Bấy lâu này, đọc thần thoại Hy Lạp, không biết mọi người có tự hỏi rằng: tích Hy Lạp (giờ gọi là tích chứ hồi xưa nó là tôn giáo) có thần có thánh, nhưng liệu có giải thích loài người từ đâu ra? Thế giới này từ đâu mà hình thành nên? Dĩ nhiên là tích Hy Lạp giải thích những câu hỏi trên theo kiểu của nó. Giờ đã có Darwin nên chúng ta không tin vào những tích như thế này, nhưng đây vẫn là những câu chuyện thú vị, giúp ta tìm hiểu về cách suy nghĩ của người xưa.
Hesiod và Ovid
Hai tác giả kể về tích “kiến tạo thế giới” nổi tiếng nhất là Hesiod và Ovid. Tích của cả hai có nhiều điểm chung và một số điểm riêng. Hesiod, theo đúng kiểu Hy Lạp, phán rằng: đầu tiên, thế giới không có gì hết, chỉ có mỗi một thần Chaos (hỗn loạn) đen ngòm, sau đó Chaos tự đẻ ra Tartarus (địa ngục) và Gaia (đất mẹ). Gaia tự sinh Uranus (trời), và cả hai cùng nhau sinh ra núi non, biển cả.
Chaos muốn vạn vật sinh sôi hơn nữa, nên tạo ra Eros (tình yêu), Erebus (bóng tối), và Nyx (màn đêm); nhờ tình yêu mà Erebus và Nyx sinh thêm một loạt con cái, và Gaia/Uranus sinh thế hệ thần Titans. Cronus lên làm vua của thế hệ này, rồi sau đó thần Titans tên Prometheus nặn ra loài người (toàn đàn ông). Cuối cùng, Cronus bị Zeus đảo chính, cướp ngôi như mọi người biết.
Đây là phả hệ của các vị thần Hy Lạp, theo wikipedia, nhưng được chỉnh lại, thêm chú thích và có tiếng Việt để mọi người cùng xem.
Tác phẩm của họa sĩ Gustave Moreau, vẽ năm 1891, có tựa “Hesiod và nàng thơ”. Ý Gustave muốn nói nhờ nàng thơ truyền cảm hứng mà Hesiod mới viết ra được nhiều tích hay, trong đó có tích kiến tạo thế giới. Ông Gustave khoái văn hóa Ấn Độ nên tranh hơi màu mè.
Ovid, sống vào thời La Mã, kể khác Hesiod một chút. Ovid không nhắc đến Chaos, mà nhắc tới một “Vị thần của mọi thứ” – rất giống “Thiên Nhiên”. Ông thiên nhiên tạo ra trời đất, biển núi sông ngòi; rồi tạo ra nhiệt độ khác nhau cho mỗi vùng. Sau đó ông ấy tạo ra nhiều thần gió, rồi đưa mỗi thần đến từng phương. Được một lúc thì ông thiên nhiên bị chứng mất ngủ, nhìn thấy trời xanh mãi chán quá, ngủ không được, ông tạo ra màn đêm cùng các vì sao, và đem muông thú đến cho trái đất.
Mọi thứ diễn ra tốt đẹp, và thiên nhiên ra chiều rất hồ hởi với tác phẩm của mình. Nhưng cứ đều đều bình bình vậy riết cũng chán, thiên nhiên không muốn suốt ngày phải ngắm cọp ngắm voi nữa, thiên nhiên cần ai đó chọc cho mình cười. Thế thiên nhiên làm gì? Tạo ra nhân loại (toàn đàn ông, lúc này chưa có đàn bà).
Các thời kỳ của loài người
Có loài người rồi, Hesiod chia cuộc sống của loài này ra làm 5 thời kỳ, còn Ovid chia thành 4 thời kỳ.
Hesiod: Thời Vàng (Golden Age), Thời Bạc (Silver Age), Thời Đồng (Bronze Age), Thời Anh hùng (Heroic Age) và Thời Sắt (Iron Age).
Ovid: Thời Vàng, Thời Bạc, Thời Đồng và Thời Sắt.
Thời Vàng
Cả Hesiod và Ovid đều cho rằng thời kỳ vàng là thời loài người (thể theo Ovid thì chỉ có đàn ông) sung sướng nhất; không có chiến tranh, không thù hận, không có vũ khí. Loài người không phải cày ruộng hay lao động vất vả vì thiên nhiên cho con người đủ thức ăn, loài người vui vẻ sống trong hang, thế giới có chỗ nóng chỗ lạnh nhưng không có 4 mùa. Đây là thời Cronus làm vua của giống thần Titans. đến khi Zeus đảo chính, thời kỳ vàng kết thúc.
