Năm 2020 là một năm đầy khó khăn cho nước Pháp do dịch covid gây ra, các cuộc đấu giá tại đây bị trì hoãn liên tiếp do các quy định về giãn cách xã hội, tuy nhiên thị trường Nghệ Thuật tại Pháp vẫn sôi động với nhiều tác phẩm quí giá triệu đô đã được bán, chứng tỏ sức mạnh của thị trường Nghệ Thuật Pháp và khả năng thích nghi của các nhà đấu giá thông qua phương thức bán hàng trực tuyến.
Năm 2020 cũng là năm các tác phẩm Châu Á lọt vào danh sách tác phẩm đắt giá tại Pháp nhiều nhất. Trong danh sách 10 tác phẩm đắt giá nhất đã có tới 5 tác phẩm Châu Á, trong đó có 4 tác phẩm đến từ Trung Quốc và 1 tác phẩm từ Việt Nam.
- Hai album trong bộ Vĩnh Lạc đại điển.
Vào ngày 7 tháng 7, nhà đấu giá Beaussont Lefèvre đã thực hiện, từ Paris, cuộc đấu giá tốt nhất trong năm với hai album từ bộ bách khoa toàn thư lớn nhất thế giới (Vĩnh Lạc đại điển) được gõ búa với giá 8,188 triệu euro.
Vĩnh Lạc đại điển là một bộ bách khoa toàn thư của Trung Quốc được biên soạn theo lệnh Minh Thành Tổ từ năm 1403 đến năm 1408. Đây là một trong những bộ bách khoa toàn thư đầu tiên trên thế giới và cho đến nay đây vẫn là một trong những tác phẩm đồ sộ nhất của thể loại này.
Theo lệnh của hoàng đế Minh Thành Tổ, ban đầu khoảng 147 người làm việc dưới sự giám sát tu sửa của Nội các Đại học sĩ Giải Tấn và vào năm 1404 đã hoàn thành với tên gọi là Văn hiến tập thành. Sau khi xem xét, Minh Thành Tổ cho rằng phần lớn chưa hoàn chỉnh nên năm 1405 ông lại ra lệnh cho Thái tử Thiếu phó Diêu Quảng Hiếu, Lễ bộ Thượng thư Trịnh Tứ, Hình bộ Thị lang Lưu Quý Trì, Giải Tấn cùng trên hai nghìn học giả làm việc từ năm 1405 tới năm 1408 để tập hợp hơn 8.000 văn bản thuộc nhiều thời kỳ của lịch sử Trung Quốc. Các văn bản này đề cập tới đủ mọi lĩnh vực từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội cho đến nghệ thuật và tôn giáo cũng như các văn bản ghi chép lịch sử. Bộ sách được hoàn thành năm 1408 tại Nam Kinh Quốc tử giám (南京國子監) với tổng số 22.877 (hoặc 22.937) cuộn được chia thành 11.095 tập với 50 triệu chữ và chiếm thể tích khoảng 40 mét khối. (theo wikipedia)
Do kích cỡ quá đồ sộ nên Vĩnh Lạc đại điển chỉ có một bản duy nhất mà không được khắc in. Tới năm 1557 thời Minh Thế Tông, bộ sách suýt bị hỏa hoạn trong Tử Cấm Thành thiêu hủy vì vậy Vĩnh Lạc đại điển được chép thêm một bản theo lệnh của hoàng đế nhà Minh. Trải qua nhiều biến loạn lịch sử, đặc biệt là sự kiện Liên quân tám nước tấn công hoàng cung nhà Thanh trong thời gian phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, Vĩnh Lạc đại điển bị hủy hoại phần lớn và cho tới nay người ta chỉ còn lưu giữ được khoảng chưa đầy 400 tập của bộ sách này. Bộ sưu tập trọn vẹn nhất các tập Vĩnh Lạc đại điển hiện được cất giữ tại Thư viện Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh. Năm 1962, một phần của bộ sách gồm 109 tập đã được xuất bản. (theo wikipedia)
2. Bình sứ xanh trắng « Bianhu » thời Càn Long được gõ búa 4,937 triệu Euros
Chiếc bình sứ xanh trắng này, được nung trong lò ngự thời Càn Long (1735-1796), đã được bán với giá 4,937 triệu euro dưới sự điều hành của Olivier Clair vào ngày 7 tháng 3 ở Bourges. Bình xanh trắng với hoạ tiết rồng hoàng gia quý hiếm, nó đến từ bộ sưu tập của một gia đình doanh nhân Pháp và được một nhà sưu tập Trung Quốc mua lại.
3. Bình hình “đèn lồng” thời Càn Long được bán với giá 4,454 triệu euro
“Một tác phẩm hội hoạ trên sứ” theo nhận xét của người điều hành phiên đấu Théo Lavignon của nhà đấu giá Nghệ thuật Rémy Lê Fur. Chiếc bình này được sản xuất vào thời kỳ Càn Long (1736-1795), được nhà đấu giá định giá trong khoảng 800.000 tới 1,2 triệu euro. Sau nhiều lần trả giá, chiếc bình đã được bán cho một nhà sưu tập với giá chốt hơn 4 triệu Euro. Bình cao 50 cm, được vẽ bởi những người thợ cung đình tay nghề cao, với kỹ thuật tráng men tinh xảo, cùng với những chất liệu quý được sử dụng như vàng. Thông qua nhãn còn gắn trên bình, người ta cho rằng chiếc bình từng được tặng cho Từ Hi Thái hậu như một món quà sinh nhật.
