Hầu như ở những ngôi chùa to lớn, “trăm gian” (mỗi gian giới hạn bởi 4 cột chống) như chùa Trăm Gian hay chùa Báo Ân đều xây Thập điện Diêm vương, trong đó mô tả những cảnh tượng khủng khiếp, nhằm cảnh báo các Phật tử hãy cố gắng làm điều thiện, tránh điều ác.

Cõi âm, hay thế giới bên kia, là quan niệm phổ biến trong hầu hết các dân tộc. Nó tồn tại trong tư cách đối lập với cõi dương – cõi người.

Ở nước ta, cõi âm nơi các vị Diêm Vương xét công định tội công minh vong hồn người chết, đã được đề cập đến trong các truyện kể ở các sách Truyền kỳ mạn lục (thế kỷ 14), Công dư tiệp ký (thế kỷ 18) và các truyện thơ Hứa sử truyện, Phạm Công – Cúc Hoa, Dương Từ – Hà Mậu (cuối thế kỷ 19) và hàng loạt các sự tích dân gian. Ở các sáng tác đó, hình ảnh địa ngục với các công việc hoạt động dưới đó không ít thì nhiều chịu ảnh hưởng từ kinh Phật, mà trước hết là kinh Vu Lan Bồn và kinh Địa Tạng. Nói cách khác, các quan niệm dân gian về cõi người chết, càng lúc càng được tích hợp với quan niệm địa ngục có tính hệ thống của đạo Phật.

Địa ngục, tiếng Phạn là Naraka/ Niraya được dịch là Địa ngục, Bất lạc, Khả yểm, Khổ cụ, Khổ khí… đều có nghĩa là nơi chốn chịu đau khổ sau khi chết của những ai lúc sinh thời đã tạo nên tội lỗi và tội ác. Địa ngục là nơi đau khổ nhất, thuộc âm gian – theo quan niệm thế gian 3 tầng (thiên gian, nhân gian và âm gian). Theo quan niệm nhà Phật, đó là nơi ác nhất trong thập giới, gồm 4 vị trí Tứ thánh là Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn; và 6 vị trí Lục phàm/ Lục đạo là Trời, Người, A-tu-la, Súc sinh, Ngạc quỷ, Địa ngục.

Khác các hạng thuộc Tứ thánh, các hạng trong Lục đạo còn phải chịu vất vưởng trong luân hồi nhiều kiếp; riêng ba hạng cuối – gọi là “tam ác đạo”, thì Địa ngục là ác đạo cùng cực.

Địa ngục, còn gọi là cõi Diêm la, do Diêm La vương thống quản. Diêm La vương nguyên là Thần Chết Yama của thời Vệ đà (Ấn Độ cổ đại). Yama là con của thần Mặt Trời Vivaswat và Saranyu (có tài chạy nhanh) và là anh song sinh của cô em gái tên là Yamuna/ Yami (âm Hán-Việt là Diêm My) nên được gọi là Song Vương. Hai vị thần này được coi là cặp đôi đầu tiên và là tổ của Loài người.

Có một đoạn tụng ca Vệ đà, dưới dạng đối thoại, ở đó, người nữ đã biện luận về việc sống chung cốt để đảm bảo sự truyền lưu vĩnh cửu muôn loài. Một tụng khác kể rằng: “Yama là con người đầu tiên bị chết và cũng là người chết đầu tiên lên thiên giới”. Do đó, Yama là thần của các vong hồn và xét xử người chết. Một vong hồn khi rời thi thể của mình thì xuống cõi âm, ở đó có Chitra – đọc tất thảy công tội từ cuốn sổ lớn gọi là Agrs-sandhani và theo đó mà xử tội: vong hồn người chết hoặc được thăng lên cõi Pitris (Manes) hoặc bị đày xuống một trong 21 địa ngục, tùy theo tội lỗi, được tái sinh lên mặt đất trong hình hài khác.

Yama thống quản phần hướng Nam và do đó, được gọi là Dakshinasa-pati. Về hình tướng, Yama có màu xanh lục, y phục màu đỏ, cưỡi trên lưng trâu, tay cầm quyền trượng to lớn và dây thòng lọng. Yama có rất nhiều vợ. Thần cư trú ở cõi âm trong kinh thành Yama-pura. Ở đó có cung điện Kalichi. Hàng ngày, Yama ngồi trên ngai Vichara-bhu để xử án. Bên cạnh có Phán quan Chitra-Gupta và có hai chủ tướng chầu hầu: một là Tổng quản binh Chanda (hay Maha Chanda) và một là Tổng giám sát Kala-pursusha. Sứ giả của thần là Yama-duta có trách nhiệm bắt linh hồn người chết và dinh thự của thần được Vaidhyata – người gác cửa mẫn cán, canh chừng suốt ngày đêm.

Nói chung, bên cạnh khái niệm Atman – Brahman làm nền tảng cho vũ trụ quan của đạo Hindu, thì luận thuyết Karma – Samsara(nghiệp báo – luân hồi) là nền tảng của nhân sinh quan của đạo Hindu và một số tôn giáo khác như đạo Phật và đạo Kỳ Na (Jainaism). Luận thuyết Karma – Samsara đã áp dụng tư tưởng về sự chuyển hóa vật chất trong vũ trụ, cũng như tính tuần hoàn của các hiện tượng tự nhiên sang lĩnh vực đời sống xã hội. Chính từ cơ sở đó đã sản sinh ra các biện sự về sự thăng đọa của tín lý tái sinh, về sự việc xét công định tội ở địa ngục/ âm phủ.

Tín lý về cõi Diêm la, công năng thưởng công – phạt tội của Diêm La vương thời Vệ đà, về sau, được tích hợp vào Phật giáo, rồi được truyền qua cõi Đông Độ. Ở Trung Hoa, tín lý này kết hợp với các biện sự của Đạo giáo, sản sinh ra thuyết Thập điện Diêm vương.

Theo đó, dưới Âm phủ có 10 điện, đứng đầu mỗi điện là một vị Minh vương đảm nhận việc xét công định tội theo từng tội danh và thưởng phạt theo trách vụ được xác định có phần cụ thể và rành mạch. Đây là cơ sở của việc thờ tự Thập điện Minh vương cũng như sự có mặt của loại tranh vẽ hay các công trình điêu khắc thể hiện cụ thể cảnh tượng xét xử, trị tội ở địa ngục – gọi chung là “Địa ngục đồ” ở các chùa chiền tự viện ở nước ta.

Nhất điện: Tần Quảng Vương
Tần Quảng Vương chuyên điều khiển việc khỏe mạnh, ốm đau, sinh tử của trần gian và quản lý việc u minh, cát hung. Người thiện sau khi thọ mệnh được tiếp dẫn siêu sinh. Người nửa công nửa tội được đưa đến điện thứ 10 xét xử, sau đó được đầu thai làm người trên thế gian: nam thì chuyển thành nữ, nữ thì chuyển thành nam. Người làm điều thiện ít, điều ác nhiều thì được áp giải đến đài cao, phía bên trái điện, gọi là đài gương “Nghiệt Cảnh đài”, để nhìn vào đó liền thấy rõ mọi việc tốt xấu hồi còn tại thế, sau đó giải đến điện thứ hai để vào ngục chịu khổ.

Cung điện của Ngài ở bên dưới tầng đá ngầm đáy biển, nằm về hướng Tây của suối Tuyền Đài.


Nếu người chết là người làm nhiều việc thiện, thì được tiếp dẫn đến vãng sinh ngay. Còn nếu người chết là nam hay nữ mà công tội ngang nhau, thì được đưa đến Điện thứ mười cho đi đầu thai, có thể nam chuyển thành nữ, hay ngược lại, tùy theo nghiệp ác của mỗi người mà định. Nếu làm ít điều ác, thì đưa vào một đài cao, gọi là “Nghiệt Cảnh đài”. Đài này cao một trượng, xung quanh có gương soi treo ở hướng Đông, trên biển đề dòng chữ: “Trước đài Nghiệt Cảnh, không có người tốt”. Hồn người chết sẽ thấy lại tất cả những việc mình đã làm khi sống, bao nhiêu tội lỗi đã gây tạo, nay phải chịu sa xuống địa ngục chịu sự trừng phạt. Lúc này thì dù “vàng ròng cũng khó đổi” được. Sau khi xem hết các tội lỗi, hồn được dẫn giải qua Điện thứ hai để chịu hình phạt theo các tội lỗi đã gây ra.

