Căn nhà xinh xắn của Hiển, đối với tôi, đã tạo nên ấn tượng chán mỏi. Tôi đứng trên bờ thềm nhìn qua sườn đồi chảy nghiêng xuống vùng thung lũng xanh mướt màu cỏ non rợp mắt. Đằng sau đấy, một khoảng biển nằm chết sững mút chân trời với mặt nước tím ngắt. Mỗi buổi chiều tắt nắng, tôi thường quay mặt về hướng đó để soi gương thân phận mình trước vũ trụ. Từng cơn gió thổi rào rạt trên mái tranh vàng tươi – màu tươi duy nhất – do Hiển tạo nên giữa khung cảnh đơn côi, thăm thẳm. Con đường đất đỏ gồ ghề với vài khóm sim rừng nhỏ nhoi cằn cỗi chạy thoai thoải từ mặt đường dẫn tới căn nhà. Con đường được khép chặt bởi những vòng kẽm gai làm vướng mắc. Những vòng kẽm gai ở đây mang đến với tôi nỗi ưu tư kỳ lạ. Nó là sự đau đớn có đấy. Nó vây lút tâm hồn và ấn sâu vào trí não tôi từng hình ảnh nhục nhằn của mỗi số phận đã an bài với chuỗi ngày buồn tênh xuôi chảy. Nhiều lần, tôi nói với Hiển về sự nhàm chán và không khí dễ sợ này. Hiển chỉ cười xòa. Đôi lúc tôi úp mặt vào lòng tay nguyền rủa. Tôi nguyền rủa kiếp sống với những ước lệ phi lý do xã hội tạo nên và coi đó như chân lý. Tôi nào có ước mơ đến hoàn cảnh như thế bao giờ? Sự lưu đầy mà tôi mơ ước trong tiềm thức để giết dần tuổi trẻ là một vùng nào khác kia, có thể vùng tình yêu với trái đắng chứa đầy độc tố, có thể, những cánh tay rã rời khuya mỏi, có thể nỗi đam mê chết yểu giữa khát vọng dục tình hay sự phẫn nộ tuyệt vọng của kẻ sắp buông tay. Nào có bao giờ, có bao giờ tôi đi tìm hòn đảo cô liêu nằm giữa trùng dương để nghe thời gian trôi đi với mỗi con nước thủy triều, với từng mỏm đá khô cằn nhựa sống, với những cánh rừng già xác xơ bóng dáng, với bao cơn giông gió đổ ào ạt như muốn dìm luôn khoảng đất, đá mấy chục cây số vuông này xuống lòng đại dương mờ mịt. Tiếng mưa rơi đập vào mái tôn làm tôi mất ngủ đã bao đêm? Từng cơn mưa như không muốn dứt làm suy tư nghẽn lối. Tiếng nước chảy xối xả tuôn ầm vang cả doanh trại, thứ doanh trại đặc biệt được dựng lên giữa những luống cao-su đỏ au sắc lá vào cuối Thu trên đảo. Mùa mưa ghi dấu với từng luống ngoằn ngoèo trên màu đất vàng ệch, ốm đau.

Tất cả, tất cả đã xâm nhập trong tôi với nỗi buồn câm tiếng. Tôi không thể như Hiển thản nhiên chấp nhận định mệnh. Tôi cũng chẳng thể nghe theo lời vợ chồng Vân với câu an ủi sau mỗi bữa cơm chiều. Tôi đến đây như người khách lạ. Tôi đến với tâm hồn của kẻ thất bại nhưng không chịu thua. Tôi chống đối chính tôi cũng như chống đối cuộc sống đầy rẫy bất công và sỉ nhục thân phận. Chị Vân thường nhìn tôi với đôi mắt ái ngại – Anh Lăng giống tính nết nhà em ghê đó. Hồi mới ra đây, anh ấy buồn muốn chết, ngày nào cũng than, sau riết quen đi, anh Lãng à! Tôi sẵng giọng – Giống thế quái nào được. Vân còn có chị, tôi một thân một mình, sao lại giống nhỉ? Chị Vân nhỏn nhoẻn – Sao anh không mang Bích ra theo? Hiển có mặt tại đó lúc ấy, đang nằm đưa võng ngoài hè nói vọng vào – Chị Vân quê một cục. Tại sao không nói trường hợp của tôi cho nó nghe, để rút kinh nghiệm.Trường hợp nào? Nói rồi, chị Vân ngước mắt long lanh nhìn ra cửa. – Trường hợp Bích đó! Chị Vân à một tiếng ngắn rồi cười tủm tỉm. Tôi không hiểu chuyện gì đâm bực, lẳng lặng đi ra.

