Khách du lịch ghé qua Paris không thể không lại viếng Điện Quốc gia Phế binh (Hôtel National des Invalides) có tiếng nhiều nhờ đã chứa mồ của Vua Napoléon. Nhưng chớ nên quên trong tòa nầy còn có Viện Bảo tàng Quân đội (Musée de l’Armée) là một trong những viện lớn nhất thế giới về mỹ thuật, kỹ thuật và lịch sử quân sự. Đặc biệt Phòng Đông Phương, Cận Đông và Viễn Đông từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 (Salle Orient, Proche Orient et Extrême-Orient du 15ème au 19ème siècle) trưng bày nhiều khí giới Ba Tư, Ấn Độ, Tích Lan,…những thanh gươm Trung Quốc, Nhật Bản… bao quanh một thanh bảo kiếm được ghi là của vua Gia Long.

Vua Gia Long

 

Tôi không phải là người độc nhất tò mò đi tìm xem thanh gươm nầy. Nhưng tôi lại đã xin được ông Quản đốc Viện Bảo tàng mở tủ cho tôi chụp hình. Không biết bao giờ mới có dịp may như thế nầy, tôi đã chụp ngang, chụp dọc, chụp trên, chụp dưới,… Thanh kiếm  gồm có hai phần : một lưỡi dài khoảng một thước và một cán ngắn bằng một phần năm lưỡi. Đầu cán là một đầu rồng, có thể đầu một con giao hay một con cù không sừng, bằng vàng chạm trổ. Có người Pháp cho nó giống một đầu con chó (Note E) (1). Cổ rồng nối liền đầu rồng và đốc kiếm (garde) làm thành đốc gươm (fusée) là một dãy bảy vòng ngọc thạch giống bảy đốt tre dính liền với nhau qua những đường gân bằng vàng với đằng cuối một vòng mạ vàng nằm giữa bốn chuỗi san hô xanh đỏ. Miệng rồng nhả ra một băng mạ vàng cũng mang phía ngoài bốn chuỗi san hô xanh đỏ uốn quanh về đốc kiếm làm thành cánh đốc kiếm (quillon). Ở đằng cuối, cánh đốc kiếm nầy mở rộng ra quanh lưỡi kiếm, có chạm trổ những hình lá và nạm những hột kim cương. Lưỡi kiếm hình hơi cong là một thanh thép sáng ngời, khắc ở phần trên một mặt trời nằm giữa mấy cuộn mây và tên gươm bằng ba chữ Hán : Thái A Kiếm. Tên nầy không phải ngẫu nhiên mà có.

 

Thanh kiếm Thái A, ảnh Võ Quang Yến

 

Trong hai cuốn Từ điển Từ ngữ Điển cố Văn học và Từ ngữ Văn Nôm (3) có sự tích nầy : “Lúc nhà Tần chưa diệt được Ngô, Trương Hoa xem thiên văn thường thấy giữa sao Đẩu và sao Ngưu có luồng khí máu đỏ tía, các đao thuật đều nói đó là điềm báo nước Ngô đang buổi cường thịnh, chưa đánh được. Riêng Trương Hoa cho lời nói đó không đúng. Đến khi đánh lấy được Ngô rồi, luồng khí lại mạnh và sáng hơn. Trương Hoa mới đem chuyện hỏi Lôi Hoán, người giỏi về thiên văn thuật số. Lôi Hoán cùng Trương Hoa lên lầu cao quan sát một hồi lâu. Lôi Hoán nói : “Chỉ giữa sao Đẩu và sao Ngưu là có luồng khí lạ đó. Ấy là cái tinh của bảo kiếm ở Phong Thành xông lên tận trời đấy”. Trương Hoa nói : “Quả vậy, nay tôi muốn phiền anh ra làm quan lệnh ở đất ấy rồi ra công tìm gươm báu cho”. Lôi Hoán nhận lời. Ông đến Phong Thành, cho đào nền nhà ngục, thì tìm ra được một cái hòm đá nằm sâu dưới lòng đất hơn bốn trượng. Khi sáng lóe ra, bên trong có hai thanh gươm, một thanh có khắc chữ “Long Tuyền”, và một thanh khác chữ “Thái A”. Đêm hôm đó không thấy luồng khí lạ ở giữa sao Đẩu và sao Ngưu nữa”.

