Theo một bài báo mới đây của tác giả Martha Ann Overland đăng trên tạp chí Time với tựa đề “Nạn chép tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”, thì câu hỏi được đặt ra là bao nhiêu tranh và tượng trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Quốc gia Việt Nam là bản chính?

Đã có bàn tán từ nhiều năm nay là nhiều tác phẩm có giá trị của các nghệ sĩ Việt nam hoặc là đã bị thất lạc hoặc đã được bán đi và bản sao chép được đặt tại Bảo tàng.

Một điều hầu hết giới họa sĩ Việt Nam đều biết là trong thời gian chiến tranh, bộ phận Phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật chính là nơi sao chép tranh, một thực tế các viên chức bảo tàng cũ và đương thời đều công khai nói tới.

Nora Taylor, một sử gia về nghệ thuật và chuyên gia về các họa sĩ Việt Nam, người hiện đang dạy tại Viện Nghệ thuật Chicago, nói trên báo Time rằng những “bản chính” của bức Chơi ô ăn quan, mà một thời đã được treo tại Bảo tàng Mỹ Thuật, nay đang được treo tại cả Singapore và Nhật Bản.

choi-o-quan

Hiện có bao nhiêu bức ‘Chơi ô ăn quan’ của Nguyễn Phan Chánh?

 

Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho BBC Tiếng Việt biết hôm 05/04 rằng một số tranh, tượng sưu tập được trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật là bản sao chép và Hội Mỹ thuật Việt Nam đã chính thức đề nghị Bảo tàng Mỹ thuật chỉ trưng bày các bản chính.

Hai ví dụ tranh sao chép từng được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật nhưng không ghi rõ là tranh chép mà ông Trần Khánh Chương nhắc tới là bức ‘”Chơi ô ăn quan” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh và bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Tuy nhiên theo ông Chương, đề nghị này của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã được Bảo tàng Mỹ thuật thực hiện, do vậy phần lớn các tác phẩm trưng bày hiện nay tại Bảo tàng Mỹ thuật là bản chính.

Ông Chương giải thích thêm, việc trưng bày bản sao các tác phẩm nghệ thuật là do trước đây Bảo tảng không có nhiều các bản chính và một số tượng là bản sao vì bản chính là ở các chùa chiền, không thể lấy đi để đưa vào Bảo tàng được, tuy nhiên theo ông các trường hợp đó đều phải ghi rõ là bản sao.

Tổn hại :

Việc trưng bày bản sao/chép các tác phẩm lẫn với các bản chính đã làm ảnh hưởng tới giá trị toàn bộ bộ sưu tập của Bảo tàng.

“Tổn hại lớn nhất là nay Việt Nam bị mang tiếng xấu.” Theo Nora Taylor, Viện Nghệ thuật Chicago

Vẫn theo bài báo trên tờ Time, thì điều trớ trêu là việc Việt Nam sao chép các tác phẩm có giá trị lại bắt nguồn từ mục đích nhằm cứu di sản nghệ thuật của nước này trong thời gian chiến tranh.

Bài báo trích dẫn lời ông Nguyễn Đỗ Bảo, thuộc Hội Mỹ thuật Hà Nội, từng là nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật hồi năm 1966, nói: “Mỹ nói họ sẽ ném bom Việt Nam và đưa đất nước này trở lại thời kỳ đồ đá.” Để bảo tàng được mở cửa kể cả trong thời kỳ chiến tranh, thì các bản sao chép được trưng bày và bản chính được mang đi sơ tán.

Không phải tất cả các tác phẩm đều được trả về lại Bảo tàng sau chiến tranh. Hồ sơ, nếu có, thì đã bị mất. Trong trường hợp chính các nghệ sĩ vẽ lại tranh của mình thì cũng không còn biết đâu là bức chính và đâu là bức vẽ lại. Và tình hình còn tồi tệ hơn vào thời kỳ sau chiến tranh, văn hóa sao chép tranh tiếp tục.

