Thông qua khảo sát tư liệu văn tự và hình ảnh liên quan đến trang phục của bá quan ba nước Trung, Việt, Hàn, bài viết này làm rõ quy định cụ thể về hình thêu Hung Bối – Bổ tử trên áo bào cùng quy chế phục sắc ứng với từng phẩm quan của triều đình Triều Tiên Hàn Quốc và triều đình Lê Nguyễn Việt Nam, qua đó bước đầu chỉ ra cục diện áo mũ tương đồng giữa ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc trải từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX.
Hình 1: Bổ phục.
1. Quan nhà Minh và nhà Thanh (mingyiguan);
2. Quan Triều Tiên trung kỳ và hậu kỳ (Trang phục của nước ta thời Joseon qua tranh nhân vật);
3. Quan Việt Nam triều Lê và triều Nguyễn (Hoàng Thanh chức cống đồ)
1. Bối cảnh
Sau khi Chu Nguyên Chương (朱元璋 주원장) đánh đổ chính quyền Mông Thát (韃靼 달단), lập nên triều đình Đại Minh với khao khát khôi phục đế chế Đại Hán, tái thiết lập quan hệ triều cống với lân bang, Triều Tiên (朝鮮 조선) và Đại Việt (大越 대월) là hai lân quốc được nhà Minh ưu ái hàng đầu. Chu Nguyên Chương tuyên bố: “Trẫm làm vua thiên hạ, đã thành chính thống, từ nay cứ ba năm, các nước ở hải ngoại vào triều cống thì An Nam (安南 안남) đứng đầu, sau đó tới Cao Ly (高麗 고려), sau nữa tới Chiêm Thành (占城 점성), các nước đều dâng biểu xưng thần, hợp với quy chế cổ, trẫmhết sức khen ngợi.”1
Đại học sĩ triều Minh là Vương Ngao (王鏊 왕오) còn cho biết:
“Khắp trong bốn bể, những nơi uy đức của nước nhà trải đến… không nơi nào không vàotriều cống hằng năm, Triều Tiên và An Nam đã gần lại thân, là các nước có văn hiến có lễ giáo, vậy nên lễ tiết của triều đình đối với hai nước ấy là ưu ái nhất.”2
Trong khi quan hệ Triều – Minh nhìn chung luôn tốt đẹp, mối quan hệ Việt – Minh lại chỉ trải qua một thời mật ngọt ngắn ngủi, sau đó những động thái được coi là “thiếu chân thành” trong việc thờ nước lớn của triều đình Đại Việt đã khiến Minh Thái Tổ chuyển từ thái độ tin tưởng, nể vì sang chán chường, ghét bỏ, tạo cớ cho cuộc Nam xâm của Minh Thái Tông (明太宗 명태종). Mang tâm thái của một đế quốc tự chủ, không muốn chịu sự chi phối của triều đình Trung Quốc, bất kể những biến cố liên tiếp diễn ra trong nội bộ cung đình, hay sự xô xát thường xuyên với Chiêm Thành ở phương Nam, triều đình Đại Việt luôn tự ý giải quyết, không cấp báo và cũng không nghe lời dạy bảo của thiên triều.
Chuỗi việc này đã khiến Minh Thái Tổ cuối cùng phải nhận định: “An Nam… bên trong lấy sự dối trá làm đầu, không có lòng thành của một nước nhỏ thờ nước lớn, là nước sinh sự.”3
Dù Minh Thái Tổ đã liệt An Nam vào trong mười lăm nước “bất chinh chi quốc” (不征之國 불정지국), dặn con cháu muôn đời không được động đao binh, thì năm 1406, vin cớ “phù Trần diệt Hồ” (扶陳滅胡 부진멸호), Minh Thái Tông Chu Đệ (朱棣 주체) đã cử quân sang Việt Nam, song ngay sau khi đánh bại cha con Hồ Quý Ly (胡季犛 호계리), ông ta lại nhanh chóng sáp nhập nước Việt vào bản đồ Trung Quốc, phỏng danh xưng cũ đặt quận Giao Chỉ (交趾 교지), đồng thời ra lệnh “binh lính vào nước ấy, ngoại trừ sách kinh và ván in của đạo Phật, đạo Lão không thiêu hủy; tất cả thư tịch, ván in cho đến những loại vở trẻ con quê mùa tập viết như “Thượng đại nhân, Khưu ất dĩ” (上大人丘乙已 상대인구일이), một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước ấy phàm những nơi di tích có bia do Trung Quốc dựng thì giữ lại, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy hết, một chữ chớ để còn.”4. Hậu quả là sau 20 năm thuộc Minh, cộng với kiếp nạn năm 1371“giặc Chiêm ùa vào thành… đốt trụi cung điện, nhà cửa. Thư tịch, sổ sách do vậy sạch không”5, đến đầu thời Lê, những bộ sách quan trọng ghi chép điển chương chế độ của các triều đại trước đây hầu như mất tích.