Trong những ngày đầu sống trên đảo, ngoài nhiệm vụ thường lệ, Hiển thường lái xe đưa tôi ra sân bay nhìn biển mỗi sáng, hoặc lên mút địa đầu vòng đai an toàn có con lạch nước đen như mực với chiếc cầu làm bằng thân cây bắc ngang, để nhìn hoàng hôn đỏ trên dải rừng già quánh đặc, thâm u. Tôi đứng trên chiếc cầu gỗ đó nhìn xuống con lạch – mà dân địa phương nói có nhiều cá sấu – dòng nước chảy lờ lững không gợn một vết nhăn. Tôi chẳng tìm thấy mình đâu cả. Rướn mắt ra xa, tôi nhìn hàng ngàn, hàng vạn thân cây bạc phếch mốc meo do thuốc khai quang, tạo thành bức hàng rào xám ngoét. Tôi hình dung thấy sự khô cạn, chết sững trước tầm mắt. Tôi biết rằng chỉ vài bữa nữa, cái hàng rào xám ngoét ấy sẽ trở thành khuôn đất phẳng phiu với lớp nhà tôn quây chặt kẽm gai cùng những tháp canh cao chót vót được dựng lên để xiết cứng mỗi số phận chiến bại. Hiển đã dẫn tôi đi khắp vùng và nói rõ cùng tôi những chi tiết cần thiết của công tác, thứ công tác buồn nản trong khó nhọc. Tôi đã nhìn thấy bên trong vòng đai những chiếc áo vàng có mang hàng số sơn đen lâu ngày trở thành màu xám. Cuộc sống không có gì vui thú ngoài vài thứ giải trí lặt vặt có tính cách giết thời giờ hơn đam mê. Trừ một số vợ con lính, hình bóng đàn bà hầu như vắng hẳn ở nơi đây. Chính sự dồn nén dục tình quá lâu làm con người dễ cuồng loạn. Một buổi chiều trên đường từ cầu Sấu về nhà, tôi nhìn thấy một thân hình còm cõi đang men theo bờ đường đi ngược trở lên. Hiển rồ máy lao vun vút trên con lộ trải đá lở lói tung bụi mờ mịt. Hiển bỗng chỉ tay sang lề – Nè, cậu nhìn kỹ người đàn bà kia nhá! Tôi chú ý. Chiếc xe chạy chậm lại. Tôi nhìn chòng chọc vào người đàn bà. Một thân hình vô cùng xấu xí với áo quần nhớp nhúa quá đỗi, tôi sững mắt hỏi Hiển – Có gì lạ đâu cậu! Hiển nhún vai, cười hềnh hệch – Đó, cậu thử tưởng tượng xem, với cái vóc dáng ấy mà cũng bị hiếp đấy, cậu nghe rõ chưa? Tự nhiên trong tôi dấy lên niềm tủi nhục. Tôi nghĩ đến những con thú hoang đói khát đi tìm mồi. Tôi nghĩ đến tôi, đến Hiển, đến bao nhiêu thân phận có mặt khác nữa đang bị dồn nén đến thảng thốt trong mỗi giây phút ứ nghẹn dục tình. Nhưng tôi tin, mỗi thân phận sẽ tự tìm thấy lối thoát, bằng cách này hoặc cách khác. Hiển quẹo xe, cho chạy từ từ lên đồi. Căn nhà tranh nằm chơ vơ đơn độc như thách đố trước rừng thẳm. Vài tiếng chim kêu chiêm chiếp thấy buồn lạ. Chiếc xe ngưng sát thềm. Hiển nhảy xuống mở cửa. Tiếng gỗ nghiến ken két. Tôi bâng khuâng nhìn ra xa. Trại giam tù binh với dãy nhà tôn nằm im lìm giữa lớp kẽm gai vuông vắn. Từng chiếc tháp canh cao nghều nghệu mầu gỗ lâu ngày thâm xịt mốc thếch. Người lính gác đứng chơ vơ, im sững.

