Thỉnh thoảng, có những giao dịch cao ngất trời trong thị trường nghệ thuật và số tiền liên quan có thể dễ dàng được tính bằng hàng chục triệu hoặc thậm chí hơn 100 triệu đô la Mỹ. Để bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng, các nhà đấu giá hiếm khi tiết lộ danh tính của người mua và người bán. Mặc dù điều này là một quy chuẩn trong ngành, nhưng nó cũng bị chỉ trích vì thiếu minh bạch và có khả năng trở thành một kênh để rửa tiền.
Quốc hội Mỹ mới đây đã chính thức thông qua một Đạo luật nhằm chống rửa tiền đối với giao dịch cổ vật và di tích văn hóa. Điều này có nghĩa là các trung gian như nhà đấu giá và đại lý đồ cổ cần phải tuân thủ luật và quy định chống rửa tiền qua ngân hàng, bao gồm phát hiện và ghi lại các giao dịch đáng ngờ, thậm chí xác định người mua thực sự, để ngăn chặn tội phạm che giấu danh tính của họ thông qua các công ty nước ngoài hoặc công ty bình phong.
Nếu không thực hiện điều này, một khi vi phạm xảy ra, các nhà đấu giá hoặc người kinh doanh đồ cổ sẽ phải đối mặt với những án hình sự.
Trump trước đó đã sử dụng quyền lực tổng thống để phủ quyết Đạo luật này nhưng quyền phủ quyết sau đó đã bị Thượng viện và Hạ viện lật ngược nên dự luật chính thức được thông qua.
Theo đạo luật này “Bất kỳ ai tham gia giao dịch đồ cổ, bao gồm cả cố vấn, chuyên gia tư vấn và bất kỳ người hành nghề nào trong lĩnh vực kinh doanh liên quan đến buôn bán đồ cổ” đều phải tuân thủ. Bao gồm ghi lại và báo cáo các giao dịch đáng ngờ, những người vi phạm sẽ phải đối mặt với hậu quả dân sự và thậm chí hình sự.
Đồng thời, dự luật bổ sung quy tắc mới “Công khai quyền sở hữu có lợi” (Beneficial Ownership Disclosure) để ngăn chặn tội phạm hoặc những người bị xử phạt che giấu các giao dịch thông qua các công ty nước ngoài hoặc bình phong. Điều này có nghĩa là các nhà đấu giá có trách nhiệm xác thực người mua thực sự và gửi thông tin đến Mạng lưới xử lý tội phạm tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính Mỹ để lưu trữ.
Theo dự luật này, các nhà chức trách có thể đặt ra các mức hạn chế khác nhau tùy theo quy mô, số tiền giao dịch và địa điểm giao dịch của công ty. Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tham vấn các công ty tư nhân, cơ quan thực thi pháp luật và công chúng về điều này.
Trong số nhiều hạng mục nghệ thuật, lý do tại sao cổ vật và di tích văn hóa trở thành mục tiêu đầu tiên của Đạo luật này cũng liên quan một phần đến Trung Đông.
Mọi người đều biết từ các bản tin rằng dưới sự hỗn loạn ở Trung Đông, các di tích lịch sử ở Syria, Iraq và các quốc gia khác đã bị cướp phá. Sau các cuộc điều tra của các cơ quan thực thi pháp luật địa phương, người ta phát hiện ra rằng các đồ cổ từ các di tích văn hóa liên quan thường chảy vào thị trường chợ đen, và các tổ chức khủng bố như ISIS thu lợi từ đó. Một số những cổ vật bị đánh cắp này đã chảy vào Hoa Kỳ, các giao dịch liên quan sẽ bị coi là một hình thức tài trợ trá hình cho bọn khủng bố.
Mặt khác, vấn đề buôn lậu đồ cổ vào thị trường nghệ thuật chính thống vẫn đang tồn tại. Ví dụ, vụ buôn lậu đồ cổ quy mô lớn trị giá 145 triệu đô la Mỹ liên quan đến nhà buôn đồ cổ Subhash Kapoor ở New York. Một số cổ vật liên quan đã bị thu giữ tại sự kiện của Tuần lễ nghệ thuật châu Á New York.
