I.- Trường dạy nghề Biên Hòa (1903-1913)

Đầu thế kỷ 20, nền thống trị của thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương tương đối ổn định, họ lần lượt cho mở các trường dạy nghề (école professionnelle), mà nhân dân quen gọi là trường bá nghệ. Trên đất Nam Kì, có trường Bá nghệ Sài Gòn, trường Bá nghệ Thủ Dầu Một, trường Bá nghệ Biên Hòa.

Ngày 24 tháng 9 năm 1902, Hội đồng hàng tỉnh Biên Hòa ra nghị quyết mở trường dạy nghề Biên Hòa theo đề nghị của ông Chesne, quan Chánh tham biện tỉnh Biên Hòa, trực tiếp quản lý trường – làm nhiệm vụ của hiệu trưởng. Dự kiến trường có các ban sau:

– Ban thứ nhất: Vẽ trên giấy, trên gỗ, tô chữ trang trí sách, vẽ hình họa.

– Ban thứ hai: Điêu khắc gỗ, khảm, khắc trổ, làm đàn, nữ trang.

– Ban thứ ba: Đan, lát đồ vật làm bằng cây cọ, song mây, cói và tre.

– Ban thứ tư: Thủy tinh, đồ sành, đồ gốm, đồ chơi giá trị không cao.

Hội đồng hàng tỉnh bổ sung nghề đúc đồng truyền thống của Biên Hòa. Dự kiến trên không được sự tán thành hoàn toàn của cấp trên là Thống đốc Nam Kì vì không thể thành lập một trường tương tự như trường Bá nghệ Thủ Dầu Một. Các ngành nghề chỉ được dạy ở một trong hai trường.

Trường Dạy nghề Biên Hòa khai giảng lần đầu tiên vào ngày 15/3/1903 trong khuôn viên tòa bố (nơi quan cai trị làm việc, sau này gọi là dinh tỉnh trưởng). Trường tọa lạc ở khu đất ngang 50 mét, rộng (sâu) 43 mét ngay phái sau bên trái tòa bố với một dãy ngang trông ra bùng binh đường giao thông một chiều.Dãy nhà dài 34 mét, rộng 10,5 mét dùng làm các lớp học. các năm 1904, 1905 người ta xây thêm một chái nhà dài 27 mét, rộng 3,5 mét để ngăn cách trường với tòa bố; một dãy nhà dài 40 mét, rộng 14 mét quay vào sân trường nằm vuông góc với các lớp học cho trước. Các dãy nhà và chái nhà đều lợp ngói móc, thấp theo kiểu xưa. Cổng trường nằm sau lưng tòa bố, ngó sang phải là nhà thờ Biên Hòa (nay là Giáo xứ Biên Hòa). Ở bên kia đường là thửa dất xây nhà cho viên hiệu trưởng và gia đình cư ngụ. Nhà được xây với kiến trúc kiểu Pháp với nền cao, cửa trước xây lục giác để che mưa nắng.

Ngay phía trước trường, sát bùng binh là lò rồng dài 25 mét nung đồ gốm, sau này lò dời về khu đất cạnh đài kỷ niệm. Khi lò rồng dở bỏ, người ta xây phòng trưng bày trên nền lò cũ.

Trường dạy nghề Biên Hòa thành lập nhằm mục đích: đào tạo thợ, khi người đó trở về làng có thể tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của tỉnh (gỗ, song mây, đất sét, tre…) . Cải tiến một số ngành nghề truyền thống của đại phương nay hầu như mai một như nghề đúc đồng và gang… trong khi ấy ngành nghề đ1o đã phát triển mạnh ở Bắc Kì mà chúng ta thấy các đồ đúc đồng đẹp ở Hội chợ triển lãm Hà Nội.

Ngoài giờ học chính khóa ban nagỳ, học trò còn phải theo học lớp đàm thoại tiếng Pháp và phép tính nhẩm buổi tối từ 6 giờ đến 7 giờ 30 dưới sự giám sát của ông hiệu trưởng trường tỉnh lị. Thoạt đầu, trường có 4 ban:

– Ban đan lát: dùng song mây, tre.

– Ban gỗ: điêu khắc gỗ, tiện gỗ, mộc xây dựng và mộc dân dụng.

– Ban đúc đồng: thiết kế theo phương pháp của Bắc Ninh.

– Ban vẽ: đề tài bản xứ cho điêu khắc gỗ và điêu khắc đồng.

Ban sắt chưa được Hội đồng hàng tỉnh chấp thuân nhưng các năm 1903, 1904 nhà trường vẫn tuyển sinh.

Các học trò vào học nhỏ nhất là 12 tuổi và lớn nhất là 18, có học bổng gai đình mỗi suất 4p 50 (p: đồng Đông dương) do làng xã cấp. Trường cũng nhận học trò tự do (đi học tự túc).