Chiều xuống rất chậm trên đảo. Khoảng biển nhỏ tím sẫm giăng trước tầm mắt làm ghê sợ. Rừng cây vây lút bốn phía quánh đặc sắc chàm. Từng đợt gió từ biển lùa vào mát rượi. Tôi đứng đó mà cảm thấy như thể xác mình đã tan loãng vào hư không. Tôi bị cảnh vật bủa vây với từng nỗi sầu ray rứt. Hiển vừa cởi áo vừa đọc thơ. Mỗi tiếng vang lên rồi mất hút vào tạnh vắng bên ngoài. Âm thanh nghẹn ngào tức tưởi. Hiển làm thơ để giải tỏa ẩn ức, để trút ra khỏi hồn từng nỗi đau trầm mặc. Sự phẫn nộ, căm hờn nào đó – cả tình yêu lẫn cuộc đời – như ứ đọng trong mỗi lời, mỗi chữ. Tôi nhìn không gian nơi đây với ý nghĩ khác Hiển. Cuộc sống đã làm Hiển căm thù. Tình yêu đã khắc sâu vào da thịt Hiển từng vết roi rướm máu. Trường hợp của Hiển mà bữa nọ hắn bảo chị Vân nói cho tôi nghe để rút kinh nghiệm, đối với tôi nó chẳng có giá trị gì. Người con gái nào chả vậy. Tình yêu bao giờ cũng mang theo mật đắng. Sự chia lìa là mức đến cuối cùng của chán mỏi. Bích còn trẻ quá. Đôi cánh tay của Hiển không đủ làm thành chiếc nôi để ru ngủ ái tình. Mỗi khi nhắc chuyện Hiển thường hằn học – Chán đàn bà, con gái quá chừng! Cậu nghĩ coi, nó nằng nặc đòi theo ra đây. Ít bữa sau không chịu nổi lại khóc lóc đòi về. Nó bảo – Yêu anh cực thấy mồ, ai mà sống nổi ở cái đất này! Buồn muốn chết – Thế sao đòi theo? – Em tưởng nó khác kia – Khác thế nào? – Em không biết, nhưng chán lắm, chán lắm, hãy trả em về đất liền đi! – Về đất liền để đi bán “bar” sao? Nó lặng im. Khi chiếc máy bay quân sự cất cánh rồi mất hút vào chân sóng, mình cũng bâng khuâng đôi chút. Thấy mình buồn, vợ chồng Vân mời ở chung. Ít lâu sau, để tránh phiền lụy, mình nghĩ tới một mái lều để có thể tự do suy nghĩ về nỗi cô đơn với tình yêu úp mặt.

