Nhắc đến tên tuổi của Pablo Picsso không riêng giới mỹ thuật, những người yêu hội hoạ mà ngay cả những người dân bình thường trên thế giới cũng đều biết. Bởi vì, Pablo Picasso là một Đại danh hoạ – sứ giả của HOÀ BÌNH và TIẾN BỘ XÃ HỘI. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội đã dùng những ngôn từ đẹp nhất, hay nhất để ca ngợi nhà Đại danh hoạ: “Picasso – đứa con phi thường, ghê gớm của thế kỷ XX”, “Picasso – tia mặt trời không bao giờ tắt”, “Picasso – một vĩ nhân”…v.v…

 

File:Old guitarist chicago.jpg

Bức: Xẩm già khốn khổ

Pablo Picasso sinh ngày 25/10/1881 tại Malaga – một miền đất phía Nam của Tây Ban Nha. Gia đình Picasso thuộc dòng dõi quý tộc. Cha của Picasso là ông Jose Ruiz Blaxco – một giáo sư dạy Mỹ thuật và mẹ là bà Maria Picasso Lopez, một phụ nữ dịu dàng, đảm đang. Theo truyền thống Tây Ban Nha, Picasso mang họ mẹ. Thừa hưởng “zen hội hoạ” của thân phụ, ngay từ niên thiếu, Picasso đã tỏ ra là một “thần đồng mỹ thuật”. Mới 3-4 tuổi Picasso đã biết vẽ và 5 tuổi đã vẽ khá nhiều tranh với một trí tưởng tượng kỳ lạ. Khoảng 7 tuổi Pablo đã được thân phụ dạy học môn hình hoạ. Năm 1895, mới 14 tuổi, Picasso đã thi đậu và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Barcelona với kết quả điểm ưu. Thậm chí từng có giai thoại rằng: Thời gian của bài thi là 1 tháng nhưng Picasso chỉ làm trong 1 ngày. Mới học năm thứ nhất, Picasso đã tham gia Triển lãm Mỹ thuật thủ đô Madrid. Tại triển lãm, tác phẩm “ Khoa học và lòng nhân ái” của chàng hoạ sĩ trẻ Picasso đã được trao bằng danh dự. Sau đó, tại Triển lãm Mỹ thuật Malaga, tác phẩm trên đã đoạt Huy chương vàng. “Sự kiện” này đã làm cho Pablo Picasso nổi tiếng khắp Tây Ban Nha. Một năm sau (1897), Picasso trở thành sinh viên Học viện Hoàng gia Fernando. Tuy vậy, lối đào tạo kinh viện của Học viện Hoàng gia không làm hấp dẫn chàng sinh viên Picasso bằng “Âm vang Mỹ thuật” từ Paris (Pháp) – “Kinh đô” của nghệ thuật. Tháng 10/1899, Picasso sang Pháp và năm 1904, ông chính thức sống, sáng tác tại đây. Cũng chính tại Paris, tài năng của Picasso ngày càng phát triển và lan toả khắp thế giới.

File:Picasso la vie.jpg

Bức : Cuộc đời

 