 

         Kinh luân đã tỏ tài cao,

         Thớ co rễ quánh thủ dao Long Tuyền.

Thanh kiếm Thái A, ảnh Võ Quang Yến

Nguyên quán hai thanh kiếm trống Long Tuyền và mái Thái A nầy trong Tể tướng kiếm, trước mang tên Can Tương và Mạc Da trong Nguyên nhân kiếm được giải thích trong cuốn Thành ngữ Điển tích Từ điển (2). “Ngô Hạp Lư đời Đông Châu giết anh lên ngôi, khiến Can Tương  là một tên thợ rèn gươm có tiếng, rèn riêng cho mình một lưỡi gươm. Can Trương tìm sắt tốt vàng ròng, rồi lựa ba trăm con gái còn tơ đốt than nung lò ba tháng mà vàng không chảy. Vợ Can Tương là nàng Mạc Da nói, rèn cái gì mà không hóa thì cần phải có người để cúng mới nên. Mạc Da mới tắm gội sạch sẽ, cắt tóc nhổ răng, khiến người quạt lửa cho đỏ rối gieo mình vào lò than. Vàng sắt đều chảy. Can Tương lấy đó rèn hai lưỡi gươm, một lưỡi thuộc dương đặt tên là Can Tương, một lưỡi thuộc âm đặt tên là Mạc Da. Rồi can Tương đem lưỡi Mạc da dưng cho Hạp Lư , còn lưỡi Can Tương thì giấu để lại cho mình. Hạp Lư biết được giận lắm, sai người qua đoạt. Can Tương lấy gươm liệng lên hóa rồng cỡi đi mất“. Sáu trăm năm sau, tới triều Tấn, tiếp theo là câu chuyện Lôi Hoán, Trương Hoa đã thấy ở trên. Thì ra Thái A Kiếm là lấy từ sự tích bên Tàu.

         Bây giờ Thục chúa tỉnh ra,

         Dứt tình phó lưỡi  Thái A cho nàng.

Thanh kiếm Thái A     ảnh Võ Quang Yến

         Trong một bức thư viết cho ông Carnot năm 1922 để trả lời một câu hỏi của ông André Salles, Thanh tra Thuộc địa, ông Đại tá Payard, Phó Giám đốc Điện Quốc gia Phế binh tả lưỡi kiếm chỉ có một rãnh khoét (gorge d’évidement) (Note E) (1), thành thử có tác giả, trong một thiên khảo cứu tìm tòi (4), xác định thanh kiếm nầy là một sản phẩm Âu châu, chỉ có gắn vào một đốc kiếm Á châu thưc hiện tại chỗ. Tuy nhiên, ở Viện Bảo tàng Quân đội Paris, bảo kiếm nầy được trình bày là thanh gươm của vua Gia Long. Thật hay không, cần phải có một bằng chứng, chẳng hạn một cái ảnh vua Gia Long mang kiếm hay một văn bản xác định thanh kiếm Thái A chính là của vua Gia Long. Ví như thật là của vua Gia Long thì ai đã đem biếu tặng kiếm cho vị quốc vương Việt Nam và trong điều kiện nào kiếm được đem về trưng bày trong tủ kính Viện nầy ? Ông Quản đốc viện không có một tài liệu nào để giải thích sự kiện nếu không là một bản tin vắng tắt cho biết thanh kiếm được đem từ An Nam về sau cuộc viễn chinh đầu tiên (Note B) (1). Nếu khó lòng biết được lúc nào kiếm đã đến với vị vua nhà Nguyễn, có thể đoán biết làm sao kiếm đã rời khỏi hoàng thành. Thanh nầy khác hẳn thanh kiếm vua Khải Định sau nầy hay đeo như thấy trong ảnh. Nó cũng không thể là thanh kiếm vua Hàm Nghi đã mang theo với chiếc ấn khi cùng triều thần xuất bôn, khởi hịch Cần Vương sau đêm kinh đô thất thủ vì một cặp kiếm cùng các bảo vật đã  được phát hiện gần đây ở thôn Phú Hòa, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (6)  đồng thời một thanh gươm khác “dùng để chém những dân phu chôn vàng” rỉ, mục, nhặt được bên cạnh một gốc cây tươi trên đồi Yên Ngựa ở vùng Mả Cú thuộc xóm Rôồng, thôn Đặng Hóa, Xã Hóa Sơn (7). Ta không thể tưởng tượng một ông vua nào hay một vị đại thần nào đã đem dâng biếu cho một người ngoại quốc thanh kiếm của nhà vua, “một bảo vật lịch sử và tượng trưng quan hệ đến hạnh phúc và sự bảo tồn dân tộc” như vua Đồng Khánh đã nói với nhà văn Jules Boissière năm 1888 khi tiếp kiến ông nầy ở Huế và tỏ ý được hoàn lại (Note F) (1). Nếu kiếm rơi vào tay người Pháp thì có thể là vì họ đã tự tiện đoạt lấy, đặc biệt vào lúc tình hình rối beng, không còn trật tự chẳng hạn vào những ngày  biến cố Ất Dậu 05.07.1885.