Tháng 8/1903 có 55 em, cuối năm có 64 học sinh. Kinh phí của trường do ngân sách tỉnh và các làng đài thọ. Năm 1903 chi phí cả thảy 6.528,28 đồng.

Tháng 4/1905, ông Chesne ban hành Qui chế của trường có một số điểm đáng chú ý:

– Hợp thức hóa ban Sắt: gò, hàn, đóng móng ngựa.

– Thời gian học là 4 năm. Hai năm đầu học sinh học luân phiên các ban, 2 năm sau chí học một ban do học sinh chọn.

– Mỗi ngày học sinh học thêm chữ Nho. Như vậy, các em học nghề, học tiếng Pháp (đủ giao dịch), học tính nhẩm và học chữ Nho.

Trường có 76 học trò, tuổi nhỏ nhất là 13, lớn nhất là 17. Ông Roth, người Âu phụ trách ban Sắt. Còn các ban khác đều do đốc công ngườiViệt và người Hoa giảng dạy theo phương pháp xưa; phụ giảng có các học trò đốc công (élèves contre-maitres).

Tháng 9/1906, ông J. Lamorte, kỹ sư công nghệ, một nhà doanh nghiệp được mời về làm nhà điều hành kỹ thuật. Ông phụ trách chương trình giảng dạy, đặc biệt ông gảing dạy các môn chung. Trong năm nay, trường có tuyển sinh ban Gốm.

Tháng 3/1907, ông Maspétro, tỉnh trưởng Biên Hòa, tổ chức lại nhà trường và ban hành quy chế mới. Một số điểm đáng lưu ý trong quy chế mới:

– Lập Hội đồng quản trị điều hành trường.

– Hợp thức hóa ban Gốm.

– Mở thêm ban Nữ công gia chánh. Lúc ban đầu ban Nữ công gia chính chỉ có các môn cắt, may, đan, thêu, dệt thảm, sau thêm môn giặt ủi và nội trợ. Bà Buard phụ trách ban Nữ công gia chánh.

Năm này trường có 118 học sinh theo học, nhỏ tuổi nhất là 13, lớn nhất là 17, các em chỉ cần biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Số học trò đốc công lên đến 12. Chi phí năm 1907 là 11.840 p.00.

Năm 1908, ông J. Lamort bận kinh doanh nên xin nghỉ. Ông A. Joyeux, kiến trúc sư, thanh tra xây dựng dân sự, thanh tra các trường mỹ thuật bản xứ thay thế kể từ tháng 8/1908. Trong thời gian này trường có mời một viên quan hai thầy thuốc quân đội bản xứ đến gảing dạy hàng tuần môn vệ sinh cơ bản.

Năm 1909, chi phí lên tới 17.615 đồng vượt quá khả năng tài chính của tỉnh. Căn cứ kết quả đạt được của một số ban và báo cáo của ban Thanh tra ngày 25/5/1909, tỉnh giải thể ban Sắt, Đan lát, Gỗ và Vẽ kể từ ngày 01/01/1910. Ngày 17/5/1912, do yêu cầu của xã hội trong tỉnh, ban Gỗ được mở lại.

Ngày 29/8/1912, theo nghị quyết của Hội đồng tỉnh, ban Nữ công gia chánh tách ra khỏi trường dạy nghề, thành lập một trường riêng, lấy tên là trường Nữ công gia chánh, trụ sở nay là trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đối diện bệnh viện tỉnh, tồn tại đến năm 1975.

Tháng 9/1913, ông Chánh tham biện (tức Tỉnh trưởng) Krautheimer ra quyết định tổ chức lại nhà trường, đặc biệt nêu rõ mục đích thành lập trường:

“ Trường Dạy nghề Biên Hòa là một trường MỸ NGHỆ THỰC HÀNH, có mục đích đào tạo ra các thợ lành nghề và khéo tay cho các nghề Đúc đồng và chạm trổ đồ đồng và các kim loại khác, nghề Gốm, nghề Mộc dân dụng, Mộc xây dựng và Điêu khắc gỗ”. Trường gồm có 3 ban:

Ban Đúc đồng và chạm trổ.

Ban Gốm.

Ban Gỗ.

Mỗi ban có 15 học sinh không kể học sinh tự do, chia ra 3 năm học, mỗi năm một lớp. Học sinh phải học 2 môn chung là vẽ và nặn. Nhà điều hành kỹ thuật bắt buộc phải dạy 2 lớp vẽ hay nặn mỗi tuấn cho mỗi ban. Các lớp vẽ và nặn không được ngưng bất cứ vì lỳ do gì, các ngày khác đốc công trông coi và sửa bài cho học sinh. Tuổi vào học nhỏ nhất là 13 và không quá 16, trình độ văn hóa sơ học của trường làng xã. Trong thời gian học tập ở trường, học sinh được học văn hóa phổ thông tương đương với chương trình làng xã, đặc biệt chú ý đến chữ quốc ngữ và số học. Ngoài ra học sinh còn phải theo lớp học của người lớn vào các buổi tối dưới sự quản lý của ông hiệu trưởng “tỉnh lị”.

