Tạ Tỵ không còn nữa

Saturday, August 28, 2004

Nguyễn Mạnh Trinh

Mấy ngày hôm nay, bạn tôi, Tạ Kỳ Linh, đang ở Sài Gòn để lo tang lễ cho thân phụ của anh. Người cha kính mến của anh vừa từ trần là nhà văn/ họa sĩ Tạ Tỵ, một người đã góp công rất lớn cho văn học nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.

Không ngờ một câu nói trước đây của ông đã thành sự thực. Nếu có chết tôi sẽ trở về quê hương để gửi nắm xương tàn. Bây giờ, ông đã khởi hành vào chốn miên viễn hư vô. Chuyến song loan vừa rời bến nhân gian. Những bức tranh, những cuốn sách của ông vẫn còn đời sống, vẫn hiện hữu hàng ngày. Chỉ có điều, bây giờ không còn nữa hình dạng nhà văn, nhà họa sĩ nổi danh một thời nữa. Nụ cười đôn hậu, tiếng nói sang sảng, mái tóc bạc phơ, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Nhưng chắc chắn, sẽ chẳng bao giờ lãng quên trong lòng những người Việt Nam yêu nghệ thuật…

Với riêng tôi, ngoài tình văn nghệ, tôi còn là bạn của Linh, nên được ông coi như người trong nhà. Trong giới văn nghệ, cách xưng hô thông thường vẫn là anh và em. Nhưng tôi vẫn gọi bác Tạ Tỵ, dù cả những khi đang làm phỏng vấn. Tôi trước sau đã phỏng vấn ông bốn năm lần và lần nào cũng tìm thấy được sự hứng khởi của một người yêu và trân trong văn chương chữ nghĩa. Những buổi chiều, với máy ghi âm, tôi đã được nghe những kỷ niệm khắc sâu trong trí nhớ của một người có hơn nửa thế kỷ gần gũi với cọ sơn và bút mực. Những người bạn văn chương cùng thời được nhắc đến như một cách biểu lộ tình cảm của một tri kỷ với một tri kỷ. Và bàng bạc trên tất cả là nỗi niềm của những người đã trải qua nhiều biến cố của thời thế nhiễu nhương.

Tôi không thể nào quên buổi ra mắt sách đặc biệt của bác ở cà phê Factory. Với vị trí của bác trên văn đàn thừa sức để có một cuộc giới thiệu sách trọng thể. Thế mà, một buổi sáng chủ nhật, một lão trượng tóc bạc phơ ngồi ký từng quyển sách cho một hàng người xếp hàng trước mặt. Giản dị chỉ có thế nhưng tôi biết bác sung sướng lắm khi nói chuyện và quây quần với bọn trẻ. “Tuyển Tập Tạ Tỵ “là một cuốn sách gửi gấm nhiều tâm tư của bác cho đời sau, chủ quan riêng tôi nhận thức như thế.Tuy chưa đầy đủ hết cả những phần tinh lọc của sự nghiệp văn chương nhưng cũng chứa đựng những phần chính của bác. Tôi nhớ lại nụ cười hào sảng, nhớ đến nét chữ mạnh mẽ của một người họa sĩ thích viết văn làm thơ. Bây giờ, giở lại cuốn sách, còn thấy bùi ngùi. Những cuốn sách bác cho, vẫn còn nguyên trên kệ sách…

Hình như, trong trang sách có phần nào Tâm Sự. Ðọc lại bài thơ, tự nhiên một nỗi xúc động vỡ òa. Thân phận lưu lạc, cám cảnh cuối năm đầy những u uất thở dài. Tâm Sự là nỗi lòng của một người cầm bút lão thành cảm tác giữa những hờ hững của tình đời và tình người. Hình như còn mặn chát từng ý nghĩ:

 

“Ðất khách quê người ngày tháng hết

Ngang trời gió cuốn lá vàng bay

Ðã mấy Xuân rồi lòng vẫn lạnh

Vẫn buồn như buổi mới chia tay

Bằng hữu bây giờ xa vắng quá

Chả biết ân tình có đổi thay

Muốn viết cho nhau mươi hàng chữ

Mà sao nét mực lại hao gầy?