Tiếng nước xối ào ạt phía sau nhà. Những giọt nước đập vào miếng tôn mỏng dùng làm nền nghe tức tưởi. Màu mây nhàn nhạt đọng lưng chừng ngọn cây phía xa. Khoảng biển đã lẫn vào sương mù. Tôi quay vào ngồi xuống mép giường. Hơi sắt lành lạnh thấm qua đũng quần. Chiếc màn gió làm bằng vải dù bay phần phật. Vài bức hình màu lạc lõng dán trên vách với đường nét duyên dáng, khiêu khích. Đã nhiều lần tôi nói với Hiển xé đi cho đỡ xốn mắt. Hiển không chịu, trả lời ngâm ngơ – Có nó cũng đỡ lắm đa! Tôi cau mày lẩm bẩm – Thà đừng nhìn, đừng thấy gì hết còn hơn, sợ nhất sự có đó mà không sử dụng được! Hiển ngúc ngoắc cái đầu – Đời đã dạy, muốn sống cho đẹp chỉ nên sống bằng tưởng tượng – Cậu nghĩ coi, cuộc đời là cái đếch gì đâu, kể cả đàn bà, thế mà không hiểu sao có khối đứa làm được cả những chuyện ghê tởm nhất vì nó đấy. Tôi quay đi chỗ khác để tránh tranh luận, đôi khi rất gay go có thể đến mất tình bạn hữu.

Nhiều đêm tôi và Hiển đã thức gần suốt sáng để cãi nhau về một chuyện không đâu, về cuộc chiến và hòa bình hôm nay với từng nỗi giận hờn. Quê hương còn đó với những vết thương rỉ máu. Những con người đã cầm súng gây tang tóc cho đất nước đang hiện diện trong vòng kẽm gai kia với vóc dáng lầm lũi, với những khuôn mặt lạnh băng khắc khổ và im lìm như từng sự vật vô tri, có đấy mà không lên tiếng. Tôi đã nhìn họ, đã nghĩ nhiều đến ngày mai chẳng phải cho riêng tôi mà chính thực cho những đứa trẻ sống nhem nhuốc thất học nơi đây trong hoàn cảnh vô cùng khốn khó. Tôi liên tưởng đến một xã hội man dại thuở nào với sự hung cuồng dã thú của luật thiên nhiên tàn nhẫn. Những mái tranh sập xệ, co rúm lại chen chúc trong khoảnh đất khô khan trong tình trạng nhăn nhúm. Những người đàn bà theo chồng ra biên ải có bao giờ nghĩ đến thân phận mình được đánh giá bằng nhục dục với bao nỗi nhọc nhằn phải mang nặng cùng ngày tháng lê thê? Tôi đã đứng hàng giờ trước những mái lều tượng-trưng-cho-hạnh-phúc mà trong đó, vợ chồng con cái sống lúc nhúc như bầy thú rừng nơi hốc đá. Từng đàn trẻ xanh xao ngụp lặn bên dòng nước đen ngòm xác lá rừng mục nát. Tất cả, tất cả đã in dấu nơi tôi với từng suy nghĩ nghẹn ngào, từng dằn vặt buốt nhói.

Bóng tối đã phủ kín căn nhà. Màu mái tranh vàng tươi lẫn vào thời gian mờ ảo. Hiển lê đôi dép sèn sẹt trên nền xi-măng miệng huýt gió bài Summertime. Điệu nhạc da đen buồn đứt ruột. Tôi ngồi chết lặng. Hiển ngừng huýt gió hỏi – Sao không bật đèn?Tự nhiên chiều nay mình thích bóng tối lạ lùng, chiều mình một chút được không?Lại lẩm cẩm rồi! Sau một tiếng động khô, căn nhà sáng bừng. Hiển đi lại phía bàn, ấn