Do sự mất mát sử liệu, ngay vị văn thần uyên bác như Nguyễn Trãi (阮廌 원채) cũng đã gặp nhiều khó khăn khi đặt định phẩm phục triều nghi cho triều đình nhà Lê. Cuối cùng, vua Lê Thái Tông (黎太宗 려태종) đành phải chấp thuận lời kiến nghị của thái giám Lương Đăng (梁登 양등) áp dụng chế độ áo mũ lễ nhạc mới của nhà Minh Trung Quốc. Dẫu nói thế nào, chế độ áo mũ của nhà Minh đã có sự kế thừa và phát triển từ văn hóa truyền thống, được coi là tập đại thành của nghệ thuật trang phục cổ đại Trung Hoa.
Triều Tiên cũng đã chủ động du nhập chế độ quan phục của nhà Minh. Với xu thế tất yếu,triều đình Đại Việt cũng chính thức áp dụng quy chế áo mũ lễ nhạc mới kể từ tháng 11 năm 1437.
2. Tổng quan về quy chế Hung bối – Bổ tử của Trung Quốc
Buổi đầu lập quốc, bá quan nhà Minh vào mỗi buổi Thường triều (常朝 상조) đội mũ Ô sa (烏紗帽 오사모) kết hợp với áo bào cổ tròn (團領 단령). Phẩm trật của bá quan được phân biệt dựa trên màu sắc áo (服色 복색) (tức quy chế phẩm phục Đường Tống 당송나라의 품복제). Các quan từ Nhất phẩm tới Tứ phẩm mặc áo màu đỏ, quan Ngũ phẩm tới Thất phẩm mặc áo màu xanh, quan Bát – Cửu phẩm mặc áo màu lục. Năm Hồng Võ (洪武 홍무) thứ 24 (1391), quy chế Thường phục (常服 상복) của bá quan nhà Minh được quy định “phẩm phục của các tước Công, Hầu, Phò mã, Bá thêu hình Kỳ Lân, Bạch Trạch. Quan văn Nhất phẩm thêu Tiên hạc, Nhị phẩm Cẩm kê, Tam phẩm Khổng tước, Tứ phẩm Vân Nhạn, Ngũ phẩm Bạch Nhàn, Lục phẩm Lộ Tư, Thất phẩm Khê Xích, Bát phẩm Hoàng Ly, Cửu phẩm Am Thuần, tạp chức thêu Luyện Thước; các quan Phong Hiến thêu Giải Trãi. Quan võ Nhất phẩm, Nhị phẩm thêu Sư Tử, Tam phẩm, Tứ phẩm thêu Hổ báo, Ngũ phẩm Hùng Bi, Lục phẩm, Thất phẩm thêu Bưu, Bát phẩm Tê Ngưu, Cửu phẩm Hải mã. Lại lệnh cho các chức quan dùng tơ gai tạp sắc may Thường phục, thêu dùng tơ màu”6. Tức từ năm 1391, quy chế Hung bối – Bổ tử định hình và được chính thức áp dụng làm Thường phục của bá quan nhà Minh.
Phẩm trật của bá quan một mặt được phân biệt dựa trên phục sắc, một mặt tiếp tục được khu biệt dựa vào hình thêu muông thú trên áo bào. Chính bởi sự khu biệt tinh tế này, triều đình Lê Nguyễn Việt Nam, Triều Tiên Hàn Quốc và nhà Thanh Trung Quốc sau này đều tham chước mô phỏng, tạo nên cục diện văn hiến áo mão (衣冠文獻 의관문현) tương đồng giữa các nước Trung, Việt, Hàn trải suốt từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX (xem Bảng 1).
Hung bối (胸背 흉배 Hyungbae), còn có tên gọi Hoa dạng (花樣 화양 Hwayang), chỉ vuông vải thêu hình chim muông cùng hoa văn cỏ cây sông núi đính ở trước ngực và sau lưng áo bào, là tiêu chí phân biệt phẩm cấp của quan lại phong kiến. Ngoài những hình thêu trực tiếp trên áo, Hung bối còn có dạng vuông vải thêu sẵn, may liền vào áo, cho nên còn được gọi nôm na là Bổ tử miếng vá (補子 보자 Boja). Thuật ngữ Hung bối,Hoa dạng được sử dụng phổ biến tại Triều Tiên và Trung Quốc trước thời Gia Tĩnh (嘉靖 가정). Từ cuối thời Minh, thuật ngữ này bị thay thế bởi cách gọi Bổ tử.
Trong lời dụ vào tháng 9 năm 1471, vua Lê Thánh Tông (黎聖宗 려성종) Đại Việt cũng dùng từ Hung bối, Hoa dạng để chỉ Bổ tử. Chứng tỏ tại Việt Nam, tên gọi Hung bối – Hoa dạng cũng là tên gọi được sử dụng sớm nhất. Về ý nghĩa cơ bản của các hình thêu Hung bối – Bổ tử, Đại học diễn nghĩa bổ thời Minh cho biết: “Quan văn dùng hình chim, tượng trưng cho văn vẻ vậy. Quan võ dùng hình thú, tượng trưng cho sự dũng mãnh vậy”7.
Quy chế
Thường phục Hung bối – Bổ tử kết hợp với mũ Ô sa được nhà Minh đặt định vào năm 1391 thời Minh Thái Tổ, được áp dụng vào triều đình nhà Lý Triều Tiên năm 1454, vào triều đình nhà Lê Đại Việt năm 1471.
