Dù thị trường mỹ thuật Việt Nam còn non trẻ và nhỏ bé so với thế giới nhưng những rắc rối đã và đang xảy ra ngày càng nhiều, do cố tình gian lận cũng có mà vì thiếu hiểu biết cũng có. Cá nhân tôi nghe thấy, nhìn thấy khá nhiều nhưng không dám kể hết ra đây nếu không có bằng chứng hoặc không tận mắt chứng kiến. Chúng tôi đành giới thiệu một vài ví dụ điển hình xuất hiện chắc ăn trên báo chí hoặc ví dụ mà bản thân là người trong cuộc:

Chân dung người đàn bà… giả.

Đây là đầu đề một bài báo của tác giả Nguyễn Lương Hiệu, in trên báo Văn Nghệ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, bộ mới, số 2, ra ngày 16 tháng 8 năm 1997. Bài báo cho biết: nạn nhân là bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, tang vật là bức tranh lụa do danh họa Nguyễn Sáng vẽ chính bà Hà – mà bà vẫn còn giữ được.

13

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà cùng bức tranh thật do hoạ sĩ Nguyễn Sáng vẽ tặng.

Rắc rối động trời xảy ra ngày 30-3-1997 khi hãng Christie tổ chức bán đấu giá tranh Đông Nam Á tại Singapor. Trong số 38 tranh Việt Nam có một bức tranh lụa của Nguyễn Sáng tên là “Chân dung người đàn bà”, được đặt giá khởi điểm là 12.000 USD. Tiếc thay, đó lại là bức tranh giả, sản phẩm của một sự gian lận trắng trợn ! Sự thật là họa sỹ Nguyễn Sáng, vào năm 1978, đã vẽ 1 bức tranh chân dung trên lụa để tặng bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, nguyên giảng viên trường Đại học Ngoại giao, một người bạn thân của gia đình. Bà Hà đã treo tranh chân dung của chính mình trong nhà mà không ngờ nó quý đến như vậy cho nên bà cứ để mặc cho nắng chiếu vô tư hàng ngày vào một góc tranh. Năm 1995 họa sỹ Võ Thanh Liêm bất ngờ ghé thăm để xem tranh và nhiệt tình đề nghị đem tranh về để bồi giúp. Bà Hà đã gửi ông Liêm 300.000đ (năm 1995 thì giá 1 chỉ vàng là 500.000đ) để trả công và nhờ làm khung mới. Kết quả là sau nhiều tháng trời ròng rã, tranh vẫn không được bồi, vẫn mờ và ố một góc, chủ nhân – cũng là người mẫu của tranh đành ngậm ngùi đem về dù không đòi lại được tiền. Cũng còn may ở chỗ tuy kém hiểu biết giá trị nghệ thuật nhưng lại “có sừng, có mỏ” trong lãnh vực ngoại giao nên bà Hà vẫn có được những thông tin (mà người ta cố dấu) để mà cảnh giác, ví dụ như: bức tranh lụa chép lại của bà đã được bán cho một Việt kiều với giá hơn 2000USD rồi sau đó đem gửi hãng Christie đấu giá.

Nhân sự kiện này, chúng tôi chỉ xin đưa thêm 1 thông tin ngoài lề: ông Võ Thanh Liêm hồi ấy đang hầu tòa cùng với đại diện của Hội Mỹ thuật Việt Nam về việc tranh chấp chủ quyền tòa nhà số 98 đường Sương Nguyệt Anh, quận 1, TPHCM, nơi đặt trụ sở Văn phòng đại diện phía Nam của Hội Mỹ thuật VN. Vấn đề là nhà nước phân cho Hội Mỹ thuật tòa nhà đó, nhưng đứng tên trên giấy tờ thì lại là ông Liêm. Hiện giờ, sau nhiều năm kiện cáo “bất phân thắng bại” giữa đôi bên, ông Liêm đã mất nhưng gia đình ông vẫn… ở cùng với… Văn phòng chi nhánh phía Nam của Hội ! Chuyện cụ thể như thế mà còn không giải quyết được, huống hồ là việc “tranh pháo” mơ hồ này (làm sao mà cụ thể bằng cái tòa nhà 98 SNA với các giấy tờ có dấu UB ?)

Biến tranh Lưu Công Nhân thành tranh Nguyễn Sáng hoặc Dương Bích Liên để được giá cao hơn nhiều.