Một số hiện vật Biên Hoà. © Phạm Công Luận

Thành quả thu được trước hết phải kể đến công lao của ông Maspéro. Sự cải tổ năm 1907 do ông đề xướng đánh dấu sự sáng tạo bằng cách đưa vào việc hướng dẫn kỹ thuật. Ông J. Lamorte rồi ông A. Joyeux đã loại bỏ phương pháp cổ xưa của các đốc công gnười châu Á, thay thế bằng sự hướng dẫn kỹ thuật làm thức tỉnh sự sáng tạo và trí thông minh của học sinh.

Các học trò khóa đầu tiên tiếp thu ít nhất một năm sự hướng dẫn của hai ông Lamorte và Joyeux trước khi nhận bằng tốt nghiệp. Sự tiến bộ rõ rệt của học sinh thời kỳ đầu đã làm rạng danh các thầy cô người Pháp.

Trong thời gian ngắn này, học trò có trình độ tay nghề cao hơn các đốc công châu Á và do đó đã thay thế dần dần các đốc công đó. Thực tế tính đến tháng 8/1912 chỉ còn một đốc công người Hoa dạy ban Gốm, một cựu học sinh Việt Nam thay thế ông này trước ngày 01/01/1913.

Trường Dạy nghề Biên Hòa đã hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử buổi đầu, vạch hướng đi độc đáo làm mỹ nghệ thực hành để tồn tại và phát triển. Trong khi đó, một số trường dạy nghề khác lần lượt giải thể.

II.- Trường Mỹ nghệ Thực Hành Biên Hòa ( 1913- 1964)

Khoảng năm 1913, Trường Dạy nghề Biên Hòa đổi thành Trường Mỹ nghệ Bản xứ Biên Hòa (École d’Art indigène de Bienhoa) phù hợp với quyết định ngày 11/9/1913 của ông Tỉnh trưởng Krautheimer, được ông Thống đốc Nam Kì duyệt ngày 22/9/1913.

Năm 1916, thời gian học tập sửa đổi lại là 4 năm thay vì 3 năm và chia thành 4 lớp học.

Năm 1918, ông A. Joyeux bận nhiều công việc chuyên môn nên xin nghỉ. Ông Serré, giáo viên gốm thay thế việc điều hành dạy và học.Ông Serré cũng cố thêm các điều ông Joyeux đề xướng. Ông Serré chú trọng đến ban Gốm.

Bình Biên Hoà. © Phạm Công Luận

Hàng năm trường đều có sản phẩm trưng bày tại Hội Mỹ thuật Sài Gòn (Société des Beaux – Arts de Saigon), tham dự triển lãm tại Hà Nội và các nơi trong và ngoài nước. Dưới sự điều hành của ông Serré, năm 1922 tại Hà Nội, các sản phẩm xinh xinh bằng đồng, bằng gốm của phái Tân học Biên Hòa đã được người Hà Nội khen hết lời. Năm 1921,, ông Thống đốc nam Kì phải ứng trước 600 đồng cho tỉnh Biên Hòa để mua những voi, cóc, rùa….bằng đồng, các chậu hình ô van, lục giác, lan can…bằng gốm để đem đi triển lãm tại Hội chợ Marseille năm 1922. Qua các kỳ triển lãm, nhà trường nhận được nhiều hợp đồng đem về để giải quyết công ăn việc làm cho số học sinh tốt nghiệp.

Năm 1923, chính phủ Pháp bổ nhiệm hai chuyên viên: ông Balick tốt nghiệp trường Mỵ thuật Trang trí Paris, làm Hiệu trưởng – có quyền hạn như bây giờ – và bà Mariette, tốt nghiệp trường Gốm Limoges – phụ tá.

Về các ban chuyên môn, ông bà Balick chỉ giữ lại hai ban truyền thống, đó là ban Đúc đồng và ban Gốm.

Ban Gỗ chạm khắc gỗ quí giao cho trường dạy nghề Thủ dầu Một. Ngoài ra còn có bộ môn Đá – đá Ang Kor phục chế, ít tuyển sinh, năm có năm không.

Bình hoa Biên Hoà. © Phạm Công Luận

Ông Balick đứng đầu ban Đúc đồng với 3 đốc công bản xứ và 21 học trò. Bà Balick đứng đầu ban Gốm, có 1 đốc công bản xứ và 12 học trò. Ban Gỗ có 7 học trò. Ngàoi ra các ban còn có huấn mĩ viên (thợ huấn luyện nghề, nếu ngành thể thao gọi là huấn luyện viên) giúp việc.

