Trong một bài viết thú vị trên blog cá nhân của mình, nhà sử học chuyên nghiên cứu về Việt Nam thuộc trường Đại học Hawaii (Mỹ), ông Liam Kelley, đã trình bày một phát hiện thú vị liên quan đến vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử triều Nguyễn của Việt Nam, vua Tự Đức, và về một cuốn sách kinh điển về luật quốc tế mà có lẽ chính là cuốn sách luật học phương Tây đầu tiên được đưa vào Việt Nam.
Phát hiện về một vua Tự Đức với tinh thần “cải cách”
Theo nhà sử học Liam Kelley, trong các nghiên cứu viết lách bằng tiếng Anh về lịch sử Việt Nam, vua Tự Đức thường được cho là vì quá bảo thủ mà dẫn đến mất nước vào tay người Pháp.
Nhiều nghiên cứu cho rằng vua Tự Đức vì quá khăng khăng bám vào truyền thống Nho giáo của Việt Nam nên không nhận ra rằng phải tiếp thu văn hóa kiến thức từ phương Tây để canh tân đất nước, theo kiểu Minh Trị Duy Tân kéo dài từ năm 1868 đến năm 1912 ở Nhật Bản.
Thực ra không chỉ các nguồn tiếng Anh mới có ấn tượng như thế về vị vua có hơn 35 năm trị vì Việt Nam. Những ai đã từng học lịch sử trong cấp phổ thông tại Việt Nam chắc hẳn cũng đã biết về vua Tự Đức như là người đã ngả theo phe bảo thủ trong triều đình mà từ chối các đề nghị canh tân đất nước của những vị quan có tầm nhìn xa và đã từng ra nước ngoài như Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản, và Phạm Phú Thứ.
Như vậy, trong phần nhiều các nghiên cứu lịch sử và có lẽ cả trong tiềm thức chung của nhiều người Việt, vua Tự Đức hiện lên như một nhân vật phản-Minh-Trị. Theo đó, ông là người đã đóng vai trò lớn trong việc làm Việt Nam thế kỷ 19 “mãi không chịu phát triển” và do vậy, thay vì bay cao bay xa như Nhật Bản, lại mất chủ quyền vào tay người Pháp.
Theo nhà sử học Liam Kelley, có lẽ hình ảnh nói trên về vua Tự Đức có phần không công bằng. Lý do là lúc sinh thời, vua Tự Đức đã có một số động thái nhất định hướng đến tiếp thu văn hóa phương Tây để cải cách đất nước.
Từ các tài liệu triều đình Huế bằng cổ văn tiếng Hoa, ông Kelley tìm được hai trường hợp vua Tự Đức ra lệnh phải in bản tiếng Hoa của một số sách kinh điển về khoa học, kỹ nghệ phương Tây cho quan lại và sĩ tử trong nước đọc, một lần vào năm 1879, và một lần vào năm 1881.
Trong cả hai lần ra lệnh đó đáng chú ý là đều có tên một cuốn sách: “Vạn Quốc Công Pháp” (萬國公法). Cuốn sách đó chính là bản dịch tiếng Hoa từ cuốn sách “Các yếu tố trong luật quốc tế” (Elements of International Law) xuất bản lần đầu năm 1836 của luật gia người Mỹ Henry Wheaton.
“Vạn Quốc Công Pháp” được dịch sang nhiều thứ tiếng, bao gồm tiếng Hoa năm 1864, và tiếng Nhật năm 1876. Cuốn sách này có vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng vì nó được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận là đã có những đóng góp rất sâu sắc vào sự chuyển biến tư tưởng của giới tinh hoa cầm quyền tại hai đất nước là Trung Hoa và Nhật Bản.
Vậy cụ thể “Vạn Quốc Công Pháp”, hay “Elements of International Law”, nói gì? Và có đúng là cuốn sách này đã có thể góp phần thay đổi vận mệnh lịch sử đáng thất vọng của Việt Nam?
