Tác giả: Trịnh Lữ

Phỏng vấn với Marius de Zayas, đăng trên The Arts (New York), với nhan đề “Picasso Speaks”, May 1923.

“Tôi không hiểu nổi tại sao hai từ “nghiên cứu” lại quan trọng đến thế khi người ta bàn đến hội họa hiện đại. Theo tôi cái việc “tìm kiếm” ấy chả có nghĩa gì với người họa sỹ. Vẽ, là phải nhìn thấy. Chả ai quan tâm đến một người suốt đời chỉ cắm mặt xuống đất đi tìm cuốn vở vẽ mà vận may có thể để đó cho mình. Ta chỉ để ý và có thể khâm phục người nào đã thấy được cái gì đó, bất kể là cái gì, thậm chí hoàn toàn ngoài ý định của họ.

Trong vô số tội lỗi mà người ta gán cho tôi, thì cái tội làm việc theo tinh thần tìm tòi nghiên cứu là vô lý nhất. Tôi vẽ là vẽ cái mình đã thấy rõ ràng, chứ không phải cái đang đi tìm. Trong nghệ thuật, ý định là chưa đủ. Dân Tây Ban Nha chúng tôi thường nói rằng tình yêu là phải thực chứng chứ không phải chỉ lý luận. Làm ra cái gì đó thì mới được, chứ có ý định thì chả đáng gì.

Tất cả chúng ta đều biết Nghệ thuật không phải là chân lý. Nghệ thuật là một dối trá khiến ta nhận ra chân lý, ít nhất thì cũng là thứ chân lý mà chúng ta hiểu được. Nghệ sỹ phải biết cách thuyết phục người khác thấy cái chân thực trong những dối trá của mình. Nếu tác phẩm chỉ cho thấy cái anh ta còn đang tìm kiếm, đang nghiên cứu, chỉ để che đậy những dối trá ấy, thì anh ta không bao giờ đạt được gì.

Ý tưởng nghiên cứu thường khiến hội họa lạc đường, khiến họa sỹ lạc mất mình trong những toan tính luẩn quẩn. Có thể đây đã và đang là sai lầm cơ bản của nghệ thuật hiện đại. Tinh thần nghiên cứu đã hạ độc những người không hiểu hết các yếu tố tích cực và quyết định trong nghệ thuật hiện đại, đã khiến họ chỉ để tâm vẽ cái vô hình, tức là cái không thể vẽ ra được.

Họ nói chủ nghĩa tự nhiên là đối lập với hội họa hiện đại. Tôi muốn biết liệu đã có ai từng nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật tự nhiên chưa. Thiên nhiên và nghệ thuật là hai thứ khác nhau, không thể là cùng một thứ. Thông qua nghệ thuật, ta diễn đạt cảm nhận của mình về những gì không phải là tự nhiên.

Velasquez để lại cho chúng ta thấy cái ý tưởng của ông về những con người thời đại ấy. Chắc chắn họ rất khác với những bức chân dung ông vẽ, nhưng chúng ta chỉ có thể hình dung về một nhà vua Philip đệ tứ như Velasquez đã vẽ. Rubens cũng vẽ chân dung ông vua này, nhưng lại ra một con người khác hẳn. Chúng ta tin bức chân dung do Velasquez vẽ, vì sự chân thực mãnh liệt của ông thuyết phục được chúng ta.

Từ các họa sỹ nguyên thủy đầu tiên, với những bức vẽ rõ ràng là khác với tự nhiên, cho đến những nghệ sỹ như David, Ingres, thậm chí cả Bouguereau, những người tin rằng mình vẽ đúng như tự nhiên, nghệ thuật vẫn luôn là nghệ thuật chứ không phải tự nhiên. Và theo quan điểm nghệ thuật thì không làm gì có các hình cụ thể hoặc trừu tượng, mà chỉ có những hình trong tư cách dối trá ở những mức độ thuyết phục khác nhau. Những dối trá này là cần thiết cho bản ngã tinh thần của chúng ta. Đó là điều không thể nghi ngờ. Bởi lẽ quan điểm mỹ học về cuộc sống của chúng ta đều hình thành thông qua những dối trá này.

