BÁCH KHOA: Người ta thường cho rằng tranh của Họa sĩ Tạ Tỵ thuộc trường họa Lập-thể và chịu ảnh hưởng của họa sĩ Picasso vừa mới từ trần. Xin anh cho biết sự thực có thời kỳ nào anh về theo trường họa Lập thể hay không và tại sao anh lại chọn đường lối sáng tạo này?
TẠ TỴ: Trước hết, tôi xin cảm ơn Tòa soạn Bách-Khoa đã có nhã ý đặt ra câu hỏi trên, nhân dịp Picasso, nhà danh họa lớn của Thế kỷ 20, vừa qua đời, và tôi cũng mượn cơ hội này để bày tỏ cùng bạn đọc Bách Khoa một vài điều về đường lối sáng tạo của tôi trong địa hạt Tạo Hình. Từ lâu, tôi vẫn bị hiểu lầm là đại diện cho trường họa Lập Thể tại Việt Nam, do Picasso nhà danh họa đọa Tây Ban Nha khởi xướng đầu Thế kỷ thứ 20 này. Sự thực, không hẳn như vậy. Tôi đã đi qua rất nhiều trường họa (école) với mục đích để tìm tòi xem trường nào hợp nhất với khả năng chuyên môn và sở thích của riêng mình. Tôi đã bước vào trường Siêu Thực (surrealisme) từ năm 1941 ngay khi còn đang theo học tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà-nội. Qua năm 1943 tôi mới xô cửa bước vào khung trời của trường họa Lập Thể với mục đích đi tìm chiều thứ tư (4è dimension), tức là chiều động trong kỹ thuật tạo hình. Ở giai đoạn này, tôi chịu ảnh hưởng của G. Braque nhiều hơn Picasso. Lý do chủ quan, ở Braque, tôi thấy có một cái gì “trí thức” hơn, “Phương Đông” hơn Picasso. Nói về trường họa Lập Thể (Cubisme) mọi người thường chỉ nghĩ về Picasso (có lẽ nhà cố danh hoạ được ngôi sao tốt chiếu mệnh) nhưng đúng ra, người có công xây dựng và kiến tạo chung với Picasso để trường họa này mỗi ngày mỗi phát triển và đứng vững, lịch sử mỹ thuật nhân loại và giới yêu tranh không thể quên được G. Braque cùng một số nhà danh họa khác. Tôi chỉ dừng lại ở trường họa Lập Thể độ mươi năm. Sau khi đã tìm kiếm và nhận thấy những khuyết điểm, nhất là sự gò bó, không buông thoát của hình kỷ hà đối chiếu với sự vật vẫn-còn-nhận-được, qua cung cách cấu tạo tác phẩm, dù cho sự vật đã được biến chất bởi màu sắc và hình thể. Nhưng ở đó, phần tâm linh vẫn bị chìm khuất nhường chỗ cho qui tắc tạo hình. Nói như vậy, không có nghĩa tôi phủ nhận giá trị độc đáo của trường họa Lập Thể mà già nửa thế kỷ nay vẫn được sự hâm mộ của giới thẩm mỹ quốc tế, nhưng chính thực, để xác định, giá trị lịch sử của trường họa Lập Thể đã qua rồi, qua lâu rồi, do sự tiến hóa của Văn Nghệ nói chung.
– Như vậy hiện nay anh vẽ theo trường họa nào?
– Tôi đã rời xa trường họa lập thể từ gần 20 năm để tiến vào một khung trời khác của nghệ thuật tạo hình, đó là trường Trừu Tượng (abstrait). Tôi không muốn so sánh cái hay giữa các trường phái, vì mỗi trường phái có mặt để chứng minh một giai đoạn tiến hóa, và không có một trường phái nào toàn bích. Bên cạnh mỗi cái hay đều có cái dở mà chỉ ở trong nghề mới biết. Do vậy, quan niệm về cái Đẹp bao giờ cũng dừng lại ở ranh giới hiểu biết của mỗi người hoặc từng lớp người làm nghệ thuật hay thưởng ngoạn cũng vậy.
– Xin anh cho biết cảm tưởng của anh sau cái chết của Picasso, và cảm tưởng của anh đối với các họa phẩm của nhà danh họa này?
– Sự vắng mặt vĩnh viễn của nhà danh họa Picasso là một cái tang chung cho giới hội họa, ông mất đi để lại một sự nghiệp lẫy lừng và giữ trọn vẹn uy tín về nghề nghiệp, đó là một vinh dự chẳng những cho gia đình ông mà còn là tấm gương cho mọi nghệ sĩ, nếu muốn hy sinh đời mình cho nghệ thuật, cần phải biết kiên trì và tự vượt để tồn tại, như Picasso đã tồn tại dù hôm nay hay mai sau. Còn cảm tưởng của tôi đối với họa phẩm của Picasso, nói cho đúng, có nhiều tác phẩm của ông đã làm tôi rung động đến đáy sâu tâm thức như bức Les trois musiciens, Guernica v.v… nhưng bên cạnh đấy, cũng có nhiều bức chung chung. Một vài tác phẩm thuộc loại đồ gốm cũng lạ mắt và gây được cảm mỹ. Tôi thường nghĩ, một khi hỏi về Picasso là nói về khám phá sẽ có ích lợi nhiều hơn là phê bình vì phê bình đối với một danh họa lớn của nhân loại là một công trình chứ không phải và không thể chỉ là những dòng chữ vô trách nhiệm. Bài đó, xin hứa với độc giả Bách Khoa, nếu có dịp, tôi sẽ viết một loạt bài trên tạp chí này để giới thiệu các họa sĩ lớn và họa phái Âu Châu từ Trung Cổ tới tới Hiện đại.
BÁCH KHOA ghi lại
(Bách Khoa ngày 15-6-1973)