Thời gian học là 4 năm: hai năm đầu học các môn cơ bản và luân phiên các ban. Hai năm cuối học chuyên ban. Học trò vào học phải có trình độ sơ học (lớp 3). Các em được học tiếp chữ Nho, chữ quốc ngữ, tiếng Pháp, toán. Từ năm 1940, các em qua học văn hóa ở trường Nam tiểu học (nay là trường Tiểu học Nguyễn Du) mỗi ngày 1 giờ, vào cuối giờ do thầy giáo trường này dạy.

Ngoài các học trò tự do, tất cả các em khác đều có học bổng từ 4 đến 7 đồng mỗi tháng. Sau khi tốt nghiệp, học sinh được thâu nhân vào lớp hoàn thiện, thời gian là 3 năm, lương từ 20 đến 30 đồng mỗi tháng (bằng 1 tấn gạo theo thời giá).

Ngoài một số học sinh do trường tuyển, trường còn nhân học sinh có năng khiếu về đúc đồng và gốm do trường mỹ nghệ Gia Định chuyển lên. Từ năm 1927, các trường Mỹ nghệ Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa quy định năm đầu gọi là năm dự bị. một số học sinh năm dự bị của trường Gia Định, chuyển lên trường Biên Hòa vào luôn năm thứ nhất (thực ra là năm thứ 2).

Bà Balick vạch cho ban Gốm hướng đi riêng. Đó là sản phẩm gốm trang trí nhiều màu, chạm khắc chi tiết các hoa văn đặc sắc, nhiều màu men lạ mắt tạo cho gốm của trường có sắc thái riêng, khác hản gốm dân dụng của Tân Vạn và Lái thiêu của các lò người Hoa.

Bà Balick cùng các đốc công bản xứ, dùng nguyên liệu nội địa, chủ yếu là tro rơm, tro lò, miểng (thủy tinh), cát Đà Nẵng, vôi Càn Long… làm men. Đất làm sản phẩm là đất chịu lửa cao khai thác ở Đất Cuốc (Tân Uyên), Chánh Lưu (Thủ Dầu Một)…. Trải qua nhiều thử nghiệm, cuối cùng bà tìm ra loại men tro phù hợp mà dân làm gốm gọi là men ta. Với mạt đồng thu được khi hoàn thiện đồ đồng, bà chế được men đồng “ Vert de Bienhoa” đẹp, nổi tiếng thế giới như Vert d’lslam trong các công trình kiến trúc của đạo Hồi. Với đá ong Biên Hòa, bà chế ra men đá đỏ rất đẹp…. Những đồ gốm khi ra l2 bị khuyết tật bà cho đập bỏ không thương tiếc, do đó trong các Hội chợ triển lãm sau này, đồ gốm Biên Hòa được đánh giá rất cao. Khách hàng đánh giá men Biên Hòa có chiều sâu, cành nhìn càng thấy đẹp.

Tranh sứ Biên Hoà. © Phạm Công Luận

Do sản xuất phát triển, lò nung hoạt động gây ô nhiễm môi trường cho tòa bố và nhà thờ. Để phù hợp với quy mô đào tạo và sản xuất, trường xin thêm một khu đất diện tích 9100 m2 cách trường khoảng 1 cây số để làm trường nhánh (trường ngoài – cơ sở 2) hiện nay là cơ sở trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai. Khu đất này ban đầu bao gồm cà trường tiểu học Trịnh Hoài Đức bên cạnh. Học trò học tại trường chính, chỉ khi rót đồng hay nung gốm mới đi trường nhánh. Từ năm 1960 trở đi, học sinh ban Gốm học chuyên môn tại trường nhánh, chỉ khi học bàn xoay máy ( lắp 5 máy vào năm 1955) mới về trường chính.

Năm 1925, trường được mới tham dự Hội chợ quốc tế Paris. Ông bà Balick chọn sản phẩm đúc đồng gồm đồ chạm trổ và đúc như: cúp, gạt tàn, cái chặn giấy, bình, tượng nhỏ làm bằng đồng, đồ đồng mỹ thuật…. Về gốm có các loại bìng trang trí, gốm treo tường, bình đựng nước, các loại bệ, tượng……Gian hàng do bà Balick điều hành, khách ra vào tấp nập. Giới chuyên môn đánh giá cao đồ sành Biên Hòa. Chính phủ Pháp tặng Bằng khen danh dự, Ban tổ chức tặng thưởng Huy chương vàng.