* Chẳng hạn như, người lúc còn sống, không kính trời đất, không nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà báo đáp, hỗn hào cãi lại cha mẹ, coi thường mạng sống, tự ải tự vẫn (thắt cổ tự tử), uống thuốc độc hoặc nhảy sông mà chết. Những người chết như thế, ngoại trừ do bảo vệ trung hiếu tiết nghĩa mà có hành động như vậy, còn nếu do vì hận thù hận đời, hoặc vì lý do không đáng mà tự tử, hoặc do muốn hù dọa người mà lộng giả thành chân…mà chết, thì đều phải chịu hình phạt.

* Các vị thần Môn Táo (cửa và bếp) sẽ giải những hồn này vào điện để chịu sự đói khát. Từ chập tối đến nửa đêm (giờ Tuất và giờ Hợi), phải chịu sự đau đớn sống chết. Hình phạt kéo dài hoặc 70 ngày hoặc hai, ba năm, rồi đưa hồn trở về quê quán để gặp vợ (chồng) con, nhưng không được hưởng cơm canh tiền bạc do thân nhân cúng tế. Nếu người đó biết ăn năn tội lỗi, thì không còn hiện những hình ảnh ghê sợ cho người sống, dọa nạt người đời nữa. Trải qua thời gian chịu sự trừng phạt này xong, các thần Môn Táo lại giải hồn xuống điện cũ để chuyển tiếp sang Điện thứ hai, tra xét công tội để áp dụng hình phạt thích đáng nơi Địa ngục đó. Nếu khi sống có làm việc thiện thì có phần miễn giảm, còn toàn làm điều ác thì quỷ mặt xanh sẽ áp giải đến ngục khác chịu hình phạt, nếu quá nặng thì cho xuống Đại địa ngục A-Tỳ, mãi mãi chịu hình phạt, không cho tái sinh nữa.

Những kẻ khi sống làm nghề “thợ tụng ”, tụng kinh cầu nguyện cho người mà gian lận, bớt lời bớt chữ trong kinh (tụng nhận lớp) thì đưa sang “Bổ kinh Sở” (nơi tụng kinh thêm cho đủ số). Nơi đây, có để kinh điển, thắp một cây đèn dầu leo lét, khi mờ khi tỏ không thể tụng đọc nhanh được. Nếu khi tụng, bỏ sót một chữ, sẽ bị quỷ sứ đánh đòn, nên không dám sai trái. Những người này, dù ở trên trần gian, thân nhân của họ có mời bao nhiêu thầy đến hộ niệm đi nữa, thì tội cũ vẫn không giảm được. Chỉ có trường hợp, chính người thân thiết đó, hết sức thành tâm tụng đọc, ra sức bố thí cúng dường, dù đọc kinh trì chú hay không, miễn có đủ tâm thành, thì có linh ứng. Lúc ấy, vào sáu ngày lành mỗi tháng, sẽ có “Phật chỉ” đưa đến mà giảm tội cho.

Muốn tránh khỏi hình phạt ở địa ngục, chỉ có cách là phát lòng thành ăn chay niệm Phật để cầu vãng sinh, lập thệ nguyện hoằng pháp lợi sinh, làm nhiều việc công đức …thì khi vãng sinh mới được Phật tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc!

* Vào ngày mùng 1 tháng hai (là ngày vía của Nhất điện Tần Quảng Vương), nếu ăn chay tụng kinh sám hối, phát nguyện và thực hành làm điều thiện, sẽ được Ngài phù hộ.

Nhị điện: Sở Giang Vương

Sở Giang Vương trông coi địa ngục Hoặt Đạt (có 16 tiểu địa ngục với các hình phạt như: mây đè, phân thối, bị đâm, bỏ đói, bỏ khát, nấu máu, nấu một chảo đồng, nấu nhiều chảo đồng, bỏ vô cối xay sắt, đong lường, gà mổ, ao tro, chặt khúc, gươm lá đâm, chó sói ăn thịt, bỏ vào ao lạnh giá…). Những ai lúc còn sống trên thế gian làm điều tổn thương đến thân thể người khác, gian dâm, sát sinh đều được đưa vào ngục này và các tiểu địa ngục để chịu khổ. Khi hết kỳ hạn, liền được đưa đến ngục thứ ba để định đoạt tiếp hình phạt.

*Ngục này nằm ở đáy biển, dưới tầng đá ngầm phía chính Nam, gọi là địa ngục “Đẳng Hoạt”. Gồm có 16 tiểu địa ngục như sau:

1‧ Hắc vân sa Tiểu Địa Ngục. (cát mây đen)
2‧ Phẩn niệu nê . (phân, nước tiểu, bùn)
3‧ Ngũ Xoa. (cây chĩa năm răng)
4‧ Cơ ngạ. (cho nhịn đói )
5‧ Tiêu khát. (cho nhịn khát)
6‧ Nùng huyết . (chảy máu tươi)
7‧ Đồng phủ. (búa đồng)
8‧ Đa đồng phủ . (nhiều búa đồng)
9‧ Thiết khải. (giáp bằng sắt)
10 . U lương. (tối tăm)
11 . Kê . (gà cắn mổ)
12 . Hôi hà. (tro than, sông nước)
13 . Chước tiệt. (chặt cắt)
14 . Kiếm diệp . (kiếm sắc bén như lá cây)
15 . Hồ lang . (chồn, sói)
16 . Hàn băng . (băng lạnh)

* Hồn người khi còn ở thế gian phạm vào tội lừa gạt thiếu niên nam nữ, buôn bán trẻ em, cưỡng đoạt thân thể đoạt tài sản của chúng, không biết rõ nghề, nên bốc thuốc cho người ta, làm tổn hại đến mắt, lỗ tai, tay, chân của họ; không tha đầy tớ gái già, tham cầu lợi lộc làm mai mối hôn nhân, giấu diếm khai gian tuổi tác, đến nhà người khác sinh sự, nam nữ làm điều dối gian, nói không thật lời, phạm tội loạn luân, làm quan ăn của hối lộ…

Những người này khi chết, sau khi ở Nghiệt Cảnh Đài đã tra ra tội phạm nhiều ít, thời gian phạm lâu mau, có cố ý hay vô tình …thì cho quỷ tóc đỏ răng nanh dẫn đến tiểu địa ngục tương ứng để chịu tội. Thí dụ như:- Phạm tội loạn luân, thì bị cắt thiến thận; Làm quan tính kế đảo điên, ăn hối lộ, bị nhốt trong hỏa xa; Đêm vắng toan mưu dối, bị cát mây đen đè mình; Xúi giục trẻ thơ lầm lỗi, bị cầm trong ngục giá lạnh.

Mãn kỳ chịu tội này thì chuyển sang Địa ngục thứ ba để định tiếp.

Người nào trên thế gian thường biết nói điều hay trong kinh Ngọc Lịch để giáo hóa người khác, hoặc ấn tống kinh điển giúp người giác ngộ; thương yêu chúng sinh, dạy dỗ điều lành tốt cho trẻ em, không tàn hại côn trùng, bố thí thuốc men cho người bệnh, bố thí cơm cháo cho người nghèo đói, bố thí tiền bạc để cứu giúp người nghèo khổ, biết ăn năn tội lỗi đã lỡ gây ra thì được miễn trừng phạt nơi ngục nầy, mà đưa thẳng xuống Điện thứ mười để đầu thai kiếp khác.

* Nếu vào ngày mùng một tháng ba ăn chay, phát nguyện thực hành làm điều thiện, thực tâm phóng sinh, thì được Ngài Nhị điện Sở Giang Vương phù hộ.

Tam điện: Tống Đế Vương

Tống Đế Vương cai quản địa ngục Hắc Thằng (có 16 tiểu địa ngục với các hình phạt:: nước mặn, bị gông xiềng, đục sườn, nạo mặt, nạo mỡ, móc gan tim, móc mắt, lột da, căng da, cưa cẳng, rút móng, hút huyết, treo ngược, sả vai, ăn giòi, đập đầu gối, mổ tim). Ai khi sống trên trần gian mà ngỗ ngược, hỗn láo với bề trên, xúi bẩy kiện tụng, gây sự bất hòa,… phải vào ngục này và các tiểu địa ngục chịu khổ, hết kỳ hạn đưa đến điện thứ tư.

