người bạn nghệ sỹ có ảnh hưởng nhất với ông là Camille Pissaro – một con người thông thái và nhẹ nhàng. Hai ông quen nhau từ năm 1861, rồi trở thành rất thân tình khi Cézanne dọn đến Auvers vào năm 1872. Pissaro là tấm gương cho ông trong việc lấy nghiên cứu thiên nhiên làm đầu, rồi mới cho phép các ý tưởng và lý thuyết theo sau, nếu thực sự cần thiết.
Câu chữ của Cézanne vụng về, khó hiểu, và thường không đúng ngữ pháp. Ông diễn ngôn rất khó khăn. Rất giống với những bức vẽ đầu tiên của ông.
Việc Cézanne mở lòng trò chuyện với những nghệ sỹ trẻ đã có được tình bạn của ông cho thấy ông không phải là một kẻ ghét người lánh đời như thiên hạ vẫn nghĩ. Bức tranh “Hommage à Cézanne” của Maurice Denis, vẽ năm 1900, đã thu hút rất nhiều sự chú ý khi ra mắt trong cuộc triển lãm La Libre Esthétique tại Brussels năm 1901. Bức tranh mô tả một nhóm các họa sỹ trẻ (Redon, Vuillard, Denis, Sérusier, Ranson, Roussel, Bonnard) tụ họp tại phòng tranh của Vollard để chiêm ngưỡng một bức tĩnh vật của Cézanne. Mãi đến năm 1895, khi đã 56 tuổi, tranh của ông mới được bày ở phòng tranh này tại Paris. Sau đó là ở các triển lãm năm 1900 tại Paris Centennial và năm 1905 tại Salon d’Automne. Chỉ đến thời kỳ sống biệt lập cuối đời, khi đã thảnh thơi trong suy tưởng và có mối quan hệ gần gụi nhất với thế giới nghệ thuật đương thời, ông mới có thể nói chuyện với những thanh niên này về thái độ nghệ thuật của mình.
Hommage à Cézanne
Tác giả : Trịnh Lữ, dịch từ bài của Herschel B. Chipp – giới thiệu phần các thư từ của Cézanne trong sách Theories of Modern Art – University of California Press, 1968.
Nguồn : trinhlu.wordpress.com