La Chaux-de-Fonds không phải là một thị trấn du lịch. Nằm ở độ cao 1.000 mét trên dãy núi Jura – một trong những nơi có cảnh quan đẹp nhất Thụy Sĩ – thị trấn có không khí mát mẻ, những đám mây nhìn rất gần và những đỉnh núi còn gần hơn nữa.

Nhiều danh nhân

Nơi này có rất nhiều những danh thắng, trong đó có những hành lang của các dãy căn hộ theo phong cách Art Nouveau nằm lặng lẽ và tượng đài trừu tượng nằm cách biệt để tưởng nhớ Louis Chevrolet, tay đua xe và là nhà sáng lập hãng xe nổi tiếng vốn sinh ra và trưởng thành ở thị trấn vào những năm 1870 và 1880.

Cha đẻ của chủ nghĩa hiện đại trong văn học, nhà thơ và nhà làm phim Blaise Cendrars, chào đời tại một trong những con đường đối diện tượng đài Chevrolet.

Le Corbusier, cha đẻ của chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc, cũng được sinh ra và lớn lên ở La Chaux-de-Fonds khoảng một thập niên sau Chevrolet và Cendrars.

Đối với bất cứ thị trấn nào khác có 37.000 dân, chỉ những điều như thế cũng là quá đủ để phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên La Chaux-de-Fonds là một thị trấn thực tế, làm việc chăm chỉ và không khoa trương nhiều.

Cũng hợp lý khi tôi chưa từng nghe tên tuổi thị trấn này cho đến khi tôi đến nơi. Và chắc chắn tôi cũng không hề biết rằng đó là nơi cho ra đời những chiếc đồng hồ đắt nhất thế giới.

Hơn thế nữa, La Chaux-de-Fonds còn là thủ phủ ngành chế tác đồng hồ thế giới.

Đây là nơi đặt công xưởng hay trụ sở công ty của những hãng như Rolex, Patek Philippe, Tissot, Girard-Perregaux, Ebel và Omega; nhiều hãng trong số này ra đời từ đây.

Vacheron và Breguet, hai trong số những người đầu tiên thành công trong ngành chế tạo đồng hồ Thụy Sỹ, đã mở xưởng đầu tiên của mình vào giữa thế kỷ 18 ở Geneva.

Tuy nhiên, La Chaux-de-Fonds, nằm cách đó khoảng 150km về phía đông bắc, lại chính là nơi mà ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ trở thành chuẩn mực của thế giới.

Chính tại nơi này, ông Daniel Jeanrichard (1665-1741), nhà sản xuất đồng hồ đầu tiên của thị trấn, đã xây dựng hệ thống học việc và gây dựng ngành đồng hồ thành một ngành nghề gia đình ở địa phương.

Từ năm 1867, Karl Marx đã ca ngợi thị trấn này và ngành kinh tế của nó như là hình mẫu của việc công nghiệp hóa hiệu quả trong tác phẩm chính của ông, cuốn Tư Bản luận (Das Kapital).

Ông viết rằng vào thời đó, thị trấn nhỏ này sản xuất ra số lượng đồng hồ nhiều gấp năm lần tất cả xưởng sản xuất ở Geneva cộng lại. Ngày nay, La Chaux-de-Fonds vẫn là trung tâm hành chính và đầu não tinh thần của ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ.

Quá khứ và hiện tại

Khi bước ra khỏi hành lang của dãy căn hộ Art Nouveau, tôi nhận thấy con đường thật là rộng – một điều khá lạ thường đối với một thị trấn cổ xưa như thế.

Cô Claudine Buehler, hướng dẫn viên của tôi, người có chồng, cha, cô, chú và ông đều làm việc trong ngành sản xuất đồng hồ, giải thích rằng những tòa nhà này được thiết kế như thế vào đầu thế kỷ 19 để những xưởng sản xuất nằm ở tầng dưới có thể tiếp nhận tối đa ánh sáng.

Nhìn vào một trong những khung cửa sổ, tôi có thể hình dung ra thị trấn đã từng như thế nào với từng con đường ngập tràn ánh sáng, với những người thợ thủ công một mình đang cúi người làm việc trên bàn – mỗi người trong số họ làm một chi tiết nhỏ góp phần vào việc tạo ra hàng ngàn chiếc đồng hồ.

Nhiều nhà xưởng khi xưa giờ đã trở thành các căn hộ, nhưng những cửa hàng nhỏ có cửa mở vẫn nằm trên những con đường cũ, nơi các thợ thủ công thế hệ thứ ba và thứ tư vẫn đang tiếp tục chế tác ra những bộ phận để chạy những chiếc đồng hồ tinh xảo và đắt tiền nhất thế giới.

Với lịch sử như vậy thì cũng không có gì ngạc nhiên khi thị trấn này cũng là nơi đặt Viện bảo tàng Sản xuất Đồng hồ Thế giới.