Ngục này nằm dưới tầng đá ngầm hướng Đông Nam đáy biển, tên gọi là “Hắc Thằng” (dây xích đen). Có tất cả 16 địa ngục nhỏ như sau:

1‧ Hàm lỗ . (muối mặn)
2‧ Ma hoán già nữu . (gông xiềng)
3‧ Xuyên lặc . (xỏ gân)
4‧ Đồng thiết quát kiểm . (đồng sắt nạo gò má)
5‧ Quát chi . (nạo chảy mỡ)
6‧ Kiềm tễ tâm can . (đóng vào tim gan)
7‧ Oát nhãn . (móc mắt)
8‧ Sản bì . (phanh da)
9‧ Nguyệt túc . (cắt chân)
10. Bạt thủ cước giáp . (rút móng tay chân)
11. Hấp huyết . (hút máu)
12. Đảo điếu . (treo ngược rút lên)
13. Phân tuỷ . (xẻ xương tủy)
14. Thư chú . (ăn giòi bọ)
15. Kích tất . (đánh vào đầu gối)
16. Bà tâm . (bóp trái tim)

* Người lúc còn sống khi làm quan, chẳng nghĩ ơn đức lớn lao của vua (đất nước), mạng sống người dân là quan trọng, chỉ biết hưởng thụ lợi lộc, mà không làm tròn bổn phận, chẳng màng dân chúng khổ sở đói rét. Người dân thường thì thấy lợi bỏ quên ân nghĩa, chồng bất nghĩa, vợ chẳng hòa thuận, làm con nuôi của người thọ lãnh ân huệ của họ mà vì muốn chiếm đoạt tài sản sinh ra vong ân bội nghĩa, đày tớ mà phụ ơn chủ nhà, binh lính phụ ơn của người chỉ huy, công nhân phụ ơn nghĩa của giám đốc, hoặc phạm tội vượt ngục hoặc quân nhân đào ngũ, không làm tròn chức trách của trên giao phó…Phạm những lỗi trên mà không chịu sám hối, thì tuy có làm điều lành đi nữa cũng không bớt được tội cũ (phải có sự ăn năn sám hối mới được).

Thêm nữa, những vị thầy phong thủy coi xem nhà cửa mồ mả cho người, học không đến nơi đến chốn, làm sai lệch mà lấy tiền của người ta. Hoặc đào mồ cuốc mả thiên hạ, chiếm đất nghĩa địa. Hoặc dụ dỗ người làm việc phi pháp.

Giết người lấy của, đi săn bắn, bị cọp xé thây, gian dâm vợ người, sửa chữa giả mạo giấy tờ, người có chuyện di chúc, gửi gắm mình mà mình không chịu thực hiện, đốt phá nhà cửa người, đòi nợ xiết của người khác, làm sách giả, nguy hại đời sau…

Sau khi tra xét tường tận, sẽ cho Đại Lực Quỷ đưa vào tiểu ngục thích ứng chịu trừng phạt theo tội lỗi đã làm. Thọ hết hình phạt, lại chuyển sang ngục thứ tư để tra xét tiếp.

*Ngày mùng tám tháng hai, ăn chay phát nguyện và thực hiện việc làm lành, tụng kinh sám hối nếu lỡ gây ra những tội đã nêu trên , thì sẽ được Ngài Tam Điện Tống Đế Vương hộ trì miễn giảm tội khiên.

Tứ điện: Ngũ Quan Vương

Ngũ Quan Vương quản địa ngục Hợp Đại (gồm 16 tiểu địa ngục với hình phạt: xiên thịt, xối nước sôi, vả sưng mặt, chặt gân xương, khứa vai lột da, khoan da thịt, chim trĩ mổ, mặc áo sắt, cây, đá dằn, khoét mắt, tro lấp miệng, đổ thuốc độc, trượt nhớt té, xâm miệng, chôn trong đá vụn…). Những ai trốn nộp tô, thuế cho nhà nước, mua gian bán lận đều bị đưa vào ngục này và các tiểu địa ngục chịu khổ, hết kỳ hạn được đưa qua điện thứ năm.

Ngục thứ tư nằm ở dưới tầng đá ngầm biển, ở về hướng Đông. Ngục này có tên là “Chúng Hiệp” (đối xử với người). Có 16 Tiểu địa ngục là:

1‧ Thạch trì . (ao có bờ vách bằng đá)
2. Miêu luyện trúc tiêm . (rớt xuống bàn chông tre)
3‧ Phí thang nhiễu thủ . (dội nước sôi)
4‧ Chưởng bạn lưu dịch . (chấn nước)
5‧ Đoạn cân dị cốt . (cắt gân)
6‧ Yển kiên loát bì . (xẻ vai lột da)
7‧ Toả phu . (căng da)
8‧ Tồn phong . (bắt ngồi trên mũi nhọn)
9‧ Thiết y . (bắt mặc áo sắt)
10. Mộc thạch thổ ngoã áp . (gạch ngói đá đè)
11. Kiếm nhãn . (dùng kiếm khoét mắt)
12. Phi hôi tắc khẩu . (nhét tro bịt miệng)
13. Quán dược . (rót thuốc)
14. Du đậu hoạt trật . (đi đường đổ dầu trơn trợt cho té ngã )
15. Thích chuỷ . (đâm vào miệng)
16. Toái thạch mai thân . (đá đè chôn thân)

* Người sống ở thế gian mà trốn sưu lậu thuế, không nộp tô tức, dùng hai cái cân để gian lận, lường thưng tráo đấu, bào chế thuốc giả, bán gạo ẩm mốc, xài tiền giả, tráo xén bớt tiền, bán dầu bột quá hạn, may vá ăn xén vải vóc, cho vay nặng lãi, đi đường gặp người già tàn tật không nhường bước, bắt người khác phục dịch quá đáng, nhận thư tín tin tức người nhờ chuyển mà không sớm chuyển giao, lăn cây đá chặn đường đi, lấy trộm dầu thắp đèn đường, nghèo mà không chịu siêng năng làm ăn lại chê trách người, giàu mà không cứu giúp kẻ khó, giả bộ đi vay tiền người khác để người ta khỏi vay mình, làm ra vẻ đói rách để xin của người, thấy người khác bệnh nhà mình có thuốc (sách, bài thuốc hay) mà không cho, giấu diếm thuốc gia truyền để làm giàu, khi chăn nuôi súc vật đổ phân, nước tiểu ra đường làm hôi thối người đi đường, đổ rác ra giữa đường đi, trù dập làm hại người, bỏ cha mẹ trốn lánh tự tử, bỏ hoang ruộng đất, làm cây cối ngã sập nhà, tường người, phách lối mắng nhiếc người …
Sau khi tra xét kỹ, tùy theo tội lỗi mà đưa vào địa ngục thích ứng để chịu sự trừng phạt khổ sở, mãn hạn chuyển sang Địa ngục thứ năm để tra xét tiếp.

* Những người còn sống ở thế gian, vào ngày mười tám tháng hai, ăn chay tụng kinh sám hối, tự hứa không tái phạm những lỗi trên nữa.Tự mình hoặc góp phần vào việc ấn tống kinh sách như Ngọc Lịch, Kinh Nhân Quả … để cảm hóa chúng sanh, cho họ biết làm lành lánh dữ, thì được Ngài Tứ Điện Ngũ Quan vương phù hộ và miễn giảm tội cũ trót lỡ gây ra.

Ngũ điện: Diêm La Thiên Tử

Diêm La Thiên Tử vốn ngự ở điện thứ nhất, nhưng vì thương người chết oan hay trả hồn về sống lại kêu oan, nên bị giáng xuống quản địa ngục Khiếu Hoán (tội phạm ở đây lâm vào cảnh buồn chán, đau khổ không gì bằng) gồm 16 tiểu địa ngục. Những ai đến điện này đều được dẫn đến đài Vọng Hương để nghe và thấy tất cả những điều, những tai ương mà họ đã gây ra trên trần gian, sau đó được đưa vào địa ngục rồi vào các tiểu địa ngục (tùy theo tội lỗi đã mắc phải), mổ bụng moi tim, ruột ném cho chó ăn. Hết kỳ hạn, lại được đưa xuống điện thứ sáu.

*Vua Diêm La nói rằng: -“Trước đây ta ở Điện thứ nhất, vì thương hại người chết, than thở là chưa làm tròn nguyện ước, ta cho họ hoàn dương sống lại để làm cho xong, nên bị Thượng Đế điều sang cai quản ở đây. Ngục nầy tên là ngục “Khiếu Hoán” (kêu la rên xiết), nằm dưới tầng đá ngầm đáy biển ở hướng Đông bắc. Có tất cả 16 Tiểu Địa Ngục đều gọi là “Đẳng Tâm” (chặt đứt trái tim).

