Tuần này NTX xin được giới thiệu với các bạn một bài tham luận được viết rất công phu, về giám định Mỹ thuật, do họa sĩ Nguyễn Đức Hòa soạn thảo. Đây là một trong 3 bài tham luận đúng đề tài trên tổng số hơn 10 tham luận gửi tới hội thảo do Bảo tàng Mỹ thuật VN tổ chức vào cuối năm 2009. Cuộc hội thảo này được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp cho việc thành lập Trung tâm Giám định (TTGĐ) tác phẩm Mỹ thuật theo một công văn quyết định thành lập TTGĐ ký bởi Bộ VH VN năm 2006 mà sau 3 năm vẫn chưa thực hiện được. Hai bài tham luận khác được cho là trúng đề tài của hội thảo là bài của tác giả Hải Yến, nguyên phó phòng lưu trữ tư liệu của BTMT (dài 3 trang), và của ông Phạm Quốc Quân, hồi ấy là đương kim Giám đốc BT Lịch sử VN (dài 4 trang). Để giúp các bạn có một cách nhìn rõ ràng hơn về quy trình, tổ chức, phương pháp giám định các tác phẩm Mỹ thuật, NTX xin giới thiệu với các bạn bài tham luận của hoạ sĩ Đức Hòa, dài tổng cộng 8,5 trang, đã nêu bật các vấn đề thời sự liên quan đến việc giám định tranh của thế giới cũng như Việt Nam. Tham luận được chia ra làm 3 phần : phần 1 với những dẫn chứng trong việc giám định các tác phẩm Mỹ thuật trên thế giới. Phần 2 sẽ tập trung vào những câu chuyện có thật, những khó khăn trong việc giám định các tác phẩm Mỹ thuật của Việt Nam, trong phần này chúng ta sẽ găp lại những tên tuổi lẫy lừng trong làng hội hoạ Việt. Phần cuối sẽ là phần quan trọng nhất của bài tham luận với những giải pháp được tác giả đề xuất nhằm xây dựng một Trung tâm Giám định chuẩn mực tại Việt Nam.Tác giả đã cùng NTX chỉnh lý một số thông tin cho chính xác hơn.
Phần 1 : Giám định Mỹ thuật trên thế giới.
1. Dấu vân tay của Leonard de Vinci.
Khoảng giữa tháng 10- 2009, một loạt các báo uy tín của Pháp như tờ Le Monde, Le Parisien… đồng loạt đưa tin : người ta mới phát hiện thêm một bức tranh của Leonard de Vinci từ một bức tranh được đấu giá trước đó 11 năm. Điều đáng chú ý là tranh không có chữ ký của tác giả cho nên đến bậc đại gia đấu giá cỡ nhất nhì thế giới như hãng Christie cũng chỉ dám tin rằng đó là tranh thời đầu thế kỷ 19 vẽ một cô gái Đức, điều này đã làm cho các nhà sưu tầm vào giá rất dè dặt và chốt giá cuối chỉ ở mức 19.000 USD (khoảng 13000 euros), giá chưa kể phí cho nhà đấu giá. Một trong những nhà sưu tầm tham gia vào buổi đấu giá đó là ông Peter Silverman dù có linh cảm về một kiệt tác của danh họa nhưng tiếc thay đã thua cuộc, và phải cho tới 9 năm sau, ông mới được sở hữu bức tranh khi mua lại nó từ người thắng đấu giá mới mức giá không cao hơn là mấy: 21000 USD.
Thế rồi một phòng thí nghiệm của Pháp đã soi và tìm ra dấu vân tay của danh họa Leonard de Vinci trên góc trái của bức tranh, lại đối chiếu thì thấy khớp với các vân tay trên những tác phẩm buổi đầu sự nghiệp – khi danh họa còn nghèo, đành phải tự vẽ từ A đến Z mà không có thợ phụ. Hơn nữa, qua kết quả phân tích bằng tia hồng ngoại, người ta còn nhận ra phong cách thống nhất giữa bức họa này với các bức họa thời đầu của danh họa, đồng thời đoan chắc tác giả thuận tay trái – một đặc điểm nhận dạng đặc thù nữa của Leonard de Vinci. Kết quả là ông Peter Silverman, nhà sưu tập tinh tường người Canada đắc lợi “một vốn – mấy ngàn lời” khi giá tranh giờ đây tối thiểu cũng phải trên 100 triệu USD- theo nhận định của nhà môi giới tranh nổi tiếng người Anh Simon Dickinson. Thậm chí sau đó, “ăn theo” bức tranh, ông Martin Kemp, giáo sư lịch sử nghệ thuật ở Đại học Oxford xác định nhân vật trong tranh là cô Bianca Sforza, con gái của Ludovico Sforza, công tước thành Milan hồi thế kỷ XV. Ông M. Kemp thậm chí còn cho xuất bản hẳn một cuốn sách dày hơn 200 trang tường thuật lại quá trình các nhà nghiên cứu phát hiện ra tác giả bức tranh này.
