Theo trình tự thời gian xin giới thiệu những bức tượng của ông Petrus Ký đã được thực hiện mà bản thân mình được biết:

1) Bức tượng đầu tiên của ông Petrus Ký được khắc chính là bức tượng đồng bán thân trước đây đặt giữa sân trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký.

Bức tượng này do nhà điêu khắc Sylve Raffegeard thực hiện ở Saigon năm 1889 (9 năm trước khi ông Petrus Ký mất). Bên hông phải của tượng còn khắc rõ tên của tác giả và năm đúc.

Ngày 6-12-1937, nhân lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhà văn hóa, nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký, trường Petrus Ký đã đặt tượng bán thân bằng đồng này của ông Petrus Trương Vĩnh Ký tại giữa sân trường.

Bức tượng tạc theo chân dung của ông khi còn trẻ, trên ngực ngoài Ngọc Khánh và Long Khánh do vua Đồng Khánh trao tặng, chỉ đeo 4 Huy chương tư`trái sang:

1) Bắc Đẩu Bội Tinh đệ ngũ đẳng của Pháp

2) Palmes d’Académie của Hàn Lâm viện Pháp,

3) Tứ đẳng Long tinh của Nam triều

4) Isabelle la Catholique của Tây Ban Nha .

Chiếc huy chương thứ 5 trong hình chụp ông lúc về sau này (Dũng sĩ cứu thế của Tòa thánh La Mã) không thấy khắc trên hình này.

Tượng có một vết đạn thủng bên má trái, mà các CHS gọi là “má lúm đồng tiền”. Về nguồn gốc cái “má lúm đồng tiền” này, được biết là có hồi thời Bình Xuyên giao tranh với Quân Đội Quốc Gia của TT Ngô Đình Diệm đầu thập niên 1950. Nha Cảnh Sát ở ngang hông trường Bác Ái (đối diện trạm xăng, bây giờ là Bộ Công An) lúc đó do Ông Lại Hữu Tài thuộc lực lượng Bình Xuyên (do Pháp hậu thuẩn) trấn giữ không chịu sáp nhập vào Tổng nha CS của VNCH. Nên lực lựợng Bình Xuyên bố trí quân chiếm đóng trường Petrus Ký để ngăn chận vòng ngoài lực lượng VNCH của TT Ngô đình Diệm. Đã có chạm súng tại đây và lạc đạn trúng vào má tượng ông Petrus Ký …

Tượng ông Petrus Ký hiện nay được lưu giữ trong phòng truyền thống trường.

2) Bức tượng đồng toàn thân của ông Petrus Ký trước đây đặt tại vườn hoa trước Dinh Độc Lập.

Tượng này cao khoảng 1,70m, tương đương với chiều cao thực của ông. Tượng đúc bằng đồng, đặt đứng trên bục cao, mặc áo dài, đầu đội khăn đóng – đây là hai loại trang phục đã gắn liền suốt cuộc đời của  ông Petrus Ký.

Bức tượng này được thực hiện sau khi ông Petrus Ký đã tạ thế. Trên  trang đầu báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 4-6-1908 (10 năm sau khi ông Petrus Ký mất) đã kêu gọi dựng tượng Trương Vĩnh Ký ở trung tâm Sài Gòn. Tờ báo này thuộc phong traò Minh Tân do ông Trần Chánh Chiếu đứng đầu. Từ đó cho đến số báo Lục Tỉnh Tân Văn ra ngày 31-12-1908 quyên góp được 650 đồng Đông Dương.

Tuy nhiên, sau đó tờ Lục Tỉnh Tân Văn bị tạm ngưng vì Trần Chánh Chiếu bị Pháp bắt nên việc quyên tiền dựng tượng Trương Vĩnh Ký chuyển sang tờ báo Nam Kỳ Địa Phận. Song song với tờ Nam Kỳ Địa Phận, tờ báo Nông Cổ Mín Đàm cũng tổ chức quyên góp tiền trong nhân dân để cùng nhau dựng tượng Trương Vĩnh Ký.

