NHÀ ÐINH tồn tại từ năm 968 đến năm 980 truyền được 2 đời vua :
Quốc hiệu : CỒ VIỆT (Ðại Cù Việt)
Kinh đô : Hoa Lư.
Niên hiệu : Thái Bình.
1. Tiên Hoàng Ðế – Ðinh Bộ Lĩnh (968 – 979).
Năm 968 Ðinh Bộ Lĩnh người quê ở Hoa Lư, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình nguyên là bộ tướng của sứ quân Trần Lãm, đứng lên dẹp được loạn 12 Sứ quân lên ngôi vua xưng Ðinh Tiên Hoàng Ðế, niên hiệu Thái Bình. Ông là người có công với nước, tổ chức binh lính thành hàng ngũ để giữ vững ngoại xâm và trị an trong nước. Ông đã cho đúc loại tiền độc lập của nước nhà, thu đổi những tiền Trung Hoa để xoá bỏ tàn tích lệ thuộc khi trước.
Vua Ðinh Tiên Hoàng xuất thân là trẻ chăn trâu có óc tổ chức đã mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho nước nhà. Ngài đặt tên nước là CỒ VIỆT (Ðại Cù Việt), lấy niên hiệu Thái Bình và chọn Hoa Lư làm kinh đô. Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, tỉnh Hà Nam bây giờ, lợi dụng địa thế thiên nhiên hiểm trở để xây dựng một thành trì độc đáo. Thành Hoa Lư nằm trong thung lũng bằng phẳng, ba mặt có núi của dãy Tràng An bao bọc. Mặt Tây Bắc ít núi có dòng sông Hoàng Long án ngữ. Những đoạn không có núi đá vôi chắn, ông cho nối từ chân núi nọ sang chân núi kia bằng tường thành do quân dân đắp, cao khoảng 10m, rộng 15m. Thành Hoa Lư gồm hai vòng thành nằm cạnh nhau, liên hệ với nhau bằng một ngách núi ở giữa gọi là Quèn Vòng. Thành ngoại ở phía đông, nơi xây dựng cung điện nhà vua, thành nội ở phía Tây gần sông Hoàng Long nơi nuôi dạy và bảo vệ trẻ em. Nằm trong vùng có núi non, hang động, có sông ngòi uốn quanh, nhà cửa, cung điện, đình chùa trong thành làm cho thành Hoa Lư càng thêm hùng tráng.
Năm 979, Ðinh Tiên Hoàng và người con lớn bị gian thần Ðỗ Thích ám sát chết. Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi. Con là Vệ Vương được truyền ngôi, tức là Ðinh Phế Ðế.
2. Phế Ðế – Ðinh Toàn (979 – 980).
Vua Tiên Hoàng mất, triều thần tôn Ðinh Toàn lên ngôi lúc lên 6 tuổi có các đại thần cùng giúp trông coi việc nước. Trong số các tướng có Thập Ðạo tướng quân Lê Hoàn vì nắm toàn bộ binh quyền nên tự xưng là Phó Vương tự tiện ra vào cung cấm. Một số đại thần muốn trừ nạn tiếm quyền nên dấy binh đánh Lê Hoàn nhưng thất bại đều bị giết chết cả.
Năm 980, nhà Tống thấy Tiên Hoàng đã mất, vua còn quá nhỏ, nội bộ trong triều đình chia rẽ nên chuẩn bị mang quân sang chiếm nước ta. Trước tình hình nguy cấp đó, Thái Hậu Dương Vân Nga và các tướng sĩ trao nghi trượng, long bào cho Thập Ðạo tướng quân Lê Hoàn để chuẩn bị kháng chiến.
Vì Vua còn quá nhỏ không điều khiển được việc nước nên chỉ ở ngôi được 8 tháng. Khi quân Tống sang xâm lược, Thái hậu và triều đình truất phế, giáng làm Vệ vương (vì vậy được gọi là Ðinh Phế Ðế) và tôn Lê Hoàn lên làm vua, tức vua Lê Ðại Hành.
ĐỒNG TIỀN THỜI NHÀ ĐINH.
Nước ta bị lệ thuộc Trung Hoa nhiều năm nên các đồng tiền Trung Hoa cùng thời là tiền tệ chi dùng cho cả nước. Khi lên ngôi, Ðinh Tiên Hoàng liền cho đúc loại tiền mang niên hiệu của mình để chi dùng trong dân chúng, chứng tỏ nước ta giờ đây đã có chủ quyền. Ðồng tiền mang tên ÐẠI BÌNH HƯNG BỬU, vì là đúc lần đầu nên kỹ thuật khắc, đúc khá thô sơ nhưng dày dặn, được dân chúng hoan nghênh đón nhận với mong nước nhà được an bình, hưng thịnh.