Xin mời quý vị xem bài báo nhan đề: “LƯU CÔNG NHÂN: “Họ đã biến tranh tôi thành tranh người khác”, đăng trên báo Lao động, thứ bảy ngày 24-10-1998 do nhà báo Vĩnh Quyền thực hiện trên cơ sở hỏi – đáp giữa nhà báo và họa sỹ Lưu Công Nhân.

15

Bức Đường lên Tuyên Quang, màu nước (1960) của Lưu Công Nhân đã biến thành tranh Nguyễn Sáng

Sự việc liên quan mật thiết đến ông Hà Thúc Cần, một Việt kiều lừng danh với làng họa sỹ Việt Nam vì ông đã từng mua bán vô số kể các tác phẩm hội họa nước ta vào lúc đất nước mới mở cửa. Theo bài báo thì vì được ông Cần tặng cuốn sách “100 năm Hội họa Việt Nam” xuất bản tại nước ngoài mà ông Nhân phát hiện bức tranh “Thiếu nữ” của mình in trong sách nhưng lại ký tên Nguyễn Sáng (tranh này vốn được tác giả tặng nhà sưu tập Trần Thịnh).

Một bức khác có tên là “Đi cấy” vốn được ông Nhân bán cho ông Đức Minh từ năm 1966 thì đến Tết năm 1997, ông Nhân phát hiện lại trong bộ sưu tập khá lớn ở nhà riêng của ông Cần. Chỉ có điều là chữ ký gốc đã bị xoá rồi thay vào đó bằng chữ ký giả của Dương Bích Liên.

Năm 1996 Nhà xuất bản Mỹ thuật Việt Nam gửi biếu ông Nhân cuốn “Hội hoạ hiện đại Việt Nam” vừa mới in xong. Ông Nhân xem sách và lại phát hiện ra bức tranh màu nước có tên là “Đường lên Tuyên Quang” của mình, vốn đã bán cho ông Đức Minh từ năm 1973. Tuy nhiên, chữ ký thì đã là của danh hoạ Nguyễn Sáng.

Đến đây, chúng tôi thấy tốt nhất là trích dẫn lại lời của chính hoạ sỹ Lưu Công Nhân mà nhà báo Vĩnh Quyền chủ ý xếp vào đoạn cuối của bài báo, coi như kết luận: “Tôi bắt đầu thấy sự việc là nghiêm trọng, cần phải lên tiếng. Trên thị trường tranh đã xuất hiện nhiều bức tranh chép lại hoặc nhái theo tranh của hoạ sỹ Bùi Xuân Phái với… chữ ký của Bùi Xuân Phái. Loại giả này dễ phát hiện. Riêng trường hợp lấy tranh của tôi, xoá chữ ký, ký giả tên Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên là hiện tượng chưa từng xảy ra ở VN, và sẽ gây phiền toái, nhầm lẫn cho những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam sau này. Anh thấy đấy, ngay NXB Mỹ thuật VN còn bị “lừa”, còn in tranh tôi với cái tên Nguyễn Sáng thì chẳng phải là chuyện nghiêm trọng hay sao ?”

Nhân vụ việc này, chúng tôi có nỗi băn khoăn, xin phép được bày tỏ: Nếu mai đây, trong một tương lai gần, khi tất cả những người trong cuộc đã sang hết thế giới bên kia, bỗng một hôm, có người chơi tranh mang một vài trong số các bức kiểu như trên đến Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật của chúng ta thì sao nhỉ ? Tôi đoán các bậc hậu thế sẽ hoàn thành xuất sắc ngay lập tức nửa phần công việc: với máy soi tối tân, hiện đại, họ sẽ biết ngay chữ ký là giả mạo. Tuy nhiên, nửa phần công việc còn lại thì khó hơn nhiều khi phải xác định xem: Ai là tác giả đích thực của bức tranh ? Theo tôi, đây sẽ là phần việc của số ít các chuyên gia uyên thâm, có vốn hiểu biết sâu sắc và tinh tế về từng tác giả chuyên biệt, đồng thời họ phải là người công tâm. Buồn thay, dù rất yêu dân tộc mình nhưng chúng tôi vẫn ngờ rằng người Việt ít khi có đủ những chuyên gia uyên bác, tinh tế và công tâm trên nhiều lĩnh vực, ngoại trừ chính trị và quân sự… (Lại nhân đây, buồn hơn nữa… vì đã là năm 2016, tức là đã “kỷ niệm” 10 năm Bộ VH ký quyết định – như đã trình bày từ đầu- mà giờ đây tôi được biết: Trung tâm Giám định tác phẩm Mỹ thuật… vẫn chưa ra đời ! Lâu phết nhỉ ? Có ai biết lý do xin công bố cho biết ạ)

Tôi từng được mời đi giám định… tranh giả của bố tôi.

