Tôi là người say mê pháp lam đến mức cực đoan, đến nỗi, tôi đặt tên cho lễ kỷ niệm 10 năm ngày cưới của mình là lễ cưới pháp lam, thay vì lễ cưới đồng, lễ cưới gỗ… như bạn bè đề nghị. Vì thế, mỗi khi có dịp “thăm viếng” các bảo tàng ngoại quốc, nhất là các bảo tàng chuyên về nghệ thuật Đông Á, tôi luôn “sục sạo” từ phòng trưng bày cho đến các phòng kho để “truy tìm” pháp lam, đặc biệt là pháp lam Huế.
Dù được giới nghiên cứu và sưu tầm cổ vật ở trong nước đánh giá rất cao về các giá trị mỹ thuật và lịch sử, nhưng pháp lam Huế lại ít được biết đến ở nước ngoài. Đa phần, các nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật trên thế giới chỉ quan tâm đến pháp lam Trung Quốc (falang) và pháp lam Nhật Bản (shipouyaki) do hai nước này là những cường quốc về kỹ nghệ chế tác đồ pháp lam. Thậm chí, năm 2005, khi Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa pháp lam Huế sang Nhật dự triển lãm World Expo, một viên chức hải quan ở sân bay Narita đã ngạc nhiên hỏi tôi: “Việt Nam cũng làm được shipouyaki à?” (Người Nhật gọi pháp lam là shipouyaki). Vì thế, phần lớn các curator trong các bảo tàng nước ngoài, khi sưu tầm được những món pháp lam Huế, thì thường xếp chúng vào sưu tập pháp lam Trung Hoa.
Trong chuyến nghiên cứu cổ vật Việt Nam ở châu Âu vào mùa thu năm 2004, tôi có viếng thăm kho của Bảo tàng Dân tộc học Berlin (Đức) và nhìn thấy ba món pháp lam Huế để lẫn trong sưu tập pháp lam Quảng Đông (Trung Quốc). Khi tôi nói những món pháp lam này do Pháp lam tượng cục ở Huế chế tác vào giữa thế kỷ XIX, thì TS. Siegmar Nahser, phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Berlin, rất ngạc nhiên. Ông cho biết: “Những cổ vật này đến từ Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á của Đông Đức trước đây. Sau ngày nước Đức thống nhất, các bảo tàng ở Đông Berlin và Tây Berlin sát nhập với nhau, nên có nhiều hiện vật chưa được thống kê và kiểm định trở lại. Chúng tôi cứ nghĩ những cổ vật này là pháp lam Trung Hoa nên để chúng trong sưu tập Trung Hoa”. Bảo tàng Dân tộc học Muenchen (Đức) cũng lưu giữ khoảng chục món pháp lam Huế, trong đó có một chiếc bình dâng rượu cúng trang trí ngũ phúc triều thọ thật đẹp.
Sưu tập pháp lam Huế thú vị nhất mà tôi “tìm được” trong các chuyến du khảo cứu của mình là ở Bảo tàng Mỹ thuật Rennes (Pháp). Khi được TS. Françoise Coulon, quản thủ bảo tàng, hướng dẫn tôi đi thăm hệ thống kho cổ vật của Bảo tàng Mỹ thuật Rennes, tình cờ tôi nhìn thấy mấy món pháp lam để lẫn với mấy món đồ đồng và đồ ngà cũ kỹ trong một góc kệ. Tôi ngỏ ý muốn được xem kỹ những món đồ này thì Françoise Coulon cho biết: “Cách đây hơn 15 năm, bảo tàng chúng tôi nhận được một nhóm cổ vật do những người lính lê – dương quê ở vùng Bretagne, từng tham chiến ở Đông Dương, hiến tặng, trong đó có những món đồ này. Tôi không nghiên cứu về nghệ thuật châu Á nên không có nhiều thông tin về nhóm hiện vật này. Vì thế, đành tạm xếp chúng vào nhóm hiện vật chờ giám định. Nếu anh có thông tin gì về nhóm hiện vật này, xin vui lòng cung cấp chúng tôi”. Khi những hiện vật này được đưa đến để nhờ tôi giám định, tôi thật sự mừng rỡ khi nhận ra chúng là những cổ vật pháp lam của triều Minh Mạng (1820 – 1841), triều Thiệu Trị (1841 – 1847) và triều Tự Đức (1848 – 1883). Đó là những quả hộp, chậu chưng cành vàng lá ngọc và các bộ đồ uống trà trong hoàng cung Huế trước đây. Trên những món pháp lam này còn dán những chiếc tem nhỏ ghi rõ xuất xứ từ Annam (tức xứ Trung Kỳ, theo cách phân chia thời Pháp thuộc; hai xứ kia là Tonkin, tức Bắc Kỳ và Cochinchine, tức Nam Kỳ, cũng xuất hiện trên những chiếc tem dán lên một số hiện vật khác). Hiện tại, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang sở hữu hơn 100 hiện vật pháp lam, nhưng không có bộ đồ uống trà nào. Trong khi, một bảo tàng xa lạ nơi đất khách quê người này lại sở đắc đến 3 bộ đồ trà bằng pháp lam Huế. Thật là một bất ngờ thú vị.