Tôi tin rằng tất cả những người kinh doanh đồ cổ đều đồng ý với mục tiêu “chống rửa tiền” của chính phủ, dự luật mới chắc chắn sẽ mang lại thêm chi phí hoạt động, nhưng trách nhiệm hình sự cũng gây áp lực lên ngành, đặc biệt là những người buôn đồ cổ vừa và nhỏ.
Randall A. Hixenbaugh là Chủ tịch Hội đồng Bảo tồn di sản Văn hóa Hoa Kỳ (ACPCP) và ông đã tham gia buôn bán đồ cổ hơn 25 năm. Ông tin rằng các giao dịch chợ đen đã bị phóng đại và hầu hết các giao dịch có giá trị lớn trong ngành đều thông qua các tổ chức tài chính và chúng đã được quản lý đầy đủ và không cần phải đưa ra các quy định mới.
Đối với các nhà đấu giá lớn, chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhiều để thích ứng với luật mới. Trước hết, họ có nguồn lực dồi dào và có thể phân công các bộ phận hoặc nhân viên chuyên trách giải quyết các vấn đề liên quan; thứ hai, Liên minh châu Âu đã thực hiện các quy định tương tự vào năm 2018, vì vậy các nhà đấu giá đa quốc gia có lẽ đã hiểu điều gì đang xảy ra.
Trong cuộc phỏng vấn, người phát ngôn của Christie’s, Erin McAndrew, tuyên bố rằng bộ phận quản lý của công ty đã tuân thủ các tiêu chuẩn chống rửa tiền của EU, rằng nhà đấu giá hàng đầu này hoan nghênh hợp tác với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để cùng chống lại các hoạt động rửa tiền trong thị trường nghệ thuật.
Mặc dù luật mới chỉ điều chỉnh giao dịch cổ vật và di vật văn hóa trong thời điểm hiện tại, nhưng có ý kiến cho rằng mục tiêu cuối cùng của các cơ quan chức năng là đưa tất cả các loại hình giao dịch nghệ thuật khác (như nghệ thuật hiện đại và đương đại, nghệ thuật cổ điển, v.v.) vào quy định.
Dự luật mới quy định rằng Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu “cách các giao dịch nghệ thuật có thể trở thành một kênh để rửa tiền và thậm chí là tài trợ cho khủng bố”, đồng thời cung cấp các đề xuất cho Quốc hội về “cách áp dụng các quy định chống rửa tiền cho thị trường nghệ thuật.”
Việc đưa ra các quy định ở Hoa Kỳ lần này liên quan nhiều đến một báo cáo điều tra của Thượng viện vào năm ngoái.
Báo cáo chỉ ra rằng sau khi các đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Putin, Arkady và Boris Rotenberg, bị Washington trừng phạt, họ đã che giấu danh tính của mình thông qua các công ty nước ngoài hoặc trung gian, và họ đã thành công trong bốn nhà đấu giá lớn (Sotheby’s, Christie’s, Phillips, Bonhams), các phòng trưng bày để mua các tác phẩm nghệ thuật, với số tiền ít nhất là 18,4 triệu đô la Mỹ.
Ví dụ, vào tháng 6 năm 2014, cả hai đã thương lượng với một nhà buôn tranh thông qua một công ty nước ngoài để mua bức tranh “La Poitrine” của René Magritte, một bậc thầy siêu thực, với giá 7,5 triệu đô la Mỹ. Tháng 5 cùng năm, thông qua nhà buôn nghệ thuật người Nga Gregory Baltser, tham gia đấu giá tại phiên “Nghệ thuật ấn tượng và nghệ thuật hiện đại” nhà Sotheby’s, và cuối cùng đã giành được 9 tác phẩm nghệ thuật với tổng giá trị 6,8 triệu đô la Mỹ, trong đó có tác phẩm của hoạ sĩ người Nga Marc Chagall.
Báo cáo không nêu đích danh những cá nhân, nhưng chỉ trích sự thiếu minh bạch và giám sát của thị trường nghệ thuật Mỹ đã dẫn đến những sơ hở như vậy.
Có thể thấy, sau khi các quy định về phòng chống rửa tiền trong giao dịch cổ vật, di vật văn hóa ra đời, rất có thể trong tương lai các loại hình giao dịch nghệ thuật khác sẽ được quy định để ngăn chặn sự lợi dụng của tội phạm. Còn về tác động thực tế của luật lên đấu giá cũng như với thế giới nghệ thuật thì theo thời gian sẽ biết.
Tác giả: Ken NG