Trong lịch sử 5000 năm của Trung Quốc có rất nhiều thứ đáng để dân tộc này tự hào với thế giới. Ở trong lĩnh vực hội họa, nếu châu Âu xem bức tranh “Mona Lisa” của danh họa Leonardo da Vinci là tuyệt phẩm đẹp nhất, là báu vật vô giá của lịch sử hội họa con người thì với người dân Trung Quốc, họ cũng có một bức tranh giá trị vô giá như thế, nó được ví như là “Mona Lisa của Trung Quốc”. Đó là kiệt tác hội họa “Thanh minh thượng hà đồ” (tiếng Trung giản thế: ; tiếng Anh: Along the River During the Qingming Festival).

t12.15.chinh-5

Dấu triện nhà Tống và bút tích của họa sĩ Trương Trạch Đoan

 

“Thanh minh thượng hà đồ” giải nghĩa ra tiếng Việt thì bức tranh có nghĩa là “tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh” hay cũng có thể hiểu là “tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết trời trong sáng”. Tác phẩm này tính đến nay có nhiều phiên bản, trong đó bản đầu tiên và nổi tiếng nhất là bức tranh có kích thước 25,5 cm × 525 cm của họa sĩ Trương Trạch Đoan – Zhang Zeduan (1085-1145) vẽ đời nhà Tống hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bản thứ 2 xuất hiện vào thời Minh được vẽ trên khổ dài hơn 6,7m của họa sĩ Chiu Ying (1492-1552) nhưng hiện không rõ lưu giữ tại đâu. Phiên bản thứ 3 có kích thước lớn 35,6×1152 cm được vẽ năm 1736 đời nhà Thanh do 5 vị họa sư là Chen Mei, Sun Hu, Jin Kun, Dai Hong, và Cheng Zhidao vẽ để dâng lên Càn Long Đế. Hiện bức này đang lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung Đài Bắc tại Đài Loan do quân đội của Tưởng Giới Thạch mang đi năm 1949. Đó là ba phiên bản nổi tiếng nhất của “Thanh minh thượng hà đồ” trong số nhiều phiên bản xuất hiện tại Trung Quốc và trên khắp thế giới. Trong đó hai phiên bản thời nhà Tống và nhà Thanh được xem là báu vật quốc gia của nước này.

t12.15.chinh-2

Trích đoạn trong phiên bản đời Tống

 

t12.15.chinh-3

Hồng Kiều phiên bản đời Tống của họa sĩ Trương Trạch Đoan thế kỷ XII

 

Về nội dung thì nếu như phiên bản đời Tống mô tả cảnh quan bên trong và bên ngoài kinh đô Biện Kinh (tức Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay) dưới triều đại nhà Tống (ở bản nhà Minh và Thanh được thay thế bằng kinh đô Bắc Kinh), trong suốt dịp lễ hội tiết Thanh minh. Có ý kiến cho rằng thành phố được miêu tả trong bức tranh đời nhà Tống là không có thật và rằng cái tên của bức tranh chỉ ý nói tới một ngày có tiết trời trong sáng bởi thời điểm mô tả trong bức tranh là sau năm 1085 (năm sinh của Trương Trạch Đoan) và trước năm 1127 – năm Biện Kinh rơi vào tay nhà Kim.

Về cấu trúc và bố cục thì gần như ba phiên bản đều có sự tương đồng nhưng so với phiên bản đời nhà Tống thì phiên bản đời Minh và đặc biệt là nhà Thanh có kích thước lớn và các chi tiết, màu sắc cầu kỳ hơn. Người xem “Thanh minh thượng hà đồ” sẽ phải xem từ phải qua trái, với ba khu vực chính: vùng nông thôn nằm ở phía bên phải, việc kinh doanh và các hoạt động khác ở giữa, tiếp đến là khung cảnh dòng sông, đường giao thông, cây cầu bắc qua dòng sông. Xa hơn về phía bên trái là cảnh thành phố nhộn nhịp cũng như cổng ra vào (ở phiên bản nhà Thanh được mở rộng thêm cảnh hoàng cung và vườn thượng uyển).