Bảng 1: Quy chế Hung bối – Bổ tử của nhà Minh và nhà Thanh Trung Quốc (theo Minh sử và Thanh sử)
3. Quy chế Hung bối – Bổ tử tại Hàn Quốc và Việt Nam
3.1. Phục sắc
Buổi đầu lập quốc, phẩm phục Thường triều của bá quan Triều Tiên, nhà Lê Đại Việt và nhà Minh, đều dùng phục sắc để phân biệt phẩm cấp. Tuy nhiên, quy định về phục sắc giữa ba nước Trung, Hàn, Việt không hoàn toàn đồng nhất. Cuối năm 1392, phẩm phục của bá quan Triều Tiên được quy định: “Quan Nhất phẩm, áo bào đỏ, đai sừng tê. Quan Nhị phẩm cho tới các chức Cáp môn trở lên, áo bào đỏ, đai vàng lệ chi. Quan Tam – Tứ phẩm, áo bào xanh, đai da gắn sừng đen, hốt ngà. Quan Ngũ – Lục phẩm, áo bào xanh, đai da gắn sừng đen, hốt gỗ. Các quan Thất phẩm trở xuống, áo bào màu lục, đai hốt như các quan Ngũ – Lục phẩm. Hia đều dùng màu đen.”8
(xem Hình 2).
Hình 2: 정도전 Jeong Do Jeon mặc Thường phục thời kỳ đầu Triều Tiên; các vị quan Yak
Jeon Nam 약전남, O Meong Haeng 오명행, O Jae Chun 오재춘 mặc Thường phục Hung bối đặt định năm 1454
Tại Việt Nam, từ năm 1428 đến năm 1437, Thường phục của bá quan thời Lê sơ vẫn áp dụng chế độ thời Trần – Hồ. Theo đó, “quan Nhất phẩm áo màu tía; Nhị phẩm áo màu Đại hồng (tức màu đỏ); Tam phẩm màu Đào hồng (tức màu hồng); Tứ phẩm màu lục; Ngũ – Lục –Thất phẩm, áo màu biếc; Bát – Cửu phẩm màu xanh.”9
Tuy nhiên, năm 1429, triều đình nhà Lê quy định, các quan Nhị – Tam phẩm đều được mặc màu Đại hồng10
Đến tháng 6 năm 1466, thời vua Lê Thánh Tông, chế độ phục sắc cho bá quan văn võ được quy định lại, lúc này các quan từ Nhất phẩm đến Tam phẩm mặc áo màu đỏ, Tứ – Ngũ phẩm mặc áo màu lục, còn lại đều mặc áo màu xanh11. Đây cũng là quy chế sắc phục chung của triều đình Lê Trung Hưng (黎中興 려중흥). Riêng phục sắc Thường phục của bá quan triều Nguyễn, các quan từ Nhất phẩm đến Cửu phẩm, các màu xanh, lục, lam, đen cho được tùy ý sử dụng12
.
3.2. Hung bối – Bổ tử
Tại Triều Tiên – Hàn Quốc, vào ngày mồng 1 tháng 12 năm thứ hai thời vua Đoan Tông (端宗 단종) (tức 1454), triều đình Triều Tiên đã ban cho 72 vị quan trong triều từ các công thần Nhị phẩm trở lên cho tới một số vị tông thân, phò mã… mỗi người một tấm đoạn, lần đầu tiên được mặc áo cổ tròn đính Hung bối13. Đến ngày mồng 10 cùng tháng, triều đình chuẩn y lời khải trình của Lễ tào chính thức áp dụng quy chế Thường phục Hung bối cho bá quan Triều Tiên. Lời trình của Lễ tào có đoạn viết: “kính cẩn kê khảo sách Hoàng Minh lễ chế (皇明禮制 황명예제), kiểu dáng Hoa dạng vuông trên Thường phục Hung bối của văn võ quan viên đã có định thức, dùng các thứ tơ gai lĩnh là sa the tạp sắc hoặc thêu hoặc dệt vàng, tùy theo phẩm cấp mà mặc. Xin cho từ nay các quan văn võ Đường thượng đều mặc Hung bối, kiểu Hoa dạng thì Đại quân dùng Kỳ Lân, Đô thống sứ Sư tử, chư quân Bạch trạch. Quan văn Nhất phẩm Khổng tước, Nhị phẩm Vân nhạn, Tam phẩm Bạch nhàn. Võ quan Nhất – Nhị phẩm Hổ báo, Tam phẩm Hùng báo, Đại tư hiến Giải trãi”14.