Đĩa Biên Hoà. © Phạm Công Luận

Năm 1932, nhà trường tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế Paris lần thứ 2, lần này ngoài việc chuẩn bị các loại đồ đồng và gốm, ông bà Balick còn cho trình diễn sống phương pháp tạo dáng gốm, có hai đốc công gốm người bản xứ cùng bàn xoay và dụng cụ đi cùng. Họ xoay tay khéo léo, nhanh gọn, đẹp mắt trước đông đảo khiến thành phố Paris và du khách các nước ngợi khen nhiệt liệt. dây là một bất ngờ trong hội chợ. Bà Balick phải trả lới hàng trăm câu hỏi từ tạo hình, chạm khắc, chấm men, nung lò… Hàng bán hết veo, nhiều món đã trả tiền nhưng khách nhận hàng sau khi bế bạc Hội chợ. Hợp đồng ký được nhiều, ngoài ra Bộ Thương mại Pháp còn đề nghị làm đại lý cho trường ở Paris. Nhà trường rất vui mừng về sự thành công rực rỡ này. Lần này nhà trường cũng được tặng thưởng Huy chương vàng và Bằng danh dự. Để khuyến khích tặng thưởng công lao cho nhà trường trong đào tạo và sản xuất qua các kỳ triển lãm ở “mẫu quốc”, chính phủ Pháp trao tặng lò điện thí nghiệm, máy nghiền tán và một số thiết bị khác cho trường.

Năm 1933 trường tách các lớp hoàn thiện ra để thành lập Hợp tác xã Mỹ nghệ thủ công của thợ gốm và thợ đúc đồng Biên Hòa. Học sinh tốt nghiệp gia nhập sau 1 năm thực tập thì được công nhận là thợ.

Cùng với việc thành lập Hợp tác xã, trường đã xây dựng mmotj phòng trưng bày kích thước 25x8m ngay trên nền lò gốm đầu tiên tại trường chính để trưng bày sản phẩm.

Từ năm 1938, về sau, nhà trường bổ sung thêm một số môn vẽ như: vẽ thủy mặc, vẽ viễn vọng và trang trí thực dụng.

Năm 1944, trường đổi tên là trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa. Ông bà Balick về Pháp, ông Trần Văn Ơn, giáo viên nặn thay thế. Do các biến cố năm 1945 (Nhật đảo chính Pháp), Cách mạng tháng Tám thành công, quân Pháp tái chiếm Biên Hòa…),ông Võ Kim Đôi, giáo viên gốm lên làm hiệu trưởng. Hợp tác xã Mỹ nghệ tan rã, sau đó ông Trương Văn Chỉ gây dựng lại về mỹ thuật cũng như về hành chánh. Ngày 10/10/1946, ông Chỉ được chính phủ Pháp tặng “ Huy chương danh dự hạng nhì bằng bạc”

Năm 1948, ông bà Balick từ Pháp trở lại Việt Nam tiếp tục vai trò hiệu trưởng. Năm 1950, ông bà về Pháp và không trở lại Việt Nam nữa. Ông Trần Văn Ơn một lần nữa thay thế chức vụ hiệu trưởng của ông Balick.

Năm 1950, Hợp tác xã Mỹ nghệ tách hẳn ra khỏi trường để trở thành một đơn vị sản xuất và kinh doanh độc lập, cơ sở chính là xưởng thợ và lò nhỏ, khu khoa gốm ngày nay.

Từ trường Mỹ nghệ bản xứ đến Trường Mỹ nghệ thực hành, học sinh không đông. Năm 1944 có 75 học sinh là nhiều nhất, năm 1955 có 46 em, số thầy cô giáo kể cả hiệu trưởng là 10; văn phòng (tùy phái, gác dan…): 4.

Kể từ năm 1947, Hội đồng thi lên lớp và thi tốt nghiệp mở rộng vai trò của tỉnh, cụ thể gồm: tỉnh tươngr hay đại diện, nghị viên Nam Việt, thanh tra tiểu học hàng tỉnh, hiệu trưởng, giáo viên đương chức đã về hưu… Hơn nữa ông hiệu trưởng còn phải gửi lên sở Học chánh bản tóm tắt (đề cương) chương trình kì thi.

Năm 1955, ông Trần Văn Ơn về hưu, ông Trương Văn Chỉ thay thế.

Ngày 7/5/1955, thủ tướng chính phủ Sài Gòn xếp các trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định, Biên Hòa và Thủ Dầu Một vào loại trường có xưởng kỹ nghệ đặc biệt và kể từ ngày 20/9/1955 học sinh muốn vào học phải có bằng tiểu học hoặc tương đương và qua một kì thi.

Năm 1956, trường trực thuộc Nha Kỹ thuật và Mỹ thuật học vụ (Bộ Giáo dục Sài Gòn). Ông Nguyễn Văn Thâu, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, được bổ nhiệm giữ chức hiệu trưởng thay thế ông chỉ ra dạy lớp.

