Các nghệ sĩ sáng tạo và các trào lưu tiên phong rất cần sự hợp tác của những đại lý vô cùng tiên phong và sáng tạo.

Paul Durand-Ruel (1831-1922) – một doanh nhân phi thường – không chỉ là người phát hiện ra tài năng của các họa sĩ Ấn tượng trẻ tuổi mà còn có khả năng động viên khuyến khích họ không bỏ cuộc, kỳ công tạo ra thị trường và danh tiếng cho họ.

Với cặp mắt tinh tường và một thần kinh thép, ông là đại lý đầu tiên dám kinh doanh nghệ thuật đương đại, và trong nhiều năm trời ông là người duy nhất đã bán tranh của các họa sĩ Ấn tượng.

Hỗ trợ các họa sĩ Ấn tượng thông qua các chiến lược như tổ chức triển lãm cá nhân của Paul Durand-Ruel được coi là một sáng kiến đột phá trong kinh doanh nghệ thuật những năm 1880. Và nhiều sáng kiến khác của Durand-Ruel cho đến ngày hôm nay vẫn còn được các nhà kinh doanh nghệ thuật áp dụng rộng rãi.

“Chân dung Paul Durand Ruel” do Renoir vẽ, 1910;

 

Paul Durand-Ruel thăm gia đình Monet tại làng Giverny, 1900;

 

Những chiến lược kinh doanh nghệ thuật mang tính cách mạng của Durand-Ruel là gì?

  • Tổ chức triển lãm cá nhân cho các họa sĩ

Ngày nay việc này tất nhiên là rất phổ biến và là một trong những chức năng bắt buộc của các gallery thương mại.

Thế nhưng vào năm 1883, khi Durand-Ruel quyết định tổ chức các triển lãm cá nhân quy mô nối tiếp nhau cho Boudin, Monet, Renoir, Sisley và Pissarro, và mỗi triển lãm trưng bày tới hơn 50 tác phẩm, thì đấy không chỉ là sự kiện bất thường mà còn gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi. Phản ứng của các họa sĩ Ấn tượng được làm triển lãm cá nhân lúc đó ra sao? Boudin, Renoir và Monet đều rất lo lắng khi phải bày một lượng tranh lớn (lúc đó luôn bị công chúng và giới phê bình công kích) vào chung một phòng triển lãm. Hơn nữa, họ còn có thêm mặc cảm ‘hình như đang bán rẻ bản thân’ cho nhà buôn tranh bởi khi đó mô hình triển lãm chủ đạo vẫn là bày tranh trong các triển lãm nhóm thường niên ở Salon với một ban giám khảo danh tiếng (?!).

Phòng Trưng Bày Grafton, London năm 1905 và “cuộc phong thần” của Chủ nghĩa Ấn tượng” với 315 bức tranh Durand-Ruel mang sang trưng bày – một triển lãm lớn chưa từng có của các họa sĩ Ấn tượng thời bấy giờ.

Khi loạt triển lãm cá nhân của các họa sĩ Ấn tượng được tổ chức, Durand-Ruel không hy vọng thu về ngay những món tiền lớn, mà chỉ muốn qua những triển lãm mang tính thử nghiệm đó sẽ thuyết phục được thế giới nghệ thuật về ‘sức mạnh của các triển lãm cá nhân’: đây chính là một hình thức trưng bày mới có thể quảng bá tốt nhất đặc tính độc sáng của một nghệ sĩ.

  • Mua trước và tích trữ các tác phẩm của họa sĩ

Trong thực tế, Durand-Ruel đã mua khoảng 1000 tranh của Monets và hàng trăm tranh của Manets. Ông có thói quen tích trữ các tác phẩm của các họa sĩ được nhiều người sưu tập. Một thương vụ mua tranh Manet đình đám vẫn được lưu truyền: tháng Giếng năm 1872, Durand-Ruel mua hai bức tranh của Manet với giá mỗi bức 800 franc khi ông thấy chúng trong xưởng vẽ của họa sĩ Alfred Stevens. Cuối tháng đó, ông đến thăm xưởng của Manet và mua thêm 21 bức nữa với tổng số tiền lên tới 35000 franc (một số tiền rất lớn thời bấy giờ), và thanh toán ngay tút xuỵt. Trong số các bức tranh ông mua lần đó, có hai bức về sau được coi là những kiệt tác: “Cái chết của người đấu bò” và “Chú bé thổi sáo”.

Paul Durand-Ruel trong gallery của mình, 1910;

Thị trường nghệ thuật càng chuyên nghiệp hơn và chuyên môn hóa hơn thì việc một người đóng cả hai vai: vừa là nhà sưu tập và cũng là nhà buôn tranh càng khó hơn. Nhưng vào thời Durand-Ruel, việc đảm đương cả hai vai trò trong nhiều thập kỷ cuối cùng đã đem lại nhiều lợi ích về mặt tài chính cũng như danh tiếng cho các nghệ sĩ. Nhờ quan tâm đến các họa sĩ Ấn tượng ngay từ sớm, ông đã mua được tranh khi họ chưa có tên tuổi nên giá khá rẻ, và vì thế, thu được lợi nhuận khổng lồ khi các họa sĩ thành danh về sau này.