Theo tác giả bài báo, bà Martha Ann Overland, việc Bảo tàng Mỹ thuật cho các nghệ sĩ đang bị túng thiếu mượn các tác phẩm của mình để vẽ lại và bán kiếm tiền đã làm cho vấn đề thật giả tồi tệ hơn. Liệu các họa sĩ trả lại bản chính hay bản sao chép? Và bà cũng đặt ra câu hỏi: Liệu nghệ sĩ vẽ lại chính tranh của mình thì đây có thể bị coi là tranh giả hay không?

Vào những năm 80, chính Bảo tàng Mỹ thuật còn lập ra một bộ phận chuyên sản xuất các bản sao chép có chất lượng cao để bán, tuy nhiên hoạt động này đã kết thúc vào những năm 90.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái, viết trong cuốn Con đường hội họa, có nhắc tới việc Bảo tàng Mỹ thuật – BTMT- có cả một dịch vụ sao chép tất cả những bức tranh nào ở trong bảo tàng nếu khách yêu thích và đặt vẽ giống y như vậy.

“Tôi đã được nghe chính nhà sưu tập Hà Thúc Cần khoe kể với tôi rằng ông ta đã đặt BTMT làm phiên bản tất cả những bức tranh quan trọng có trong BTMT (từ năm 1987) hệ quả đã xảy ra tiêu biểu nhất của vấn đề này chính là bức “Bến Phà ở Sông Đà ” của Bùi Xuân Phái mà ông Hà Thúc Cần đã dùng phiên bản này để tham gia bán đấu giá tại nhà bán đấu giá danh tiếng hàng đầu thế giới Christie’s vào tháng 10/1997 tại Singapore với giá bán là 47.000 USD,” họa sĩ Bùi Thanh Phương viết.

Tình trạng sao chép các tác phẩm nghệ thuật này đang làm hại tới chính thị trường mỹ thuật từng một thời kỳ khá “nóng” của Việt Nam.

Vẫn theo bà Nora Taylor, thuộc Viện Nghệ thuật Chicago, thì các nghệ sĩ trẻ sống bằng nghề sao chép tranh đang lo ngại rằng việc làm một thời đem lại lợi nhuận cho họ nay đang làm hại cho chính họ.

Thậm chí dù việc làm bản sao chép không phải với mục đích đánh lừa người xem, người mua, thì tình hình này cũng đã tồi tệ tới mức không bảo tàng danh giá nào muốn mượn các tác phẩm từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nữa.

Vẫn theo bà Nora Taylor, “Tổn hại lớn nhất là nay Việt Nam bị mang tiếng xấu.”

Giải pháp :

Hồi tháng Ba năm nay, Hội Mỹ thuật Việt Nam với sự hỗ trợ của Hiệp hội Phát triển bản quyền Na Uy đã tiến hành hội thảo “Bản quyền tác giả trong lĩnh vực mỹ thuật VN – thực trạng và giải pháp” diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới họa sĩ và các nhà phê bình mỹ thuật trong nước và cũng phản ánh một thực trạng khá bi đát trong việc bảo vệ tác quyền của các tác phẩm nghệ thuật.

Sau khi đã sống gần như trọn đời dưới chế độ do đảng Cộng sản chỉ đạo họ có thể vẽ gì và trưng bày ở đâu, thế hệ các nghệ sĩ cao tuổi giữ im lặng.

Nhưng các nghệ sĩ trẻ không còn nằm trong sự quản lý của nhà nước thì lên tiếng thúc giục Bảo tàng Mỹ thuật cần mời chuyên gia tới giúp phân loại bản chính và bản sao chép trong bộ sưu tập của mình.

Họ muốn Bảo tàng lên danh mục hồ sơ tranh và bỏ không trưng bày các bức sao chép hay nếu có thì cần ghi rõ như vậy.

Theo BBC.com

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.