Henry Wheaton và “Elements of International Law”
Henry Wheaton (1785-1848) tốt nghiệp đại học ở Mỹ trước khi sang Pháp và Anh để học luật. Ông về nước làm luật sư, rồi sau đó được bổ nhiệm vào chức phụ trách biên tập và xuất bản các phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Sau đó, Wheaton trở thành một nhà ngoại giao và có nhiều đóng góp lớn trong vai trò đại sứ Hoa Kỳ tại Đan Mạch và Phổ.
Cuốn “Elements of International Law” của Wheaton không đầy 400 trang và được chia làm bốn phần:
- Phần Một – Dẫn nhập: giới thiệu về các chủ đề và các nguồn của luật quốc tế, và về các quốc gia có chủ quyền;
- Phần Hai – Các quyền tuyệt đối của các quốc gia có chủ quyền (quyền tự bảo vệ, quyền tài sản, quyền độc lập tự chủ, v.v.);
- Phần Ba – Các quyền quốc tế của các quốc gia trong tình trạng quan hệ hòa bình (quyền giao thiệp ngoại giao, ký kết công ước, v.v.); và
- Phần Bốn – Các quyền quốc tế của các quốc gia trong tình trạng quan hệ thù địch (các quyền trong chiến tranh quốc tế).
Wheaton giải thích trong phần quảng cáo cuốn sách rằng mục đích của ông là tạo ra được một cuốn cẩm nang cơ bản cho những người làm công tác ngoại giao hay các chức sắc khác, chứ không đơn thuần là cho các luật sư.
Cuốn sách đã nhanh chóng được đón nhận và đánh giá cao không chỉ trong giới ngoại giao chuyên nghiệp. “Elements of International Law” nhiều lần được bổ sung và tái bản trong các thế kỷ 19 và 20 bởi nhiều luật gia đời sau Wheaton.
Năm 1906, Quỹ vì Hòa bình Quốc tế của Viện Carnegie (Mỹ) đã công bố một danh sách gồm 40 cuốn sách được xem là kinh điển trong ngành luật quốc tế. Nằm trong số 40 cuốn sách từ nhiều quốc gia đó, chỉ duy nhất “Elements of International Law” là đến từ nước chủ nhà Hoa Kỳ.
Từ nội dung cuốn sách, có thể thấy là Wheaton đã hoàn thành khá tốt mục đích viết sách của mình. Cuốn sách cho dù không đưa ra được một lý thuyết luật pháp quốc tế nào mới nhưng khá khái quát và dễ hiểu, tiện dụng cho các nhà ngoại giao.
Quan điểm về luật quốc tế của Wheaton không quá khác biệt với người thầy mà ông liên tục nhắc đến trong cuốn sách, luật gia huyền thoại người Hà Lan Hugo Grotius (1583-1645).
Cho dù là một người theo chủ thuyết luật tự nhiên mang màu sắc tôn giáo (natural law – xem luật pháp đến từ chúa trời), các nghiên cứu về luật quốc tế của Grotius cho thấy một mức độ linh hoạt thoát ra khỏi phạm vi thuyết luật tự nhiên.
Cụ thể, Grotius cho rằng mỗi quốc gia là một chủ thể có chủ quyền riêng (sovereign), luật quốc tế theo đó phải là một thứ “luật tự nguyện” (voluntary law) và nhất thiết phải được xuất phát từ ý chí tự do của con người.
Đi theo một hướng triết học pháp lý mang màu sắc chủ nghĩa thực chứng pháp lý (legal positivism – xem luật pháp đến từ con người, xã hội, chứ không phải chúa trời), Grotius xác định nguồn luật quốc tế chính là ý chí và thực tế hoạt động của các quốc gia trên thế giới.
