Tạ Tỵ – Vườn Xưa Đã Khép

Văn Quang

(Viết ở Sài Gòn)

“Mời bạn hãy vào

* Cửa vườn tôi đã mở sau 5 năm trời khép kín – vườn của tôi sau khoảng thời gian giam cầm trong Suy Nghĩ, trong Dằn Vặt, trong Giận Hờn để tìm những cánh màu của tâm tư chắp nối lại và thêu dệt bằng Tin Tưởng, tạo thành một thế giới của Hình Thể, của Sắc Màu, qua bức tường vách ngăn của Lý Trí và Rung Động…”

(Tạ Tỵ 8-8-1956)

 

Đó là những hàng chữ mở đầu trong tập sách giới thiệu về triển lãm Tạ Tỵ 50-56 tại Sài Gòn mà tôi vừa tìm lại được.

Tôi muốn mượn chữ nghĩa của anh để nói về anh như một khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo vừa khép lại. Nó khép lại với anh, nhưng hương sắc của nó sẽ còn lại mãi mãi với thời gian, với con người. Nó chỉ có nghĩa là từ nay sẽ không còn bông hoa nào tỏa thêm một sắc hương nào nữa.

Nói về Tạ Tỵ, những người yêu nghệ thuật hội họa không còn xa lạ gì tên tuổi ấy trong nửa thế kỷ vừa qua. Anh không chỉ là một họa sĩ mà còn viết văn và làm thơ nữa, nhưng riêng tôi, không gọi anh là nhà văn hay nhà thơ bởi sự nghiệp vẽ tranh của anh đã lấn át hết những tài năng khác. Con người anh, tôi vẫn nhìn nguyên vẹn là một họa sĩ. Một họa sĩ rất hiếm hoi trong làng nghệ thuật hội họa ở VN. Tự anh đã đứng vững sừng sững với màu sắc, hình khối và tâm linh. Nhìn tranh của anh, không thể lẫn với bất cứ một bức tranh của một tác giả nào khác, không những chỉ có ở VN mà với cả thế giới bên ngoài.

Thời kỳ đầu mới vào nghề anh đã từng vẽ sơn mài, nhưng chỉ vài năm sau anh vẽ sơn dầu và có người xếp anh vào trường phái “lập thể”, cũng có người cho rằng anh thuộc trường phái “trừu tượng”. Nhưng dù trường phái nào thì tranh của anh chỉ thoạt nhìn cũng đã thấy nó vững vàng, khỏe mạnh, đặc sắc, riêng biệt mà chỉ có thể thấy ở Tạ Tỵ. Đó là cái nhìn rất thường tình của một người yêu và kính phục tài năng của anh như tôi.

 

Vài hàng tiểu sử

Vì thế ở đây tôi không nhắc lại chi tiết phần tiểu sử cùng những tác phẩm dù là trong văn chương hay hội họa của anh. Tôi chỉ xin tóm tắt rất ngắn gọn: anh tên thật là Tạ Văn Tỵ, sinh ngày 3-5-1921 (tức ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu tại Hà Nội). Về điểm này có nhiều nguồn tin cho rằng anh sinh năm 1922, nhưng tôi đã kiểm chứng lại với những người con anh, được biết trong giấy khai sinh của anh khai muộn mất một năm, đó cũng là chuyện thường thấy ở những vùng quê hay “thói tục” ngày xưa của các cụ nhà ta, mừng sinh con mà quên làm giấy khai sinh hoặc vì thấy nó cũng chẳng quan trọng gì nên để đó “bao giờ tiện thì làm cũng được”. Nên chính anh đã nói đúng năm sinh của mình và đã tính thành ngày giờ Âm Lịch. Anh tạ thế vào lúc 10 giờ sáng 24-8-2004 (tức ngày Thứ Ba, mùng 9 tháng 7 năm Giáp Thân) tại nhà riêng số 18/8 đường Phan Văn Trị, Q5, Thành phố Sài Gòn. Thọ 84 tuổi.

Anh được lệnh động viên vào Khóa 3 trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức và sau đó anh phục vụ hầu hết tại Tổng cục chiến tranh chính trị QLVNCH. Anh giải ngũ trước năm 1975, nhưng năm 1975 anh vẫn bị gọi đi “cải tạo”. Khi trở về Sài Gòn, anh vượt biên, định cư tại Hoa Kỳ. Trong thời gian ở nước ngoài, anh lại tiếp tục sáng tác. Cho đến năm 2003, sau khi vợ anh qua đời tại Mỹ, anh trở nên buồn chán và trở lại Sài Gòn sống với người con gái út của anh vẫn còn ở lại Sài Gòn từ sau năm 1975 đến nay trong căn nhà trước anh cùng gia đình đã sống.