Quan chế của Triều Tiên phân làm Cửu phẩm, mười tám cấp. Trong đó, Chính Tam phẩm được phân làm Chính tam phẩm Đường thượng và Chính Tam phẩm Đường hạ. Các quan từ Chính Nhất phẩm tới Chính Tam phẩm Đường thượng được gọi là quan Đường thượng. Từ Chính Tam phẩm Đường hạ tới Chính thất phẩm được gọi là quan Đường hạ. Theo quy chế Hung bối được chuẩn y vào ngày 10 tháng 12 năm 1454, Thường phục Hung bối chỉ được áp dụng đối với các quan Đường thượng. 50 năm sau, năm 1505, triều đình Triều Tiên quy định, các quan từ Nhất phẩm đến Cửu phẩm đều được dùng Hung bối tương tự chín phẩm quan của nhà Minh. Tuy nhiên triều đình Triều Tiên đã chế ra một loạt các dạng Hung bối độc đáo như Hung bối hình lợn, hươu, vịt… để tiếp tục khu biệt cho các quan Đường hạ (xem Hình 4).
Triều Tiên vương triều thực lục ghi nhận: “Được biết triều phục của các quan Trung Quốc bất kể phẩm trật nào cũng được dùng Hung bối. Nước ta phàm chế độ gì cũng đều noi theo chế độ Trung Hoa, từ nay về sau hai ban Đông, Tây, từ Nhất phẩm đến Cửu phẩm đều dùng Hung bối, sử dụng các hình như lợn, hươu, vịt, nhạn, để định rõ phẩm trật”15.
Ngoài các dạng Hung bối đặc biệt chỉ có ở Triều Tiên như lợn, hươu, vịt, nhạn, vào năm 1882, triều đình Triều Tiên Cao tông còn quy định Hung bối dành riêng cho Đại viện quân là Hung bối hình rùa16. Bên cạnh đó, quan Đường thượng và quan Đường hạ còn được tiếp tục phân biệt ở số muông thú thêu trên Hung bối như quan văn Đường thượng thêu hai con hạc, quan văn Đường hạ thêu một con hạc, quan võ Đường thượng thêu hai con hổ, quan võ Đường hạ thêu một con hổ vào khoảng những năm 1815-17…
Mặc dù chế độ Hung bối – Bổ tử được áp dụng cho bá quan Triều Tiên trong hơn 400 năm không có nhiều thay đổi, song thực tế cho thấy quy chế này có vài lần hỗn loạn, có thời quan võ còn sử dụng Hung bối của quan văn, khiến triều đình Triều Tiên phải nhiều lần ra sức chỉ rõ. Như ngày 19 tháng 3 năm Túc tông (肅宗 숙종 Sukjong) thứ 17 (tức 1691), “các quan văn võ mặc áo cổ tròn đính Hung bối, các phẩm trật đã có định chế, quan văn dùng hình chim bay, quan võ dùng hình thú chạy. Nay lại hỗn loạn không ra quy củ gì, cần phải nêu rõ quy định”18.
Ngày 6 tháng 12 năm Anh tổ thứ 10 (tức 1734), vua Anh tổ (英祖 영조 Yeongjo) cũng có lời chỉ dạy: “Phẩm cấp trang phục, tự có định chế, gần đây rất là rối loạn. Cứ lấy quy chế Hung bối mà nói, văn thần thì thêu hình chim bay, võ thần thì tượng hình thú chạy, đó là lấy cái ý tượng trưng, có lý lẽ rõ ràng. Thế mà gần đây quan võ có kẻ lại vận Hung bối chim hạc. Từ nay về sau phải nêu rõ quy định”19
.
Tại Việt Nam, tháng 9 nhuận năm 1471 thời vua Lê Thánh Tông, quy chế Hung bối – Bổ tử lần đầu tiên được áp dụng làm Thường phục cho bá quan Đại Việt. Vua Lê Thánh Tông ban chỉ dụ nói: “Nay quan viên bá tánh các ngươi, hãy nghe lời trẫm, Hung bối trên quan phục của văn võ bá quan nhất nhất phải noi theo quy chế đã định. Nội trong trăm ngày, ai không theo quy định, sẽ giáng cấp trị tội!”. Mùa đông tháng 10, vua ban các kiểu Hoa dạng Bổ tử, đều là các hình cầm thú màu sắc. Các tước công, hầu, bá, phò mã đều thêu một con. Các chức quan văn võ, chính phẩm thêu một con, tòng phẩm thêu hai con; ngự sử và đường thượng quan thêu một con, phân ty thêu hai con. Các hình mây nước, sông núi, cây hoa, nhiều hay ít, thưa hay rậm đều cho tùy ý chế tác, không câu nệCác kiểu màu sắc vàng, đỏ, trắng, biếc, lục đều cho được tùy nghi. Khi thêu cũng không bắt buộc tất cả đều dùng kim tuyến; như hoa văn mây nước, sông núi, cầm thú thêu kim tuyến cũng được.20
Sau lời dụ của vua Lê Thánh Tông, triều đình Đại Việt hẳn đã ban bố một quy chế Hung bối – Bổ tử quy định cụ thể hình chim muông ứng với từng cấp bậc quan lại. Tuy nhiên, do sự thiếu khuyết sử liệu, hiện chúng ta chưa thể biết quy chế Hung bối – Bổ tử năm 1471 cụ thể ra sao. Đối chiếu quy chế Bổ tử của nhà Minh và quy chế do vua Lê Hiến Tông quy định năm 1500, có thể thấy sự phân biệt Hung bối – Bổ tử của nhà Lê không kỹ lưỡng như quy chế của nhà Minh. Song, nhà Lê cũng cho phép văn võ bá quan đều được dùng Hung bối – Bổ tử như các quan nhà Minh, không hạn chế như quy chế của Triều Tiên cùng thời. Ngoài ra, chiểu theo quy chế Triều phục năm 1500, có thể thấy vua Lê Hiến Tông (黎憲宗 려현종) đã cho dùng hình tượng voi làm Bổ tử cho các quan võ từ lục phẩm trở xuống. Có thể coi đây là một sự bản địa hóa độc đáo quy chế Bổ tử khi áp dụng vào triều đình nhà Lê, tương tự trường hợp Triều Tiên đặt ra các hình Hung bối vịt, lợn, rùa…
Hình 3: Tượng thờ Việt Nam tạc vào thời Lê Trung Hưng.