ngón tay vào chiếc máy ghi âm. Giọng hát Khánh Ly nấc nở, tắc nghẹn trong ca khúc Tuổi Đá Buồn. Tôi đứng dậy đi ra ngoài. Gió thổi lồng lộng – Những hàng đèn giăng ngang dọc quanh trại giam bừng sáng trông thật vui. Tiếng máy điện chạy ầm vang cả một khoảng trời. Lớp lớp mái tôn nổi hằn từng đợt dưới ánh sáng. Người lính canh, súng trên vai đi lại trước cổng trại. Bóng anh ta ngã dài trên nền đất đung đưa theo nhịp bước làm bớt tẻ lạnh. Âm thanh vẫn nghẹn ngào âm vang nhịp điệu. Tiếng hát chợt vút lên rồi tắt lịm. Tôi vội nghĩ đến từng nỗi rã rời, từng phiến u hoài nối tiếp nhau trôi đi biền biệt. Tiếng hát và niềm đau đó chẳng thuộc về ai cả. Cuộc chiến vẫn còn đấy. Từng ô vuông nhỏ bé nhất cũng nghẹn ngào, hờn tủi, nát tan, chia lìa, đòi đoạn. Ngay chính tôi, đang hiện diện, đang sống và đang suy nghĩ ở nơi đây, trong một kích thước hạn định mà nào có liên hệ gì đến ai đâu, cả thiên nhiên nữa, vẫn vô tình quây kín nỗi u hoài của mỗi số phận. Hình ảnh Bích vụt sáng trong tiềm thức, nhưng lúc này tôi với nàng cũng không còn liên hệ. Ở trong lòng thành phố, giờ này chắc Bích đang sửa soạn đi dự dạ hội cuối năm, hay đi góp bạn để khoe khoang nhan sắc. Thành phố với bao nhiêu quyến rũ, với bao nhiêu đam mê, bao nhiêu ước muốn, ở đó, tôi đã đi bán tuổi trẻ mỗi đêm, đã dìu tình yêu trong đôi tay mỏng manh ngày tháng, mà nay còn lại gì đâu, ngoài sự chán chường với uất nghẹn cô đơn.Tôi quay vào. Hiển nằm ngửa trên giường hai tay khoanh tròn để dưới đầu thay gối. Tôi vặn nhỏ máy ghi âm. Tiếng nhạc lịm dần, lịm dần u uẩn. Hiển xoay nghiêng người – Này cậu, sáng mai đến phiên cậu dẫn tù đi rừng đó.Ừ. Tôi buông thõng lời nói. – Cậu nhớ dẫn đi sâu sâu một chút, xem có cây mai nào đẹp mang về ngắm chơi, gần Tết rồi còn gì. Năm ngoái, mình lấy được cây lão mai, đẹp không thể tả được. Chị Vân xin để gửi về biếu ông già. Mình tiếc đứt ruột mà đành phải đưa. Tôi sững mắt ngó Hiển – Dẫn vào sâu nó trốn thì ở tù thay à? Mình ở đây cần gì Tết, vả lại, cậu sắp về rồi mà – Đ. mẹ, chưa chắc. Đời lính cái gì cầm được trong tay rồi còn mất nữa là !… – Giá sau Tết, cậu hẵng về thì hay. Ở đây một mình chịu gì nổi! Hiển cười – Ráng chịu cho quen. Mình cũng phải tự coi như một thứ tù thượng thặng mà thôi. Nè, cậu nghĩ xem, cả nhân loại bị tù chứ đâu phải chỉ có tôi, cậu và những sinh vật sống trong và ngoài vòng kẽm gai kia. Hiển cười thật to. Tiếng cười như phá vỡ ẩn ức đã giam kín tự đáy lòng bao lâu. Tôi nín lặng, cho tay cởi dần nút áo. Chiếc áo lót vàng khè dưới ánh đèn vì bụi đất. Tiếng kẻng đổi phiên gác vang vọng điệu buồn se sắt.