 

Những ngày tháng 8 định mệnh

Cuộc triển lãm vào năm 1956 của Tạ Tỵ cũng vào tháng 8 năm 1956 tại Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên tôi được dự triển lãm của anh và cũng là thời kỳ tôi mới quen anh khi bắt đầu về Nha Chiến tranh tâm lý Bộ Quốc Phòng, hồi đó vừa được chuyển từ Nha Tác Động Tinh Thần ở đường Gia Long về đường Thống Nhất. Cơ sở còn chật chội, chỉ có một dãy nhà trệt, chia ra làm hai dãy chính và vài căn nhà phụ nhỏ hẹp. Nha CTTL cũng chỉ có vài Sở chia ra chừng hơn 10 phòng và nhân viên cũng chỉ có năm bảy chục người, kể cả “quan và lính”. Tôi về ban Báo chí làm việc cùng với Huy Sơn, Tô Kiều Ngân, Phy Phy (tục gọi là Phi chọi), Lý Quảng, Viêm Hồng.. trong hai tòa soạn báo Phụng sự và Quân Đội (sau đổi tên thành bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa). Vài năm sau có thêm Huy Vân, Tường Linh… Lúc đó anh Tạ Tỵ là trưởng phòng Hội họa, mang cấp bậc trung úy, nhưng so về tuổi tác và “thâm niên”, anh hơn tôi đúng một giáp (12 năm) và ra khóa trước, nên tôi vẫn coi anh như đàn anh, cả trong nghề nghiệp và trong đời thường.

Rồi cũng đến những ngày cuối tháng 8 năm 2003, tôi được tin anh về VN và đang nằm ở bệnh viện của Đại học Y dược thành phố. Tôi và Phan Nghị đến thăm anh. Vừa gặp tôi anh nhận ra ngay, nhưng Phan Nghị thì phải xưng tên anh mới nhận ra được. Những giọt nước mắt của anh chảy dài. Có thể nói anh là người rất “mau nước mắt”. Còn nhớ vào khoảng năm 1970, khi anh được lệnh giải ngũ, chúng tôi làm một bữa tiệc trà tiễn anh rời khỏi quân ngũ, khi nói vài lời giã biệt, nước mắt anh cũng chảy dài như thế. Và đến ngày 24 tháng 8 năm nay anh cũng bỏ chúng tôi ra đi. Phải chăng đó là những ngày cuối tháng 8 của định mệnh?

 

Hai con người trong một

Vào những năm 1956-1964, hàng ngày chúng tôi ở quá gần nhau nên thường xuyên gặp mặt, liên hệ công tác về hai tờ báo quân đội mà anh là người vẽ minh họa, gần như phụ trách phần trình bày cả hai tờ báo. Nhưng về cách sinh hoạt thì anh ít có dịp đi chung cùng với anh em. Những buổi sáng khi chúng tôi rủ nhau đi ăn bánh cuốn hoặc ra ngồi ở Givral cà phê thì anh vẫn chững chạc trong bàn làm việc. Ngay cả những chiều thứ bảy, Huy Sơn, Nguyễn Ái Lữ thường rủ tôi đi ăn đi nhảy cũng chẳng bao giờ “dám” rủ anh Tạ Tỵ vì anh sống rất mẫu mực. Hồi đó trong sở chúng tôi còn có cả các ông “chánh sở” như anh Phạm Xuân Ninh, Phạm Văn Sơn, anh Nguyễn Xuân Vinh (tức nhà văn Toàn Phong) mới đi du học ở Mỹ về cũng “tá túc” ở đó một thời gian ngắn trước khi về làm Tham Mưu Trưởng Bộ tư lệnh Không quân. Ở bên đài Phát thanh Quân đội có Vũ Quang Ninh, Vũ Đức Vinh (tức nhà văn Huy Quang) và những ca nhạc sĩ như Đan Thọ, Nhật Bằng, Văn Phụng, Canh Thân, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Vũ Huyến, Hoàng Hải… Tất cả hợp thành một khối, “chung sống hòa bình” và thân thiện.