Ấy là năm 1996, khi tôi đang là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Một hôm, tôi được một đại gia sưu tập mời tôi đến để kiểm tra giùm mấy bức tranh của bố tôi – hoạ sỹ Nguyễn Trọng Hợp – mà họ vừa mua được. Đến biệt thự của đại gia này, tôi được xem ngay mấy bức sơn dầu vẽ thiếu nữ áo dài. Liếc qua một chút, tôi trả lời ngay: Chắc chắn không phải tranh của bố tôi vì dưới chữ ký có ghi thêm: Đà Lạt – 1967. Bố tôi chưa bao giờ đến Đà Lạt, mà năm 1967 lại càng không vì đó là khi cả nhà tôi đang đi sơ tán ở tỉnh Hà Bắc, lúc Tổng thống Mỹ Giôn sơn cho máy bay ném bom phá hoại miền Bắc. Cả đời bố tôi chỉ có duy nhất 01 lần đi xa nhất về phía Nam là đến Huế trước năm 1945 thôi ! Ngoài ra, bố tôi có vẽ tranh sơn dầu nhưng không chuyên nên số lượng tranh sơn dầu của bố tôi để lại không nhiều, có thể đếm được trên đầu ngón tay và do đó rất dễ nắm được bức nào vẽ ai, vẽ cái gì… Tôi nhớ lúc ấy mặt vị đại gia nọ mất hết cả thần sắc, buồn rười rượi. Tưởng đã mừng vì giá hời, chỉ có 80 USD một bức thôi, nhưng kết cục cảm thấy rất đắt, lại còn mang tiếng “bị lừa” dù đã là bậc đại gia trong làng sưu tập tranh Việt. Thấy cũng tội nghiệp, tôi an ủi: “Bố tôi vẫn còn sống ở Hà Nội, nhà trong trường Yết Kiêu, số điện thoại thế này này… Ông có thể bay ra thủ đô, gặp trực tiếp…” Tôi nói vậy, tưởng làm cho nhà sưu tập vui lên, nhưng không, câu trả lời phản hồi thật hết sức bất ngờ và nghe buồn lắm lắm. Đại ý là ông ta sợ gặp trực tiếp tác giả thì giá tranh sẽ bị đắt lên nên nhờ tôi là con trai về lấy tranh theo kiểu nháy nháy rồi tuồn cho ông ta để lấy “tiền tươi thóc thật”. Lúc ấy có một ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi, nhưng vì lịch sự, tôi im lặng cho đến giờ rằng “tôi tôn thờ bố tôi và bản thân cũng là hoạ sỹ, cũng bán được tranh và không túng đến mức phải lấy trộm và bán rẻ gia sản của chính mình”.

Bức tranh “Mùa gặt” của danh hoạ Dương Bích Liên.

