TP – Những bình luận và đồn đoán từ những thông tin lùm xùm xoay quanh triển lãm “Tạ Ty – Dấu ấn sáng tạo” vừa bị dừng cấp phép tại Hà Nội vẫn chưa dứt. Để góp phần minh định số phận của những bức tranh trong bộ sưu tập, thêm rộng đường dư luận, TPCN đã trao đổi thẳng thắn với chị Nguyễn Thị Mai Hoa – người đứng đơn xin cấp giấy phép triển lãm này.
Chị có thể cho biết chị suy nghĩ gì về những thông tin lùm xùm xoay quanh triển lãm “Tạ Ty- Dấu ấn sáng tạo” mà chị đang là người đứng đơn xin cấp giấy phép?
Thú thực là tôi rất ngỡ ngàng và khá hoang mang trước những diễn biến trên truyền thông vừa qua. Dù đã có rất nhiều bài báo sử dụng tên tôi và thông tin liên quan đến triển lãm Tạ Ty, nhưng tôi khẳng định đây là lần phỏng vấn đầu tiên của tôi với báo chí, cũng hy vọng sẽ là lần cuối cùng tôi lên tiếng về việc này.
Ý tưởng và cảm hứng của chúng tôi về Triển lãm Tạ Ty bắt nguồn từ việc chúng tôi tập hợp được nhiều tác phẩm quý của Tạ Ty, trong đó có nhiều tác phẩm chưa từng được triển lãm, hay có những tác phẩm nằm ẩn trong các bộ sưu tập tư nhân lớn trong và ngoài nước từ mấy chục năm qua. Và nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày sinh của ông, chúng tôi mong muốn cùng các nhà sưu tập đưa các tác phẩm này ra công chúng để mọi người được thưởng thức. Chúng tôi cho rằng sự vinh danh tốt nhất về cái đẹp chính là tạo ra sự lan tỏa về cảm nhận cái đẹp cho nhiều người. Rõ ràng, không phải ai cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng các tác phẩm quý giá như vậy. Không chỉ triển lãm, chúng tôi còn có kế hoạch phát hành một cuốn sách về ông. Chính vì ý tưởng đó, tôi và khá nhiều người trong cuộc đều thấy rất đáng tiếc khi câu chuyện bị đẩy xa quá mức, theo chiều hướng không hề tích cực.
Một trong những vấn đề nóng nhất về Triển lãm Tạ Tỵ là việc gia đình họa sỹ khẳng định chị không phải là đại diện pháp lý của gia đình như một vài tờ báo đã đưa, vậy chị có ý kiến gì về việc này?
Phải khẳng định tôi chưa bao giờ là đại diện pháp lý của gia đình họa sỹ Tạ Ty. Chính vì thế, tôi không bao giờ dù bằng văn bản hay lời nói với bất cứ ai về nội dung như thế. Trong số 19 bức tranh cuối cùng chúng tôi xin triển lãm theo đơn điều chỉnh duy nhất gửi Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Cục) vào ngày 23/4/2019, không hề có bức tranh nào của gia đình họa sỹ. Chúng tôi cũng chú thích rõ trong đơn: 19 bức tranh này đã được Cục thẩm định trực tiếp tại Hà Nội vào ngày 18/4/2019. Đây là những bức tranh của các nhà sưu tập tại Hà Nội. Mọi việc đang diễn ra bình thường thì xuất hiện bài báo trong đó dẫn lời bà Tạ Thùy Châu (con gái họa sĩ Tạ Ty) nói “Nếu mang danh nghĩa của gia đình chúng tôi thì đó là một sự mạo danh trắng trợn”. Tôi thực sự rất buồn nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi thông cảm với phát ngôn đó vì nó là hợp lý nếu họ nghĩ hiện tượng mạo danh là có thật. Chúng tôi không hiểu biết nhiều về nhau, cộng với những thông tin sai lệch từ một số báo chí, thì chuyện bức xúc của gia đình là việc dễ hiểu.
Sau đó, chúng tôi được biết thông tin này đầu tiên xuất hiện trên một tờ báo nhiều người đọc vào ngày 1/5/2019. Tiếp theo, vài tờ báo đã dẫn lại nội dung sai lệch này. Đại diện của tôi đã yêu cầu tác giả bài báo điều chỉnh lại một số thông tin không chính xác, trong đó có thông tin về việc ủy quyền này. Chúng tôi rất rốt ráo nhưng do tác giả này bận đi công tác nên đến sáng ngày 3/5/2019, thông tin mới được điều chỉnh chính xác. Theo đó, cụm từ “Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại diện pháp lý của gia đình hoạ sỹ Tạ Ty…” được sửa thành “Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, người đứng đơn cấp phép triển lãm….”.
Bà Tạ Thùy Châu, con gái của hoạ sỹ Tạ Ty có nhận định về việc: “Chi tiết 19 tranh xin triển lãm (hội đồng đã xem trực tiếp tại tư gia) thì có 5 tranh hội đồng thấy mới ký tên và có 2 tranh không có chữ ký”, tức là tranh giả còn gì nữa? Chị có nhận định gì về việc này.
Trong 19 bức tranh đề nghị cấp phép triển lãm, bức nào cũng có chữ ký và không có bức nào có chữ ký mới. Và chúng tôi hoàn toàn có thể chứng minh bằng phương pháp khoa học về việc này.
