NHÀ TIỀN LÊ tồn tại từ năm 980 đến năm 1009 truyền được 3 đời vua :
Quốc hiệu : CỒ VIỆT.
Kinh đô : Hoa Lư.
1. Đại Hành Hoàng đế – Lê Hoàn (980 – 1005).
Niên hiệu : Thiên Phúc – Hưng Thống và Ứng Thiên.
Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm 941(Tân sửu) ở Xuân Lập – Thọ Xuân – Thanh Hoá. Thuở thiếu thời ông theo Nam Việt Vương Đinh Liễn đã lập nhiều chiến công. Năm 30 tuổi ông được Vua Đinh Tiên Hoàng phong Thập đạo tướng quân sau khi thống nhất đất nước.
Khi Vua Đinh bị Đỗ Thích ám sát, Nhà Tống – Trung Hoa định nhân cơ hội đưa quân sang xâm lược nước ta. Để có thể đoàn kết chống quân Tống, Thái hậu Dương Vân Nga và triều đình đã quyết định trao ngôi báu cho ông.
Năm 980 Lê Hoàn lên ngôi tức là Đại Hành Hoàng Đế. Năm 981, vua Tống cho quân sang đánh nước ta, chia làm hai mặt : Một đi theo ngả Lạng Sơn, một theo đường biển tiến vào sông Bạch Đằng. Lê Đại Hành chống cự cả hai mặt và đánh tan quân Tống ở Ải Chi Lăng, quân đường biển sợ hãi rút về. (Ải Chi Lăng thuộc địa phận huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn)
Sau đó, Lê Đại Hành cho sứ sang Trung Hoa điều đình và xin triều cống được vua Tống ưng thuận. Yên được mặt bắc, Lê Đại Hành mang quân đánh Chiêm Thành ở phía nam, vì vua nước này đã bắt sứ giả của vua Lê cử sang để giao hiếu khi mới lên ngôi. Chiêm Thành thua, xin triều cống.
Sau khi lãnh đạo quân dân nước Cồ Việt đánh tan quân xâm lược, nhà Vua tập trung xây dựng lực lượng quân đội để bảo vệ chủ quyền quốc gia đồng thời đẩy mạnh sản xuất chủ yếu là nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước.
Tháng ba năm Ất Tỵ (1005) vua Lê Đại Hành mất, thọ 65 tuổi, trị vì 25 năm.
2. Trung Tông Hoàng đế – Lê Long Việt (1005).
Nam Phong Vương Lê Long Việt là con thứ ba được vua cha lập Thái tử năm giáp thìn 1004. Khi vua Đại Hành mất, các hoàng tử tranh ngôi. Đến tháng 10 năm ất tỵ ngài mới lên nối ngôi nhưng được 3 ngày thì bị người em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh giết chết, cướp ngôi.
Vua ở ngôi được 3 ngày, thọ 23 tuổi.
3. Khai Minh Vương – Lê Long Đĩnh (1005-1009).
Niên hiệu : Cảnh Thuỵ.
Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh là ông vua khá hiếu chiến, trong thời gian trị vì đã nhiều lần tự cầm quân đánh giặc và tự tay giết đối thủ rất tàn nhẫn. Tuy vậy, trong 4 năm ở ngôi cũng làm được nhiều việc cho quốc gia như : dẹp loạn, đào kênh, đắp đường…
Vua đã làm nhiều việc càn rỡ, tàn bạo, sống buông thả, vô độ nên bị bệnh trĩ suốt ngày chỉ nằm, ngay cả khi thiết triều nên được gọi là vua Ngoạ Triều, ở ngôi không bao lâu thì mất, thọ 24 tuổi. Con trưởng là Khai Phong Vương còn quá nhỏ, lại bị lòng dân còn oán giận Ngoạ Triều nên triều đình tôn võ quan Lý Công Uẩn lên làm vua, lập ra nhà Lý.
ĐỒNG TIỀN THỜI NHÀ LÊ.
Nước nhà mới giành lại độc lập, đang lo củng cố, quy tắc chưa nghiêm, mặt khác nền kinh tế còn non yếu, chưa phát triển, nhu cầu trao đổi bằng tiền chưa phổ biến, đồng tiền cho đúc ra lúc đầu chỉ mang tính cách độc lập có chủ quyền chứ chưa phát hành rộng rãi trong dân chúng. Lương bổng quan chức, quân lính phát bằng hiện vật là chính. Thuế khoá các nơi cũng nộp bằng hiện vật. Trong 29 năm thuộc kỷ nhà Lê, chính sử chỉ có một dòng ngắn ngủi về việc đúc tiền “…năm giáp thân 984, mùa xuân tháng hai, đúc tiền Thiên Phúc…”.
Tiền THIÊN PHÚC TRẤN BỬU do Vua Lê Đại Hành cho đúc vào năm thứ 5 lấy theo niên hiệu của ngài và có lẽ về sau này Lê Long Đĩnh có cho đúc thêm nhiều để giao thương với Trung Hoa. Sử trung Hoa cho biết lúc bấy giờ người Việt đến buôn bán ở châu Liêm và châu Khâm (có trấn Như Hồng) đến nay vẫn còn được tìm thấy khá nhiều. Về cơ bản, tiền Thiên Phúc Trấn Bửu có nhiều đặc điểm giống tiền Ðại Bình Hưng bửu. Tuy vậy, ta cũng thấy rằng Nhà Lê noi theo Nhà Ðinh, không theo quy tắc đúc tiền của Trung Hoa để đúc tiền Thiên Phúc. Viết quốc tính lên mặt sau đồng tiền để khẳng định chủ quyền và phân biệt rõ ràng với tiền Trung Hoa vốn đã được dùng ở nước Việt từ trước.
Đồng tiền Thiên Phúc cũng được tìm thấy ba loại : 2 loại phía sau có chữ Lê nằm trên lỗ vuông và một loại lưng để trơn không có chữ Lê.
– Loại Thiên Phúc Trấn bửu : Lưng trơn là hiếm nhất :
– Loại Thiên Phúc Trấn bửu : Chữ lê viết rộng bề ngang (Lê to) :
– Loại Thiên Phúc Trấn bửu : Chữ lê viết hẹp hơn (Lê nhỏ) :
Triều nhà Lê còn nhiều vấn đề khúc mắc mà sử không nói đến, một số điều khúc mắc có liên quan đến việc đúc tiền của nhà Lê như : Lê Long Ðĩnh khi lên ngôi lấy hiệu là Cảnh Thụy nhưng vẫn cho đúc tiền Thiên Phúc, vậy tiền Thiên Phúc nào được đúc dưới triều của Cảnh Thụy là rất khó phân định.
Tuy vậy, ta cũng thấy rằng Nhà Lê noi theo Nhà Ðinh, không theo quy tắc đúc tiền của Trung Hoa để đúc tiền Thiên Phúc. Viết quốc tính lên mặt sau đồng tiền để khẳng định chủ quyền và phân biệt rõ ràng với tiền Trung Hoa vốn đã được dùng ở nước Nam từ trước.
Tác giả: Dung Dang
Nguồn : giadinh-numis.com