 Bộ Lại cho đến bộ Binh,

Phố phưòng hai dãy nép mình cháy tan.

Bao nhiêu của cải bạc vàng,

Nửa thì nó lấy, nửa đốt tàn thành tro…

 (Vè Thất thủ kinh đô)

Vua Khải Định đeo một  thanh kiếm

 Còn có câu hỏi tại sao vua Hàm Nghi khi xuất bôn không đem thanh kiếm nầy theo cùng với cặp kiếm của ông, trừ phi kiếm đã bị cướp mất trước hay trong thời gian biến cố. Dù sao, cướp bóc thời chinh chiến là chuyện thường thấy ở nhiều nơi, huống hồ quan quân thuộc địa còn làm những việc tầy trời như tháng giêng 1913, dưới triều vua Duy Tân, viên Khâm sứ Georges Mahé dám cho đào lăng vua Tự Đức để chiếm lấy những bảo vật, một điều điếm nhục đã gây nhiều phẫn nộ trong dân chúng cùng triều đình Việt Nam và cũng không ít tai tiếng trong giới bảo hộ đến nỗi sau đó thủ phạm bị triệu hồi về nước. Xin nhắc lại, cướp kiếm chỉ là một giả thuyết, đến nay chưa có một tài liệu nào chứng xác sự kiện. Sự can thiệp của J. Boissière không thấy có kết quả vì thanh kiếm luôn còn nằm ở Viện Bảo tàng Quân đội  Paris. Và ở đây lại xảy ra một sự kiện khác cũng có phần lý thú.

         Ngày 03.10.1913 tờ báo Journal (Note A) (1), đăng một tin nhỏ : Hôm qua, thứ năm là ngày Viện Bảo tàng mở cửa, lúc bốn giờ, sau lúc viện đóng cửa, những người canh giữ khám phá một tủ kính bị phá vỡ và đã bị mất cắp một thanh gươm An Nam, bao gươm và vòng đai. Những bảo vật nầy mạ vàng, nạm đá, ngọc, có một giá trị lớn. Cuộc điều tra chẳng đem lại kết quả gì. Những dấu in trên kính đã được ghi lại nhưng khách rất đông, phần lớn là người nước ngoài. Tủ kính đã được khôn khéo mở ra với những dụng cụ cắt thép tí hon . Ngày  hôm sau, 04.10.1913,  tờ báo Temps ( Note B) (1) cũng cho đăng tải một tin tương tự với chi tiết bao gươm bằng da nạm kim hoàn và cặp móc chạm trổ dát một viên đá quý lớn. Sau khi đọc tin nầy, lập tức ông André Salles, Thanh tra Thuộc địa, viết thư cho Trung tướng  Niox, Giám đốc Viện Bảo tàng, Tư lệnh Tòa Quốc gia Phế binh, người có nhiệm vụ thực hiện cuộc điều tra với ông Guérin, để tố cáo những nhà cách mạng An Nam. Lời buộc tội nầy không có một bằng chứng nào, có thể chỉ phát xuất từ thái độ hiềm khích của ông André Salles đối với những chí sĩ Việt Nam. Ông Niox cũng không tin và cho biết thêm thanh gươm không bị mất cắp, chỉ cái bao gươm thôi  (Note C) (1). Theo Đại tá Payard, bao gươm không phải bằng vàng mà mạ vàng, hai vòng ngoài (chape) và đường viền đồng (bouterolle) đều nạm đá cả hai mặt. Móc vòng đai (crochet de ceinture) và khâu treo (bélière) bằng lụa và vàng nạm ngọc san hô, vòng đai bằng lụa và vàng cũng bị mất cắp cùng bao gươm (Note E) (1). Cần giải thích thêm chăng bao gươm và đai gươm mềm, dễ xếp vào túi hơn thanh gươm dài cứng…