Đúng ra, vì chưa tập hợp đủ bằng chứng xác đáng, nên ở phần này có lẽ tôi chỉ dám gọi là “nỗi băn khoăn” của cá nhân mà thôi. Bức “Mùa gặt” nổi tiếng đã lâu nên từng được in trong khá nhiều tuyển tập tranh Việt Nam. Từ thuở mới học trung cấp mỹ thuật, cách đây gần 40 năm, tôi đã say mê tranh này nên thường đến Bảo tàng Mỹ thuật đứng chôn chân trước bức tranh hàng tiếng đồng hồ. Ấy cũng là thời bao cấp nên chúng tôi thường rảnh rỗi, lại may vì bảo tàng chưa biết… bán vé nên tha hồ vào xem. Thế rồi đất nước đổi mới và mở cửa, chúng tôi bận bịu hơn nhiều… Bẵng đi một thời gian, khi quay lại xem thì hỡi ôi, tranh vẫn còn đó nhưng chẳng giống ngày xưa… Vẫn là biển lúa với mấy mẹ con nông dân nhưng mặt tranh khác hẳn, không còn độ óng tự nhiên của chất sơn Pháp hảo hạng. Thay vào đó là mặt màu rất kệch, đến nỗi người vẽ không tỉa nổi mấy bông lúa mờ ảo và duyên dáng ở trung tâm bức tranh. Tôi vốn mê cô bé ở tranh gốc có nụ cười tươi như gió thoảng thì giờ đây nụ cười như mếu. Xem thật kỹ mặt toan, tôi thấy đây chỉ là loại toan hạng thấp, hồ nền chưa kín nên có không ít lỗ thủng nhỏ, đồng thời luôn có khá nhiều hạt lỗi sợi vải nổi lên, đây là điều bất cập với thời điểm ra đời của bức tranh. Xin lưu ý là tranh này vẽ xong năm 1954, khi mà ở nước ta chỉ có nguồn sơn và toan Pháp mà thôi, nhất là danh hoạ lại có điều kiện vì gia đình khá giả nên chắc không dùng loại sơn và toan cấp thấp. Nếu so sánh ngay ở trong Bảo tàng, cùng phòng tranh sơn dầu thì có thể thấy bức tranh của Lưu Văn Sìn với thời điểm ra đời gần như tương đương (chỉ sau vài năm) mà mặt toan tốt hơn rất nhiều, chất sơn óng đẹp, rất giống với ký ức của tôi về bức mà tôi cho là bản gốc của “Mùa gặt”. Sau cùng, nghi vấn của tôi về chất lượng tranh là ở chỗ: nếu là bản đang treo thì như tôi đây, chỉ chuyên đồ hoạ chứ không chuyên sơn dầu cũng thừa sức vẽ được. Trong khi nếu là bản mà tôi cho là gốc thì dù có kiên trì bỏ cả đời ra, tôi cũng chẳng bao giờ vẽ được như vậy ! Đắn đo mãi tôi mới dám tìm người có trách nhiệm để hỏi cho ra nhẽ. Và cũng đắn đo lắm, người ta mới trả lời nửa vời rằng: “Đây là tôi chỉ nói riêng và nói nhỏ với cậu thôi đấy nhé. Hồi ấy chính tác giả mượn tranh về để sao lại nhưng khi trả thì thất lạc bản gốc, đành nhận bản sao vậy. Mà hơn nữa, ông ta khẳng định thêm rằng dù sao thì vẫn chính là ông ấy vẽ mà, có khác đâu ?”

16

Tranh Mùa gặt, sơn dầu của Dương Bích Liên hiên đang treo trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. 

 

17

Ảnh chụp tranh Mùa gặt của Dương Bích Liên in trong sách về Mỹ thuật Việt Nam do Hungary in giúp khoảng năm 1976- 1977, dù chỉ là ảnh đen trắng và trang sách đã hơi nhàu nhưng vẫn nhận ra rằng các mảng miếng trong tranh không khớp với tranh Mùa gặt hiện đang treo trong BTMTVN. 

 

17a

Trích đoạn em bé gánh lúa từ bức tranh Mùa gặt hiện đang treo trong Bảo tàng MTVN để so sánh mảng mặt, tóc và khăn đen với ảnh đen trắng. 

17b

Trích đoạn bé gái đang ngước lên từ bức tranh Mùa gặt của Dương Bích Liên để so sánh tạo hình mặt và tóc. 

17c

Trích đoạn đầu em bé gánh lúa và 2 chân của bà mẹ phía sau để thấy các mảng hình không khớp với ảnh đen trắng. 

17d

Trích đoạn tả lúa trong tranh Mùa gặt hiện đang treo trong BTMTVN để thấy cách vẽ lúa rất vụng. 

–   Cảm giác cay đắng và lời bàn của một người thiết tha với nghề: Vâng, có thể là tôi nhiễu sự với bức “Mùa gặt”. Nhưng tôi cảm thấy đắng ngắt khi muốn chiêm ngưỡng bức  “Mùa gặt” gốc thực sự siêu việt mà lại đành xem bức bản sao kém xa về chất lượng, dù có thể vẫn cùng một tác giả. NGHỆ THUẬT theo nghĩa viết hoa thì luôn khó chịu ở chỗ phải là NHẤT hoặc BÉT, không có chỗ cho sự trung bình. Bản sao, dù đạt mức khá đi chăng nữa thì vẫn không ổn. Đấy là chưa kể với tranh sơn dầu, không bao giờ người ta tính đến bản thứ 2. Tuy nhiên, trong chuyện này, tôi chưa hề dám khẳng định mà chỉ bày tỏ “nỗi băn khoăn”. Lời bàn của một ai đó, dù từng có trọng trách đi chăng nữa cũng khó lòng lấy làm căn cứ. Do đó, theo thiển ý của tôi là ta phải giám định !

 

Tham luận của Nguyễn Đức Hoà

Hà Nội tháng 11-2009

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.