“Tôi bảo Picasso, hiện nay nhiều người đang nói rằng với các liên hệ chính trị mới đây của mình, ông đã trở thành một lãnh tụ văn hóa và chính trị của nhân dân, rằng có thể ảnh hưởng của ông đối với tiến bộ nhân loại sẽ rất rộng lớn. Picasso nghiêm túc gật đầu và nói “Đúng, tôi cũng biết vậy.” Tôi nhắc đến chuyện ở New York chúng tôi đã bàn thảo về ông ra sao, nhất là về bức bích họa Guernica. Tôi nói về ý nghĩa của con bò, con ngựa, những bàn tay có đường chỉ số phận, vân vân, và nguồn gốc của các biểu tượng trong thần thoại Tây Ban Nha. Picasso gật đầu liên tục. “Đúng thế,” ông tiếp lời, “con bò trong tranh đại diện cho sự tàn bạo, con ngựa là nhân dân. Đúng, tôi có dùng biểu tượng ở đó, nhưng ở các bức tranh khác thì không.”
Tranh Guernica vẽ vào năm 1937 bởi Pablo Picasso
Tôi giải thích cách hiểu của mình đối với hai bức tranh của ông đang triển lãm, một bức vẽ một con bò, một cây đèn, một bảng pha màu và cuốn sách. Tôi bảo con bò chắc là chủ nghĩa phát xít, cái đèn, với vầng sáng của nó, rồi bảng pha màu với cuốn sách, tất cả đều đại diện cho văn hóa và tự do – những thứ mà chúng ta đang chiến đấu để có được – và như vậy, bức tranh cho thấy cuộc chiến dữ dội đang diễn ra giữa hai thế lực ấy.
“Không phải đâu,” Picasso nói, “con bò không phải là phát xít, mà là sự tàn bạo và bóng tối.”
Tôi nhắc đến chuyện hiện chúng tôi đang chờ xem liệu ngôn ngữ hội họa của ông có sắp xuất hiện những biểu tượng đơn giản và dễ hiểu hơn không.
“Tranh tôi chả có biểu tượng gì cả,” ông đáp. “Chỉ có mỗi Guernica là biểu tượng thôi. Nhưng vì nó là bích họa, nên gọi là ẩn dụ thì hơn. Vì vậy mà tôi mới dùng đến ngựa, bò, vân vân. Bích họa là nơi cần diễn đạt và giải quyết dứt khoát rõ ràng một vấn đề, nên tôi mới dùng đến biểu tượng.”
“Một số người,” ông nói tiếp, “có gọi một thời kỳ sáng tác của tôi là ‘siêu thực’. Tôi không phải là một họa sỹ siêu thực. Tôi chưa bao giờ xa rời thực tế. Tôi luôn sống trong cốt lõi của thực tại. Người ta có thể diễn đạt chiến tranh một cách văn hoa, lịch lãm và thẩm mỹ với hình tượng cánh cung mũi tên, nhưng với tôi, nếu vẽ chiến tranh thì tôi sẽ vẽ một cỗ súng liên thanh! Bây giờ, thời đại biến động và cách mạng này đòi hỏi một lối vẽ cách mạng, không thể vẽ như trước được.” Rồi ông nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi “Vous me croirez?” (Anh có tin tôi không?)…
Ảnh chụp Pablo Picasso đang vẽ bức Guernica vào năm 1937
“…Nhưng,” tôi không chịu bỏ cuộc, “chắc chắn ông đã nghĩ cũng như cảm thấy một cách sâu sắc rằng những vật ấy có ảnh hưởng đến thế giới. Ông biết rằng những thứ trong tiềm thức của mình là kết quả của tương tác với cuộc sống, là ý nghĩ và phản ứng của mình với cuộc sống. Không thể có chuyện chỉ hoàn toàn ngẫu nhiên mà ông đã dùng những hình tượng ấy, trình bày chúng theo một cách đặc biệt. Ý nghĩa chính trị của chúng luôn ở đó, dù ông có ý thức về nó hay không.”
“Đúng vậy,” ông đáp, “điều anh nói rất đúng, nhưng tôi không biết tại sao tôi lại dùng những hình tượng cụ thể ấy. Chúng chẳng đại diện cho cái gì khác cả. Con bò là con bò, bảng pha màu là bảng pha màu, và cái đèn là cái đèn. Thế thôi. Với tôi, chúng chả dính dáng gì đến chính trị. Bóng tối và tàn bạo, đúng, nhưng không phải là chủ nghĩa phát xít.”
Ông đưa tay chỉ bức tranh khắc vẽ cái cốc thủy tinh và quả chanh. “Kia kìa”, ông nói, “một cái cốc thủy tinh và một quả chanh, hình và màu – các thứ đỏ, xanh, vàng. Anh có thấy ý nghĩa chính trị nào trong đó không?”
“Chỉ là các vật cụ thể,” tôi đáp, “không có gì khác”.
“Đấy,” ông tiếp lời, “con bò, cái bảng pha màu và cái đèn cũng hệt như vậy”. Ông nhìn tôi rất chăm chú và tò mò, rồi nói tiếp, “Nếu tôi là một nhà hóa học, cộng sản hoặc phát xít – và pha chế được một dung dịch màu đỏ, thì đó không có nghĩa là tôi đang làm tuyên truyền cộng sản, có phải không nào? Nếu tôi vẽ búa liềm, người ta có thể nghĩ đó là hình tượng cộng sản, nhưng với tôi nó chỉ đơn thuần là cái búa và cái liềm. Tôi chỉ muốn tái tạo các vật để cho thấy chúng là cái gì, chứ không phải chúng có nghĩa gì. Nếu anh gán ý nghĩa cho những thứ trong tranh tôi, thì cũng có thể rất đúng, nhưng đấy không phải là ý định của tôi khi vẽ. Những ý tưởng và kết luận của anh thì tôi cũng có thể có, nhưng chỉ trong bản năng, vô thức. Tôi vẽ là vẽ cái tranh. Mọi vật là gì thì tôi vẽ ra thế. Nó ở trong tiềm thức của tôi. Khi mọi người xem tranh thì ai cũng có thể tìm ra một ý nghĩa nào đó, mỗi người mỗi khác. Tôi không nghĩ đến việc cố gắng truyền đạt một ý nghĩa cụ thể nào. Không có một ý thức tuyên truyền nào trong tranh của tôi.”
“Trừ Guernica,” tôi có ý nhắc.
“Đúng,” ông đáp, “trừ bức Guernica. Nó có một ý định kêu gọi rõ rệt, một ý thức tuyên truyền mạnh mẽ…”
“Tôi là một người cộng sản và hội họa của tôi là hội họa cộng sản… Nhưng nếu tôi là thợ đóng giầy, một người bảo hoàng hay cái gì khác, tôi sẽ không nhất thiết phải có cách gõ búa đóng giầy theo một cách đặc biệt để bày tỏ ý thức chính trị của mình.”
Tác giả : Trịnh Lữ, dịch từ bài đăng trên tờ New Masses – New York, ngày 13/03/1945
Nguồn : trinhlu.wordpress.com