1. Trịnh Đăng Đống; 2. Nguyễn Thế Mỹ; 3. Trần Nguyên Đán
Song nhìn chung, khi quan nhà Lê gặp quan Triều Tiên, đôi bên đều có thể dễ dàng nhận ra sự tương đồng về quy chế áo mũ của hai nước (xem Bảng 2).
Bảng 2: Bảng so sánh quy chế phục sắc của bá quan nhà Minh, Triều Tiên và nhà Lê
(Theo Minh sử, Triều Tiên vương triều thực lục và Đại Việt sử ký toàn thư)
Chính vì vậy, năm 1713, sứ thần Triều Tiên Hàn Thái Đông (翰泰東 한태동 Han Tae Dong) đã mô tả quan Đại Việt: “Mũ màu đen, áo cổ tròn, phẩm phục, đai thắt đại để như quy chế nước ta. Riêng việc xõa tóc ra sau rồi đội mũ là kỳ lạ mà thôi.”21.
Sứ thần Từ Hạo Tu (徐浩修 서호수Seo Ho Su) cũng nói: “Họ búi tóc (phần còn lại) buông xõa,đội mũ Ô Sa, vận áo bào đỏ ống tay rộng, sức vàng bọc mũ và đai, đi ủng da đen”22
(xem Bảng 3).
Bảng 3: Bảng so sánh quy chế hung bối – bổ tử của bá quan Triều Tiên và bá quan Lê – Nguyễn
(Theo Triều Tiên vương triều thực lục và Đại Việt sử ký toàn thư)
Hình 4:
Mũ Ô Sa.
1. Nguyễn Trãi 阮廌 원재, quan thời Lê sơ Việt Nam;
2. Từ Quang Khải 徐光啓 서광기, quan nhà Minh;
3. Trương Mạt Tôn 張末孫 장말손 Jang Mal Son, quan Triều Tiên
Hung bối – Bổ tử Tiên hạc và Kỳ lân.
1. Nhà Minh (dẫn theo Chức tú trân phẩm); ‘
2. Nhà Nguyễn Việt Nam (dẫn theo Silken Threads: A History of Embroidery in China, Korea, Japan and Vietnam);
3. Triều Tiên Hàn Quốc (Bảo tàng cố cung quốc lập Seoul)
Tuy nhiên, triều đình nhà Nguyễn về sau chỉ kế thừa một phần quy chế Hung bối của triều Lê Trung Hưng áp dụng làm Triều phục (朝服 조복) cho các quan Ngũ – Lục phẩm. Trong đó quy định, quan ngũ phẩm mặc áo Hung bối (quan văn Vân nhạn, quan võ Báo) màu bảo lam, làm bằng trừu thêu hoa. Quan lục phẩm mặc áo Hung bối (quan văn Bạch nhàn, quan võ Hùng) màu ngọc lam, làm bằng trừu bóng không thêu hoa23.
Ngoài ra, triều đình nhà Nguyễn còn kết hợp quy chế Hung bối – Bổ tử của nhà Lê Trung Hưng với nhà Minh, đồng thời đặt ra một loạt các dạng mũ mão độc đáo như mũ Văn Công (文公冠 문공관), Hổ Đầu (虎頭冠 호두관), Đông Pha (東坡冠 동파관), Xuân Thu (春秋冠 춘추관)… áp dụng làm Thường phục cho bá quan. Lúc này, dạng áo cổ tròn trong quy chế Thường phục của nhà Minh và nhà Lê được thay thế bởi dạng áo giao lĩnh (交領 교령). Phẩm cấp của bá quan ngoài việc được phân biệt ở hình dạng Hung bối – Bổ tử, quy chế mũ mão, còn được phân biệt ở màu sắc của cổ áo. Theo đó, cổ áo giao lĩnh của các quan nhất, nhị, tam phẩm màu trắng, còn cổ áo của các chức quan còn lại có màu sắc giống màu áo gốc. Áo màu xanh, lục, lam, đen được sử dụng tùy nghi24
(xem Hình 5).