Ngày 6-12-1922, biên bản của hội đồng phụ trách quyên góp dựng tượng Trương Vĩnh Ký đã lên tới 10.123,15 đồng Đông Dương và đã gửi ở Ngân hàng Đông Dương bên Pháp. Hội quyết định đúc một tượng bán thân do nhà điêu khắc Durenne ở Paris thực hiện với giá khoảng 1.500 franc, làm một chân tượng bằng đá là 20.000 đồng Đông Dương.

Năm 1923, tượng bán thân Trương Vĩnh Ký hoàn tất, chuyển từ Pháp sang, nhưng tượng này đã không được dựng vì ý kiến của đông đảo công chúng muốn dựng tượng toàn thân của Trương Vĩnh Ký.

Mãi đến ngày 18-12-1927, tượng toàn thân của Trương Vĩnh Ký đã hoàn tất và được dựng quay mặt ra đường Norodom, trong công viên đầy cây xanh trước Dinh Toàn Quyền Sài Gòn (Dinh Norodom, sau này là Dinh Độc Lập). Cũng nhân dịp này Thống Đốc Nam Kỳ lúc đó là B. De La Brosse cũng đã công bố nghị định “Trường Trung Học Pháp-Việt cất gần rồi tại Chợ Quán sẽ lấy tên Pétrus Ký Trung Học Đường”.

Bức tượng đồng này sau năm 1975 đã bị tháo dỡ, tượng hiện nay nằm ở Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố (Nhà chú Hỏa, 97 Phó Đức Chính). Còn đế thì có dạo thấy tại Bảo tàng thành phố (Dinh Gia Long, 65 Lý Tự Trọng)

3) Tượng bán thân đặt tại mộ ông Petrus Ký trên nhà cũ của ông tại  số 520 đường Trần Hưng Đạo,  Quận 1.

Bức tượng này lấy mẫu từ bức tượng đồng ở trường Petrus Ký. Tượng này bằng thạch cao, sơn đen, khiến kẻ xấu từng đánh cắp vì tưởng là tượng đúc bằng đồng đen. Con cháu cụ Trương Vĩnh Ký đã phải bỏ tiền chuộc lại để mang về thờ cho đến hiện nay.

4) Gần 1975 có một bức tượng đồng đúc theo mẫu bức tượng đồng bán thân ở trường Petrus Ký.

Sau 1975 cha xứ nhà thờ Tân Sa Châu đã tìm mua được tượng này ở một tiệm ve chai đồng nát (vị linh mụcnày được xem như là một trong các nhà sưu tập đồ cổ lớn nhất Viêt Nam). Ban đầu đem về để tại nhà thờ Tân Sa Châu, về sau mới được đem dựng tại Đại chủng viện Thánh Giuse (số 6 đường Tôn Đức Thắng, Quận 1) như hiện nay.

5) Tại nhà thờ Cái Mơn (Huyện Chợ Lách, Tỉnh Bến Tre), quê hương ông Petrus Ký, cha xứ nhà thờ cũng đã cho dựng tượng bằng xi măng và bia tiểu sử của ông Petrus. Bức tượng này ban đầu chỉ là bán thân do con cháu dòng họ ông Petrus Ký quyên góp thực hiện  vào năm 2000 và dựng ở khuông viên bên sau nhà thờ, sau đó được thực hiện thành toàn thân và dựng phía truớc nhà thờ như hiện nay

6) Năm 1997 một trường Phổ Thông Trung Học Tư Thục mang tên Trương Vĩnh Ký đã được thành lập tại số 110 Bành Văn Trân, Quận Tân Bình do Giáo Sư Hoàng Như Mai làm Hiệu trưởng. Năm 2001 một cơ sở thứ 2 tại  21 Trịnh Đình Trọng, Quận 11 đã được khánh thành. Tại cả hai cơ sở này đều có dựng tượng bán thân cùng bia tiểu sử  của ông Trương Vĩnh Ký. trong sân trường. Bức tượng này lấy nguyên mẫu từ tượng đồng của trường Petrus Trương Vĩnh Ký.