Chân dung cô gái trẻ trong trang phục thời Phục Hưng, Cũng có tên là nàng công chúa xinh đẹp (La Belle Princesse), được xác định là do danh hoạ Leonard de Vinci vẽ, đấu giá tại nhà Christie New York vào năm 1998 với giá 19 000 USD chưa kể phí đấu giá.
2. Bức tranh giả của Botero.
Vẫn hãng Christie tổ chức đấu giá tranh vào tháng 5-1993 tại New York. Họ chọn bức “The dancing couple” (Đôi bạn nhảy) của họa sỹ đang nổi người Colombia là Fernando Botero để in lên bìa cuốn catalogue đấu giá của hãng. Giá khởi điểm của bức tranh này dự kiến là từ 400.000 đến 500.000 USD. May thay mà cũng buồn thay, khi cuộc đấu giá chưa bắt đầu thì bà Mary Anne Martin – một nhà buôn tranh chuyên về khu vực Mỹ Latinh đã khẳng định với hãng Christie rằng đó là tranh giả vì bà biết bản gốc chỉ có kích thước 102,4 x 71,1cm trong khi bức tranh định bán có cỡ 154 x 109cm. Nhà Christie vội thu hồi các cuốn catalogue đã phát nhưng chỉ lấy lại được khoảng một nửa. Vâng, câu chuyện có vẻ giật gân. Nhưng điều đáng lưu ý là cái cách xử lý sau đó của những người trong cuộc: tác giả Botero được mời bay miễn phí, ngay lập tức sang New York. Trước sự chứng kiến của đại diện Christie và FBI, ông xác nhận và viết: đây là tranh giả – bằng mực không phai vào mặt sau bức tranh, còn người ký gửi phải công khai xin lỗi tác giả và chấp nhận đưa đi tiêu hủy. Tiếp theo đó, trong một văn phòng luật sư tại Manhattan, trước sự chứng kiến đông người, có quay video làm bằng, bức tranh giả đã bị cắt nát ra từng mảnh nhỏ. Dù đã xử lý quyết liệt như vậy nhưng hãng Christie vẫn mất uy tín còn người mua thì sẽ đắn đo hơn khi ngắm tranh Botero.
*Câu chuyện trên đây tôi thuật lại từ một bài đăng trên báo Sài Gòn giải phóng của cô Lan Hương, chủ một gallery tại thành phố HCMinh, là người trực tiếp chứng kiến sự việc khi đang theo học nghề quản lý gallery tại New York – Mỹ.
Đôi bạn nhảy, bức tranh được nhà đấu giá Christies cho là do hoạ sĩ Fernando Botero người Colombia vẽ, khi Botero được mời đến xem tác phẩm, ông đã miêu tả nó như là một bản sao thô thiển, ông hy vọng người sử hữu sẽ huỷ bức tranh.
