Trong giám định nghệ thuật, đôi khi các kỹ thuật làm giả siêu đẳng vẫn có thể đánh lừa được những con mắt sành sỏi. vì thế, Sau hàng loạt những bê bối giả mạo khiến nhiều phòng tranh lâu đời lao đao, thậm chí đóng cửa, giới sưu tầm nghệ thuật đã bắt đầu tìm đến những nhà giám định ứng dụng khoa học công nghệ.

Việc chứng thực các tác phẩm là điều cần thiết bởi nó không chỉ làm thiệt hại tiền bạc người mua mà còn khiến lụn bại danh tiếng của các nhà sưu tầm, nhà đấu giá hay phòng triển lãm nghệ thuật. Sau những vỡ lở về tác phẩm giả mạo, nguy hại hơn công chúng có thể sẽ còn nghi vấn về tính chân thực của những tác phẩm khác trong cùng bộ sưu tập.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, giám định để chứng thực nguồn gốc một tác phẩm gây tranh cãi cũng có thể làm thay đổi giá trị tác phẩm. Bức tranh “Man Reading” của Viện Nghệ thuật Clark vốn được cho là do một trong những học trò của Rembrandt vẽ, sau khi được Ernst van de Wetering – học giả hàng đầu về bậc thầy hội họa Hà Lan này, khẳng định là tác phẩm gốc của Rembrandt, đã đạt mức giá kỷ lục mới. Rembrandt luôn luôn là tên tuổi đắt khách trên thị trường nghệ thuật: tác phẩm “Aristotle Contemplating the Bust of Homer” (ông vẽ năm 1653) là bức tranh đầu tiên trên thế giới vượt mốc một triệu USD khi được bán với giá 2,3 triệu USD vào năm 1961.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xác định nguồn gốc các tác phẩm nghệ thuật trước khi đưa lên sàn đấu giá, mới đây, nhà đấu giá Sotheby’s đã mua lại Orion Analytical, một công ty nổi danh về khả năng phát hiện tranh giả được James Martin thành lập vào năm 2011.

Martin không phải là cái tên xa lại với Sotheby’s bởi ông từng được nhà đấu giá này thuê giám định các tác phẩm trong nhiều thập kỷ qua. Gần đây nhất, ông đã giúp Sotheby’s giám định bức tranh “Portrait of the Man” giá mười triệu USD – được cho là của bậc thầy hội họa người Hà Lan Frans Hals (1582 -1666), là giả mạo (dĩ nhiên, số tiền này đã được hoàn trả cho người mua). Sau khi Sotheby’s mua lại Orion Analytical, James Martin được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc nghiên cứu khoa học của hãng đấu giá lớn này.

Martin nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học nghệ thuật với những kiến thức tích lũy trong suốt ba thập kỷ giảng dạy tại Viện Bảo tồn Getty, Đại học New York và Đại học Williams… Từng tiến hành hơn 1.800 cuộc điều tra theo đơn đặt hàng của các viện bảo tàng, phòng trưng bày, các công ty bảo hiểm và các nhà sưu tập tư nhân trên khắp thế giới, ông được biết đến như một chuyên gia hàng đầu về giám định và bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật. Ông chính là người đã phát hiện Knoedler&Company, một trong những phòng bán tranh lâu đời nhất nước Mỹ, đã tung ra thị trường 40 tác phẩm giả mạo tranh của các nghệ sĩ đương đại như Robert Motherwell, Mark Rothko và Jackson Pollock với tổng số tiền khoảng 60 triệu USD, trong đó, tranh nhái của Pollock được bán cho một nhà đầu tư mạo hiểm vào năm 2007 với giá 17 triệu USD. Khi tiến hành điều tra, Martin nhận thấy các màu vẽ được sử dụng trong tác phẩm bị nghi vấn là những chất liệu thậm chí còn xuất hiện sau 1956, năm họa sỹ Pollock qua đời. Vụ bê bối này đã làm uy tín của phòng tranh danh tiếng 165 tuổi này giảm sút và đột ngột đóng cửa vào năm 2011. Năm 2008, dựa trên kết quả nghiên cứu của công ty, Martin cũng khẳng định một kiệt tác được cho là của Robert Motherwell do Julian Weisman Fine Art bán có thể không phải là nguyên gốc. Phân tích một mẫu nhỏ trích từ rìa bức tranh, ông thấy tương tự như trường hợp tranh của Pollock: các màu vẽ xuất hiện 10 năm sau mốc hoàn thành tác phẩm. Cả hai phòng tranh đều mua phải các tác phẩm giả mạo từ Glafira Rosales, sau đó nhà phân phối này bị kết tội gian lận thuế và bán đồ giả.