Tác phẩm “Thời kỳ Vàng”, Lucas Cranach the Elder, 1530. Lucas vẽ theo Hesiod rồi vì trong tranh có phụ nữ. Đây là thời kỳ mà loài người sướng nhất, chung sống hòa bình với muông thú, không phải làm gì mà cũng có hoa quả để ăn. Tối ngày chỉ việc yêu đương, vui vẻ ca hát nhảy múa.
Tác phẩm “Thời kỳ Vàng” Joachim Wtewael, 1605. Khác với Lucas, Joachim vẽ thời kỳ vàng theo kiểu hơi bị ăn chơi trác táng. Thời kỳ này cũng không có bệnh tật, nên loài người thoải mái cởi truồng đàn đúm cùng muôn thú mà không sợ bị nhiễm H1N1.
Đây là tranh tả Thời kỳ Vàng, do Luigi Ademollo minh họa cho cuốn “Metamorphosis” xuất bản ở Florence vào năm 1832.
Thời Bạc
Khi Zeus lên ngôi, loài người bắt đầu có 4 mùa nhờ thần mùa màng Demeter và con gái Persephone. Thay vì sống trong hang hốc, con người bắt đầu biết làm nhà, tập tành trồng trọt, thuần hóa muông thú để phục vụ cho cuộc sống của mình. Thời Bạc không sướng bằng thời Vàng, nhưng cũng không đến nỗi tệ. Đến cuối thời này thì mọi thứ bắt đầu lục đục. Ovid còn phán: vì Pandora – người đàn bà đầu tiên – xuất hiện, mà thế giới bắt đầu khổ. Nếu thuộc tích, mọi người sẽ nhớ lại rằng Prometheus đem bệnh tật của con người bỏ vào một cái rương, sau này chính Pandora mở cái rương đấy ra, phóng thích bệnh tật và cái xấu đến cho nhân loại. Thời kỳ bạc kết thúc từ đó.
Tác phẩm “Cuối thời kỳ Bạc”, Lucas Cranach the Elder, 1530. Lúc này con người đã biết phát minh ra dụng cụ để trồng trọt chăn nuôi, nhưng đồng thời cũng phát minh ra vũ khí, thành thử thế giới bằt đầu bạo lực hóa, dù không có chiến tranh nghiêm trọng gì.
“Thời kỳ Bạc”, do Luigi Ademollo vẽ minh họa cho “Metamorphosis” vào năm 1832. Loài người bắt đầu có quần áo mặc, không cởi truồng nữa. Họ cũng biết tập tành làm ruộng, thuần hóa trâu bò; tuy phải lao động nhưng vẫn khá là hạnh phúc.
hời Đồng
Ovid và Hesiod không nhắc gì nhiều đến thời Đồng, chỉ nói rằng lúc này con người bắt đầu thích vũ khí, bắt đầu gây hấn nhau, bắt đầu có tí chiến tranh, nhưng họ vẫn chưa phạm tội gì nặng với thần thánh và vẫn tôn trọng các vị thần.
Thời đồng kết thúc sau khi Zeus ra lệnh cho thủy triều làm lụt trái đất, tích này xin kể vào kỳ sau cho nó đỡ rối.
Thời Anh hùng
Thời này chỉ có Hesiod nhắc tới chứ Ovid thì không đả động đến. Đây là thời đại của những anh hùng, với các cuộc chiến nổi tiếng tại Troy và Thebes.
Thời Sắt
Vào thời này, loài người cực kỳ tệ, phá hoại thiên nhiên, phạm tội tày trời, giết chóc lẫn nhau, và chiến tranh cứ thế nổ ra. Nữ thần Astraea (thần công lý, sự ngây thơ, trong trắng – một biến thể của Athena) là vị thần cuối cùng trụ lại để cố bảo ban con người, nhưng sau đó bà chán loài người quá nên xách cân công lý rời trái đất (chiếc cân biến thành chòm sao Thiên Bình). Bạn biết chúng ta đang sống trong thời nào không? Chính là thời sắt đấy!
Đây! thời sắt theo trí tưởng tượng của Luigi khi ông minh họa cho “Metamorphosis” với chiến tranh mịt mù, con người lầm than, đau khổ, giết chóc lẫn nhau.
Tác giả : Pha Lê
Nguồn : soi house