Trằn trọc mãi rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, tôi tỉnh giấc vừa đúng lúc có tiếng người nói chuyện xôn xao ngoài lộ. Trời vẫn tối như than. Tôi vùng dậy mở cửa. Sương muối lạnh buốt ùa vào. Những ngọn đèn bão lắc lư, rải rác dọc con lộ dẫn đến chợ. Thường ra, không có gì phiên chợ cuối năm người ta mới đi sớm, mà ngày nào cũng vậy, cứ vào khoảng bốn giờ khuya là con lộ đã thấp thoáng bóng người. Chợ họp đến tảng sáng thì tan. Tôi cũng đã từng theo chân họ từ sớm. Mùi cá tanh nồng làm ngợp thở. Chợ họp giữa con phố duy nhất nhỏ hẹp với hai dãy nhà khấp khểnh và rừng dừa bát ngát đằng sau. Những con cá mới mắc lưới từ đại dương được quăng lên mặt cát còn giãy giụa dưới ánh sáng của những ngọn đèn bão. Tiếng nói cười, mời chào xôn xao cả khoang biển. Cuộc sinh hoạt thật linh động và cũng vô cùng ngắn ngủi. Khi cuối con sóng, ở đằng phía chân mây xa thẳm đã ửng hồng để cắt đứt sự giao tiếp giữa nước và trời thì khu phố họp chợ chỉ còn lại rác rưởi và vài đống cá trắng bạc phơi mình cùng đàn ruồi trong nắng sớm. Tôi nhìn những người đàn bà lùi lũi men theo lối cũ vượt qua từng con đồi trở về, mờ lẫn vào rừng cây phía trước. Rồi cuộc sống cứ như thế, như thế kéo dài biết đến bao giờ?Không khí buốt lạnh làm tôi tỉnh hẳn. Tôi giơ tay làm vài cử động để tránh mệt mỏi. Hơi thở nặng nhọc của Hiển đều đều một nhịp, tôi biết Hiển đang ngon giấc. Chẳng hay giấc mơ nào đến với Hiển đêm nay? Hình ảnh người yêu có về trong mơ ước? Những ngọn đèn bão nhỏ dần rồi mất hút dưới chân đồi. Tiếng chim đêm kêu buồn thảm mé sau rừng vang vọng từng chập. Dẫy trại giam vắng lặng. Tôi nhìn ra phía tháp canh. Chiếc poncho căng phồng theo chiều gió. Người lính gác tay ghì súng đứng nhìn đăm đăm xuống mặt đất. Cảnh vật chỉ có thế. Mỗi ngày, mỗi đêm, mỗi sáng, mỗi chiều chúng tôi như cái máy tuần tự thay nhau giải quyết công việc. Tôi nhớ phiên trực của Vân còn mấy tiếng nữa mới bàn giao. Cái căn chòi bé nhỏ nằm chơ vơ đầu ngả đường kia, đang có Vân trong đó. Chẳng biết nó thức hay ngủ. Có bao giờ nó suy nghĩ như tôi về cuộc sống?Trong nhà, Hiển ngủ mê, đập tay xuống mặt giường bồm bộp. Hiển nói ú ớ bực tức những chữ ngắt đoạn không rõ. Tôi quay vào gọi to — Hiển, Hiển, mê gì la dữ vậy? Hiển cựa mình, thở một hơi dài – Sao dậy sớm thế? Tám giờ mới lãnh tù mà! Không ngủ được thì dậy chứ đâu phải vì chuyện đó. Hiển nói giọng ngái ngủ – Nhớ tìm cây lão mai nghe. Nói rồi, Hiển trở mình ngủ tiếp. Tôi mở cửa sau ra nơi rửa mặt. Vì lười múc, tôi vục cả chiếc chậu vào phuy nước cho mau. Hiển thường trách tôi về sự trây lười đó, vì nước ở đây rất hiếm, phải mang từ xa lại mà tôi lại dùng phí phạm quá đáng. Nước để ngoài sương lạnh giá. Tôi úp mặt vào chậu rồi lấy hai tay chà mạnh. Những sợi râu cứng đâm vào lòng tay làm nhồn nhột. Cầm chiếc khăn lau nhanh cho khô để bớt lạnh, tôi cảm thấy da mặt chai cứng sượng sần. Quay vào định bật đèn nhưng sợ làm mất giấc ngủ của Hiển nên thôi. Tôi mặc áo quần trong bóng tối. Tôi quờ quạng tìm từng thứ một lồng vào thân xác. Khi chiếc dây giầy vừa được thắt xong, ngửng mặt nhìn qua ô cửa, một vệt mây vàng ửng như sợi dây lưng đã giăng ngang nền trời. Tự nhiên, tôi thở mạnh ra nhẹ nhõm.