Anh Tạ Tỵ có lối sống riêng, nghiêm khắc với chính mình và cả những người xung quanh. Từ trong gia đình đến trong công sở, cái gì cũng phải ngăn nắp, sạch bóng từ cái xe đến bàn giấy. Việc gì cũng phải trọn vẹn từ đầu đến cuối, cẩn thận từng chi tiết theo đúng ý anh không được sai sót. Anh có nguyên tắc sống và làm việc của mình và thực hiện những nguyên tắc chung cũng như thế. Nếu không hiểu anh chắc chắn có những nhân viên cảm thấy khó chịu. Đối với bạn bè, sự thân thiết cũng ở một mức độ nào đó. Dường như sau công việc ở sở, mọi suy nghĩ và thì giờ của anh đều dành cho hội họa. Việc viết lách làm thơ chỉ là sau những ngày giờ nhàn rỗi, cảm thấy hài lòng sau khi đã hoàn thành những tác phẩm hội họa. Tuy vậy anh cũng đã có những tác phẩm văn thơ xuất sắc, riêng tôi nhớ nhất bài thơ “Thương về năm cửa ô xưa” đã phổ nhạc, một thời lừng lẫy trên các đài phát thanh và đại nhạc hội.

Tạ Tỵ có hai tính cách khác nhau trong một con người. Một con người chi ly, cẩn trọng, tiết kiệm từng chút thì giờ, quý từng món đồ dùng thường ngày đến áp dụng nguyên tắc luật lệ như một cỗ máy. Một con người phóng túng trong màu sắc và bay bổng với những nét bút tài hoa trong từng bức tranh. Con người gần như khép kín ấy lại chan hòa tình yêu thương trong nghệ thuật như “tình yêu thương giữa con người với con người” mà anh đã mở lòng trong “Triển lãm Tạ Tỵ 1950-56”.

Tôi đã nhìn anh như thế trong suốt những ngày tháng tôi được hân hạnh quen anh và sống gần anh. Cứ cho là hơn mười năm, tôi quen anh, chỉ có vài lần cùng đi ăn với anh. Lần anh thăng chức đại úy, tôi không nhớ rõ vào năm nào, có lẽ là năm 61-62 gì đó, anh ôm vai tôi đưa xuống câu lạc bộ khao một chầu ăn sáng. Và nếu tôi nhớ không lầm một lần anh Cao Tiêu và anh Phan Lạc Phúc và tôi được anh mời đến nhà ăn cơm. Đó là sự “đãi ngộ” rất đặc biệt dành cho những người bạn mà anh thân quý. Một lần khác sau cuộc triển lãm anh đưa tôi và một hai người bạn nữa vào ăn chim bồ câu quay ở nhà hàng gọi là “nhà hàng ga xe lửa cũ” trong Chợ Lớn. Tôi nói như thế để chứng minh rằng anh rất ít hoang phí thì giờ vào những cuộc ăn chơi. Khó lòng mà rủ được anh đi phòng trà nghe nhạc chứ đừng nói đến những chuyện ăn chơi vô ích khác. Chị Tạ Tỵ lại là một mẫu người đàn bà chịu đựng rất giỏi, hết lòng vì chồng con, tôi chưa từng thấy chị đi cùng anh đến bất cứ nơi nào có hội hè đình đám. Có lần anh nói với tôi, chẳng hiểu anh nói chơi hay nói thật: “bà ấy chỉ may có hai cái áo dài nên không thiết đi đâu hết”. Anh Tạ Tỵ cũng là một mẫu người nghệ sĩ rất chung thủy, tôi chưa từng thấy anh có tình ý với bất kỳ một phụ nữ nào khác, mặc dầu bên cạnh anh không thiếu những “nữ độc giả” trẻ đẹp coi anh là thần tượng. Và trong những câu chuyện phiếm cũng rất ít khi tôi nghe anh nói về “đàn bà”. Con người của Tạ Tỵ là như thế.

 

Những ngày cuối cùng của Ta Tỵ ở Sài Gòn

Sau gần ba mươi năm xa cách, như trên tôi đã nói, một ngày cuối tháng 8 năm ngoái (2003), tôi được tin anh từ Mỹ trở lại Sài Gòn và có ý định ở hẳn lại đây. Tôi chưa tin hẳn, khi điện thoại tới nhà mới biết anh hiện nằm trong bệnh viện. Tôi rủ Phan Nghị tới thăm. Không ngờ đến hôm nay thì cả hai anh bạn tôi đã ra đi. Tôi có cảm tưởng như “họ” đã bỏ tôi lại một mình. Phan Nghị kém Tạ Tỵ 4 tuổi nhưng “đi” trước hai tháng, Tạ Tỵ đi sau và cuối cùng gặp nhau ở Bình Hưng Hòa. Lúc ở bệnh viện, anh bày tỏ ý định thật của mình sẽ ở lại Sài Gòn và hỏi chúng tôi: “ở đây sống thế nào?”. Phan Nghị cười: “Người ta sống được thì mình cũng sống được, chấp nhận một số điều kiện, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn”.