Ðược xem là đồng tiền đầu tiên của một nước tự chủ, tiền đời nhà Ðinh được đúc bằng đồng nhiều tạp chất nên ngày nay phần lớn đều bị hoen rỉ, đáng chú ý là nét chữ Ðại Bình Hưng Bửu rất thô sơ nên có giả thuyết đó là chữ Thái bị mất dấu chấm phía dưới nên trông giống chữ Ðại nhưng theo một số nhà ngôn ngữ học : vào thời ấy chữ Ðại hay chữ Thái đều đọc và nghĩa như nhau. Thực tế qua sưu tầm, tất cả những đồng mà tôi đã gặp đều viết ÐẠI BÌNH HƯNG BỬU nhưng căn cứ niên hiệu của Vua Ðinh Tiên Hoàng nên hầu hết các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tập đều thống nhất đọc là THÁI BÌNH HƯNG BỬU.
Ðến nay, về cơ bản chúng ta đã tìm thấy ba loại tiền THÁI BÌNH HƯNG BỬU. Một loại phía sau có chữ Ðinh nằm trên lỗ vuông, một loại có chữ Ðinh nằm dưới lỗ vuông và một loại mặt sau không có chữ. Hầu hết những đồng có chữ Ðinh dưới lỗ vuông thường dày và nặng hơn hai loại kia.
Trong quá trình sưu tập, như đã nói ở trên tôi nhận thấy tiền Thái Bình hưng bửu có 3 loại cơ bản và mức độ quý hiếm được phân tích như sau :
– Loại Thái Bình Hưng Bửu : Lưng trơn là hiếm nhất.
– Loại Thái Bình Hưng Bửu : Chữ đinh trên lỗ vuông
– Loại Thái Bình Hưng Bửu : Chữ đinh dưới lỗ vuông
Một điều thú vị là mặc dù được xem là đồng tiền đầu tiên do người Việt đúc, niềm tự hào của dân tộc đã ra đời cách đây hơn 1.000 năm, trải qua nhiều thăng trầm nhục vinh của đất nước nhưng đến nay hầu như đồng tiền này chưa thấy bị làm giả.
Tuy chính sử không thấy nói việc đúc tiền thời nhà Ðinh nhưng qua nhiều tài liệu nghiên cứu; sưu tập và lấy mức độ quý hiếm của đồng tiền, nhận thấy rằng :
+ Tiền Thái Bình Hưng Bửu có chữ đinh trên lỗ vuông là do Vua Ðinh Tiên Hoàng đúc với chữ đinh ở vị trí trên lỗ vuông để khẳng định chủ quyền quốc gia, quốc tính. Tiền này được đúc với số lượng khá nhiều nên qua bao nhiêu dâu bể đến nay ta vẫn còn tìm thấy khá nhiều.
+ Chữ đinh còn có nghĩa khác là “con trai” nên có thể tiền Thái Bình Hưng Bửu có chữ đinh dưới lỗ vuông được đúc dưới triều Vua Ðinh Toàn với chữ đinh ở vị trí dưới lỗ vuông mang hàm ý khiêm nhường ở dưới vua cha. Những đồng tiền ở dạng này thường dày dặn và nặng hơn những đồng Thái Bình hưng bửu khác, tôi cho rằng kinh tế quốc gia đã đi vào ổn định và phát triển, Vua Ðinh Toàn khi lên ngôi vẫn giữ niên hiệu Thái Bình của vua cha và cho đúc tiền này.
+ Tiền Thái Bình Hưng Bửu lưng tiền để trơn được Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cho đúc khi được Thái hậu Dương Vân Nga và các tướng sĩ trao quyền nhưng chưa lên ngôi vua với hình thức lưng tiền để trơn ngụ ý rằng : Nước Cồ Việt vẫn còn chủ quyền của Nhà Ðinh với niên hiệu Thái Bình nhưng tiền không do người họ Ðinh đúc để chi dùng trong dân chúng và chuẩn bị sửa soạn đánh quân xâm lược Bắc Tống lúc bấy giờ lăm le xâm phạm bờ cõi nước ta. Mặt khác, vì ngôi vua không phải là truyền thừa nên cũng cần phải có giai đoạn tế nhị để làm bước đệm đồng thời mẫu khuôn đúc tiền Thái Bình đang có sẵn chỉ cần bỏ chữ đinh ở mặt lưng đi là có thể đúc tiền dùng được ngay. Tiền này được đúc với số lượng ít hơn nên ngày nay hiếm hơn hai loại có chữ đinh ở lưng tiền.
+ Cũng có thể tiền này được đúc trong 4 năm đầu niên hiệu Thiên Phúc.
Ngoài ra, trong quá trình sưu tập, người ta cũng phát hiện những đồng tiền Thái Bình hưng bửu có chữ đinh viết ngược hoặc ở vị trí 3 giờ trên lưng đồng tiền. Tôi cho rằng đây là những đồng tiền bị lỗi trong khi đúc, không đại diện cho tiền tệ thời nhà Ðinh.
Tác giả : Dung Dang
Nguồn : giadinh-numis.com