Zeus (tên La Mã: Jove, hoặc Jupiter), nói thẳng ra, không có gì đặc biệt. Theo tích thì Zeus là vua của các vị thần, cai quản thiên đường, điều khiển sấm chớp, điều khiển mây… Do tài phép như vậy nên Zeus rất dễ đáng chán. Hết truyện này đến truyện khác, Zeus không có gì làm nên cứ hay ngó xuống mặt đất, khi ngó thấy cô nào đẹp (hoặc cậu nào đẹp – trong xã hội Hy Lạp cổ thì giới tính là thứ mập mờ), Zeus sẽ tìm cách cưỡng bức. Vị vua này xơi hết người nọ đến người kia, và có một lô lốc con cái ngoài giá thú. Nói chung thì Zeus là hiện thân hoàn hảo của câu tục ngữ “Nhàn cư vi bất thiện”.
Cái duy nhất thú vị về Zeus là tích về sự ra đời của ông, vì nó gắn liền với phả hệ của thần thoại Hy Lạp. Tranh vẽ liên quan đến tích này cũng khá nhiều. Sau Aphrodite, Soi xin giới thiệu tiếp về Zeus, chủ yếu là để thừa cơ bàn thêm về các đời khác nhau của thần thoại Hy Lạp
Theo truyện dân gian – và theo nhà thơ Hesiod – thì vào thời cực xưa, vũ trụ là một thứ lung tung không hình thù. Vị thần duy nhất, Chaos, cũng chẳng có mặt mũi gì (Chaos có nghĩa là hỗn độn). Bởi vậy có rất ít tranh vẽ thần Chaos vì không ai đi vẽ một nhúm đen ngòm. Sau đó, ở một mình mãi cũng chán, Chaos sinh ra Gaia (Mặt Đất), Tartarus (Âm phủ), Eros (Tình Yêu), Erebus (Bóng Tối), và Nyx (Màn Đêm). Đến lượt Gaia, mang tiếng làm “đất mẹ”, tự thân mang bầu rồi sinh: Uranus (Trời), Ourea (Núi), Pontus (Biển).
Zeus được xem là một vị thần không đẹp trai, râu ria xồm xoàm, chẳng trẻ trung gì. Trong hình, Zeus đang ngồi trên ngai ở đỉnh Olympia, tay trái cầm cây trượng sấm sét (trên đầu cây trượng có gắn con đại bàng – biểu tượng của Zeus), tay phải giữ thần Nike – thần Chiến thắng (không phải thần của Giày thể thao nhé. Hãng Nike lấy tên và biểu tượng (đôi cánh) của thần này làm tên và biểu tượng cho mình).
Tiếp đến, Gaia cưới con mình là Uranus (theo đúng nghĩa của “Trời và Đất”, loạn luân là yếu tố luôn đi kèm với tích Hy Lạp cổ, nên hình dung các vị thần này như thể họ là “thiên nhiên” cho nó bớt buồn nôn), cả hai tạo ra một giống thần mới, gọi là Titans. Mười hai Titans đầu tiên bắt đầu thay thế bố mẹ mình và cai quản vũ trụ. Họ bao gồm: Oceanus, Tethys, Hyperion, Theia, Coeus, Phoebe, Cronus, Rhea, themis, Mnemosyne, Crius, và Iapetus.
Như đã giải thích ở bài Thần Vệ Nữ, một trong các Titans là Cronus phản lại cha là Uranus, cắt của quý của ông và tống cổ ông khỏi thiên đàng.
Tác phẩm “Cronus cắt của quý của Uranus”, Giogio Vassari, thế kỷ thứ 16. Một nữ thần (không rõ thần gì, vì Titans không có nghề nghiệp rõ ràng) đem vòng nguyệt quế đến để chuẩn bị đội cho Cronus, người chiến thắng Uranus
Cronus sau đó lấy em gái Rhea. Nhưng chưa kịp vui, Gaia tiên đoán rằng một trong những đứa con của Cronus sẽ phản lại ông, y như cách ông đã phản lại Uranus trước đây. Hãi quá hóa rồ, Rhea sinh được đứa nào, Cronus nuốt ngay đứa đó vào bụng. Tới lúc Cronus nuốt đứa thứ năm, vợ ông chịu hết nổi, và khi bà mang thai đứa thứ sáu, bà mon men đến nhờ Gaia giúp đỡ.
Đứa thứ sáu đó là Zeus. Khi Zeus vừa lọt lòng, Rhea lén đưa Zeus cho Gaia, rồi lấy chiếc khăn bọc một tảng đá để giả làm em bé, Cronus nuốt ngay lấy hòn đá vì tưởng đó là Zeus (thế mới biết thần thánh cũng có lúc mắt mù).