Tâm tư khắc khoải từng giây phút

Chập chờn ảo ảnh ở quanh đây

Những muốn quên đi cho đỡ khổ

Cầm bằng quá lỡ một cơn say

Nhưng ngựa đất Hồ nghe gió bấc

Lại hí vang trời nhớ cỏ cây..”

Một bài hành với phong vị độc đáo, nghe phảng phất nỗi sầu xa xứ và tràn đầy những phẫn hận của một thế thời trôi dạt. Hồi trước, có bài Hành Phương Nam của Nguyễn Bính, sau này có Hành Bốn Mươi của Thanh Nam ở hải ngoại. Bài Tâm Sự này cũng là một tiếng thơ độc đáo chất ngất nỗi niềm. Thơ như cơn gió bấc gợi lại tiếng hí ngựa Hồ. Quê cũ sao gần mà nghe xa ngàn dặm…

Thơ Tạ Tỵ còn được nhắc đến như những bài “Thương Về 5 Cửa Ô Xưa” hay “Những Con Ðường Hà Nội “mà tiếng nhạc phổ đã nối vòng tay truyền cảm đến tâm thức người nghe. Thế mà, nhiều lần, bác vẫn nghĩ rằng thơ và nhạc là hai phạm trù khác nhau. Nếu phối hợp lại, là một cuộc hôn nhân thất bại. Bây giờ, những bài nhạc phổ thơ như những nhan đề trên vẫn còn làm rung động tâm tư và có đời sống âm nhạc trường cửu.

Tôi thích những bức chân dung văn nghệ sĩ phụ bản của “Những Khuôn Mặt Văn nghệ Ðã Ði Qua Ðời Tôi”. 33 khuôn mặt, nhìn từ những góc cạnh mới lạ khám phá được những phần tiềm ẩn bên trong của nhân dáng con người. Dường như, là một cái duyên giữa người vẽ và người được vẽ thành những gì để lại cho đời sau. Tôi chợt nhớ đến câu nói của một anh bạn văn nghệ cùng thời. Lúc đó chúng mình in sách mà được nhà xuất bản An Tiêm của thầy Thanh Tuệ và có phụ bản chân dung do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ thì cuốn sách tăng thêm ngàn vạn lần giá trị. Thế mà, bây giờ chỉ trong vài ngày cả hai đã dắt tay nhau đi vào hư vô. Tháng tám, một cái tháng của chia biệt. Anh Ngô Mạnh Thu, thầy Thanh Tuệ, và bác Tạ Tỵ bây giờ không còn nữa để lại bao nhiêu là tưởng nhớ cho mọi người.

Bác Tạ Tỵ bắt đầu cầm bút từ năm 1950, trải qua bao nhiêu thời thế. Với lớp tuổi chúng tôi, những tạp chí văn học nổi danh một thời như Thế Kỷ, Ðời Mới, Nguồn Sống Mới và những tên tuổi như Trần Văn Ân, Hoàng Trọng Miên, Trúc Sĩ… tương đối xa lạ so với những tạp chí về sau như Sáng Tạo, Văn, Bách Khoa. Mà tôi là một đứa tò mò nên hỏi được từ bác bao nhiêu là điều thích thú. Ít có người có hành trình văn học dài như nhà văn Tạ Tỵ. Từ khi tiền chiến đến lúc vào vùng kháng chiến, rồi ở Hà Nội lúc về Tề, sau vào Nam đi Khóa 3 Sĩ Quan Thủ Ðức, kéo dài đến năm 1975, đi tù cải tạo rồi vượt biển sang sống ở xứ người, là cả một thời gian của châu báu trí nhớ. Bác đã viết rất nhiều về những thời kỳ ấy, phác họa một phần nào những góc cạnh lịch sử qua người và việc. Ðọc những “Mười Khuôn Mặt Văn nghệ Hôm nay”, “Phạm Duy, còn đó nỗi buồn”, “Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ”. “Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Ðã Ði Qua Ðời Tôi”, để thấy những ghi nhận phác họa là sâu sắc và đặc biệt. Lúc đó, họ đã sống và viết như thế nào.