4. Một tấm ngà voi khắc thời Carolingian được đấu giá 3,6 triệu euro
Vào ngày 22 tháng 11 tại Enghien-les-Bains, một tấm khắc bằng ngà voi thời Carolingian này đã được bán với giá 3,6 triệu euro, dưới sự điều hành của nhà đấu giá Isabelle Goxe và Laurent Belaïsch. Tấm ngà voi này được dùng như một phần bìa một cuốn kinh thánh. Một tác phẩm hiếm có của trường phái Metz, được điêu khắc vào cuối thế kỷ thứ 9 về chủ đề Chúa Kitô vào Jerusalem.
Được giữ trong cùng một gia đình qua nhiều thế hệ, tấm trạm khắc ngà voi này rất hiếm; nó vẫn trong tình trạng tuyệt vời và có kích thước lớn, độ phẳng đẹp, cho thấy rằng nó được tạc từ ngà voi khá lớn. Một cuộc kiểm tra carbon-14 với độ tin cậy cao nhất cho thấy tấm ngà có niên đại vào khoảng từ năm 688 đến năm 884, tức là dưới triều đại của các vị vua Carolingian. Thời điểm, chúng ta chứng kiến sự hồi sinh của tác phẩm điêu khắc bằng ngà voi.
5. Một chiếc bình sứ tráng men từ thời Càn Long được bán với giá 2,47 triệu euro
Được ước tính từ 600.000 đến 800.000 euro, chiếc bình có niên đại từ thời Càn Long này đã tăng vọt lên 2,47 triệu euro vào ngày 16/6 tại Paris, trong một cuộc đấu giá do nhà Ader tổ chức. Với lối trang trí hiếm hoi lấy cảm hứng từ hội họa châu Âu thế kỷ 18, đồ sứ đã được một nhà sưu tập Trung Quốc mua được.
6. Một kỷ lục mới cho tranh tĩnh vật của Alexandre-François Desportes được đấu giá 2,029 triệu euro
Bức tranh có chữ ký của bậc thầy tranh tĩnh vật Alexandre-François Desportes (1661-1743) đã tăng vọt lên hơn 2 triệu euro vào ngày 19 tháng 9 tại Bordeaux, tăng cao gấp 10 lần so với giá ước lượng 200.000 EUR. Một kỷ lục mới đã chứng minh kiệt tác này đặc trưng cho sự hồi sinh của nghệ thuật dưới thời Nhiếp chính Philippe d’Orléans.
7. Một chiếc đồng của Ponce Jacquiot được Bảo tàng Louvre mua với giá 1,46 triệu euro
Trong một cuộc mua bán do nhà Beaussant Lefèvre tổ chức vào ngày 9 tháng 6, Bảo tàng Louvre đã sử dụng quyền ưu tiên của mình để mua được chiếc đồng có từ thế kỷ 16 tượng trưng cho La Tireuse d’épine và ký tên Ponce Jacquiot (1515- 1570), nhà điêu khắc người Pháp duy nhất được nhà sử học Giorgio Vasari trích dẫn. Được bán với giá 1,46 triệu euro, bức tượng lớn này trước đó thuộc về một gia đình Paris và được giữ bởi 5 thế hệ của gia đình này.
8. Tác phẩm đắt giá thứ hai của Lê Phổcó giá 1,164 triệu euro
Ngày 6 tháng 10, tại Paris, Maison Aguttes đã ghi kỷ lục thế giới thứ hai cho hoạ sĩ Việt Nam Lê Phô (1907-2001) với một tác phẩm mực và bột màu trên lụa, Jeune fille aux peonies , được bán với giá hơn một triệu Euro. Cuộc mua bán dành riêng cho các họa sĩ châu Á này đã thu hút những người đấu giá từ khắp nơi trên thế giới và đạt tổng giá trị đấu giá là 3,78 triệu euro.
9. Một bức tranh của Max Ernst được bán với giá 1,06 triệu euro
Tác phẩm sơn dầu này của Max Ernst (1891-1976), mang tên Forêt và ngày 1927, đến từ bộ sưu tập của những hậu duệ của Henri Creuzevault, một người bạn thân của nghệ sĩ, người đã tổ chức một cuộc triển lãm quan trọng cho ông trong phòng tranh ở avenue Matignon vào tháng 1 năm 1958. Tác phẩm này của họa sĩ theo trường phái siêu thực đã tìm được người mua với giá hơn một triệu euro vào ngày 20 tháng 11 trong một cuộc đấu giá do nhà Baecque et Associés tổ chức tại Paris.
10. Một chiếc cello hiếm của Gennaro Gagliano được bán với giá 868.000 euro.
Chiếc cello trong tình trạng đặc biệt này đã được đấu giá 868.000 bởi Etienne Laurent vào ngày 3 tháng 12 tại Vichy. Sản xuất tại Naples vào khoảng năm 1756, trên nhãn của chiếc Cello có đề cập đến “Januarius Gagliano”, một thợ làm đàn nổi tiếng nhất của Neapolitan trong thế kỷ 18 và 19. Đáng chú ý về khả năng thực hiện kỹ thuật và tính thẩm mỹ của nó, cây đàn thuộc về Sir John Barbirolli, một nhạc trưởng nổi tiếng, người bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nghệ sĩ cello.
Phạm Giang
(dịch và tổng hợp)