Tác phẩm “Cronus nuốt Poseidon”. Rubens. 1636. Cronus cầm lưỡi hái ông từng dùng để cắt của quý của Uranus
Sau đó thì Zeus cứ thế lớn lên, chờ ngày đủ mạnh để phản lại cha mình.
Về quá trình khôn lớn ấy, có rất nhiều thuyết về việc ai làm má nuôi của Zeus. (Chắc tại vì Zeus nổi tiếng nên ai cũng giành công). Nhưng cơ bản nhất là ba thuyết này:
– Zeus được Gaia nuôi
– Zeus được một con dê – hay thần dê – có tích nói đó là con dê, có tích nói đó là một cô tiên của loài dê (chung quy thì dính tới ông 35) tên Amalthea nuôi
– Zeus được một cô tiên núi (Mountain nymph) tên Adamanthea (tên tuổi thường thay đổi, lúc thì Adamanthea, lúc thì Adrastia, lúc thì Melissa) nuôi. Vì Cronus cai quản đất, biển, và trời, Adamanthea mắc một cái võng trên ngọn cây và đặt Zeus nằm đấy, Zeus lửng lơ giữa ba thứ nên không bị Cronus phát hiện.
Về phần tranh vẽ, lạ một điều là hiếm họa sĩ vẽ Zeus với Gaia, đa số vẽ Zeus với Adamanthea hoặc Amathea (phiên bản “cô tiên”). Tranh của tích này thường rất lạc đề, một phần là vì có quá nhiều ý kiến liên quan tới việc ai nuôi Zeus, phần còn lại – Soi đoán – là do:
– “Đất mẹ” Gaia nghe có vẻ già cỗi, kiểu như một bà ngoại hiền lành, không có gì hấp dẫn, có khỏa thân thì cũng chẳng ma nào xem.
– Zeus và một con dê thì càng đáng chán.
– Tiên núi, hay Tiên của loài dê thì khi khỏa thân hay bán khỏa thân sẽ hấp dẫn người xem. (Tiên của loài dê nghe thật kỳ khôi, không chừng các nhà thơ chế ra cô tiên này vì con dê không gợi cảm tí nào). Kết quả là các nghệ sĩ đua nhau vẽ Zeus được tiên nuôi lớn, tên tuổi hay tiên nào nuôi không quan trọng lắm, miễn là một cô trẻ trung, xinh xắn.
Tác phẩm “Zeus thời trẻ”, Jacob Jordaens, 1640. Cô tiên Amathea đang vắt sữa dê để cho Zeus uống. Faun (quái vật nửa dê nửa người) đứng ở bên trái
Tác phẩm “Cô tiên Adrastia và con dê Amalthea với Zeus lúc nhỏ”, Ignazio Stella. Tác phẩm bỏ chung cô tiên núi với con dê vào cùng một chỗ. Đúng là lạc đề. Zeus ngồi trên con dê (đội vương miệng, để người xem biết ai là vua), lại có thêm cậu bé nào bên cạnh (như kiểu thánh John đứng cạnh chúa Jesus?), cậu bé này cầm cây trượng 3 chĩa nhọn – vũ khí của Poseidon. Nhưng lúc này Poseidon đang nằm trong bụng của Cronus, nên cuối cùng không biết cậu này là ai?)
Tác phẩm: “Zeus bú sữa Amalthea”, Poussin, 1638. Lại thêm một họa sĩ trộn Amathea với tiên núi (lần này là nhiều cô tiên núi, quả là hấp hẫn hơn so với chỉ có một cô tiên núi). Rồi ảnh hưởng của kinh thánh cũng khiến Poussin vẽ thêm một cậu bé nào đó như thể đây là thánh John và Jesus. Cậu bé thậm chí còn cầm cây cọ, như kiểu John cầm thánh giá
Đến đoạn Zeus lớn thì chuyện không còn gì ngạc nhiên nữa. Zeus đánh nhau với cha là Cronus, bắt Cronus phải nôn hết anh em của mình từ trong bụng ra. 5 anh em đó bao gồm: Hades, Demeter, Poseidon, Hestia, và Hera. Tuy không cắt của quý của Cronus như chính Cronus đã từng làm với cha mình, Zeus giam Cronus cùng với toàn bộ dòng dõi thần Titan xuống âm phủ ở dưới lòng đất, rồi lên làm vua. Zeus cùng Hades và Poseidon bốc thăm trúng thưởng xem ai cai quản cái gì, kết quả: Zeus bốc được trời, Hades bốc âm phủ, Poseidon bốc biển. Hera trở thành vợ của Zeus (coi như “bốc” được Zeus?), Demeter thành thần cai quản vụ mùa, Hestia – chắc do không biết làm gì – trở thành thần của trinh nữ.