Với những vụ “lẫy lừng” như vậy, Martin là gương mặt đáng chú ý trong lĩnh vực giám định nghệ thuật. Các chuyên gia khác có thể am hiểu về khoa học, hoặc có khả năng thẩm định nghệ thuật, nhưng không phải tất cả đều có được các kỹ năng như Martin. Ông vừa là một nghệ sĩ, một nhà bảo trợ nghệ thuật đồng thời là chuyên gia khoa học pháp y. Ông từng học các phương pháp hội họa cổ điển, sau đó có bằng cử nhân khoa học về mỹ thuật (studio art) chuyên ngành hóa học, và bằng thạc sĩ khoa học về bảo tồn nghệ thuật. Ông đã gia nhập Trung tâm Bảo tồn Nghệ thuật William Stown vào năm 1991 và rời đi năm 2000 để thành lập phòng thí nghiệm Orion Analytical.

Martin thường trực tiếp mang các mẫu vật cần kiểm định về phòng thí nghiệm của mình, nơi tràn ngập ánh sáng như một studio nghệ thuật nếu không tính đến hàng loạt kính hiển vi và quang phổ kế. Martin nhất định phải tự tay lấy mẫu thay vì chấp nhận mẫu khách hàng gửi đến, và ông cũng chỉ xử lý mẫu trong phòng thí nghiệm của mình để đảm bảo sự chính xác trong phân tích và có thể bảo quản mẫu tốt nhất.

Vậy bí quyết gì giúp Martin giám định được tác phẩm nghệ thuật? Thông thường, ông kiểm tra bề mặt mẫu vật với đèn huỳnh quang và tia cực tím để phát hiện sự hư hại, phai màu, sửa chữa… Sau đó, ông dùng ánh sáng hồng ngoại để tìm các dấu vết phác thảo, sửa đổi. Việc dùng kính hiển vi có độ phân giải cao giúp ông phát hiện các “vật liệu ngẫu nhiên” như các sợi và hạt trong không khí lẫn vào màu sơn.

Quang phổ kế Raman và hồng ngoại giúp Martin xác định vật liệu trên mẫu vật theo quang phổ và quang phổ hấp thụ. Nếu các quang phổ này phù hợp với các quang phổ của các vật liệu hoặc chất nhuộm đã biết, ông có thể biết được liệu tất cả các chất liệu trong tranh có phải đều đã được sử dụng trong bức tranh vào đúng thời gian nghệ sĩ còn sống hay không. Nếu một vật liệu được phát triển và sử dụng sau thời kỳ tác giả vẽ tranh chỉ xuất hiện trên bề mặt bức tranh thì vẫn được coi là hợp lý bởi vì có thể người bảo quản đã quét lên, nhưng nếu vật liệu ấy được tìm thấy ở bên trong các lớp màu thì rất đáng nghi.

Những kiến thức khoa học và nghệ thuật được tích lũy góp phần đưa Martin trở thành một trong số ít những người sẵn sàng thực hiện các vụ giám định giả mạo nghệ thuật độc lập. Đây là một việc làm khá rủi ro bởi lời tuyên bố tác phẩm là giả mạo sẽ kéo giá trị bức tranh xuống vô hạn và những người mua bán tranh đều sẵn sàng kiện những ai nghi ngờ nguồn gốc tác phẩm của họ. Không kể đến trường hợp bồi thường do thua kiện, chi phí để theo đuổi các vụ kiện cáo thường quá mức xoay xở của các học giả. Vì thế thông thường, dù có ý kiến về mức độ thật giả của tác phẩm, giới học giả và các quỹ nghệ thuật rất ít khi lên tiếng. Các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, khoa học nghệ thuật được khuyến cáo chỉ đưa ra ý kiến sau khi “nhận được yêu cầu bằng văn bản của chủ sở hữu tác phẩm” và “chủ sở hữu hứa hẹn bồi thường cho các học giả trước các thiệt hại pháp lý”.

Thanh Trúc (tổng hợp)

Nguồn tiasang.com.vn

Tư liệu tham khảo:

http://observer.com/2016/12/sothebys-hire-proves-art-world-is-serious-about-preventing-forgery-post-knoedler/; 
http://artnewengland.com/ed_picks/art-under-the-microscope-real-or-fake/; 
http://www.berkshireeagle.com/stories/clark-art-institute-may-have-real-rembrandt-painting-on-its-hands,353350

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.