Một thời gian ngắn, sau khi ở bệnh viện ra, anh Tạ Tỵ gọi điện thoại cho tôi hỏi chỗ nào bán màu và bút vẽ chuyên nghiệp. Tôi rất mừng, hy vọng anh đã có thể làm việc lại được rồi. Anh nói còn một vài bức tranh để lại nhà, màu đã phai và xuống sắc hết rồi, phải làm lại. Tôi đi tìm chỗ bán đồ dùng cho những nhà họa sĩ chuyên nghiệp. Biết tính anh cẩn thận nên đến tiệm rồi, tôi điện thoại về nhà hỏi lại từng thứ màu, từng loại bút anh cần. Khi tôi mang dụng cụ đến, mắt anh sáng rỡ lên và gật gù: “để đó cho tớ khi nào hứng, tớ bắt đầu”.

Gần một tháng sau, tôi đến anh vẫn không nói gì đến chuyện sửa lại những bức tranh. Anh hỏi tôi “bức caricature tôi vẽ cho cậu hồi xưa còn không?”. Tôi lắc đầu: “đến vợ con nhà cửa còn mất, tôi chẳng còn cái gì cả”. Anh nhỏm dậy, có vẻ còn khó nhọc, vận quần áo đàng hoàng kéo tôi ra nhà ngoài, nhờ bác Tư – người săn sóc anh từ ngày anh về cho đến ngày anh ra đi- chuẩn bị giấy và bút chì. Anh ngồi ngắm tôi rồi bắt đầu vẽ. Nhưng tôi nhận thấy rất rõ sự chậm chạp trong tư thế và nét vẽ của anh. Nó khác hẳn với cái dáng vẻ phóng túng, nhanh nhẹn của anh vào năm 1957 khi anh vẽ cho tôi lần thứ nhất. Lần đó chỉ trong vài phút tôi đã thấy nét tài hoa rất Tạ Tỵ trên tờ giấy trước mặt. Trong “Phụng Sự Đặc san văn nghệ” xưa ra đời năm 1957, anh vẽ cho hàng chục anh em như Phạm Văn Sơn, Diên Nghị, Mạc Ly Châu, Huy Sơn… Mỗi bức vẽ của anh như một giây phút vui chơi, hứng thú song với tôi đó là một sáng tạo nghệ thuật. Có thể nhận định khó có ai sánh kịp với Tạ Tỵ về lối vẽ chân dung. Nhưng bây giờ cái nhìn của anh chắc cũng khác đi và bàn tay cũng đã không đi theo ý anh nữa. Một chút bùi ngùi xúc động dâng ngập khi tôi nhìn nét vẽ của anh trong những ngày tháng sau cùng này. Chính anh cũng không bằng lòng với mình nên ngay khi đó anh vẽ cho tôi bức caricature thứ hai. Anh ngắm nhìn rồi buông bút không nói lời nào. Làm sao mà hiểu hết được những gì anh đang nghĩ. Làm sao mà nói hết được những ẩn chứa sắc như dao trong lòng một người nghệ sĩ khi tuổi tác làm cho tài năng không phát huy hết được tinh hoa của mình. Tôi nghĩ đó là bức vẽ caricature cuối cùng của anh.

Một ước mơ không thực hiện được

Có lẽ chính vì thế nên dự định làm lại những bức tranh treo trong nhà của anh cũng không bao giờ thực hiện được nữa. Bệnh già càng làm anh suy yếu thêm. Những lần sau này tôi đến thăm, anh không nói về chuyện hội họa nữa mà nói về những cuốn sách anh đang đọc, anh đọc rất nhiều như một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hiện tại. Anh nói về cuộc sống ở Mỹ và những người bạn ở đó. Nhận xét của anh chín chắn, rất rõ ràng về từng con người, từng sự việc. Anh cởi mở hơn xưa nhiều và bằng lòng với đời sống hiện nay tại Sài Gòn.

Có lần anh nói với tôi: “Ở Mỹ, tớ chưa bao giờ được sống trong một căn phòng như thế này”. Tôi cho là anh nhún mình hoặc quá bằng lòng với những gì anh đang có. Người con gái út của anh đã chăm sóc anh hết lòng, thuê hẳn một người giúp việc cho bố ngày cũng như đêm. Anh sống trên lầu ba trong hai căn phòng rất đầy đủ tiện nghi. Một bên là phòng ngủ, một bên là phòng làm việc và tiếp khách. Bác Tư là người đã săn sóc anh trong suốt một năm cuối trong đời. Chỉ tiếc cho một ước mơ cuối cùng của anh không bao giờ thực hiện được. Những bức tranh cũ vẫn nằm trên tường, vàng vọt theo ngày tháng.