1. Thường phục của bá quan triều Nguyễn, mũ Đông Pha và Văn Công.
2. Quan văn Lục phẩm triều Nguyễn mặc Triều phục và quan võ Nhị phẩm triều Triều Tiên mặc Thường phục
Kết luận
Sau khi so sánh quy chế trang phục Thường triều của bá quan nhà Minh, Triều Tiên và Việt Nam, có thể thấy văn hiến áo mão của nhà Minh quả đã có những ảnh hưởng sâu sắc tới các nước lân bang, dù là đồng đại hay cách đại. Không thể phủ định, triều đình Triều Tiên và Việt Nam đều đã chủ động du nhập quy chế Hung bối – Bổ tử của nhà Minh Trung Quốc, đồng thời đều có những cải cách để quy chế này phù hợp hơn với tình hình riêng của mỗi nước. Song nhìn chung, cả hai quốc gia Triều Tiên và Việt Nam đều nhận thức sâu sắc rằng, văn hiến áo mão mà hai nước sở hữu là tinh túy của nền văn hóa Hoa Hạ. Bởi vậy, sau khi nhà Minh diệt quốc, để quyền làm chủ Trung Hoa rơi vào tay người Mãn Thanh (滿清 만청), Triều Tiên và nhà Nguyễn Việt Nam đều tự nhận là chủ thể lưu giữ nền văn hóa Trung Hoa chính thống và thuần khiết. Trước sự gìn giữ văn hiến áo mão Đại Minh của hai quốc gia này, vô số quan lại và dân chúng người Hán dưới thời Thanh đều đã khóc khi nhìn thấy áo mũ của sứ thần Triều Tiên và Việt Nam25. Ngay như Khâm sứ nhà Thanh là Lao Sùng Quang (勞崇光 노총광) cũng đã phải công nhận: “Gần gũi Trung Hạ, tôn sùng Nho giáo, yêu chuộng thi thư, cùng được coi là đất thanh danh văn vật, ắt phải nói đến hai nước Triều Tiên và Việt Nam.”26
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Văn tự
1. (Trung) Chấn trạch tập 震澤集. Vương Ngao 王鏊. (cadal.zju.edu.cn).
2. (Trung) Đại học diễn nghĩa bổ 大學衍義補. Khưu Tuấn 邱濬.
(ishare.iask.sina.com.cn).
3. (Việt) Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書. Viện Khoa học Xã hội Việt
Nam. Nxb. Khoa học Xã hội. 1998.
4. (Trung) Hoàng Thanh chức cống đồ 皇清職貢圖. (archive.org).
5. (Việt) Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ 欽定大南會典事例. Thư viện
Viện Hán Nôm. KH: VHv.1681/13.
6. (Trung) Minh Thái tổ văn tập 明太祖文集. (Minh) Diêu Sĩ Quán 姚士觀.
(archive.org).
7. (Trung) Minh thực lục 明實錄. (ishare.iask.sina.com.cn).
8. (Trung) Minh sử 明史. (guoxue.com).
9. (Việt) Nam sử tư ký 南史私記. Thư viện Viện Hán Nôm. KH: A.2207.
10. (Hàn) Nghiên kinh trai toàn tập 硏經齋全集 연경재집 Yeonkyeongjae
jeonjip. (db.itkc.or.kr).
11. (Hàn) Triều Tiên vương triều thực lục 朝鮮王朝實錄 조선왕조실록
Joseon wangjo sillok. (sillok.history.go.kr/main/main.jsp).
12. (Việt) Tập mĩ thi văn 集美詩文. Thư viện Viện Hán Nôm. KH: A.2987.
13. (Trung) Việt kiệu thư 越嶠書. Lý Văn Phượng 李文鳳.
(四庫全書存目叢書·史部遺一六二. 齊魯出書社.1996年).
Tranh ảnh
14. Sử học nguyệt san. Kỳ 10. 2005 (史学月刊.第十期).
15. Silken Threads: A History of Embroidery in China, Korea, Japan and
Vietnam. Young Yang Chung. Harry N. Abrams. 2005.
16. Chức tú trân phẩm. Hương Cảng Nghệ Sa Đường. 1994.
(织绣珍品.赵丰.香港艺纱堂).
17. Trang phục của nước ta thời Joseon qua tranh nhân vật. Kwon O Chang.
Hyeon Am sa. 1998. (인물화로 보는 조선시대 우리 옷. 권오창.
현암사).
18. Trung Quốc lịch đại phục sức. Châu Tấn. Học lâm xuất bản xã. 2002.
(中国历代服饰.周汛.学林出版社).
Chú thích:
1
(Trung) Minh thực lục 明實錄 – Minh Thái tổ thực lục 明太祖實錄 – Q.47 – Mục ngày Nhâm Tuất, mồng 1, tháng 12, năm thứ 2
niên hiệu Hồng Võ. Nguyên văn:
君臨天下,已成正統,于今三年,海外諸國入貢者,安南最先,高麗次,占城又次之,皆能奉表稱臣,合於古制,朕甚
嘉焉.
2
(Trung) Chấn trạch tập 震澤集 – Q.11 – Tống tẩy Mã Lương quân sứ An Nam tự 送洗馬梁君使安南序. Nguyên văn:
國家威德所及, 薄海内外…莫不嵗時入貢, 而朝鮮、安南獨近且親, 號文而有禮, 故朝廷禮數視他國獨優.
3
(Trung) Minh Thái tổ văn tập 明太祖文集- Q.6 – Mệnh Trung thư dụ chỉ An Nam hành nhân sắc 命中書諭旨安南行人敕.