Những phạm nhân trước khi đưa đến đây đều trải qua thời gian thọ tội nhiều năm ở ngục khác. Nơi ngục thứ tư, việc tra xét không quá bảy ngày rồi chuyển sang đây, để khai thêm về những việc không làm ác lúc còn sống.

Phần lớn, các hồn quỷ thường khai rằng :- “Trên thế gian chưa làm xong nguyện vọng như xây cất chùa viện, đào giếng vét sông, làm chưa xong việc ấn tống kinh điển khuyến thiện, hoặc phóng sanh chưa xong, hoặc chưa lo xong việc chuẩn bị hậu sự cho song thân, hoặc mang ơn chưa kịp đền đáp, xin cho được trở về để hoàn thành tâm nguyện, hẹn chẳng sai lời, hứa sẽ làm người tốt”.

Ta nghe như thế, bèn nói:-“Các ngươi, lúc trước có làm ác hay không , quỷ thần đã biết, hãy thành thật nhận tội đi. Nếu cõi âm ty không có quỷ oán hận thì lúc ở dương gian là không có người oán hờn. Người tu hành chân chính ở thế gian không có nhiều đâu. Nay đã đến đây, ta sẽ cho xem ở Nghiệt Cảnh thì biết hết sự thật rồi, đừng nói nhiều lời nữa !”.

Nói rồi, ta sai ngưu đầu mã diện giải phạm nhân đến “Đài Vọng Hương” để nhìn về quê xưa của họ. Đài này cong như cây cung, có ba mặt đông, tây và nam. Chiều cong dài tám trăm mười dặm, còn phía bắc thì có một rừng kiếm làm thành trì. Đài nầy cao bốn mươi chín trượng, có núi đao tua tủa. Bậc thang lên gồm sáu mươi ba bậc. Những người lương thiện thì khỏi bắt lên đài nầy, người công và tội bằng nhau thì được cho đi đầu thai. Chỉ có những kẻ làm ác thì phải lên mà thôi.

Lên trên đài này rồi, thì sẽ thấy quê nhà kế bên, người thân nói gì cũng nghe thấy. Nghe được những lời con cháu tranh giành của cải tài sản, không chịu thực hiện di chúc, không thực hiện lời dặn dò trăng trối. Kế thấy những cảnh thay đổi sau khi mình chết, sự vật khác xưa, mỗi mỗi đều thay, chẳng còn gì là của mình. Người thân là chồng thì muốn cưới vợ khác, người thân là vợ thì muốn lấy chồng khác, con cái thì tranh nhau tài sản, đánh lộn đánh lạo, chửi mắng nhau. Bà con thân thiết và bạn bè cũng chẳng ai nhớ đến mình, con cái nheo nhóc khổ sở v.v…

Thấy những cảnh ấy rồi, những hồn người chết la khóc inh ỏi, dập đầu bứt trán, nhào lộn tức tối, đau khổ muôn phần…Như thế rồi lại nhìn thấy tiếp những cảnh tượng người thân bị trả quả báo (của mình gây ra) như là:- đàn ông thì bị bắt giam, đàn bà thì sanh quái thai, con trai bị dụ dỗ sa đọa, con gái bị gian dâm. Sự nghiệp của mình bị tiêu tan, nhà cửa bị cháy rụi, tất cả của cải trong nhà đều bị tiêu sạch…Khi ấy quỷ hồn hối hận ăn năn thì đã quá muộn.

Sau đó, cho trở về trong điện để tra xét tiếp rồi tùy theo tôi lớn nhỏ nhiều ít lâu mau … mà đưa đến các Tiểu Địa Ngục để chịu sự trừng phạt. Trong các Tiểu Địa Ngục này, có các cọc gỗ nhọn, chó sắt rắn đồng, gông xiềng tay chân. Ác quỷ dùng một con dao nhỏ, mỗ một đường ở bụng, vạch bày ra trái tim, cắt xẻ ra từng miếng để ném cho rắn ăn, ruột thì cho chó ăn. Chịu sự trừng phạt một ngày, thì chỗ mỗ lành lại, đem giam vào ngục để mai hành hạ tiếp.

16 Tiểu địa ngục là:

1‧ Người chẳng kính quỷ thần, không tin vào nhân quả sẽ đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
2‧ Giết hại sinh vật cũng cho vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
3‧ Có lời vái nguyện mà chưa cúng trả lễ: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
4‧ Theo học tà thuật mong cầu được trường sinh: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
5‧ Hận người trù rủa cầu cho người mau chết: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
6‧ Mưu tính kế hại người : đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
7‧n Nười nam mà dụ dỗ người nữ vào con đường thất tiết: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
8‧ Làm việc tổn hại người lợi mình: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
9‧ Bỏn xẻn tiếc nuối tài vật mà chẳng màng sống chết: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
10. Nuôi nấng người rồi cho đi ăn trộm: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
11. Lấy oán báo ân: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
12. Đam mê cờ bạc táng gia bại sản: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
13. Lừa gạt người: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
14. Dùng lời nói sai trái xúi bẩy người khác làm bậy: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
15. Có tâm địa ganh ghét người hiền: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .
16. Hay mắng nhiếc người: đưa vào Đẳng Tâm Tiểu Địa Ngục .

*Những người không tin nhân quả, cản trở người làm việc lành, mượn tiếng đi chùa miếu dâng hương để xúi biểu người làm quấy, thiêu đốt kinh sách dạy người làm lành, xúi người phá giới, ngăn cản người làm ác biết ăn năn sám hối, biết đạo mà không giữ giới, phỉ báng Phật, chẳng chịu nghe theo lời dạy đạo tu hành, mà còn xúi bảo người khác đi vào đường sai quấy như mình, đào mồ cuốc mã người khác, thiêu đốt rừng núi, cho gia đình di chuyển trước rồi đốt nhà phá xóm giềng, dùng cung tên súng đạn bắn lén người, bức ép người khác khiến họ rầu rĩ mà sanh bệnh, ném đá , gạch ngói lên mái nhà người, dùng thuốc độc hại cá, giăng lưới bắt chim, dùng muối tưới cây cỏ chết, thả rắn rít độc trùng làm hại người đến chết, giả mạo chức tước để hại người, chiếm đoạt nhà đất người, lấp giếng ngăn chận mương rãnh phá hoại nhà người …

Những kẻ phạm vào những tội lỗi trên, cho lên Vọng Hương Đài để xem hết những tội đã phạm cùng hậu quả báo ứng, rồi cho vào địa ngục Khiếu Oán, để họ tự ăn năn dày vò, đau khổ, khóc than một mình. Kế đó mới tùy theo tội mà chuyển đến Tiểu Địa Ngục thích ứng mà hành tội tiếp. Thọ tội xong, chuyển đến Điện thứ sáu để tra xét tiếp.

Những người khi còn sống không phạm những tội đã nêu hoặc lỡ phạm mà vào ngày mùng tám tháng giêng, ăn chay tụng kinh sám hối, phát thệ không tái phạm, thì được miễn hình phạt ở ngục thứ năm nầy, chuyển sang ngục thứ sáu xem xét.

Nhưng người phạm vào các tội:- giết người hại con vật lớn, theo bè đảng tà ngụy, gian dâm phụ nữ, bắt ép vợ người phải thất tiết, nuôi người trộm cắp, những kẻ lấy oán báo ân, những người si mê chấp chặt không chịu ăn năn sửa đổi, thì không được tha thứ miễn giảm.

Lục điện: Biện Thành Vương

Biện Thành Vương cai quản địa ngục Đại Khiếu Hoán gồm thành Uổng Tử và 16 tiểu địa ngục với hình phạt: quỳ trên chông nhọn, nhốt trong hầm phân, thiến dái, quết thịt, trâu báng, ngựa đạp, bửa sọ… Những ai khi sống trên thế gian oán trời trách đất, cứ khóc lóc, trộm cắp, đầu cơ tích trữ… đưa vào ngục này và tiểu địa ngục để chịu hình phạt khổ hơn nữa. Hết kỳ hạn, được đưa đến điện thứ bảy.

Ngục này nằm dưới tầng đá ngầm đáy biển ở về hướng chính Bắc, tên là “Đại Khiếu Hoán”, nghĩa là tội nặng hơn, bị hình phạt nặng, nên khóc la lớn tiếng hơn ngục thứ năm.