File:Les Demoiselles d'Avignon.jpg

Bức: Những cô gái ở Avignion

Các nhà nghiên cứu nghệ thuật đã chia sự nghiệp sáng tác của Picasso làm 3 giai đoạn chính, gồm: Màu Lam (Blue Period), Màu Hồng (Rose Period) và Lập Thể (Cubisme). Giai đoạn Lam của Picasso diễn ra vào khoảng từ năm 1901-1904. Những bức tranh của Picasso giai đoạn này thường là gam “màu lạnh”, trầm buồn với hình ảnh “Những người cùng khổ” như: “Xẩm già khốn khổ”, “Chân dung một phụ nữ trẻ”, “Cuộc gặp gỡ”… Giai đoạn Hồng diễn ra từ khoảng năm 1904-1906, với những bức tranh vẽ về các nghệ sĩ xiếc, nhào lộn, nhất là hình tượng anh hề Arlequin. Giai đoạn Lập Thể bắt đầu từ năm 1907 với tác phẩm “Những cô gái ở Avignion” (Les Demoiselles d’Avignion). Đây là tác phẩm được coi là “quả bom” làm chấn động cả thành Paris và mở đầu cho một trào lưu nghệ thuật mới. Trong tranh, Picasso thể hiện 5 cô gái đứng, ngồi, xoay chuyển. Song, 5 cô gái không còn mềm mại, duyên dáng, lả lướt như tranh cổ điển, mà thay vào đó là những đường kỷ hà xộc xệch, góc cạnh. Toàn bộ những quy tắc về giải phẫu, phép viễn cận, quy luật ánh sáng, hài hoà… của hội hoạ cổ điển đều bị Picasso khước từ, loại bỏ. Kể từ đây, cùng với Braque, Picasso đã đưa Trường phái Lập Thể lên tột đỉnh vinh quang và tạo nên tiếng vang chưa từng có trong lịch sử Mỹ thuật thế giới.

Thực ra, việc phân chia từng giai đoạn sáng tác của Picasso cũng phần nào khiên cưỡng, máy móc. Bởi vì, Picasso là một thiên tài hội hoạ. Ông đã từng nghiên cứu, thử nghiệm khá nhiều phong cách, trường phái, như: Cổ điển, Hiện Thực, Biểu Hiện, Linh Cảm, Siêu Thực… Và, khi đạt đến đỉnh cao ở mỗi trường phái, phong cách, Picasso lại từ bỏ cái cũ để đi tìm “những chân trời mới” của nghệ thuật. Không chỉ là một hoạ sĩ tài hoa, Picasso còn là một nhà điêu khắc, nhà đồ hoạ, thợ đồ gốm… Điều đáng nói, cũng như hội hoạ ngay cả ở những lĩnh vực trên Picasso cũng tỏ ra xuất sắc. Ông chính là người đầu tiên thực hiện tác phẩm điêu khắc bằng phương pháp ghép nối các chất liệu, thay vì chạm, khắc, tạc hay đổ khuôn truyền thống. Thậm chí, ngay cả ở lĩnh vực minh hoạ, hiếm có hoạ sĩ nào như Picasso minh hoạ nhiều sách và để lại dấu ấn thiên tài của mình trong “những tác phẩm nhỏ nhặt”.
Không chỉ là một Đại danh hoạ, Pablo Picasso còn là chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho HOÀ BÌNH,TỰ DO và TIẾN BỘ XÃ HỘI. Bằng tài năng và trí tuệ của mình, Picasso luôn đứng về phía nhân dân lao động, những người cùng khổ và đấu tranh chống lại áp bức, bất công, chống lại chủ nghĩa phát xít, đế quốc. Năm 1937, tại Paris diễn ra một Triển lãm Quốc tế. Picasso được đặt vẽ cho gian hàng của Tây Ban Nha. Từ sự kiện phát xít Đức ném bom huỷ diệt thị trấn Guernicacủa xứ Basque quê hương ông ngày 26/4/1937, Picasso vô cùng đau đớn và căm thù. Ông lấy ngay “sự kiện Guernica” làm đề tài để thực hiện một bức tranh hoành tráng rộng tới 30 m2. Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật Lập Thể và Biểu Tượng, Picasso đã thể hiện trong tác phẩm này hình tượng của những thiếu phụ bồng con gục ngã, những bàn tay chới với tuyệt vọng, những hình thể quằn quại như gào thét và đối lập lại là những cái đầu bò, thân ngựa quái gở, đang dày xéo, dẫm đạp lên những thân hình quằn quại… 

 