Vẽ lập thể chả khác gì các lối vẽ khác. Tất cả đều có cùng những nguyên lý và yếu tố hệt như nhau. Việc lối vẽ Lập thể mãi không được mọi người hiểu, thậm chí bây giờ vẫn có người chả nhìn thấy gì trong những bức tranh ấy, cũng chả có nghĩa gì. Tôi không đọc tiếng Anh. Với tôi một cuốn sách tiếng Anh chỉ là một tập giấy trống trơn. Điều đó không có nghĩa ngôn ngữ Anh không tồn tại. Tại sao tôi lại đổ tội cho người khác chứ không phải chính mình khi tôi không thể hiểu cái mà tôi chả biết gì về nó?

Tôi còn thường nghe thấy hai chữ “tiến hóa”. Lúc nào cũng có người hỏi về quá trình tiến hóa của các tác phẩm của tôi. Với tôi, không có quá khứ hoặc tương lai trong nghệ thuật. Nếu một tác phẩm nghệ thuật không thể luôn sống trong hiện tại thì đừng để ý đến nó làm gì. Nghệ thuật của người Hy Lạp, người Ai Cập, của các họa sỹ vĩ đại đã sống trong các thời đại khác, đều không phải là nghệ thuật của quá khứ. Có thể hiện nay nó còn sống động hơn bao giờ hết. Nghệ thuật không tự nó tiến hóa. Chỉ có ý tưởng của con người thì thay đổi, và cách diễn đạt của họ cũng thay đổi theo. Khi có người nhắc đến sự tiến hóa của một nghệ sỹ, tôi hay mường tượng rằng người đó coi anh nghệ sỹ kia như đang đứng giữa hai tấm gương quay mặt vào nhau, tạo nên vô vàn hình bóng của chính mình; và cho rằng tấm gương này phản ánh quá khứ, tấm kia là tương lai, còn anh chàng nghệ sỹ thật thì đang ở thời hiện tại. Chả ai thấy rằng tất cả đó chỉ là một hình ảnh, ở những bình diện khác nhau.

Biến tấu, biến dạng, không phải là tiến hóa. Nếu một nghệ sỹ thay đổi cách diễn đạt thì chỉ có nghĩa anh ta đã thay đổi lối nghĩ, và thay đổi như vậy có thể sẽ hay hơn mà cũng có thể sẽ dở hơn.

Việc tôi thay đổi nhiều lối vẽ không phản ánh một quá trình tiến hóa, không phải là những bước đi về phía một lý tưởng hội họa nào đó còn chưa biết. Tất cả những gì tôi làm đều là làm cho hiện tại, với hy vọng chúng sẽ luôn sống trong hiện tại. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến tinh thần tìm tòi nghiên cứu. Khi thấy cái gì đó cần diễn đạt, tôi đều thực hiện mà không nghĩ gì đến quá khứ hoặc tương lai. Tôi không tin là mình đã dùng đến những yếu tố và phương pháp hội họa hoàn toàn khác lạ. Nếu những chủ đề mà tôi định diễn đạt gợi nên những cách diễn đạt khác nhau, tôi đều lập tức chấp nhận chúng ngay. Tôi không bao giờ vẽ thử nghiệm. Hễ có điều muốn nói, tôi sẽ nói nó theo đúng cách mà tôi tin là bắt buộc phải như vậy. Mô-típ khác nhau mặc nhiên cần được diễn đạt theo những cách khác nhau. Việc này không dính dáng gì đến tiến hóa hoặc tiến bộ, mà chỉ là việc diễn đạt cho đúng nhất cái ý tưởng cần diễn đạt.

Nghệ thuật không có quá độ. Trong lịch sử nghệ thuật có những thời kỳ hơn kém nhau. Điều đó chỉ có nghĩa là thời kỳ này có nhiều nghệ sỹ giỏi hơn thời kỳ kia. Nếu vẽ biểu đồ lịch sử nghệ thuật như kiểu biểu đồ cặp nhiệt độ trong nhà thương, ta sẽ thấy nó giống hệt như vậy; hết lên lại xuống rồi lại lên, bất kỳ lúc nào. Công việc của một cá nhân nghệ sỹ cũng vậy thôi.