Chẳng biết làm gì cho hết thời giờ. Tôi lững thững xuống đồi đi về phía trại giam. Ánh đèn phòng trực hắt ra nền đất phía trước một ô sáng đục, Vân đang gục đầu xuống mặt bàn ngủ gục. Khẩu súng tiểu liên với băng đạn đặt nghiêng bên thành ghế. Tôi gọi – Vân, Vân! Vân choàng mắt, vì phản ứng bất ngờ cho tay quơ khẩu súng. Hai mắt Vân đỏ ngầu mở trừng dưới ánh đèn. Khi nhận ra tôi, Vân cười giọng gượng gạo – Cứ tưởng gì chứ! Sao đến sớm thế, đã tới giờ đâu.Không ngủ được đến sớm đã sao chưa? – Tôi nói với giọng giễu cợt. Nhìn lên chiếc bảng công tác, nhiệm vụ của tôi được ghi rõ với những nét phấn đỏ gạch ngay hàng. Vân vươn vai đứng lên, đến phía kệ gỗ cầm phích rót cà-phê đầy lòng tách. Tôi buột miệng – Có vợ sướng quá hé! Vân hềnh hệch – Tương đối, tương đối! Ở đây thôi, về Sài-gòn lại thua các cậu. Vân đẩy tách cà-phê về phía tôi – Uống một ngụm cho tỉnh! Tôi cầm tách cà-phê bằng hai tay. Hơi nóng thấm qua lớp men âm ấm. Tôi uống từng ngụm nhỏ. Tôi bảo Vân đi về, để tôi trông hộ giờ sau cùng của phiên trực. Vân cảm ơn, cho tay quệt ngang mặt rồi bước ra cửa giữa tia nắng nhẹ đầu tiên chiếu rọi trên mái tôn lấp lánh cùng tiếng nói cười của các người về chợ muộn reo vang mặt lộ.

Từng lớp áo vàng đã sửa soạn tập họp trước cổng trại. Người Thượng-sĩ già đứng nghiêm chỉnh, tay cầm quyển sổ đóng bìa cứng đen sì. Một hồi kẻng rền vang tiếp theo tiếng hô ngắn và sắc làm cho không khí nơi đây mang một sắc thái thật khác biệt. Đám người đông đảo hỗn tạp là thế, chỉ phút chốc đã chia thành cơ ngũ, trật tự. Sau khi điểm danh, đọc công tác, vị Thượng sĩ già giao cho tôi một Trung-đội tù. Vẫn những con người ấy, khuôn mặt ấy, vóc dáng ấy, tôi đã quen thuộc từ nhiều ngày. Tôi cho lệnh. Đám người lầm lì nối đuôi nhau đi men theo con đường đất nhỏ trước khi xuyên rừng.Những giọt sương mai đọng trên lớp cỏ cao gần đầu gối làm hai ống quần trận ướt sũng. Đoàn người đi qua khoảng rừng đã khai quang, xác lá ngập đầy, giẫm lên trên mềm nhũn. Tôi vừa đi vừa nghĩ đến cây mai Hiển dặn. Cánh rừng thâm u nhức mắt đã chắn ngang tầm mắt. Nửa, tôi muốn chiều theo ý Hiển, nửa sợ trách nhiệm. Một trưởng toán hỏi tôi hướng đi. Tôi chỉ tay vào rừng cây. Những mũi súng của các trưởng toán đầu chĩa về phía trước.Chúng tôi đã qua khỏi bìa rừng bắt đầu gặp núi. Người tù binh trẻ có hàng lông tơ mọc quanh mép quay lại nhìn tôi. Đôi mắt anh ta buồn vời vợi. Tôi hất đầu cho lệnh tiến tới. Chiếc áo ka-ki vàng của hắn bạc phếch. Tôi đọc những con số trên lưng áo. Ánh nắng tự nhiên thu hẹp lại. Những thân cây cao vút và lớp cỏ gai dầy đặc làm chúng tôi đi thật vất vả. Tôi cho lệnh dừng để sửa soạn khởi đầu công tác. Tiếng còi rúc vang lên. Những chiếc áo vàng đứng xung quanh các gốc cây. Rồi từng nhát rìu bổ xuống với tiếng reo hò cùng tiếng cây đổ rầm rầm âm âm cả khu rừng. Từng đàn chim vụt bay lên hoảng hốt.