Anh là người rất kén ăn, không ăn thịt heo, thịt gà và cả thịt bò. Anh chỉ ăn chim bồ câu, sau này không ăn quay được thì nấu cháo nhừ và cua lột, tôm hấp. Hai tháng cuối cùng anh bị té từ trên giường xuống sàn nhà. Từ đó anh không đi lại được nữa và sức khỏe của anh suy sụp nhanh hơn. Mới thứ sáu tuần trước đây thôi (20-8-2004) anh còn gọi điện thoại cho tôi hỏi thăm về nhà cửa và cảm ơn về chuyện tôi cho người mang cháo sang cho anh. Anh đòi cảm ơn “bà xã cậu chứ không phải cậu”. Anh rất cẩn thận, mỗi lần mang cho anh tô canh anh cũng phải cảm ơn bằng được người đã đích thân nấu canh cho anh và dặn người nhà nhớ mang trả lại cái cà men nhựa. Cho anh mượn cuốn sách, anh xem xong gọi tôi sang nói chuyện về cuốn sách đó và gói ghém rất đàng hoàng đưa trả tận tay. Lúc này anh rất mong được gặp bất cứ ai trong số những người quen cũ.

Nhưng hai hôm sau cùng thì anh nói gì trong điện thoại tôi nghe không rõ nữa. Bác Tư phải “thông ngôn” lại tôi mới hiểu anh nói gì. Nhà tôi sang nhà anh rất gần chỉ cách có một cái ngã tư. Anh hứa hôm nào khỏe sẽ sang nhà tôi ngồi ăn cơm với các bạn bè cũ. Nhưng rồi chẳng bao giờ anh sang được.

 

Mười phút trước khi anh ra đi

Đúng 6 giờ sáng ngày Thứ Ba 24-8 vừa qua, người điện thoại báo tin cho tôi anh Tạ Tỵ mất lại là anh Phan Diên từ Mỹ gọi về. Tôi bàng hoàng trước nguồn tin này vì không lẽ anh mất mà người nhà anh không cho tôi biết? Tôi vội vàng báo tin cho vài người bạn rồi phóng sang nhà anh. Lúc đó các con từ Mỹ đã về Việt Nam đầy đủ. Nhưng anh vẫn còn nằm đó thở bằng bình oxy, không biết gì nữa. Chiếc máy laptop để bên đầu giường rỉ rả những câu chuyện cũ. Hoàng Song Liêm, Nguyễn Quốc Thái rồi vợ chồng Đằng Giao cũng đã có mặt. Lúc đó gia đình anh cũng đã lo mọi chuyện lễ tang chỉ chờ giờ phút anh ra đi mà thôi. Chúng tôi đến bên anh, ai cũng biết đó là lúc cầm tay anh và nhìn anh lần cuối.

Tôi ra về, điện thoại sang Mỹ báo tin lại cho các anh Thái Thủy, Vũ Đức Vinh và Phan Diên về nguồn tin ở Mỹ chưa đúng hoàn toàn. Nhưng chỉ mười phút sau đó gia đình anh cho tôi biết đúng 10 giờ sáng anh đã ra đi. Tôi lại phải điện thoại lại báo tin cho các bạn ở nước ngoài. Theo như dự định gia đình anh sẽ quàn anh một ngày tại chùa Xá Lợi, nhưng sau đó lại quàn linh cữu anh ở nhà. Hôm sau, hầu hết bạn bè anh còn ở lại Sài Gòn đều có mặt. Trong số hàng trăm vòng hoa của thân hữu ở VN, tôi thấy có vòng hoa của anh Đinh Cường từ Virginia đưa đến và một vòng hoa của Hội Nghệ Thuật thành phố Sài Gòn.

Cho đến 9 giờ sáng ngày 26-8 đưa anh đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Buổi đưa tiễn anh có rất nhiều những khuôn mặt thân quen của anh từ xa xưa. Ông Mạnh Đan râu bạc như cước, anh Lê Cao Phan cũng đã 82 tuổi rồi song còn khỏe mạnh, lớp người trên 70 như Hoàng Song Liêm và tôi hoặc kém một chút như Dương Nghiễm Mậu, Hoàng Vũ Đông Sơn… trong cái “đám” này được coi là còn “trẻ”.

Vĩnh biệt Tạ Tỵ, một họa sĩ tài hoa. Sự ra đi của anh là một mất mát lớn lao thực sự cho làng hội họa, ở VN không dễ gì có được một nghệ sĩ rất đặc biệt như Tạ Tỵ.

 

Văn Quang

Tháng 8/2004

Nguồn: http://lenduong.net

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.