t12.15.chinh-4

Hồng Kiều phiên bản đời Minh của họa sĩ Chiu Ying thế kỷ XV

 

Đi vào chi tiết ta sẽ thấy khu vực nông thôn có một cây cầu nhỏ, dòng suối, cánh đồng hoa màu và những người thôn quê (người chăn nuôi lợn, người chăn dê, nông dân). Ngoài ra cũng có một con đường dẫn vào trung tâm thành phố, nơi xuất hiện nhiều ngôi nhà và dân cư trở nên đông đúc hơn. Người ta đã thống kê được bản đời nhà Tống của Trương Trạch Đoan đã vẽ 814 nhân vật, 28 thuyền, 20 xe cộ, 60 con vật và 170 cây cối. Trong khi ở phiên bản nhà Thanh đã có hơn 4000 nhân vật và chi tiết được khắc họa.

Khi nhìn toàn cảnh vào thành phố, chúng ta sẽ thấy một con sông lớn, tàu thuyền qua lại tấp nập từ đầu thị trấn cho đến các đường phố chính và cửa khẩu. Cửa hàng kinh doanh bán nhiều loại hàng hóa bao gồm: thực phẩm, rượu vang, đồ nấu nướng, dụng cụ âm nhạc, vàng bạc, đèn lồng, cung, mũi tên, đồ trang trí, tranh vẽ, thuốc, kim, vải nhuộm,…

Hồng Kiều là phần nổi bật nhất và là điểm nhấn của toàn bộ bức tranh ở gần trung tâm, nơi có một chiếc cầu trải dài qua sông và mọi người đang di chuyển phía trên. Vị trí và vai trò của cây cầu này rất quan trọng, nó là điểm nối giữa hai bên bờ sông, là phần chia đôi tranh để mắt nhìn của người xem có điểm dừng trước kích thước kéo dài của bức tranh. Cây cầu càng tấp nập và đông đúc bao nhiêu thì càng chứng tỏ nền thủ công thương nghiệp, đời sống bá tính nhân dân phong kiến thời bấy giờ càng hưng thịnh bấy nhiêu.

 

t12.15.chinh-6

Hồng Kiều trên phiên bản đời nhà Thanh

 

t12.15.chinh-7

Trích đoạn trên phiên bản đời nhà Thanh

 

Khu vực bên trái của bức tranh là thành phố với chiếc cổng ra vào. Tại đây có nhiều cửa hàng, cơ quan thu thuế và người dân đang chất hàng hóa lên thuyền. Mọi người trông có vẻ rất bận rộn. Họ đang đi bộ, đứng trên đường phố, gánh theo những chiếc giỏ trên vai, hoặc sử dụng con vật như lạc đà, lừa để vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, trên đường còn có xe bò, xe ngựa. Các tòa nhà cũng rất đa dạng, từ những túp lều đơn giản cho đến khu nhà lớn như đền chùa, nhà trọ và tòa nhà hành chính.

Thông qua bức tranh, người xem có thể hình dung được sự vĩ đại của lịch sử, văn hóa Trung Quốc từ kiến trúc cho đến cảnh đẹp, con người. Có thể nói ba phiên bản “Thanh minh thượng hà đồ” đều có những nét đẹp riêng và đều xứng đáng là đại diện xuất sắc, là niềm tự hào của nền hội họa Trung Quốc.

Hiện tại, người dân Trung Quốc cũng như thế giới rất hiếm khi được xem bản gốc của bức tranh bởi sự vô giá, sức hút và cả sự bí ẩn quyến rũ của nó mang lại. Lần gần nhất mà người ta có thể được chiêm ngưỡng phiên bản lâu đời nhất là vào năm 2020 khi Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh mở cửa cho khách tham quan. Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, cũng đang trưng bày một phiên bản giống với phiên bản đời Tống.

Hoàng Chính (tổng hợp)

Nguồn : http://vietnamfineart.com.vn/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.