File:PicassoGuernica.jpg

Bức: Gernica
Qua “Guernica”, Picasso tỏ rõ thái độ phỉ nhổ vào chiến tranh và dự báo một thảm cảnh mà bọn phát xít sẽ gây ra cho nhân loại. Sau đó, chính Picasso trở thành một chiến sĩ của lực lượng những người kháng chiến Pháp chống lại phát xít Đức. Năm 1944, Picasso trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Ông tuyên bố: “Lý tưởng của những người cộng sản về một thế giới tươi đẹp phù hợp với nghệ thuật của tôi”. Kể từ đó, Picasso trở thành một trong những chiến sĩ – “Sứ giả hoà bình” tiêu biểu của thế giới. Bằng ngôn ngữ hội hoạ, Picasso tố cáo, lên án chiến tranh, ca ngợi hoà bình. Đối với Việt Nam, Đại danh hoạ Pablo Picasso có một tình cảm hết sức đặc biệt. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi. Picasso đã xúc động vẽ tặng nhân ta bức tranh “Chúc mừng hoà bình thắng lợi”. Tiếp đó, khi đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, Picasso đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa và dùng ngôn ngữ hội hoạ để biểu thị tình cảm của mình đối với nhân Việt Nam. Đáng lưu ý, năm 1968, tại Hội nghị trí thức toàn Châu Âu, Đại danh hoạ Picasso đã trực tiếp lên diễn đàn cực lực phản đối cuộc xâm lược Việt Nam của Mỹ và kêu gọi: “Tất cả nghệ thuật hiện đại Châu Âu đứng về phía Việt Nam!”. Ngoài ra, Năm 1951, Picasso còn vẽ tác phẩm “Tàn sát ở Triều Tiên” – tố cáo cuộc chiến tranh ở Triều Tiên. Tiếp đó (1952), Picasso cho ra đời tác phẩm liên hoàn “Chiến tranh và Hoà bình”. Nhắc đến 2 tiếng HOÀ BÌNH, chắc hẳn mọi người yêu nghệ thuật trên thế giới đều biết đến loạt tranh vẽ chim hoà bình nổi tiếng của Picasso. Chim bồ câu – biểu tượng của HOÀ BÌNH là đề tài mà Picasso ấp ủ từ thời niên thiếu. Suốt nhiều năm, Picasso đã vẽ đi, vẽ lại hàng trăm bức tranh về chim bồ câu với loại đơn, đôi hoặc nhóm 3 con. Năm 1949, Đại Hội Hoà bình Thế giới tổ chức ở Roma (Italia). Tại Đại hội, tác phẩm “Chim bồ câu” của Picasso được chọn là Biểu tượng Hoà bình Thế giới. 

30 năm đã trôi qua kể từ ngày Đại danh hoạ Pablo Picasso qua đời, song tên tuổi, sự nghiệp của ông vẫn sống mãi trong trái tim của hàng triệu người yêu nghệ thuật. Trong cuộc đời trường thọ của mình (92 tuổi), nhà danh hoạ đã để lại cho hậu thế và nền nghệ thuật thế giới một gia tài mỹ thuật khổng lồ với hàng vạn tác phẩm. Trong số này có 1.885 tranh sơn dầu, 15.000 bức đồ họa, 1.228 tác phẩm điêu khắc (100 tượng tròn), 3.222 tác phẩm gốm, 34.000 tranh minh hoạ lớn nhỏ… và một vài tập thơ. Suốt nhiều thập kỷ qua, đã có hàng ngàn tác phẩm nghiên cứu, văn học, điện ảnh… nói về sự nghiệp vĩ đại của Pablo Picasso. Riêng đối với nhân dân Việt Nam, Pablo Picasso không chỉ là một Đại danh hoạ – chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, mà còn là “sứ giả của ” HOÀ BÌNH và TIẾN BỘ XÃ HỘI, là tia mặt trời không bao giờ tắt.

Tác giả: Viết Hiền, biên tập và chỉnh sửa bởi nghethuatxua.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.