3. Những bức tranh “2 trong 1” của Van Gogh và Piter Gysels (đều là các họa sỹ Hà Lan).
Các chuyên gia của Bảo tàng Mỹ thuật Boston, do nghi ngờ những nét bút bị vấp của Van Gogh, đã soi X quang vào bức tranh sơn dầu có tên là “Ravine”. Họ vui tột độ khi phát hiện bên dưới có một bức tranh khác của cùng tác giả, vẽ đám cỏ rối bời, tạm đặt tên là “ Cỏ hoang” vì rất giống với bức phác họa có tên như vậy ở Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam – Hà Lan. Như vậy bảo tàng Boston đã lãi vô cùng khi tự nhiên có được 1 tác phẩm của nhà đại danh họa mà chẳng phải mất tiền mua, theo như cách nói của người Việt ta là “tay không bắt giặc”. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, kết quả xét nghiệm cho biết: 2 bức tranh chỉ được vẽ cách nhau có 4 tháng (bức Cỏ hoang vẽ tháng 6-1889 còn bức Ravine vẽ tháng 10-1889), tức là màu đã quyện vào nhau một cách tương đối, không gỡ ra được một cách rạch ròi (điều kiện tối thiểu phải là 6 tháng). Xét về tiểu sử, đó là lúc Van Gogh thiếu toan trầm trọng vì ông vẽ như điên, vẽ quá nhanh đến mức em trai Théo V.G tiếp viện không kịp nên ông đành vẽ đè lên tranh cũ để giải phóng nguồn cảm hứng tràn đến ồ ạt như thác lũ. Vậy là các khán giả đành xem bức “Cỏ hoang” bên dưới qua ảnh vi tính và bức thứ 2 cũng không thể “quy ra thóc” được.
*Biên bản điều trị của bác sỹ Gachet từng ghi rằng có lúc bí vì hết cả chỗ vẽ thì Van Gogh bèn nhai ngấu nghiến các tuýp màu vì cảm thấy màu sắc ngon ăn quá !
Bức tranh Ravine của hoạ sĩ Van Gogh.
Ảnh X-ray của Ravine, tiết lộ một bức tranh khác bên dưới.
Bản vẽ tương ứng với bức tranh ẩn bên dưới, bức Cỏ hoang.
Bốn thế kỷ sau khi qua đời (năm 1691), họa sỹ Piter Gysels, một họa sỹ rất bình thường người Hà Lan bỗng nổi như cồn, mà tiếc thay, không phải vì tranh ông đẹp. Số là người ta phát hiện một bức phong cảnh sơn dầu thuở xưa của ông được vẽ đè lên mặt lưng của một tấm đồng khắc axít theo phương pháp kẽm nóng của Đại danh họa Rembrandt. Lịch sử mỹ thuật chứng kiến toàn bộ tác phẩm của Rembrandt, kể cả là tranh khắc đồng, luôn ngự trị trên đỉnh cao của giá trị nghệ thuật thế giới. Bởi thế, tất cả mọi tấm đồng của ông đã bị hậu thế in đi in lại đến mòn vẹt. Chỉ có duy nhất bức khắc đồng số 82 thì biệt tăm, người ta tưởng đã mất tích vĩnh viễn… Thì nay bất ngờ tấm khắc đó trở về, nguyên vẹn, lại còn rất nét, tha hồ in ra những bản rất chuẩn. Xin trình chiếu ngay đây bản in có tên là “Abraham entertaining the Angels” (giáo trưởng Abraham thết đãi các thiên thần), khắc năm 1656, khuôn khổ 16×13,1cm.
4. Bức tượng nữ thần săn bắn
Tại Bảo tàng Louvre-Paris, cuối năm 2006 tôi chụp được bức tượng đá cẩm thạch này nhân một dịp đi tham quan. Tượng có nhiều khớp ghép nối ở cổ, ở tay và ở chân. Tôi đặc biệt chú ý đến phần ghi chú bên dưới, cho biết số phận đặc biệt của bức tượng cổ Hy Lạp này. Tượng vốn được khai quật tại nước Ý, thoạt tiên cụt hết đầu, chân, tay… Khi sưu tập, Giáo chủ kiêm tể tướng Richelieu gọi thợ làm thêm đầu. Sau khi ông qua đời thì người kế nhiệm là Giáo chủ kiêm tể tướng Mazarin cho làm thêm chân. Cuối cùng, sau khi được dâng tặng thì vua Louis XIV đã cho làm nốt tay. Hiện trạng tượng này chỉ có một ngón tay gãy. Tượng hấp dẫn ở tư thế năng động rất đặc trưng của điêu khắc Hy Lạp cổ đại.
Bức tượng nữ thần săn bắn
Tham luận của Nguyễn Đức Hoà, 2009.
Tài liệu tham khảo :
- La Bella Principessa: The Story of the New Masterpiece by Leonardo da Vinci, 18 mars 2010,
- Un empreinte digitale revelé un nouveau tableau de Leonard de vinci, Le Monde, số ra tháng 10 năm 2009.
- Mystere autour d’une ouvre de Leonard da vinco, Sleter.
- Un nouveau dessin de leonard de vinci decouvert, Le Parisien, số ra tháng 10 năm 2009.
-
Auction house stuck with fake painting, UPI archives.