Tác phẩm: “Sự sụp đổ của triều đại Titans”, Cornelis Van Haarlem, 1590. Haarlem vẽ những con côn trùng để che của quý của các Titans (Lá nho thì kinh thánh quá chăng?). Tích Zeus nhét Titans xuống âm phủ gần giống với tích Jesus giam Lucifer dưới âm phủ
Sau khi bàn về Zeus và phả hệ của thần thoại Hy Lạp, chung ta bàn tiếp về vai trò lăng nhăng của ông này. Đây là phần thú vị nhất về Zeus, bởi ông là một vị vua lười biếng, chưa bao giờ thấy ông thiết triều hay giải quyết được vấn nạn gì của thế giới. Vương quốc thần thánh của ông gần như chưa từng bị xâm lăng, trừ một lần duy nhất, và lần đấy ông cũng vô dụng, phải nhờ Artemis đứng ra dẹp loạn. Ông chỉ giỏi cưỡng bức con gái và con trai nhà lành. Nạn nhân của ông nhiều vô kể, một trong số đó là:
Leda (Thuyết Leda và con thiên nga)
Leda là vợ của Tyndareus – vua xứ Sparta – cô này nổi tiếng đẹp, và vì thế nên cũng kém may mắn khi lọt vào mắt xanh của Zeus. Nhưng Zeus có bà vợ nổi tiếng hay ghen, nên nếu muốn tòm tèm với ai khác thì ông phải động não sáng tạo. Zeus biến thành một con thiên nga, rình lúc Leda không để ý, ông tấn công. Nói cho bớt văn vẻ thì ông cưỡng bức cô (một số thuyết nói rằng ông quyến rũ cô). Gì thì gì, chuyện một con thiên nga cưỡng bức hay quyến rũ một cô gái khỏe mạnh, có đầu óc minh mẫn nghe không lọt cho lắm. Nhưng Zeus là thần, nên người xưa chấp nhận chi tiết này. Về phần tranh vẽ, các họa sĩ theo tích “Zeus ve vãn” nhiều hơn là “Zeus cưỡng bức”. Cũng đúng thôi, một con thiên nga giở trò đồi bại với một cô gái nghe chẳng thơ mộng gì.
Tác phẩm “Leda và con thiên nga”, Bertalan Székely von Adámos, 1873. Một lần nữa, các họa sĩ chứng minh rằng tích Hy lạp là đề tài để họ phóng tay vẽ tranh khỏa thân. Leda, giống Aphrodite, luôn luôn cởi truồng không ở trong nhà thì ở trong rừng
Tác phẩm “Leda và con thiên nga”, Michelangelo, 1530
Tác phẩm: “Leda và con thiên nga”, Francois Boucher, 1742. Ông Boucher này nổi tiếng là thích vẽ phụ nữ khỏa thân, nên thay vì chỉ mỗi Leda, ông vẽ thêm một cô nữa (nhìn tranh không biết ai là ai). Tác phẩm cực kỳ lạc đề, Zeus dưới lốt thiên nga bị xuỵt đuổi theo kiểu một con cún bị đuổi.
Kết quả của trò lăng nhăng này là Leda mang bầu và đẻ hai quả trứng (vợ ngỗng mà). Mỗi quả nở ra một cặp song sinh. Tích về cặp nào nằm trong quả nào khá mơ hồ, có sách nói quả thứ nhất nở: Castor và Clytemnestra, quả thứ hai: Hellen và Polydeuces. Có sách thì nói hai cô con gái Helen và Clytemnestra nằm cùng một trứng, hai cậu con trai nằm trong quả còn lại. Nhưng nhìn chung, các nhà thơ đều đồng ý rằng Helen (chính là Helen xinh đẹp, người làm chao đảo Paris, dẫn đến cuộc chiến thành Troy) cùng với Polydeuces là con của Zeus, trong khi Castor và Clytemnestra là con của vua xứ Sparta.
Tác phẩm “Leda và con thiên nga”, Da Vinci, 1520. Nếu theo đúng như sách nói thì sau khi giở trò với Leda thì Zeus nhanh chân chuồn thẳng, nên không hiểu tại sao Vinci lại vẽ cảnh Zeus còn lảng vảng ở lại chờ hai quả trứng (góc dưới bên trái) nở thành con. Tòa lâu đài của Leda nằm ở góc bên phải phần nền.