Nguyên văn: 安南人情禮意其彼中動以侮詐為先非以小事大之誠乃生事之國.
4
(Trung) Việt Kiệu Thư 越嶠書 – Q.2. Nguyên văn:
兵入除釋道經板經文不毀外,一切書板文字以至俚俗童蒙所習如上大人丘乙已之類片紙隻字悉皆毀之,其境内凡有古跡
中國所立碑刻則存之,但是安南所立者悉坏之,一字不存.
5
(Việt) Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書. Nguyên văn:
閏三月,占城入寇…二十七日賊乱入城,焚毀宮殿,虜掠女子、玉帛以歸…
賊燒焚宮室,圖籍爲之掃空,國家自此多事矣.
6
(Trung) Minh sử 明史 – Q.67 – Dư phục chí 輿服制 – Dư phục tam 輿服三. Nguyên văn:
二十四年定,公、侯、駙馬、伯服,繡麒麟、白澤。文官一品仙鶴,二品錦雞,三品孔雀,四品云雁,五品白鷴,六品
鷺鷥,七品鸂鶒,八品黃鸝,九品鵪鶉;雜
職練鵲;風憲官獬廌。武官一品、二品獅子,三品、四品虎豹,五品熊羆,六品、七品彪,八品犀牛,九品海馬。又令
品官常服用雜色紵絲、綾羅、彩繡.
7
(Trung) Đại học diễn nghĩa bổ 大學衍義補 – Q.98. Nguyên văn:文官用飛鳥,象其文彩也,武官用走獸,象其猛鷙也.
8
(Hàn) Triều Tiên vương triều thực lục – Thái tổ thực lục 태조실록 Taejong sillok. Mục ngày 12 tháng 12 năm Thái Tổ nguyên
niên. Nguyên văn: 一品, 紅袍犀帶; 二品至判閤門以上, 紅袍荔枝金帶; 三四品, 靑袍黑角革帶象笏; 五六品,
靑袍黑角革帶木笏; 七品以下, 綠袍帶笏, 與五六品同。 靴皆用皀色.
9
(Việt) Đại Việt sử ký toàn thư. Nguyên văn:
六月定文武冠服。一品紫色,二品大紅,三品桃紅,四品綠,五六七品碧,八九品青
10
(Việt) Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書. Nguyên văn:
五月,旨揮係:文武職官,武自上將爵智字著服侯以上並聽服緋,文自入内大行遣冠服侯以上亦聽服緋…帝以三品官著
紅色衣不合古制,欲命以青衣易之。大司徒黎察曰:先帝開基創業,
意欲別其尊卑以表功臣,其制既定,豈宜更改?從之.
11
(Việt) Đại Việt sử ký toàn thư. Nguyên văn: 定文武服色,自一品至三品著紅衣,四五品著綠衣,餘著青衣.
12
(Việt) Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ 欽定大南會典事例 – Q.78 – Văn võ quan phục文武冠服. Nguyên văn:
衣一品至三品竝用白領交領紗緞青綠藍黑隨用…正從四品…衣本色領交領紗緞青綠藍黑隨用…正從八品…
本色交領紗緞青綠藍黑隨用.
13
(Hàn) Triều Tiên vương triều thực lục – Đoan Tông thực lục단종실록 Danjong sillok. Mục ngày 1 tháng 12 năm Đoan Tông
thứ hai. Nguyên văn:
賜順平君羣生以上宗親、坡原尉尹泙以上駙馬、議政府堂上、六曹判書、親功臣二品以上、承政院堂上、知敦寧宋玹壽
ㆍ金世敏、中樞院使黃致身、知中樞院事金聽ㆍ延慶ㆍ南景祐等七十二人段子各一匹, 以將初着胸背團領也.
14
(Hàn) Triều Tiên vương triều thực lục – Đoan Tông thực lục 단종실록 Danjong sillok. Mục ngày 10 tháng 12 năm Đoan Tông
thứ hai. Nguyên văn: 議政府據禮曹呈啓: “文武官常服, 不可無章。 謹稽皇明禮制, 文武官員常服胸背方花樣, 已有定式,
用雜色紵絲綾羅紗繡, 或織金, 各照品級穿着。 請自今文武堂上官, 竝着胸背, 其花樣, 則大君麒麟, 都統使獅子, 諸君白澤,
文官一品孔雀, 二品雲雁, 三品白鷴, 武官一二品虎豹, 三品熊豹, 大司憲獬豸, 且凡大小人毋得着白笠入闕門內。” 從之.
15
(Hàn) Triều Tiên vương triều thực lục – Yến sơn quân nhật ký 연산군일기 Yeonsankun ilki. Mục ngày 23 tháng 11 năm Yến
sơn quân thứ 11. Nguyên văn: 傳曰: “聞中國朝士時服, 不拘品秩, 皆用胸褙。 我國凡制度, 皆從華制, 今後東、西班,
自一品至九品, 皆用胸褙, 以猪、鹿、鵝、雁之類, 定其品秩”.
16
(Hàn) Triều Tiên vương triều thực lục – Cao tông thực lục 고종실록Gojong sillok. Mục ngày 11 tháng 6 năm Cao tông thứ 19.