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa
Thú thực nếu đặt tôi vào bối cảnh bị hỏi như vậy, tôi cũng sẽ trả lời giống Bà Tạ Thùy Châu. Nhưng nếu đọc kỹ một cách công tâm sẽ thấy rất rõ. Bà Châu có hai câu trả lời, trong cùng một bài báo, nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra không phải: Câu trả lời thứ nhất nằm trong bối cảnh “hội đồng thấy có 5 tranh có chữ ký mới và 2 tranh không có chữ ký” nên chị ấy kết luận là “nếu đúng thế thì là tranh giả…”. Đây là câu trả lời theo logic thông thường nằm trong bối cảnh được cung cấp thông tin: “tranh có chữ ký mới” và “tranh không có chữ ký”. Câu trả lời thứ hai đáng quan tâm hơn: “tôi không thể biết được bức tranh nào thật, bức tranh nào giả trong số tranh đang xin cấp phép”. Đây là câu trả lời công tâm nhất vì đúng là chị ấy chưa bao giờ nhìn thấy bộ sưu tập của chúng tôi.
Vậy chúng ta có nên hiểu rằng: ý kiến của Cục về việc 5 bức tranh có chữ ký mới và 2 bức tranh không có chữ ký là sai so với thực tế?
Tôi không nhận được thông tin này từ Cục. Chỉ có 2 thông tin chính thức từ Cục chúng tôi nhận được sau buổi thẩm định trực tiếp ngày 18/4, đó là công văn ra ngày 19/4/2019 với nội dung “hồ sơ tác phẩm trong triển lãm chưa đầy đủ các căn cứ đảm bảo về vấn đề bản quyền tác giả. Hội đồng cần phải xem xét trực tiếp các tác phẩm trong triển lãm vào ngày 2/05/2019 tại Phòng trưng bày, sau đó sẽ cấp giấy phép chính thức”, và thông báo cuối cùng bằng email vào ngày 2/5/2019 với nội dung: “…Triển lãm không được phê duyệt vì Hồ sơ có sự thay đổi bổ sung”. Tôi cho rằng lý do thay đổi bổ sung này là do chúng tôi đã gửi đơn xin điều chỉnh giảm số lượng tác phẩm tham gia triển lãm. Đối với bộ sưu tập chúng tôi đang sở hữu, tôi khẳng định rằng: trong 19 bức tranh đề nghị cấp phép triển lãm, bức nào cũng có chữ ký và không có bức nào có chữ ký mới. Và chúng tôi hoàn toàn có thể chứng minh bằng phương pháp khoa học về việc này.
Còn phía Bảo tàng MTVN là nơi có dự định dành không gian cho triển lãm lần này thì có quan điểm như thế nào?
Tôi đã gặp một vị lãnh đạo cấp cao của bảo tàng để làm rõ về việc này, tôi đã có được sự giải thích thoả đáng, thấu tình từ lãnh đạo về lý do và quyết định của họ, cũng như mong muốn của họ trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho chúng tôi có vị trí để triển lãm tại bảo tàng sớm, nếu được cấp giấy phép.
Kế hoạch tiếp theo của chị về bộ sưu tập này thế nào? Chị có thể chia sẻ lý do tại sao lại không tiếp tục triển lãm, liệu đó có phải là nước cờ khôn ngoan trong bối cảnh hiện tại?
Chúng tôi tự tin vào vấn đề tác quyền của bộ sưu tập của mình, chúng tôi đã và vẫn đang từ chối một số đề nghị mua lại bộ sưu tập. Do vậy, nếu triển lãm bị nhìn dưới nhãn quan là “rửa” tranh, thì có lẽ thứ tốt đẹp nhất chúng tôi nên làm là không nên “rửa” làm gì. Tiêu chí ban đầu của chúng tôi về triển lãm là để tôn vinh nghệ thuật và cái đẹp nhưng những việc xảy ra đã làm cho cái đẹp bị mai một đi. Đó là lý do chính làm cho sự nhiệt tình với ý tưởng triển lãm của đa phần các nhà sưu tập về gần mức số không ở thời điểm hiện tại.
Để kết thúc chủ đề này, chị có muốn nói thêm điều gì không?
Tôi nghĩ, có thể không nhất thiết là triển lãm, cách hành xử nhân văn có lẽ sẽ là món quà tri ân và vinh danh đẹp nhất chúng tôi muốn dành cho người họa sỹ tài ba Tạ Ty. Tôi kêu gọi sự công tâm và ủng hộ của những người yêu nghệ thuật chân chính, với tinh thần hướng thiện và hướng đến cái đẹp. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả độc giả đã có những phản hồi công bằng về vấn đề này, tới những người bạn và rất nhiều anh chị trong giới mỹ thuật đã chia sẻ và động viên tinh thần chúng tôi trong thời gian qua. Tôi cũng gửi lời xin lỗi đến 500 thành viên đã đăng ký tham gia sự kiện vì chúng tôi đã không thể biến ý tưởng tốt đẹp này thành hiện thực. Tôi mong, sự việc này sẽ không làm nhụt chí những nhà sưu tập tiếp theo trong việc quảng bá cái đẹp của tranh Tạ Ty tới công chúng. Tôi xin phép được khép lại vấn đề ở đây.
Theo HIỀN ANH (THỰC HIỆN)
Tienphong.vn