Có 16 Tiểu địa ngục là:

1‧Thường quy thiết sa . (cát bằng sắt bắn vào người làm té ngã)
2‧Thỉ nê tẩm thân . (tẩm thân thể bằng phân, nước tiểu)
3‧Ma tồi lưu huyết . (mài ép cho chảy máu)
4‧Kiềm chủy hàm châm . (ngậm kim châm, kẹp miệng)
5‧Cát thận thử giảo . (cắt thận cho chuột ăn)
6‧Cức õng huỳnh toản . (nằm trong lưới gai bị trùng độc cắn đốt đau đớn)
7‧Đối đảo nhục tương . (cối quết thân thể nát bằm)
8‧Liệt bì kỵ lôi . (lột da căng phơi)
9‧Hàm hoả bế hầu . (lửa đốt trong cổ họng)
10. Tang hoả phí hồng .(lửa đốt cháy thân)
11. Phẩn ô . (bắt ăn phân)
12. Ngưu điêu mã thao . (trâu đạp ngựa giậm)
13. Phi khiếu . (oằn oại rên la)
14. Táng đầu thoát xác . (đập đầu cho chết)
15. Yêu trảm . (chém ngang lưng)
16. Bác bì tuyên thảo . (lột da phơi trên cỏ)

Những người khi còn sống, chửi mắng trời đất, chửi gió mắng mưa, chê nóng trách lạnh, phá hủy hình tượng thần Phật, ăn cắp của cải trong miếu mạo chùa chiền, xưng thần xưng thánh lừa phỉnh mọi người, chẳng kính trọng kinh sách, đem đồ dơ bẩn đổ gần chùa miếu, làm ô uế chùa miếu, cúng tế thần Phật bằng những đồ nấu nướng không tinh khiết, chẳng chịu kiêng cữ thịt trâu thịt chó, cất giấu tàng trữ những sách vở đồi bại, phá hoại sách vở khuyến thiện, hủy hoại tượng Bát quái, tượng thần thánh tiên Phật, nhạo báng thần thánh không chút dè dặt, hủy hoại ngũ cốc, ăn uống bỏ mứa, đầu cơ tích trữ để làm giàu…

Những tội trên đều bị trừng phạt ở ngục Đại Khiếu Hoán này. Sau khi tra xét kỹ lưỡng thì cho đến những tiểu địa ngục thích ứng mà chịu sự trừng phạt. Tiếng kêu la vang trời dậy đất, sự đau đớn khổ sở kề sao cho xiết.
Thí dụ: Bế vựa chờ giá lúa cao mà bán, để người nghèo chịu đói (bế địch trợ hoang), hoặc là gian giảo ngược ngang, bị hành bàn chông nhọn. Chửi gió mắng mưa, kêu tên Thần Thánh chẳng chút kiêng vì , bị cột trói ngược mà cưa xẻ cắt lưỡi.

Hành tội mãn hạn thì chuyển giao cho Ngục thứ bảy xem xét tiếp.

Thất điện: Thái Sơn Vương

Thái Sơn Vương cai quản địa ngục Nhiệt Não (có 16 tiểu địa ngục; tội phạm được quẳng vào vạc đồng để nấu). Ai khi sống trên trần gian đào mồ, trộm mả, lấy hài cốt để làm thuốc, rời bỏ người thân thích, đưa vào ngục này và các tiểu địa ngục. Hết kỳ hạn, giải đến điện thứ tám.

Ngục này nằm ở dưới tầng đá ngầm đáy biển ở về hướng Tây bắc, tên là “Nhiệt Não” (nóng bức đau đớn trong đầu). Gồm có 16 tiểu địa ngục:

1. Trùy tuất tự thôn . (tự ăn năn đau khổ)
2. Liệt hung . (rét lạnh ở ngực)
3. Địch thối hoả bức khanh . (xẻo bắp vế ném vào lò lửa)
4. Xuyên quyền kháng phát . (đâm gò má, bứt tóc)
5. Khuyển giảo hĩnh cốt . (chó ăn xương đầu gối)
6. Úc thống khốc cẩu đôn . (nhớ lỗi xưa khổ sở, bị chó nhai nuốt)
7. Tắc đỉnh khai ngạch . (đóng đinh trên đỉnh đầu, xẻ trán)
8. Đỉnh thạch tôn thân. (đá sập đè thân)
9. Đoan bảo thượng hạ trác giảo . (chim dữ cắn mổ trên dưới)
10. Vụ bì trư đà . (lột da như da heo)
11. Điếu giáp túc . (rút móng chân)
12. Bạt thiệt uyên tai . (kéo lưỡi đâm xuyên qua má)
13. Trừu trường . (lôi ruột ra ngoài)
14. Loa đạp miêu tước . (lừa dẫm đạp, mèo cắn)
15. Lạc thủ chỉ . (cắt từng ngón tay)
16. Du phủ cổn phanh . (ném vào chảo dầu sôi)

Những người lúc còn sống, ăn uống bừa bãi, bỏ mứa phung phí thức ăn, rượu thịt vô độ, nài ép người phải bán của cải cho mình, trộm cắp quần áo, cất giấu thây chết để làm thuốc, làm ly tán thân thích của người, mua bán tì thiếp, hiếp đáp vợ con đến chết, cờ bạc phá của, làm thầy dạy học trò không hết lòng, dạy điều sai trái cho học trò, truy vấn đánh đập học trò quá ngặt khiến trò bị thương tích hay sinh bệnh, tham lấy của cải hàng xóm, bội bạc sư trưởng, già mồm lẻo mép cãi lẫy trấn áp người, xúi giục bày cách cho người ta tranh đấu lẫn nhau, hồ đồ không tra cứu kỹ lưỡng đã vội vã kết tội người khác…Tất cả những tội trên đều được tra xét cẩn thận ở ngục nầy, rồi tùy theo tội mà cho đưa vào tiểu ngục tương ứng để chịu sự trừng phạt. Sau đó, chuyển đến Điện thứ tám để tra xét tiếp.

Những thầy thuốc ở nhân gian dùng những thây chết do bị lửa cháy, lấy da thịt chế thuốc, hoặc cắt lấy xương, gân, gan, mật, đầu sọ của người mà chế tạo thành thuốc cao, thuốc bột đem buôn bán… Tội ấy không thể tha thứ ở ngục này, dù có làm phước khác mà không liên quan nghiệp này cũng không giải được. Diêm Vương cũng nhất định bắt vào địa ngục Nhiệt Não hành hình, chịu hết những hình phạt của các tiểu địa ngục.

Thí dụ như: Bày biểu hay cho thuốc phá thai bị quăng lên núi lửa. Khinh khi Tam giáo bị chó phân thây. Nói tục tĩu bị cắt lưỡi. Đàn bà có chồng còn ngoại tình với trai bị đốt nấu trong vạc đồng.

Khi xong rồi, giao cho Ngục thứ mười để đi đầu thai. Nhưng phải chịu những dị tật: đui, què, mẻ, sứt … trả đền tội cũ.

Trên thế gian cũng có những người, vào những năm mùa màng thất bát, khắp nơi đói rách, họ cắt thịt người chết đem bán cho người khác ăn để sống, dã tâm ác độc vô cùng. Những người pham tội cắt thịt này, khi bị áp giải đến ngục thứ bảy, Diêm Vương sẽ gia tăng hình phạt thêm lên. Mãn hạn hình phạt thống khổ 49 ngày rồi, sẽ được giải đến Điện thứ mười, ghi chú vào sổ sách, lại chuyển về Ngục thứ nhất để cho đầu thai làm người hoặc súc sanh, bụng lúc nào cũng đói muốn ăn, nhưng khi thấy đồ ăn thì có mùi hôi thối, không dám ăn, chịu sự đói khát thường xuyên, để trả lại quả báo cũ.

Bát điện: Đô Thị Vương

Đô Thị Vương quản địa ngục Đại Nhiệt Não (có 16 tiểu địa ngục; tội phạm bị thiêu, bị nấu cực hình hơn). Những ai sống trên trần gian bất hiếu khiến cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ phải buồn phiền, bực tức khi chết sẽ bị ném vào ngục này và các tiểu địa ngục. Kẻ bất hiếu chịu hết mọi hình thức đau khổ, giải đến điện thứ mười, thay đổi hình dạng vĩnh viễn làm loài súc sinh.