Tôi bâng khuâng nhìn từng khoảng trời sau mỗi cây đổ. Người tù binh trẻ lom khom cưa nhánh cây để lát nữa dễ kéo đi. Hình ảnh cây mai lại lởn vởn trong đầu khi tôi chợt nhìn thấy những búp lá non mịn mướt trên ngọn rừng trước mặt. Tôi tiến đến bên người tù binh trẻ cho tay đặt nhẹ lên vai hắn. Người tù binh đứng ở thế nghiêm. Tôi nhìn hắn bằng ánh mắt dìu dịu – Anh quê ở đâu nhỉ?Dạ, Thái-bình.Vào Nam lâu chưa?Được hơn năm.Bị ở mặt trận nào?Ở ngoại ô Sàigòn dịp TếtCó nhớ Bắc không? Nhớ!Đi theo tôi! Hắn định bỏ cưa xuống, nhưng tôi bảo mang theo. Hắn nhìn tôi tần ngần.Tôi và hắn leo núi để tìm cây mai làm đẹp lòng Hiển. Người địa phương nói sau hòn núi nhọn hoắt kia có nhiều mai lắm. Người tù binh trẻ leo trước. Từng bước chân thoăn thoắt vượt từng mỏm đá. Tay tôi luôn luôn để trên bá súng đề phòng. Chúng tôi trèo hết ngọn núi thì mặt trời đã lên cao. Mồ hôi thấm ướt sau lưng. Tôi bảo người tù binh hãy ngồi nghỉ chút. Hắn ngồi phệt xuống tảng đá ngay phía trước tôi. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán phẳng phiu. Hai gò má người tù binh ửng hồng như con gái. Ánh nắng chiếu vào mặt hắn làm nổi bật những sợi lông măng phơn phớt. Chúng tôi cùng lặng im. Gió làm khô những giọt mồ hôi tự lúc nào tôi cũng không hay. Tôi cho lệnh đi. Chúng tôi lại men theo sườn núi. Người tù binh bỗng đứng sững reo lên. Tôi hỏi – Cái gì vậy?Mai, nhiều mai quá. Hắn vừa la vừa chỉ tay về phía sườn núi bên phía trái. Tôi nhìn theo chiều tay hắn. Sắc vàng tươi đang lấp lánh dưới vầng nắng cuối Đông trên đảo nổi trên màu trùng dương bát ngát. Quên cả mệt và trách nhiệm trước mặt, tôi và người tù binh trẻ men nhanh về hướng đó. Chúng tôi như lạc vào rừng mai. Vì quá nhiều, không biết chọn cây nào, tôi bảo người tù binh trẻ muốn cưa gốc nào cũng được. Hắn chọn một cây chớm nhiều nụ. Tiếng cưa kéo rèn rẹt. Tôi lấy tay đỡ cho thân cây khỏi đổ mạnh. Bỗng nhiên người tù binh trẻ dừng cưa, nhìn tôi với đôi mắt dài dại rồi nói nhè nhẹ – Gần Tết, nhớ quê quá! Vừa hết câu, hắn cúi nhanh xuống. Tôi chỉ kịp nhìn thoáng ngấn nước đọng long lanh trên hai gò má ửng hồng đầy lông tơ mịn ấm.

TẠ TỴ

Văn số Xuân Kỷ Dậu 1969

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.