Một trong những hiện vật trưng bày mà tôi tâm đắc nhất là thứ đã giải thích làm thế nào Breguet thiết kế ra chiếc đồng hồ bỏ túi vào thời gian từ 1796 đến 1800 với những chiếc kim nhỏ sẽ châm vào tay người mang đồng hồ để chủ nhân có thể biết thời gian mà không cần phải lấy đồng hồ ra khỏi túi, khỏi bị lộ sự chán nản trước mặt người khác – có thể là ông chủ, nhà vua hay người vợ.

Bảo tàng cũng có chiếc đồng hồ thạch anh đầu tiên trên thế giới – cỗ máy suýt nữa giết chết thị trấn La Chaux-de-Fonds.

Thách thức lớn

Vào năm 1968, hơn 11.000 người – chiếm 47% nhân lực ở La Chaux-de-Fonds – làm việc trong các công ty sản xuất đồng hồ ở thị trấn.

Đến năm 1975, con số này đã giảm xuống chỉ còn hơn 7.000 trong lúc ngành đồng hồ đang phải chống đỡ với sự ra đời của loại đồng hồ thạch anh.

Các nhà chế tạo đồng hồ đã lao động miệt mài trong nhiều thế kỷ để giúp đo thời gian chính xác nhất có thể.

Họ đã hoàn thiện hệ thống cơ khí chuyển năng lượng từ một chiếc lò xo cuộn nằm trong hồi sang bánh xe cân bằng để tạo ra sự dao động gần như thường xuyên hoàn hảo. Và họ đã làm rất tốt với những chiếc đồng hồ chính xác đến tỷ lệ của giây trong một ngày.

Nhưng với công nghệ thạch anh, vốn tận dụng tính năng dao động ổn định hơn nhiều của loại khoáng chất này, đã giúp đồng hồ chính xác đến phần của giây trong năm nhưng chỉ có giá vài chục, thay vì đến hàng trăm ngàn đô la của những chiếc đồng hồ cơ khí được chế tạo vào những năm 1970.

Trong 20 tiếp theo, những tưởng những chiếc đồng hồ Thụy Sỹ đã lỗi thời cho đến khi một số nhà điều hành, đứng đầu là Philippe Stern của hãng Patek Philippe, đã quyết định rằng họ có thể cạnh tranh về mức độ sang trọng và tinh tế của chiếc đồng hồ hơn là độ chính xác.

Kế hoạch này đã thành công. Vài chục năm tiếp sau đó, ngành đồng hồ Thụy Sỹ còn hái ra tiền nhiều hơn bất kỳ thời gian nào trước đó.

Khó khăn kế tiếp

Tuy nhiên cuộc chiến vẫn chưa xong. Thách thức lớn kế tiếp của La Chaux-de-Fonds là đối mặt với công nghệ của những chiếc iWatch của hãng Apple và Google, là các sản phẩm sử dụng công nghệ định vị toàn cầu vệ tinh và đạt độ chính xác thậm chí còn cao hơn cả đồng hồ thạch anh. Dĩ nhiên, thời gian sẽ trả lời xem liệu công nghệ cạnh tranh thế nào với bàn tay tinh xảo của người thợ.

Sau nhà bảo tàng, Buehler để tôi xuống một trong những xưởng lớn trong thị trấn, xưởng Girard-Perregaux, vốn nổi tiếng trong giới yêu đồng hồ với bộ chuyển động tourbillon ba cầu. Nhiều xưởng sản xuất đồng hồ ở La Chaux-de-Fonds cho du khách tham quan miễn phí.

Đây là công ty đầu tiên sản xuất tất cả linh kiện của đồng hồ tại một nơi và là công ty đầu tiên sản xuất ở quy mô lớn sau khi Kaiser Wilhelm đặt hàng 2.000 chiếc đồng hồ Girard-Perregaux cho các sỹ quan hải quân của ông vào năm 1880.

Sau khi được nghe qua về lịch sử công ty này, tôi cùng người hướng dẫn Willy Schweizer đi vào một số nhà xưởng nơi các linh kiện được sản xuất ở đây sau đó được lắp ráp lại. Một căn phòng khác là nơi chỉ dùng để khắc lên các linh kiện các mô típ trang trí nhỏ xíu cho dù chúng có nhìn thấy được hay không.

Trong khi chúng tôi bước trong xưởng ngắm những người thợ khắc, thợ tráng men làm việc, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều người thợ làm đồng hồ trong độ tuổi tương đối trẻ.

Độ tuổi trung bình của những nam nữ công nhân ở đây, những người làm ra những chiếc đồng hồ tốt nhất trên thế giới, là khoảng 30 tuổi. Đáng ngạc nhiên hơn, đặc biệt là đối với Thụy Sỹ, nhiều người trong số họ là dân nhập cư. Thật ra, 30% dân số ở La Chaux-de-Fonds sinh ra ở nước ngoài.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sỹ, sự tăng trưởng bùng nổ của ngành này với doanh số toàn cầu tăng hơn gấp đôi trong khoảng từ năm 2000 cho đến 2014 đã thu hút các thợ thủ công từ khắp nơi trên thế giới.

Theo BBC

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.