7) Tại Hải Ngoại anh Điêu khắc gia Phạm Thế Trung (PK 67-72, Toronto, Canada) vào năm 1998 dựa trên những hình ảnh tài liệu về ông Petrus Ký và bằng cảm xúc của mình, đã thực hiện hoàn tất một bức tượng bán thân bằng thạch cao to bằng người thật. Bức tượng này hiện được Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam Cali lưu giữ và trưng bày tại những lần Đại Hội.

8) Tại Trường Trung-Tiểu Học Pétrus Ký (viết theo đúng tên chính thức của trường) tại thành phố Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương cũng có đặt một tượng bán thân của ông Petrus Ký rất trang trọng. Trường Trung-Tiểu Học Pétrus Ký thành lập đã trên 10 năm.

9) Năm 2010 một tượng đồng của cụ Petrus Ký đã được Tạp chí Xưa & Nay (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) cùng với chính quyền tỉnh Bến Tre, huyện Chợ Lách đã tổ chức khánh thành tại trường Trung Học Trương Vĩnh Ký (Huyện Chợ Lách) vào sáng 6/12/2010 – đúng ngày sinh nhật của cụ.

Tham gia đóng góp kinh phí xây dựng tượng có nhiều đơn vị, trong đó có Ban liên lạc Cựu học sinh trường Petrus Ký – LHP và Trung tâm đào tạo Việt Nam Hợp Điểm.  Đại diện của Ban liên lạc là thầy Võ Anh Dũng (PK 65-72, hiệu trưởng trường THPT Chuyên LHP)  và bạn Trần Hữu Phúc Tiến (PK 73-75, Giám đốc trung tâm đào tạo Việt Nam Hợp Điểm) đã đến dự lễ khánh thành tượng. Đặc biệt tham dự buổi lễ còn có Thầy và Cô Hồ Văn Thái, nguyên Giáo sư Pháp văn trường Petrus Ký, vừa  từ Đức về thăm Việt Nam.

Bức tượng bán thân đặt tại trường Trung Học Trương Vĩnh Ký Huyện Chợ Lách được đúc lại từ mẫu tượng của cha nhà thờ Tân Sa Châu.

10) Tại Hải Ngoại một Nhóm Thiện Chí Xây Dựng Tượng Đài Nhà Bác Ngữ Học Petrus Trương Vĩnh Ký cũng đã được thành lập, với thành phần nồng cốt là các cựu học sinh Petrus Ký tại Hải Ngoại, cùng một Ban Cố Vấn gồm các Giáo Sư trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký Sài Gòn. Sau khi Thầy Hiệu trưởng  Nguyễn Thanh Liêm từ trần, thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Nhơn đã đứng ra nhận lãnh nhiệm vụ Trưởng Ban Cố Vấn. Tượng Petrus Trương Vĩnh Ký cao 7.5ft bằng thạch cao, sẽ được đúc đồng đặt trên bục đá granite cao 4.5ft. Tượng do Điêu khắc gia Phạm Thế Trung (PK 67-72, Toronto, Canada) sáng tác bằng thạch cao và sẽ do công ty đúc đồng và lắp ráp Mussi Artworks Foundry & Gallery – Berkeley, California thực hiện.

Hiện Nhóm Thiện Chí Tượng Đài Petrus Ký Hải Ngoại đang chuẩn bị chọn địa điểm dựng tượng thích hợp, với tieû chí “Tôn vinh ông, một học giả có tên tuổi lớn của Việt Nam và nhắc nhở cho các thế hệ trẻ nói chung, biết noi gương hiếu học của ông, và những người Việt Hải Ngoại nói riêng, nhận biết được di sản của mình mà ra sức duy trì, bảo tồn Ngôn ngữ và Văn hoá cội nguồn”.

 Ước mong tượng đài Petrus Ký Hải Ngoại sẽ kịp khánh thành  đúng  vào ngày 6.12.2017, nhân dịp kỷ niệm 180 năm ngày sinh nhật của ông Petrus Trương Vĩnh Ký.

 

Tác giả: Trương Quí Hoàng Phương (PK 1974-1975)

Nguồn : petruskyaus.net

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.