         Theo hai học giả quan tâm đến những bảo vật của hoàng gia thì vua Gia Long còn có một thanh gươm khác mang tên Thanh gươm quy y. “Thanh gươm này nguyên là bửu kiếm của tiên triều, thường dùng để chém đầu giặc, những kẻ phản quốc,… Một điều lạ là nếu ngày mai có người bị giết thì đêm ấy gươm đã thoát ra khỏi bao. Vua Gia Long thấy thanh kiếm ưa giết người nên đem dâng cửa Phật và mới gọi là Thanh gươm quy y (Quốc Triều Chánh Biên) (5).  Có lẽ là tình cờ, hai cái gươm của vua Gia Long đều có sự tích với cái bao: Thanh kiếm Thái A không còn bao nữa, còn Thanh gươm quy y tự thoát ra bao, bây giờ ở đâu ?  May ra, ví chi được trưng bày trước những cặp mắt dửng dưng của người ngoại quốc, nó được kín đáo thờ phụng như cặp kiếm của vua Hàm Nghi được dân làng Phú Gia lưu giữ: “Một mái nhà tranh. Một tấm lòng thành. Một bảo tàng lòng dân. Một ngôi làng sơn cước cũng làm nên một cõi sống đẹp như huyền  sử khi con người không quên quá khứ” (6).

Cặp kiếm và bảo vật của vua Hàm Nghi được dân làng Phú Gia lưu giữ (6)

Huế Xưa và Nay (7-8) 82 (2007) 41-45

1- L. Cadière, H. Cosserat, Documents A. Salles, Bulletin des Amis du Vieux Hué, 4 (1933) 295-301

2- Diên Hương, Thành ngữ Điển tích Từ điển, nxb Đồng Tháp, Đồng Tháp (1992) 117-8

3- Nguyễn Thanh Giang, Lữ Huy Nguyên, Từ điển Từ ngữ Điển cố Văn học, nxb Văn học, Hà Nội (1989) 569; Nguyễn Thanh Giang, Từ ngữ Văn Nôm, nxb Khoa học Xã hội, TpHồChíMinh (1998) 673

4- Dominique Rolland, Le sabre de l’Empereur Gia Long, Bulletin de la Nouvelle Association des Amis du Vieux Hué, 9 (2005) 3-17

5- Bửu Diên, Hoàng Anh, Thanh gươm của vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, Nghiên cứu và Phát triển, 4 (34) (2001) 55-9

6- Văn Cầm Hải, Gặp kiếm báu và voi vàng của vua Hàm Nghi, www.tuoitre.com.vn, 10.02.2007 ; Nghĩa Dàng, Hà Tĩnh : Phú Hòa – village gardien des objets sacrés du roi Hàm Nghi, Le Courrier du Vietnam, 29.12.2008

7- Nguyễn Quang Trung Tiến, Theo dấu chân vàng của vua Hàm Nghi, Huế Xưa và Nay, 80 (3-4) (2007) 30-39

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.