Ngục này ở dưới tầng đá ngầm đáy biển ở về hướng chính Tây, tên là “Đại Nhiệt Não”. Có 16 tiểu địa ngục là :

1. Xa băng . (xe cán)
2. Muộn oa. (nồi buồn rầu)
3. Toái quả. (nghiền xương)
4. Lạo khổng . (các lổ ra nước)
5. Tiễn chu . (kéo cắt thành miếng nhỏ)
6. Thường thanh . (chuồng nhốt)
7. Đoạn chi . (chặt tay chân)
8. Tiễn tạng . (xẻ phủ tạng)
9. Chích tuỷ. (đâm lấy tủy)
10. Bà trường. (kéo ruột)
11. Phần tiều . (coi lò)
12. Khai sinh . (bắt nhìn thẳng)
13. Quả hung . (đục thủng ngực)
14. Phá đỉnh khiếu xỉ . (đục đỉnh đầu, bẻ răng)
15. Trảo cát . (cắt rút móng tay móng chân)
16. Cương xoa . (đâm bằng cây chĩa bằng gang)

Những người khi còn sống trên thế gian không hiếu thảo với cha mẹ, lúc cha mẹ còn sống không nuôi dưỡng, lúc cha mẹ mất đi không lo tống táng. Thường gây ra những lo âu phiền muộn đau khổ cho cha mẹ ông bà, lâu ngày mà chẳng chịu hối cải. Táo Quân dâng sớ tâu lên Thiên đình, giảm trừ bớt y lộc tuổi thọ của người đó.

Những người nghe lời xúi bẩy của tà đạo, làm những điều ác đức xằng bậy, khi chết thì đứa con bất hiếu tới điện nào cũng bị hành phạt hoặc bị xay, cưa, đốt, giã, bị phanh rã tim gan, hoặc bị xe cán. Chứa xâu lường của, trù ếm, chửi rủa, đồ dơ giặt đổ ra sông, uế trược đến chỗ thờ, phơi áo quần dơ không nể Tam quan v.v. . . bị xô xuống Huyết Ô Trì.. .. rồi thì đưa sang ngục thứ tám.

Ngưu đầu mã diện và ngục tốt lại đưa vào ác tiểu ngục ở đây để trừng phạt tiếp, chịu đựng không biết bao nhiêu điều thống khổ, tiếng kêu khóc vang dậy gấp nhiều lần nên gọi là “đại nhiệt não”. Thọ hình xong mới chuyển qua ngục thứ mười cho đi đầu thai làm súc sinh.

Cửu điện: Bình Đẳng Vương

Bình Đẳng Vương cai quản Thiết Võng A Tỳ gồm 16 tiểu địa ngục ở thành Phong Đô. Ai sinh sống trên thế gian mà giết người, đốt nhà, bị chém nơi pháp trường đều giải đến điện này, bắt ôm cột đồng trống rỗng và trói chân tay lại, đốt lửa ống đồng cho tim gan thiêu trụi và chịu nhiều cực hình khác, sau đó lần lượt đầu thai vào những nơi kẻ đó đã làm hại, giải đến điện thứ mười.

Ngục này nằm dưới tầng đá ngầm đáy biển ở về hướng Tây Nam. Tên là “Đại Địa Ngục A-Tỳ” có lưới sắt bao quanh. Có 16 tiểu địa ngục:

1. Xao Cốt Chước Thân Tiểu Địa Ngục . (đập xương gõ vào thân)
2. Trừu Cân Lôi Cốt Tiểu Địa Ngục . (kéo gân giã xương)
3. Nha Thực Tâm Can Tiểu Địa Ngục . (quạ móc tim, gan)
4. Cẩu Thực Trường Phế Tiểu Địa Ngục . (chó ăn ruột, phổi)
5. Thân Tiễn Nhiệt Du Tiểu Địa Ngục . (dìm thân vào vạc dầu sôi)
6. Não Cô Bạt Thiệt Bạt Xỉ Tiểu Địa Ngục . (đai xiết quanh đầu, kéo lưỡi, kéo răng)
7. Thủ Não Vị Điền Tiểu Địa Ngục . (lấy óc trét vào mình con nhím)
8. Chưng Đầu Quát Não Tiểu Địa Ngục . (đốt đầu moi não)
9. Dương Súc Thành Diêm Tiểu Địa Ngục . (dê chà xát thành bột)
10. Mộc Giáp Đỉnh Sai Tiểu Địa Ngục . (kẹp gỗ xiết đầu)
11. Ma Tâm Tiểu Địa Ngục . (mài trái tim)
12. Phí Thang Lâm Thân Tiểu Địa Ngục . (đổ nước sôi vào thân)
13. Huỳnh Phong Tiểu Địa Ngục . (ong vàng chít đốt)
14. Hạt Câu Tiểu Địa Ngục . (mọt đục thân thể)
15. Nghị Chú Ngao Đam Tiểu Địa Ngục . (rang nướng giòn)
16. Tử Xích Độc Xà Toản Khổng Tiểu Địa Ngục . (rắn độc tím , đỏ chui vào các lổ trong người)

Người khi còn sống làm những việc cùng hung cực ác, như tội thập ác, phải chịu sự trừng phạt theo phép nước như là xử chém, thắt cổ cho chết v.v… đã đành, khi chết lại còn phải trải qua sự hình phạt của nhiều địa ngục rồi cuối cùng là đến địa ngục A-Tỳ này.

Những tội nặng:
– Phóng hỏa đốt nhà, nuôi những loại trùng rắn độc để bào chế thuốc độc hại người, cho thuốc phá thai, dùng tà pháp thu hút dương khí người nam, âm khí người nữ … để luyện tà thuật. Viết những văn chương thi phú khêu gợi (dâm thư—sách khiêu dâm), bào chế các loại thuốc, thức uống làm cho người mê ghiền, sa đọa,…

Hình phạt tội nhân ở các Tiểu địa ngục như sau:
– Bớt xén tiền xây chùa, phản thầy bất trung bị quăng lên núi đao.
– Chia rẽ vợ chồng, thân tộc của người, viết sách văn thơ khiêu dâm bị chó móc ruột ăn tim.
– Hãm hiếp hoặc dụ dỗ trẻ thơ mà ăn của, bị xay ra bột…
– Tội bất hiếu cột bằng đồng nung đỏ, bắt phạm nhân trói ôm vào cột, tay chân mình mẩy đều cháy thành than v.v…

Địa ngục A Tỳ:
Chữ A có nghĩa là “không”; chữ Tỳ có nghĩa là “Cứu” hay xen kẽ.
Cũng có nghĩa là Vô Gián. Nghĩa là không có thời gian. Ở đây có 5 nghĩa chính:

Thứ nhất là xả thân sinh báo không có thời gian, nghĩa là sinh rồi chết, chết rồi sinh không biết bao nhiêu lần ở trong địa ngục.
Thứ hai là thọ khổ mãi mãi không có niềm vui cũng không có thời gian nhất định.
Thứ ba là thời gian không hạn định, vì ở trong vô lượng kiếp số.
Thứ tư là mệnh sống (tuổi tác) không gián đoạn
Thứ năm là thân thể không gián đoạn. (không mất đi)

Địa ngục này có 8 địa ngục khác nhau với sức chứa vô hạn, muốn chứa bao nhiêu thì chứa bấy nhiêu.

Mỗi địa ngục còn có 4 địa ngục lớn nhỏ chung quanh nữa vây bọc. Khi tội nhân ra khỏi một trong 8 địa ngục Vô Gián nầy rồi, thấy những địa ngục bên cạnh như nước lạnh mát mẻ, khởi tâm thích mới chạy vào đó; không ngờ đó là địa ngục thiêu đốt, địa ngục rang nướng, cưa xẻ….Tội nhân cứ chết đi sống lại, rồi bị hành hình thọ quả. Nhiều khi muốn chết mà cũng không thể chết được. Vì quả báo thọ chưa xong.

Những hành vi khiến con người “được vào” địa ngục A Tỳ: từ bất hiếu cho đến giết hại cha mẹ. Đâm chém Phật đổ máu, hủy báng Tam bảo, chẳng kính Tôn Kinh, phá hoại sự hòa hợp của chư tăng. (gọi là tội ngũ nghịch).

Những người không rơi vào ngục A Tỳ thì sau khi chịu hình phạt lâu dài, chuyển qua ngục thứ mười cho đi đầu thai làm kiếp thú, mãn trăm kiếp thú rồi mới được làm người. Nhưng làm người cô độc, bị bỏ rơi, nghèo khổ, đói khát triền miên, sống tạm bợ lây lất cho đến mãn kiếp (nghĩa là chỉ đỡ hơn địa ngục một chút, gọi là dư báo). Nhiều kiếp như thế, nếu biết ăn năn sám hối tu hành thì mới được chuyển dần đến chỗ có phước đức.