Một nhà sưu tập khác ở Paris là Philippe Truong cũng sở đắc nhiều món pháp lam Huế rất quý giá. Anh thường lang thang trong các chợ bán đồ cũ ở ngoại ô Paris, hay tham gia các phiên đấu giá cổ vật, và thỉnh thoảng, đã mua được những món pháp lam Huế với giá rất hời. Anh cho hay: “Người châu Âu không hề biết rằng Việt Nam từng làm ra những món pháp lam tuyệt hảo. Vì thế, họ cứ nghĩ đó là đồ Tàu. Đôi lúc, tôi cũng mua được từ người Pháp những món pháp lam Huế với giá rất rẻ do họ không hiểu giá trị của chúng”. Philippe Truong còn giới thiệu với tôi một chiếc dĩa ăn pháp lam vẽ rồng 5 móng bằng hai màu xanh trắng. Đây là một cổ vật tiêu biểu của pháp lam triều Minh Mạng, triều đại duy nhất ở Đông Á chế tác pháp lam xanh trắng theo phong cách đồ sứ ký kiểu. Theo lời Philippe, chiếc dĩa này nguyên của một nữ chủ nhân một nhà hàng nổi tiếng ở Sài Gòn mà anh đã nhiều lần nài nỉ để mua nhưng không thành công. Về sau, không hiểu bằng cách nào nó lại được bán cho Bảo tàng Mỹ thuật Boston (Mỹ) và được bảo tàng này lựa chọn để in trong cuốn sách “The Masterpiese of Vietnamese Antiquities in the Museum of Fine Art, Boston” (Những tuyệt tác của cổ vật Việt Nam ở Bảo tàng Mỹ thuật, Boston).
Trên hành trình từ Berlin (Đức) sang Brussels (Bỉ) hồi năm 2004, tôi có ghé thăm một nhà sưu tập tư nhân tên là Gert Schroeder ở thành phố Essen (Đức). Trong sưu tập của Gert Schroeder có rất nhiều đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh và thời Nguyễn, một số tranh của các họa sĩ Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Lương Xuân Nhị… và đặc biệt là một chiếc ấm trà pháp lam rất độc đáo. Ấm có tạo hình phỏng theo hình dáng một đóa hoa hồng, trên thân ấm có viết 4 chữ Hán “Thiệu Trị niên chế”. Với tôi đây là món pháp lam Huế “lạ lùng” nhất mà tôi từng bắt gặp sau hơn 15 năm kết mối lương duyên với loại cổ vật đặc biệt này.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Kerry Nguyễn Long ở Sydney (Úc) cũng là một nhà sưu tập pháp lam Huế có hạng. Chị thường lặn lội khắp các cuộc bàn đấu giá cổ vật Việt Nam ở Úc và châu Âu để tìm mua các món pháp lam. Nhờ vậy mà trong sưu tập của chị có những món pháp lam Huế rất đặc sắc như độc bình, dĩa ăn và mới đây là một chiếc hộp pháp lam triều Tự Đức, dùng đựng đồ văn phòng tứ bảo, mà chị vừa tậu được từ một cuộc bán đấu giá ở Hôtel Drouot (Paris, Pháp).
Hiện nay, sau nhiều nổ lực quảng bá pháp lam Huế ra toàn cầu của các nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Việt Nam, pháp lam Huế đang trở thành đối tượng quan tâm của nhiều nhà sưu tầm cổ ngoạn nước ngoài. Hy vọng trong tương lai, những món cổ vật đặc biệt này sẽ được trưng bày trang trọng trong các bảo tàng danh tiếng ở ngoại quốc với các chú thích rõ ràng, chính xác: Huế painted enamel, Vietnam, XIX century (Pháp lam Huế, Việt Nam, Thế kỷ XIX) để thiên hạ biết rằng Việt Nam từng có một kỹ nghệ chế tác falang/shipouyaky siêu hạng từ hai thế kỷ trước.
Tac gia: TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Mot so hinh anh trong bai viet
Tac gia: Tran Duc Anh Son