  • Duy trì mối quan hệ độc quyền

Một lợi ích lớn của việc sở hữu rất nhiều tác phẩm của một nghệ sĩ, đó là: gallery có thể độc chiếm thị trường của họ, kiểm soát được giá cả cũng như việc giới thiệu tác phẩm. Durand-Ruel có một lợi thế cạnh tranh so với các gallery đối thủ là ông xây dựng và duy trì được mối quan hệ gắn bó thân tình với các họa sĩ. Ông cực kỳ giữ chữ tín với họa sĩ, hỗ trợ họ về tài chính, và giúp họ tìm chỗ làm xưởng vẽ. Một ví dụ: họa sĩ Monet đã được Durand-Ruel cho vay 20.000 franc để mua khu đất ở làng Giverny vào năm 1891 – nơi giờ đây đã đi vào bất tử với cái ao hoa súng, cây cầu Nhật Bản và những khu vườn đầy hoa từng xuất hiện terong các kiệt tác của danh họa. Với Renoir, Durand-Ruel chơi thân tới mức đã mời họa sĩ làm cha đỡ đầu cho đứa cháu trai của mình.

  • Xuất khẩu tranh

Ngày nay, các gallery quốc tế thường xuyên mở rộng công việc kinh doanh của họ bằng cách mở thêm các văn phòng ở các nước khác nhau (London, New York, Hong Kong, Los Angeles, Berlin …), song thời trước, việc này là sáng kiến lớn và cũng là sở trường của Durand-Ruel. Bất cứ khi nào doanh nghiệp bị đình trệ vì những lý do ngoài tầm kiểm soát (ví dụ như cuộc chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra năm 1870), thì Durand-Ruel lại tăng cường xuất khẩu tranh sang các thị trường khác, đồng thời phát triển các mối làm ăn với các gallery đối tác ở nước ngoài như London, Berlin hay New York cũng như mở thêm các chi nhánh với thương hiệu của mình.

Một sự kiện đáng nhớ: ông mở thêm phòng tranh ở Manhattan, Hoa Kỳ, vào năm 1889 chỉ vài năm sau khi tổ chức thành công cuộc triển lãm hội họa Ấn tượng tại Hiệp hội Nghệ thuật Hoa Kỳ với gần 300 tác phẩm. Lần đó, ông bán được 48 bức tranh, một khởi đầu hứa hẹn với các bạn hàng mới là thế hệ sưu tập gia Mỹ bắt đầu say mê hội họa Ấn tượng – những người về sau đều là những yếu nhân xây dựng nên các viện bảo tàng mỹ thuật danh tiếng của Hoa Kỳ tại Chicago, Philadelphia và New York.

  • Phối hợp các chiến lược quảng bá bằng các ấn phẩm / bài viết

Bên cạnh việc xuất bản cùng lúc hai tờ tạp chí nghệ thuật, Durand-Ruel thường xuyên thuê các nhà phê bình, nhà văn và nhà thơ danh tiếng viết lời đề tựa cho các cuốn vựng tập của các cuộc triển lãm. Rất nhiều người trong số họ về sau tiếp tục viết bài cho Ambroise Vollard (1866 – 1939, một trong những đại lý quan trọng nhất của nghệ thuật đương đại Pháp vào đầu thế kỷ XX). Ngày nay, truyền thống hợp tác giữa các gallery hàng đầu với các cây bút thượng thặng vẫn được tiếp nối tại Pháp và đã mở rộng ra khắp thế giới.

  • Những chiến thuật/thực hành độc đáo khác

Một số biện pháp khác của Durand-Ruel hiện nay vẫn đắc dụng với các đại lý nghệ thuật: “tranh đấu cho tất cả các nghệ sĩ, bất kể chính kiến hay tín ngưỡng tôn giáo của họ”. Mặc dù là người có tư tưởng quân chủ và theo đạo thiên chúa, ông luôn hỗ trợ cả những người cộng hòa vô thần như Claude Monet lẫn những người Do Thái vô chính phủ như Camille Pissarro.

Ông cũng sử dụng căn hộ riêng của mình để trưng bày các tác phẩm; cho những người có nhu cầu thuê/mượn các tác phẩm từ bộ sưu tập cá nhân của mình; đấu thầu tranh các nghệ sĩ của mình tại những cuộc đấu giá, sử dụng tác phẩm nghệ thuật như món tài sản thế chấp để vay ngân hàng mỗi khi ông rơi vào tình trạng nguy ngập về tài chính.

***************

Giang hồ đồn rằng trong đời kinh doanh của mình với gần 12000 tranh từng qua tay Durand-Ruel, có tới 1500 tranh Renoirs, 1000 tranh Monets, 800 tranh của Pissarro, 400 tranh Sisley, 400 tranh Cassatt và khoảng 200 tranh của Manet.

“Chúng tôi có lẽ đã chết đói hết cả nếu không gặp Durand-Ruel, tất cả các họa sĩ Ân tượng, không trừ một ai. Ông kiên trì, mạo hiểm, dám đương đầu với nguy cơ phá sản tới hai chục lần để cùng bám trụ với chúng tôi.” Monet nhớ lại. Còn Renoir, bạn thân và cũng là khách hàng của Durand-Ruel, thì hồi tưởng một cách ví von: “Durand-Ruel là một nhà truyền giáo. Và thật may mắn cho chúng tôi làm sao, tôn giáo của ông lại là hội họa.”

Paul Durand-Ruel tạ thế tại Paris năm 1922, hưởng thọ 91 tuổi.

 

Tác giả : Phạm Long

Nguồn: facebook của Phạm Long

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.