Nhiều người nghĩ rằng Lập thể là một nghệ thuật quá độ, một thử nghiệm sẽ đem lại những kết quả sau này. Nghĩ như vậy là không hiểu gì cả. Lập thể không phải là một hạt giống hay bào thai, mà là một nghệ thuật có chủ đạo là hình (forms), và khi đã tạo ra được một hình ở đó thì nó sẽ sống cuộc sống riêng của nó. Một khoáng chất, tạo thành từ các hình kỷ hà, không hề có mục đích quá độ thành cái gì đó khác, mà chỉ là nó, mãi mãi có cái hình riêng của nó. Nếu muốn áp dụng quy luật tiến hóa và biến cải vào nghệ thuật, thì ta sẽ buộc phải nhận rằng toàn bộ nghệ thuật là quá độ.

Nhưng nghệ thuật không thuộc về các tuyệt đối triết học. Nếu hội họa Lập thể là một nghệ thuật quá độ, tôi chắc chắn nó sẽ chỉ đưa đến một hình thức Lập thể khác.

Toán, lượng giác, hóa học, phân tâm học, âm nhạc, và đủ các thứ gì khác nữa, đã được người ta liên hệ đến hội họa Lập thể, chỉ để có cái giải thích nó cho dễ hiểu hơn. Tất cả những cái đó chỉ đơn thuần là nói chữ, nếu không muốn nói là vô nghĩa, đã gây những hậu quả tai hại, lấy lý thuyết bịt mắt mọi người.

Lập thể đã giữ mình trong khuôn khổ và hạn định của hội họa, không bao giờ giả vờ đi quá giới hạn ấy. Vẽ hình họa, thiết kế, và mầu sắc đều được quan niệm và sử dụng trong tinh thần và phương thức giống hệt như các trường phái hội họa khác. Chủ đề của chúng tôi có thể khác, vì chúng tôi đã đưa vào hội họa những vật và hình trước đây không được để ý đến. Chúng tôi luôn tỉnh thức mở mắt, mở lòng với thế giới xung quanh mình.

Chúng tôi cho hình và màu mọi ý nghĩa riêng biệt của chúng, với hết tầm nhìn của chúng tôi. Trong các chủ đề của mình, chúng tôi giữ trọn niềm vui khám phá, những hoan lạc bất ngờ. Bản thân chủ đề phải là một nguồn hứng khởi.

Nhưng nói về tác phẩm của chúng tôi thì có ích gì, khi ai cũng có thể nhìn thấy chúng, nếu họ muốn.”


Tuyên ngôn về nghệ sỹ và chính trị, 1945, (Trong phỏng vấn với Simone Téry, đăng trên Lettres Francaise – Paris ngày 24/03/1945, nhan đề Picasso n’est pas officier dans l’armee Francaise)

“Nghệ sỹ là gì ư? Một thằng ngốc mà nếu là họa sỹ thì chỉ có mắt, nhạc sỹ thì chỉ có tai, hoặc là nhà thơ thì chỉ có cái đàn gẩy trong tim, thậm chí nếu là võ sỹ quyền anh thì chỉ có toàn cơ bắp? Hoàn toàn sai. Hắn còn đồng thời là một con người chính trị, thường trực nhậy bén với những sự kiện đau lòng, phẫn nộ hoặc vui sướng, và luôn bày tỏ phản ứng của mình bằng mọi cách. Làm sao có thể dửng dưng với người khác và có thể giam mình trong tháp ngà cách biệt với cuộc đời đã sinh dưỡng nên mình vẹn toàn như thế được? Không, hội họa không phải là để tô điểm các căn hộ. Hội họa là một công cụ chiến tranh nhằm tấn công và phòng thủ chống lại kẻ thù.”

 

Picasso vẽ chân dung Stalin :)))

Tác giả : Trinh Lữ

Dịch từ :

1- Từ cuộc phỏng vấn với Marius de Zayas, đăng trên The Arts (New York), với nhan đề “Picasso Speaks”, May 1923, pp.315-326.

2- Trong phỏng vấn với Simone Téry, đăng trên Lettres Francaise – Paris ngày 24/03/1945, nhan đề Picasso n’est pas officier dans l’armee Francaise

* Tiêu đề bài do Nghệ Thuật Xưa đặt, NTX cũng ghép hai bài lại thành một để bạn đọc dễ tham khảo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.