Tượng Biên Hoà. © Phạm Công Luận

Năm học 1956 – 1957, trường thành lập thư viện bao gồm các tài liệu về vẽ, điêu khắc, kỹ thuật gốm, đúc đồng, đá Angkor, lịch sử Việt Nam…

Ngày 21/3/1957, ông Bộ trưởng Giáo dục Sài Gòn ủy quyền cho Nha Kỹ thuật và Mỹ thuật học vụ hí văn bằng tốt nghiệp của học sinh trường, công việc trước đây đều do tỉnh làm.

Kể từ 1/7/1957, trường trực thuộc Nha Kỹ thuật và Mỹ thuật học vụ về phương diện chuyên môn. Còn về tài chính và hành chính, trường liên lạc thẳng với nha này không qua trưởng ty Học chánh. Như vậy tỉnh chấm dứt vai trò trực tiếp quản lí trường mọi mặt. Trong năm này trường mở thêm ban mới: ban Nặn và đến năm 1962 đổi tên là ban Điêu khắc.

Do có sự thay đổi nêu trên, chương trình học tập hàng tuần phải thay đổi thống nhất chung với các trường trung học chuyên nghiệp cấp 1 (trung học đệ nhất cấp):

Năm 1958, ông Đan Hoài Ngọc tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn làm hiệu trưởng thay thế ông Nguyễn văn Thâu.

Do ý kiến của ông thanh tra tiểu học hàng tỉnh về việc giảng dạy môn phổ thong tại trường Nguyễn Du, bắt đầu năm học 1958-1959, trường mở lớp dạy các môn phổ thông và thể dục tại trường.

Nhằm phát triển ngành gốm, chính phủ Sài Gòn đầu tư trước mắt bằng cách cử các cố vấn nước ngoài xuống giúp trường về mặt kỹ thuật và cử các giáo viên đi tu nghiệp nước ngoài.

Năm 1960, chính phủ Sài Gòn phái hai chuyên viên gốm Nhật Bản, ông Ishizuka và ông Mizuno cố vấn về men, xương đất và kỹ thuật xây lò. Ông Đặng Nhựt Thăng đi tu nghiệp ở Tây Đức từ 1/8/1960 đến 28/2/1961 về men gốm.

Ống tiết kiệm. © Phạm Công Luận

Năm học 1961 – 1962, ông Đặng Cẩm Hồng được Nha Kỹ thuật học vụ cử giữ chức vụ giám thị. Ông Lê Bá Đáng đi tu nghiệp ở Nagoya (Nhật Bản) từ 4/10/1962 về lò, xương đất và men. Ông chính là người sáng tạo gốm mĩ thuật Biên Hòa đầu tiên ở miền Nam.

Năm 1962, ông Kato, chuyên viên gốm Nhật Bản tthế các ông Ishizuka và Mizuno dạy về lí thuyết gốm. Ông Đặng Cẩm Hồng đi tu nghiệp tại Vierzon Pháp từ 11/9/1962 – 30/6/1963 về men gốm.

Học sinh đều tập trung học tại trường chánh, chỉ khi rót đồng hay nung lò gốm mới vào trường nhánh, tuy nhiên từ năm 1960 về sau, học sinh ban Gốm giờ học chuyên môn học tại trường nhánh, khi học dùng bàn xoay máy (5 cái lắp năm 1955) mới trở lại trường chánh.

Qua các kì triển lãm trên đất Pháp, nhà trường trở nên nổi tiếng và được nhiều nước trên thế giới mời tham dự triển lãm quốc tế. Sau đây là các cuộc triển lãm nhà trường được tặng huy chương vàng và bằng danh dự

Năm 1934: Batavia (Indonesia)

Năm 1938: Saint – Denis (Réunion – thuộc Pháp)

Năm 1937: Nayoga (Nhật Bản), Paris (Pháp)

Năm 1942 : Sài Gòn

Năm 1938 : Hà Nội

Năm 1956 : Phnompênh (Campuchia)

Triển lãm Hà Nội năm 1938, ông Nguyễn Văn Nhàn còn được tặng bằng khen « Hạng đặc biệt » về tài năng điều chế men gốm. Năm 1972, nhà sưu tập và nghiên cứu cổ ngoạn uyên bác Vương Hồng Sển nhận xét : « hiện nay trong xứ có một trường làm đồ gốm ở Biên Hòa và kể luôn ở Đà Lạt, và ở Lái Thiêu (Bình Dương), Thị Nghè và Biên Hòa có trên 40 lò sản xuất đồ gốm, đồ sành , có lò Thành Lễ (Bình Dương) từng gửi đồ chế tạo bán ra ngoại quốc, nhưng nói về phẩm chất thì đồ gốm, đồ sành ngày nay còn thua đồ thời Pháp thuộc của trường Mỹ nghệ Biên Hòa do Tây điều khiển ».