Thập điện: Chuyển Luân Vương

Chuyển Luân Vương giải các hồn mà các điện khác chuyển đến tới nơi quỷ hồn để làm rõ thiện ác, quyết định đẳng cấp, rồi cho lên đầu thai. Nam hay nữ, sống lâu hay chết yểu, giàu sang phú quý hay nghèo hèn, lần lượt được ghi vào danh sách. Những con quỷ mà có nghiệp ác, cái thai bị lạnh đi như băng giá, khiến cho nó không kịp hưởng cuộc sống nơi trần thế, sáng sinh ra chiều đã chết. Hết kỳ hạn trở lại làm người, đầu thai vào những nơi sống rất man rợ, bẩn thỉu.

Điện thứ mười ở dưới tầng đá ngầm của cõi U Minh, thẳng về phía Đông.
Cầu Nại Hà có tất thảy 6 loại: cầu làm bằng vàng, bạc, ngọc, đá, gạch, gỗ cây. Điện thứ mười là nơi nhận những quỷ hồn của các điện khác chuyển đến.

Sau khi thẩm định phước phần của mỗi hồn, sẽ cho đi đầu thai vào các nơi tương xứng, theo các tình trạng : nam-nữ, giàu-nghèo, sang-hèn, khôn-dại, thọ-yểu v.v…

Mỗi tháng, các điện sẽ chuyển giao một lần các quỷ hồn đến đây. Việc đầu thai này rất chi tiết, tỉ mỉ, phức tạp như là: đường nào trong 4 đường thai, noãn, thấp, hóa; như loài vật thì có loài không chân , hai chân , bốn chân hoặc nhiều chân. Có loài thì tự chết, có loài thì bị giết chết…Việc đúc kết rất cẩn thận vì tầm quan trọng lớn lao của nó. Kết quả sẽ được ghi chép chi tiết cho mỗi quỷ để đưa hồn đến Phong Đô đầu thai.

Ví dụ: Người không kính sách thánh hiền, rủ nhau ăn thịt trâu chó thì phạt làm ăn mày. Không kính người lớn, chẳng vâng lời phải, người hay nói ra nói vô, xúi người kiện cáo, trước là bị hình phạt xô xuống cầu Nại Hà cho rắn cua ăn thịt, sau đầu thai thành người bị vu cáo, hoặc lĩnh án tù đày…
Những quỷ hồn sau khi thọ hình xong ở các Điện, Điện thứ mười tổng kết xong, lập danh sách chi tiết rồi chuyển họ đến “Dậu khu vong đài” (ăn cháo lú quên quá khứ) của thần Mạnh Bà. Tiếp đó mới cho đi đầu thai, tùy theo phước nghiệp cân xứng của mỗi người.

Trường hợp có những hồn ghi nhớ mãi những câu chân ngôn thần chú của Tam giáo, nhưng không đủ phước báu vãng sinh, mà không thể quên được quá khứ, thì cho đi đầu thai tạm thời, chỉ sống một thời gian ngắn, hoặc một hai ngày, hoặc vài tháng vài năm …phải chết lần nữa, trở lại “Vong đài” uống thuốc lú cho thật quên hết chân ngôn, rồi mới được đi đầu thai chính thức.

Cũng có những trường hợp những người mang mãi mối thù hận quá sâu sắc, không chịu đi đầu thai, chấp nhận kiếp ngạc quỷ để theo đòi báo ứng cho xong, mới chịu tái sinh.

Những trường hợp như vậy cũng có khá nhiều, vì khi tại thế, đã gây ra quá nhiều hệ lụy, nào là phụ tình, nào là vong ân bạc nghĩa, nào là bị lừa gạt đến nổi tán gia bại sản; nào là thù hận ganh ghét chức vụ mà hại nhau, nào là bị áp bức quá đáng… họ đã phát thệ “nhớ mãi không quên”, nên phải đi vào con đường quanh co đau khổ này.

Các tội nhân sau khi chịu đủ các hình thức xử phạt ở các điện, được giải đến điện Thập điện cho đầu thai. Những ai được đầu thai đều được giao cho Thần Mạnh Bà đưa đến Thù Vong Đài cho ăn cháo lú, để quên hết những chuyện của kiếp trước. Nếu ai không chịu ăn uống thì giá đao sẽ hiện lên dưới chân, quấn chặt lấy chân, bên trên dùng ống đồng đút vào trong cổ họng, bắt uống một cách đau đớn khổ sở.

THẬP ĐIỆN : CHUYỂN KIẾP SỞ

Sở Chuyển Kiếp này trên dưới xung quanh đều có hàng rào bằng sắt, bên trong chia ra làm 81 chỗ. Mỗi chỗ đều có đình đài khang trang, có quan lại ngồi bàn làm việc. Bên ngoài hàng rào, có những con đường nhỏ “ruột dê” (quanh co), có mười vạn tám ngàn (một trăm lẻ tám ngàn) lối đi, uốn khúc quanh co dẫn đến “Tứ đại bộ châu”.

Bên trong Sở, tối om như thùng sơn, chỉ thấy một con đường để cho người đi đầu thai đi ra phía đó thôi. Bên ngoài nhìn vào giống như thủy tinh, chằng chịt nhiều đường ngang nẻo dọc, có các quan lại làm việc rất bận rộn, nhưng không bao giờ có sự nhầm lẫn. Có những trường hợp xem xét thêm để cho thăng hay giáng. Như người khi còn sống. có lòng hiếu thảo với cha mẹ hoặc những người không sát sinh mà còn phóng sinh…làm được nhiều điều thiện, sau năm lần thẩm tra, được các “thiện quan” tâu xin cho tăng thêm hưởng phước. Trái lại, những người sau khi thẩm tra lại, phát hiện ra còn sót tội, hoặc hình phạt chưa đủ, thì sẽ tâu xin giáng bớt phước, như những người bất hiếu, sát sinh nhiều…

Những người tội nặng, thọ vào thân súc sinh, bị thay đầu đổi mặt, trở thành một trong bốn loài: cầm, thú, ngư, trùng.

Còn những quỷ hồn chấp nhận làm ngạc quỷ, vì không tin vào luân hồi, nhân quả, mang nặng ghi sâu thù hận, sống vất vưởng, không có khái niệm về thời gian. Ngoài ra, nếu lỡ bị đày đọa vào A-Tỳ địa ngục, thì mãi mãi không bao giờ được trở lại làm người.

 

THẬP ĐIỆN : MẠNH BÀ THẦN

Thần Mạnh Bà và nồi cháo lú

Vị thần tên Mạnh Bà sinh vào đời Tiền Hán, lúc nhỏ học Nho, sau chuyển qua học Phật. Vị này có đặc điểm là “quá khứ không nhớ, tương lai không nghĩ”, suốt đời khuyên người ăn chay làm lành. Đến năm 81 tuổi mà “hạc phát đồng nhan” (tóc già như chim hạc, mà mặt vẫn như người trẻ), vẫn còn là “xử nữ”.

Người đời chỉ biết bà họ Mạnh, nên gọi bà là “Bà vú Mạnh Bà”. Bà vào núi tu tiên, tồn tại mãi đến đời Hậu Hán.

Trước đây, khi con người sinh ra, vẫn còn nhớ được đến kiếp trước, nên họ thường nhớ và tìm đến những quyến thuộc xưa. Vì trí nhớ vẫn tốt, nên người ta kể lại chuyện đầu thai, tiết lộ thiên cơ. Do đó, Ngọc Đế sắc phong cho họ Mạnh làm người cai quản “Dậu khu vong đài” có các quỷ sứ giúp việc. Khi Điện thứ mười đã có quyết định là hồn sinh vào chỗ nào, địa vị ra sao…thì trước khi đi đầu thai, phải đến chỗ “Vong đài” này.

Ở đây, dùng các dược vật trên thế gian, bào chế thành một loại “như rượu, mà không phải rượu”, chia ra làm năm vị loại là : ngọt, đắng, cay, chua, mặn. Các hồn được chuyển thế, phải uống loại nước này, quên đi tất cả người và sự việc, cảnh giới của đời trước.Theo thứ tự trên mà quên đi nhiều hay ít, lâu hay mau, sâu hay cạn… tùy theo công phu tu hành và phước đức kiếp trước . Vì thế, khi con người sinh ra, có kẻ khôn người ngu, kẻ học một biết mười, kẻ học mãi chẳng nhớ. Cũng có những người “không học mà biết”, là do uống ít “thuốc quên” này vậy.