Tù ngục Cộng Sản đã tạo nên rất nhiều tác phẩm trong đó có “Ðáy Ðịa Ngục” của nhà văn Tạ Tỵ. Chính cái giọng văn đầy cảm tính ấy đã làm sức quyến rũ cho những trang hồi ký cải tạo. Một thời đại tồi tệ của lịch sử với trại tù gân mấy trăm ngàn người. Dĩ nhiên, một sự thực có nhiều góc cạnh được nhìn ngắm từ vị trí mỗi người nhưng chính cái chủ quan ấy sẽ tạo thành giá trị cho tác phẩm.

Tôi nghĩ “Ðáy Ðịa Ngục” trung thực và có nhiều chi tiết tốt để nhìn ngắm lại về sau khi phác họa lại một thời đại.

Nói về hội họa, những bức tranh ký tên Tạ Tỵ bây giờ có giá trị rất cao trong những bộ sưu tập. Hình như tranh của bác được xác nhận từ chính quyền trong nước là tài sản quốc gia và không được quyền mang ra nước ngoài. Thời Việt nam Cộng hòa, có bức tranh mang giá cả triệu đồng, như bức tranh được hãng Shell mua lúc đó.

Bác mong muốn có một cuốn sách hội họa để đời và bạn tôi, Tạ Kỳ Linh và người em Tạ Cẩm Chương, khổ sở vì ước muốn ấy. Bao nhiêu công khó để thực hiện một Cd chứa đầy hình ảnh của những bức tranh tuyệt tác. Thế mà khi mang đi in thử ở hết nhà in này đến nhà in khác thì đều bị ông bố chê. Nào màu sắc không trung thực, nào lọc màu bị “defected”… Hai anh em muốn làm vui lòng người cha nhưng quá khó vì nghệ thuật được nâng lên tới mức khó thực hiện dù với kỹ thuật in ấn quá tiến bộ ở xứ sở này. Thế nên hồi ký “Cuộc Ðời và Hội họa” chỉ là tác phẩm “sẽ xuất bản” mà thôi. Nhưng biết đâu về sau, khi nhà họa sĩ tài ba mất đi, sẽ có một tác phẩm để đời sẽ in và những bức tranh sẽ là những món quà vô giá cho hậu thế.

Tôi gặp Linh hay hỏi về sức khỏe bác. Khi bác nằm trong bệnh viện Fountain Valley, hai vợ chồng tôi có vào thăm và bác tỏ ra rất lạc quan. Bác còn đùa là bữa nào về bác cháu sẽ nói về chuyên văn nghệ cả ngày cho đã. Và bác còn trách là bao nhiêu người muốn bác phác họa chân dung chỉ có tôi là né tránh không muốn cứ lười biếng không đến. Bây giờ tôi mới thấy tiếc. Không bao giờ, tôi có phác họa khuôn mặt mình từ nét cọ của bác nữa!!!

Khi biết bác trở về Việt Nam và đọc bài viết của nhà văn Văn Quang cùng với bức hình bác và nhà báo Phan Nghị, tôi nghĩ thôi cũng là một việc hay. Bác đã có ý muốn như thế thì chiều bác và biết đâu cuộc sống sẽ thoải mái hơn khi ở Hoa Kỳ. Nhưng tôi đâu biết đó là một cuộc sửa soạn để bác bắt đầu khởi hành một chuyến đi vĩnh cửu…

Hôm nay, chắc tang lễ bác đã xong. Tôi ngồi viết lại những ghi chép lộn xộn này như một nén nhang thơm thắp lên tưởng nhớ. Xa xôi, chúng tôi, những người bạn của Linh và Chương không thể về để đưa tiễn được. Nhưng chắc chắn cũng có những bạn cùng khóa với tôi và Linh đến để chia sẻ nỗi mất mát to lớn này… Cầu mong bác thong dong trên cao của cõi miên viễn an nhiên.

 

Nguyễn Mạnh Trinh

www.nguoi-viet.com

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.