Đây chỉ là một trong số hàng trăm tích về tính lăng nhăng của Zeus. Một tích khác cũng nổi không kém, nói về…
Vụ bắt cóc Ganymede
Ganymede là con trai của Tros – Vua của thành Troy. Vì là hoàng tử, nên theo đúng lệ, Ganymede bị đày đi lao động khi đến tuổi thiếu niên (thuyết Hy Lạp cho rằng anh hùng phải chịu khổ). Cậu có lẽ đã được thong thả chăn cừu trên núi, chờ ngày về làm vua nếu cậu không… đẹp trai. Theo thơ của Homer, Ganymede được xem là “cậu thiếu niên đẹp nhất cõi trần tục”, và vì đẹp thế nên đến cả Zeus cũng phải chao đảo. Không kìm được lòng khi nhìn thấy Gany giữa đàn cừu trắng, Zeus biến thành con đại bàng và bắt cóc cậu lên đỉnh Olympia (dĩ nhiên kèm theo cưỡng bức). Vì Ganymede rất đẹp nên các vị thần cực kỳ yêu quý cậu, trừ Hera – bà vợ hay ghen của Zeus.
Để tránh tình trạng mọi người cảm thấy rờn rợn vì Zeus lại đi léng phéng với một cậu thiếu niên, phải bàn một ít về Lịch sử Hy Lạp. Xã hội Hy Lạp cổ không có giới tính. Trẻ đẹp đồng nghĩa với “sẽ bị cưỡng bức”. Dĩ nhiên, quan hệ nam-nam cũng có luật, nó thường chỉ giới hạn trong phạm vi “đàn ông trưởng thành vs thiếu niên”. Theo lệ Hy Lạp xưa thì người lớn (gọi là Erastes) sẽ truyền kinh nghiệm và bảo vệ những thiếu niên (gọi là Eromenos). Các thiếu niên sẽ đáp trả bằng cách tặng lại họ vẻ đẹp mơn mởn của tuổi trẻ. Việc hai người đàn ông trưởng thành quan hệ với nhau thì chắc chắn vẫn có trong xã hội Hy Lạp cổ, nhưng họ sẽ bị chế nhạo. Thế nên tích mới kể lại rằng, Zeus ban cho Ganymede sự bất tử để cậu được ở trong hình dạng thiếu niên mãi mãi. Cậu trở thành người giữ cốc (Cup bearer) cho các vị thần trên đỉnh Olympia, và Zeus bắt cậu ở luôn trên thiên đàng bằng cách biến cậu thành chòm sao Bảo Bình (Aquarius). Đó là lý do vì sao biểu tượng của chòm sao này là một chiếc cốc rượu. (Ai sinh từ 20. 1 đến 19. 2 sẽ thuộc cung Bảo Bình, tức cung của Ganymede).
Đến Công nguyên, tình yêu dạng này bị cấm đoán nên tích về Ganymede chỉ được chạm đến nhè nhẹ. Những họa sĩ nặng phần tôn giáo sẽ vẽ Zeus bắt cóc Ganymede theo cách bạo lực, còn những ai lén ủng hộ chuyện tình này thì sẽ cho ra đời những tác phẩm thơ mộng hơn.
Tác phẩm “Ganymede”, Correggio, 1532. Vụ bắt cóc này được vẽ rất nhẹ nhàng. Ganymede ôm lấy Zeus như thể cậu cũng mong muốn được theo ông lên Olympia. Chú chó ở dưới góc hình nhấn mạnh “nghề” chăn cừu của Hoàng tử trẻ
Tác phẩm “Ganymede và con đại bàng”, Gabriel Ferrier, 1874. Ganymede thong thả ngủ trong vòng tay của Zeus. Vị vua của Olympia này cũng nhìn cậu thiếu niên một cách rất đắm đuối
Tác phẩm “Cưỡng bức Ganymede”, Anton Domenico Gabbiani, 1700. Tuy không lãng mạn như tranh của Gabriel, Ganymede ở đây nhìn khá vui vẻ khi được Zeus bắt cóc
Tác phẩm: “Cưỡng bức Ganymede”, Rembrandt, 1635. Không biết Rembrandt đọc phiên bản gì của tích này mà vẽ Ganymede thành một cậu bé con thay vì là thiếu niên. Có lẽ ông không hình dung được tình yêu nam-nam nên tuổi của Ganymede bị bóp méo để lái tích này sang chủ đề “bắt cóc”. Ganymede của ông trông xấu thảm hại (chẳng có vẻ gì là “Cậu thiếu niên đẹp nhất cõi trần tục”), và cậu sợ chết khiếp khi bị Zeus sà xuống quắp đi
Tác phẩm “Vụ bắt cóc Ganymede”, Rubens, 1611. Tác phẩm này tuy không biến Ganymede thành cậu bé con nhưng cũng không theo hướng nhẹ nhàng lãng mạn mà theo hướng bạo lực. Zeus trông giống một vị vua độc tài đáng sợ, còn cậu thiếu niên Ganymede thì nhìn cũng rất hoảng loạn
Tác giả: Pha Lê, nguồn soi house