“Dậu Khu Vong đài” nằm phía trước Đệ Thập điện và bên ngoài của sáu chiếc cầu Nại hà. Đài to lớn khắp cả vùng đất. Số phòng có đến một trăm lẻ tám gian, hướng đông có con đường đâm thẳng vào, bề ngang hẹp chừng một thước bốn tấc (để các hồn chỉ có thể đi hàng một). Các hồn nam nữ được đưa vào từng phòng, mỗi phòng đều có bày sẵn năm thức uống nói trên, do nghiệp lực mà hồn cảm thấy khát nước nhiều hay ít, rồi uống nhiều hay ít. Hồn nào ương ngạnh không chịu uống, thì dưới chân xuất hiện một cái vòng khóa chân lại, trên cổ có một ống bằng đồng chặn vào cổ, bắt miệng phải há ra. Hồn đó chịu không nổi đau đớn, nên phải uống thật nhiều mới được tha.

Sau khi hồn uống xong, một quỷ sứ xuất hiện, dắt hồn vào con đường dẫn đến một chiếc cầu, bên dưới là một khe nước có màu đỏ như máu đang chảy xiết. Đứng trên cầu nhìn sang phía đối diện thấy một hòn đá đỏ lớn, trên có bốn hàng chữ, mỗi chữ lớn bằng cái đấu lâu, viết như sau:

Vi nhân dung dị, tố nhân nan,
Tái yếu vi nhân, khủng cánh nan.
Dục sanh phước địa, vô nạn xứ,
Khẩu dữ tâm đồng, khước bất nan

(Là người thì dễ, làm người khó,
Trở lại làm người, càng khó hơn.
Muốn sinh đất phước, không tai nạn
Miệng tâm một lòng, chẳng khó gì)

Lúc hồn đang đọc mấy hàng chữ này thì bên phía cầu bên kia, xuất hiện hai con quỷ lớn từ dưới rẽ nước bay lên. Một con đầu đội mão “ô sa”, mình mặc áo gấm, tay cầm giấy bút, vai mang đao bén, lưng có đeo hình cụ, trợn tròng cặp mắt, cười to ha hả. Quỷ này tên là “Hoạt Vô Thường”. Một quỷ nữa thì mặt mày đầy máu, mình mặc áo trắng, tay cầm bàn tính, vai vác bao gạo, trên ngực có dán tờ giấy, hai cặp lông mày nhăn lại, than dài thở vắn. Quỷ này tên là “Tử Hữu Phận” (chết có phần sẵn). Hai tên quỷ này nắm chân hồn lôi xuống dòng nước đỏ, tùy theo phước nghiệp mà đè xuống nông sâu. Nông thì tức là hồn được hưởng phước, sâu thì phải chịu đọa đày. Hồn lúc này ngơ ngơ ngác ngác, chẳng còn biết gì nữa, cứ lo ngóc đầu lên, thì trong chốc lát đã chui ra khỏi “tử hà xa” (bào thai, tử cung) của bà mẹ, khóc òa lên ba tiếng.

UỔNG TỬ THÀNH (thành trì giam những hồn bị oan uổng)

Đại Đế Phong Đô nói: “Uổng Tử Thành nằm về bên phải của Điện thứ mười. Thế gian hay lầm nghĩ rằng, những người bị tai nạn chết bất ngờ đều phải vào trong thành này. Nếu điều đó là thật, thì những người chết oan chết ức đều là người tốt hết cả sao ? Cho đến khi rất nhiều oan hồn chưa tiêu hết phẫn hận, thì những kẻ tự tử, những kẻ bị hại… vẫn còn đang chịu sự hình phạt trong các điạ ngục, chưa biết ngày nào được đi đầu thai.

Thực ra, vào trong thành Uổng Tử này, chỉ có những người trung hiếu tiết nghĩa, xả thân vì nước (tận trung báo quốc), hoặc thà chịu thiệt mạng để giữ lấy danh tiết (tử tiết thành thần), vì chết bất ngờ, nên chưa thẩm định kịp, phải tạm thời trú ở đây, chờ ngày đầu thai nơi phước địa, hoặc được phong thần. Như vậy, đây là nơi dành riêng cho những người tốt ở tạm chờ xét. Đó mới đúng là nghĩa của Uổng Tử vậy”.

HUYẾT Ô TRÌ (cái ao bị vẩn đục do máu)

Ao này nằm phía sau, bên trái của Điện thứ mười. Người thế gian hiểu sai về ý nghĩa của nơi đây, là do lúc trước một vị Đạo Cô đã giảng sai. Vị ấy nói, những người đàn bà trên thế gian khi sinh nở, máu huyết làm ô uế đất cát, nên phải mang tội, lúc chết bị đày xuống đây. Điều đó hoàn toàn không đúng.

Chỉ là trường hợp những người đàn bà khi sinh đẻ, bị trục trặc lâm nạn mà chết, vua Diêm Vương không xét tội của người chết mà thân thể đang ô uế, nên mới cho đến đây. Chờ cho đủ mười ngày, người ấy tỉnh táo, cho tắm gội sạch sẽ, thay quần áo mới, rồi mới cho lên điện để xét xử.

Còn về việc làm ra sự ô uế, nếu có, thì người sản phụ chỉ chịu bảy phần, còn người gia trưởng của nhà đó phải chịu ba phần, chứ không thể đổ hết tội lỗi cho sản phụ.

Có những kẻ có tính hiếu sát bừa bãi, lại bất cẩn để cho máu vương vãi, dính vào bếp Táo, nơi điện thờ thần thánh Phật, hoặc sách vở thánh hiền, kinh điển, hoặc bát đĩa ở bàn thờ, hay những kẻ phạm tội lừa gạt tình cảm của người khác…thì đều phạm tội. Những người này phải chịu sự hình phạt ở các điện về tội khác, xong rồi mới đến đây để chịu thêm hình phạt trầm mình dưới ao, không cho ngóc đầu lên.

Còn khi thấy người sắp chết không cứu, hoặc thọ ơn người mà đã không chịu đền đáp lại, còn tính kế mưu hại người làm ơn, thì cũng phải chịu tội ở ao này. Nếu chẳng may có thoát khỏi thì cũng trở thành: ly, mỵ, vọng, lượng, sơn yêu, mộc khách, thủy quái, cương thi (thây ma cứng biết đi), hồn vất va vất vưởng nay đây mai đó, hoặc nhẹ thì cũng bị gá tính linh vào những loài chồn, cáo, gấu, beo, cá sấu, rắn… hàng trăm năm.

Trường hợp những người vì chịu mệnh lệnh của nhà vua mà phải lên đường chinh chiến, bất đắc dĩ phải chấp hành, nhưng trong lòng không mong muốn. Trong lúc sung quân bất đắc dĩ đó, vẫn luôn thương yêu giúp đỡ bạn bè đồng đội, tránh bắn giết bừa bãi dân chúng vô tội …nếu chẳng may bị chết, thì được miễn những hình phạt ở các ngục. Đến điện thứ nhất xem xét nghiệp lực, rồi chuyển thẳng đến điện thứ mười, cho đi đầu thai vào nơi phước địa. Còn nếu lỡ vào quân ngũ mà lại bỗng dưng sinh tâm hiếu sát, bắn giết bừa bãi…thì khi chết xuống âm phủ, sẽ gia thêm hình phạt với thời gian gấp đôi.
Những biện sự về địa ngục, Diêm Vương, Thập điện Diêm La có phần nào mô phỏng hình ảnh quan nha trên thế gian. Các tranh vẽ, chạm khắc trên gỗ đá… miêu tả cảnh phạt tội ở địa ngục: địa ngục tăm tối, máu chảy, đầu rơi, các hình phạt kinh hồn… cốt không ngoài mục đích khuyến thiện răn ác, nhằm làm cho người đời thấy đó mà kiêng dè, thấy đó mà hướng thiện, nhắc nhở người đời phương châm đạo lý “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”. Ở góc độ hoằng pháp, các biện sự này là phương tiện của phương cách “Dĩ huyễn độ chơn”.

Tác giả : tổng hợp từ bài viết của tác giả PhanHong và Huỳnh Thanh Bình 

Nguồn : http://vnkatonak.com/
Tài liệu tham khảo
– Jonh Dowson, M.R.A.S: Clasical Dictionary of Hindu Mythology and Religion, Geography, History and Literature.
– Runco, New Deli, 2004. – Kinh Địa Tạng sách dịch: Tỳ kheo Thích Trí Tịnh. Thành hội Phật giáo TP.HCM, 1991.
– Hồi dương nhơn quả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.