Vào ngày 14 tháng 3 năm 2016, một nhà đấu giá có trụ sở tại Berlin đã chào bán bức tranh “Thuyền trên sông Hương”, được cho là do họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ. Bức tranh được đấu với mức giá khởi điểm dưới 1000 Euros và chốt ở giá 20.000 Euros. Bức tranh này sau đó được người mua bán lại trên sàn Christies vào ngày 10/05, chỉ 2 tháng sau đó.  Tranh được định giá nằm trong khoảng 400,000 – 550,000 đô la HongKong ($51,773 – $71,188) bởi một chuyên gia về nghệ thuật Việt Nam của Christies là Jean-François Hubert.

Vào thời điểm trước khi cuộc đấu giá xảy ra, NTX đã có một cuộc trao đổi rất lâu với ông Eric Chang chủ nhiệm của phiên đấu giá và chuyên gia Hubert về bức tranh này. Qua trao đổi, NTX khẳng định bức tranh Christie’s đăng bán là một bức tranh chép lại bức “Thuyền trên Sông Hương” hiện đang được treo tại bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Mặc dù bức tranh được chép rất cẩn thận, nhưng người chép tranh cũng để lại nhiều sai xót trong bức tranh chép trên. Tuy nhiên những ý kiến này đều bị phía Christie’s bác bỏ. Ông Eric Chang và chuyên gia Hubert sau đó đã có một cuộc viếng thăm bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Khi được hỏi ý kiến sau cuộc viếng thăm đó, cả hai ông cho rằng bức đăng bán tại Christie’s được chính tác giả chép lại.

Trong cuộc đấu giá, bức tranh được bán rất nhanh sau vài lần khớp lệnh, giá bán cuối là 437,500HKD  (khoảng 56,605 USD). Cũng rất đặc biệt tại thời điểm đấu giá bức tranh này, lần đầu tiên nhà đấu giá nêu địa điểm của người đấu, tranh được mua bởi một người đến từ Hà Nội, Việt Nam.

14352464_1829052840685793_1567094594176674208_o

Tranh “Thuyền trên Sông Hương”, 1935, được giao bán lần đầu tại Đức với giá 20.000 EUR. Tranh sau đó được bán lại trên sàn Christie’s bởi những người buôn tranh với giá 56,605 USD.

 

Theo một số tài liệu, bức tranh này được vẽ năm 1935 và từng được triển lãm trong cuộc triển lãm do SADEAI (Hội Chấn hưng Mỹ thuật & Kỹ nghệ) tổ chức. Họa sĩ Tô Ngọc Vân khi đó đã tham gia với một số tác phẩm về phong cảnh cố đô Huế, như: Lăng Tự Đức, Bức thư… và cả bức Thuyền trên sông Hương.

 

14435255_1829052567352487_752917910809242697_o

Bức tranh Thuyền trên Sông Hương, đang được treo tại bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

 

Cũng liên quan đến bức tranh này, NTX đã có một cuộc trao đổi với hoạ sĩ Nguyễn Đức Hòa trên FaceBook. Theo hoạ sĩ Đức Hòa thì bức tranh này tên quen thuộc là “Thuyền trên sông Hương” nhưng từng có người nhắc nhở rằng: Chính xác hơn thì cụ Vân vẽ ở sông Đông Ba (1 nhánh của sông Hương). Cụ đứng trên cầu sắt bắc ngang sông vẽ xuống nên mới có góc nhìn chúc xuống như thế này. Nay, nếu không nhầm, thì cầu sắt mới bị thay bằng cầu bê tông, nhưng vẫn ở vị trí cũ.

Và cũng theo hoạ sĩ Nguyễn Đức Hòa thì vấn đề Sưu tập tranh của cụ Tô Ngọc Vân có 1 số điểm cần chú ý :

Tạm chia làm 2 giai đoạn: trước 1946 và sau 1946. Sau ngày 19/12/1946 (Toàn quốc kháng chiến) cụ Vân và gia đình lên Việt Bắc mà không thể mang theo nhiều tài sản, trong đó có các bức tranh được. Vì thế, các bức mà cụ đã bán trước 1946 và phần còn lại ở nhà 104 Yết Kiêu bị mất hoặc vào tay các tư nhân sưu tập. Các bức quan trọng chủ yếu vào tay ông Đức Minh. Còn sau 19/12/46 thì cụ Vân vẽ trên chiến khu và gia đình giữ lại được hầu hết (mất tranh HN vùng đứng lên và affiche Giặc giết, hiếp vì bị phê phán thậm tệ nên cụ bỏ). 80% ký họa của cụ nay đã vào tay ô tỷ phú Thái Lan như ta đã biết.

Sau khi Bảo tàng MTVN thành lập (1966), nể cụ Nguyễn Đỗ Cung giám đốc, ông Đức Minh cho BT mượn những tranh quan trọng của TN Vân, Ng Gia Trí… treo và chép (ông Hồ Quảng chép bức Thiếu nữ bên hoa huệ, nay ô Quảng vẫn còn sống ở Khu tập thể Thanh Xuân. Thuyền sông Hương- thực ra là sông Đông Ba- cũng chép đợt này nhưng không rõ ai chép. Tuy nhiên mình không biết rõ cái tranh Thuyền sông Hương ở BTMT có phải là bản gốc hay không). Sau đó ông Đức Minh đòi lại tất cả các tranh đã cho mượn để xin nhà nước cho lập Bảo tàng tư nhân mà không được… Sau khi cụ Minh mất, các con đã giải tán đa phần bộ sưu tập, trừ phần giữ lại của Bùi Quốc Trí (sau cũng lần lượt …ra đi).

Các tranh và ký họa trên chiến khu của cụ Vân sau 1954 do cụ bà và thực chất do con trai là Tô Ngọc Thành giữ (vì ô Thành là con duy nhất theo nghề vẽ, được cụ bà ủng hộ).

Ngay cả cái nhà cụ TN Vân ở 104 phố Yết Kiêu sau 1954, khi cụ bà và các con trở về cũng đã bị 3 gia đình dân lạ vào ở. Cụ bà phải làm các loại đơn từ lên Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội (do bác sĩ Trần Duy Hưng làm chủ tịch) mãi mới được tp giải quyết bằng cách cấp nhà để 3 hộ dân kia ra đi và sau đó gia đình cụ Vân mới tiếp quản được nhà cũ (do Kiến trúc sư Nguyễn Cao luyên thiết kế trước 1945). Thế rồi đầu TK 21 nhà này cũng bán để chia gia sản…

Tranh sơn dầu trực họa Cụ Hồ ở Bắc Bộ phủ (khoảng tháng 5/1946) của cụ Vân thì tham gia bày ở Triển lãm MT toàn quốc 1946 và khoảng tháng 10/1946 thì chính phủ cho đóng gói 95% tranh lên gửi làng người Dao đỏ ở huyện Nguyên Bình. Năm 1947 Pháp càn qua làng và 80% các tranh mất tích. 20% còn lại dân giữ được nhưng năm 1954 khi ông Phan Kế An cùng công an huyện đến tìm thì đã mối mọt hết (nay ông An vẫn còn sống ở phố Thợ Nhuộm)… Vội vã vài dòng như vậy… khi nào có điều kiện sẽ viết lại chuẩn hơn, thông cảm nhé.

 

Anthony NGUYEN

Paris, 23 Dec 2016

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.