III.- Biên Hòa – Gia Định đất dành cho mỹ thuật ứng dụng:

Đầu xuân năm 2003, tại khuôn viên rộng của Hội trường Thống Nhất, Tp. Hồ Chí Minh, có cuộc triển lãm, trình diễn những nét đặc sắc về văn hóa dân tộc, khu vực Sài Gòn. Tôi tới dự, với tâm lý người lớn tuổi, đã ngạc nhiên, giựt mình khi thấy nhiều nét sống động đang tồn tại và phát triển : nhạc truyền thống, hò, vè, đàn tranh, cò, kìm, … Giới trẻ tham dự rất đông. Có nơi gói bánh tét, bánh ít, bán tại chỗ. Và một gian hàng khá rộng, lại thấy đồ gốm. Không phải là tô, chén sành sứ dân dụng mà là gốm mỹ thuật. Khách bu lại chọn lựa. Một bạn trẻ đứng ra chào hàng. Tôi bảo muốn tìm một món gốm mạnh khỏe, có thể gợi lên hồn nước. Anh bạn cười và giới thiệu vài món nhỏ, thí dụ kiểu bình pha trà, gốm thô, khá nặng, mỗi lần chỉ pha một chén. Bề ngoài để trần, khoe màu đất nhưng bên trong tráng chút ít men, loại men ngọc ( céladon). Tôi mua ngay, với ý định đem về để coi chơi, hòng thư giãn … trong cái thời buổi mà người nghèo lẫn người dư tiền đều thỉnh thoảng mang bệnh “bức xúc”..

Quả là hóa chất ny lông, nhựa dẻo, mềm không bao giờ có thể đánh bại được những gì làm bằng “ đất quê hương” . Rất tiếc, phải chi cái buổi ấy có người đứng ra tiếp thị cho giỏi thì người mua sẽ nhiều hơn, dịp năm hết, Tết đến. Đó là cuộc triển lãm, trưng bày của một người bạn trung niên đang làm việc tại trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai,

Hôm nay nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, tôi xin mạo muội nhắc lại vị trí đặc thù của vùng đất này có liên quan đến ngành Mỹ thuật trang trí.

Cách đây hơn 300 năm, Chúa Nguyễn Phúc Chu truyền Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược Đồng Nai. Gẫm lại, việc làm của Chúa rất sớm nhưng rất trễ so với tình hình thế giới và Đông Nam Á.

Bấy giờ, Việt Nam ta còn say mê trong giấc ngủ “ văn minh lục địa ”, trong khi Crít tốp Cô Lông đã vượt Đại Tây Dương, phát hiện ra châu Mỹ. Rồi đến Vát Cô Đờ Ga Ma thử đi vòng quanh thế giới. Đế quốc Hà Lan đã chiếm In đô nê xia, Tây Ban Nha đã chinh phục vùng Ma ní, đặt tên là vùng Phi líp pin, tên của vua nước Tây Ban Nha.

Nhưng đối với ta, vẫn còn kịp thời. Phố Hiến ở Quảng Nam đã trở thành cảng quốc tế. Nhật Bản, Trung Hoa và vài nước Tây Phương đã đến lập nhà kho, xin mua bán. Nguyễn Hữu Cảnh theo đường Vũng Tàu vào Sài Gòn, vào sông Đồng Nai, đến Cù Lao Phố ( Biên Hòa ) nơi có thương gia người Hoa đến mở cảng. Phía sông Cửu Long có Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho. Và trước đó không lâu, Mạc Cửu lập cảng Hà Tiên, bên bờ vịnh Xiêm La, Sài Gòn bấy giờ chưa giao lưu với nước ngoài nhưng Biên Hòa ( Cù Lao Phố ) là nơi đắc địa bậc nhất. Đất Biên Hòa là nơi có nhiều ưu thế trong việc làm ăn, ứng dụng nghề nghiệp.

Trước khi Trần Thắng Tài rồi Nguyễn Hữu Cảnh đến khai thác Cù Lao Phố thì đã có người Việt nam đến làm ruộng, hoặc giao tiếp với người dân tộc để trao đổi hàng hóa. Người Việt từ miền Trung vào, ăn cơm với tô, chén, biết làm dụng cụ nông nghiệp, trao đổi để tìm lâm sản như : lộc nhung, gân nai, ngà voi, gỗ quí. Nhờ dân địa phương mà thương gia từ Trung Hoa đến có thể đặt hàng mua ngay ngà voi, lộc nhung hoặc ít nhiều lúa gạo của người Việt. Có thể là người Việt từ miền Trung đến đã sản xuất ra tô chén, lưỡi cày, dao, búa, …

Nhưng lâm sản, ngà voi có hạn. Lâm sản bớt dần, lại thêm biến cố lịch sử là Tây Sơn khởi nghĩa, truy nã quân Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn thất thế, vào Biên Hòa, Cù Lao Phố bị mất. Vì vậy thương gia người Hoa ở Cù Lao Phố phải chạy xuống Sài Gòn, Chợ Lớn, bây giờ đang phát triển nhờ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long đưa lên Sài Gòn nhanh hơn và Sài Gòn , Chợ Lớn cũng gần biển hơn Biên Hòa, như vậy việc xuất cảng cũng được nhanh hơn.