Nguyên văn: 議政府, 以大院君尊奉儀節別單啓: “大臣稱侍生, 輔國以下稱小人。 轎子以八人轎低擔, 胸褙以龜,
品帶以靑鞓水晶帶.
17
(Hàn) Nghiên kinh trai toàn tập 연경재전집 Yeonkyeongjae jeonjip – Ngoại tập 外集 – Q.43 – Nghi chương loại 儀章類 –
Cân phục khảo 巾服考 – Công phục 公服. Nguyên văn:
但加胸背繡文。堂上官繡雙鶴。堂下官繡單鶴。武堂上官繡雙虎。堂下官繡單虎.
18
(Hàn) Triều Tiên vương triều thực lục – Túc tông thực lục 숙종실록 Sukjong sillok. Mục ngày 19 tháng 3 năm Túc tông thứ
17. Nguyên văn:因領議政權大運: 文武官團領胸禙,各有定制,文用飛禽,
武用走獸。而今則混雜無章,亦宜申飭。上竝令遵舊例.
19
(Hàn) Triều Tiên vương triều thực lục – Anh tổ thực lục 영조실록 Yeongjo sillok. Mục ngày 6 tháng 12 năm Anh tổ thứ 10.
Nguyên văn: 上御召對, 敎曰: “章服等差, 自有定制, 而近甚紊亂。 雖以胸褙言之, 文臣則繡以飛禽, 武臣則象以走獸,
其所取義, 各有條理, 而近來武臣或着鶴胸褙, 今後則另加申飭.
20
(Việt) Đại Việt sử ký toàn thư. Nguyên văn:
爾官員百姓等,其聼朕言,文武職官章服,胷背一循定制。百日之内,不依制者,降級治罪…冬十月,頒花樣補子畫圖
,凣禽獸色物。公侯伯駙馬並畫一;文武正品畫一;從品畫二;風憲、堂上官畫一;分司畫二;雲河、山水、花木等件
,繁殺多少,隨意制作,不拘泥。青、黄、赤、白、金、碧、綠等彩色官樣從宜。繡造亦不必一槩金線;如雲河,如山
水、禽獸用金線亦許.
21
(Hàn) Lưỡng thế Yên hành lục 兩世燕行錄양세연행록 Yangse Yeonghaenglok. Tr.233. Dẫn theo Cát Triệu Quang. Đại Minh
y quan kim hà tại 大明衣冠今何在, đăng trong Sử học nguyệt san. Kỳ 10. 2005. Nguyên văn:
皂帽團領品帶大盖如制,而唯是披髮垂後加帽于上,為駭見耳.
22
(Hàn) Yên hành kỷ 燕行紀 연행기 Yeonghaengki – Q.2. tr. 459. Dẫn theo Sử học nguyệt san – Đại Minh y quan kim hà
tại大明衣冠今何在. Nguyên văn: 束髮垂後,戴烏紗帽,被濶袖紅袍,拖飾金袱帽带,穿黑皮靴.
23
(Việt) Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ 欽定大南會典事例 – Q.78 – Văn võ quan phục文武冠服. Nguyên văn: 正從五品…
袍用寳藍五彩加金花綢… 補用赤羽緞,文繡雲鴈,武繡文豹。文武正從六品… 袍用玉藍光素綢… 補用赤羽緞繡用白鷴.
24
(Việt) Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ 欽定大南會典事例 – Q.78 – Văn võ quan phục 文武冠服. Nguyên văn:
衣一品至三品竝用白領交領紗緞青綠藍黑隨用…正從四品衣本色領交領紗緞青綠藍黑隨用…正從八品衣本色交領紗緞青
綠藍黑隨用.
25
(Việt) Nam sử tư ký 南史私記- Lê Trung Hưng 黎中興- Chân Tông Thuận hoàng đế 真宗順皇帝 cho biết “Thanh Thế tổ lên
ngôi, đặt niên hiệu Thuận Trị, thống nhất thiên hạ, thay đổi y phục Trung Quốc… Nước Nam ta y phục vẫn như xưa. Sau này sứ
nước ta đến Yên Kinh, phụ lão Trung Quốc thấy y phục của sứ ta đều rơi nước mắt”
(世祖即位,紀元順治,天下一統,改易中國衣服…我南國衣服依舊。後我使至燕京,父老見其衣服皆流涕); (Hàn) Yên
đồ kỷ hành 燕途紀行Yeondo kihaeng cho biết: “người trên phố thấy y phục của sứ ta liền ngậm ngùi nhớ đến áo mũ triều Hán,
đến nỗi có người rơi nước mắt, người ấy ắt là người Hán, thật đáng thương xót”
(市肆行人見使行服著,有感於漢朝衣冠,至有垂淚者,此必漢人,誠可慘憐).
26
(Việt) Tập mĩ thi văn 集美詩文 – Nam quốc phong nhã thống biên tự 南國風雅統編序. Nguyên văn:
密邇中夏,崇儒術好詩書,共推為聲名文物之邦,必稱朝鮮、越南二國.
Nguồn tapsan.hcmussh.edu.vn, tác giả Trần Quang Đức
Tư liệu rất quý giá