Lúc ấy Biên Hòa suy thoái nhưng vị trí địa lý vẫn còn đó. Biên Hòa là khâu quan trọng, là nơi giao lưu trọng yếu giữa các vùng của Nam bộ, từ phía đồng bằng ra Huế, Hà Nội. Người Pháp xâm lược Nam bộ cũng đã hiểu rõ vị trí quan trọng của Biên Hòa đối với Sài Gòn và đồng bằng. Biên Hòa là vùng đất cao ráo, cùng với vùng phụ cận là Tân Uyên, Lái Thiêu là nơi đất tốt để làm nghề gốm. Do vậy, ở Chợ Lớn ( vùng Cây Mai) và Lái Thiêu lại mọc lên các lò gốm để sản xuất, cung cấp cho phía đồng bằng những đồ gốm dân dụng như tô, chén, lu, hũ. Người Pháp tỏ ra rất hiểu và đã cho quy tụ những tay nghề, nhân công sẵn có để phát triển nghề gốm,

Có lẽ vì hiểu rõ thế “đắc địa” đó cho nên ngay từ đầu thế kỷ 20 sau đó họ cho xây dựng ngay hai ngôi trường Mỹ nghệ : Thủ Dầu Một ,1901 và Biên Hòa, 1903. Bởi lẽ đây là vùng có sự khởi đầu cho việc ứng dụng, phát triển ngành nghề thủ công của bản xứ như đồ gỗ, đồ gốm. Người Pháp đã chủ trương nâng cao sức hoạt động của lò gốm địa phương để sản xuất những món hàng cao cấp hơn, đồng thời họ cũng muốn đưa những ảnh hưởng, những nghiên cứu của gốm Tây phương vào bản địa . Thí dụ ảnh hưởng của gốm do vợ chồng ông Balik mang vào Biên Hòa cũng như sự nghiên cứu, phát triển men gốm bản địa của bà Balik. Những loại gốm cao cấp trên cơ sở mỹ cảm của dân Nam bộ để nhằm phát huy tay nghề của người địa phương ( thông qua trường dạy) và phục vụ cho việc trang trí nội thất, các gia đình khá giả cũng như xuất khẩu sang châu Âu. Đó là lý do của sự xuất hiện các trường dạy về mỹ thuật ứng dụng rất sớm từ đầu thế kỷ 20 vừa qua.

Giờ đây đã qua 100 năm ra đời, từ ngôi trường dạy nghề Biên Hòa nhỏ bé cho đến cơ ngơi bề thế của Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai ngày hôm nay với nhiều chuyên ngành đào tạo đã cho thấy sự “đắc địa” của vùng đất Biên Hòa – Gia Định năm nào và cho thấy sự thành tựu rất lớn. Có lẽ ngoài các nhu cầu cấp thiết cần khẩn trương mở rộng thêm nữa quy mô, nội dung đào tạo thì ta nên nghĩ ngay đến sự thành lập Hiệp hội ngành gốm Mỹ thuật và Bảo tàng. Nhà nước cần tổ chức các hoạt động để khám phá, lưu giữ những sản phẩm bằng đất, bằng gốm. Đồng thời có biện pháp kích thích sự nghiên cứu sáng tác lãnh vực nghệ thuật này. Chúc mừng các nghệ nhân, nghệ sĩ gốm, những nhà làm đẹp cho xã hội, những nhà giáo, những người làm công tác đào tạo nên những lớp người kế tục sự nghiệp, truyền thống vẻ vang của vùng đất Biên Hòa, Cù Lao Phố.

 

Tác giả:  Nguyễn Văn Thông

(Bài viết được trích từ cuốn Kỷ yếu 100 năm Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, 2003. Cám ơn bạn Nguyễn Minh Anh đã đính chính thông tin)

 

1 thought on “Tìm hiểu gốm Biên Hòa: Hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển của Trường dạy nghề Biên Hòa

  1. Xin chào.
    Tôi là người Nhật, viết bài blog trên mạng bằng tiếng Nhật.

    Trong blog của tôi, tôi viết về mọi thứ Việt Nam mà chủ yếu là mỹ thuật và lịch sử. Nếu phéo cho tôi, tôi có thể dùng các hình ảnh trên trang này được không ạ?

    Xin cảm ơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.