Dựa trên nền tảng triết học pháp lý đó của Grotius, Wheaton đưa ra những định nghĩa quan trọng trong “Elements of International Law”:
“Luật giữa các quốc gia, hay luật quốc tế, theo cách hiểu tại các quốc gia văn minh theo Thiên chúa giáo, có thể được định nghĩa là những quy tắc hành vi suy ra từ lý trí, phù hợp với công lý, xuất phát từ bản chất của xã hội đang tồn tại giữa các quốc gia độc lập; với những định nghĩa và biến chuyển có thể được tạo lập bởi đồng thuận chung”.
“Các chủ thể của luật quốc tế là các xã hội chính trị biệt lập của con người, sống độc lập với nhau, và đặc biệt là những nơi được gọi là Quốc Gia Có Chủ Quyền. Một quốc gia có chủ quyền được định nghĩa chung là bất kỳ quốc gia hay dân tộc nào, bất kể hình thức kết cấu, mà tự điều hành chính họ một cách độc lập trước các quyền lực ngoại quốc”.
“Các chủ thể của luật quốc tế là các xã hội chính trị biệt lập của con người, sống độc lập với nhau, và đặc biệt là những nơi được gọi là Quốc Gia Có Chủ Quyền. Một quốc gia có chủ quyền được định nghĩa chung là bất kỳ quốc gia hay dân tộc nào, bất kể hình thức kết cấu, mà tự điều hành chính họ một cách độc lập trước các quyền lực ngoại quốc” (trích).
Có thể thấy ngay là công pháp quốc tế phương Tây thời thế kỷ 19 của Wheaton đã bằng ngôn ngữ pháp lý công nhận những khái niệm chính trị quan trọng như “đồng thuận chung”, “độc lập”, “tự chủ”, hay “chủ quyền”.
Cùng thời đó, thực tế là các nước phương Tây đang dùng sức mạnh hàng hải và quân sự của mình để đe dọa độc lập, chủ quyền của nhiều quốc gia ngoài châu Âu, trong một cuộc bành trướng thuộc địa toàn cầu vốn đã kéo dài từ thế kỷ 16.
Các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam vào thế kỷ 19 trở thành những nạn nhân mới nhất của công cuộc bành trướng thuộc địa đó.
Chính trong bối cảnh mối đe dọa thực dân đế quốc như thế, việc có được những hiểu biết như trong nội dung cuốn sách “Elements of International Law” trở nên tối quan trọng với giới tinh hoa cầm quyền các nước Đông Á.
Những hiểu biết đó không chỉ cho họ thấy tính “hai mặt” sâu sắc trong hành xử của các nước bá quyền phương Tây, nó cho họ một thứ ngôn ngữ mà họ có thể dùng để “cãi lý” lại những kẻ xâm lược và khẳng định chủ quyền của mình.
Đó chính là việc người Trung Quốc dưới triều Mãn Thanh đã cố gắng làm, thông qua nỗ lực dịch cuốn sách “Elements of International Law” thành “Vạn Quốc Công Pháp”.
Con đường đưa “Vạn Quốc Công Pháp” từ Mỹ tới Trung Hoa
Trong quyển “Đế quốc đụng độ: Sự khai sinh Trung Quốc trong công cuộc hình thành thế giới hiện đại” (Clash of Empires: The Invention of China in Modern World Making), giáo sư trường Đại học Columbia (Mỹ) là Lydia Liu đã kể lại một cách sống động con đường đưa cuốn sách “Elements of International Law” từ Mỹ đến Trung Quốc.
Dịch giả của cuốn sách là một nhà truyền giáo người Mỹ, W. A. P. Martin. Tuy là một nhà truyền giáo, nhưng nhờ vốn tiếng Hoa có được sau cả thập niên ở Trung Quốc, Martin hoạt động rất tích cực trong vai trò một thông dịch viên cho các phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
Martin xem việc dịch các cuốn sách có nội dung thế tục như “Elements of International Law” chính là một phần của công tác truyền giáo, bởi vì ông noi gương các nhà truyền giáo đi trước.
Giới truyền giáo phương Tây sau nhiều năm hoạt động ở Trung Quốc đã nhận ra rằng cách tốt nhất để truyền bá tư tưởng Thiên chúa giáo là tìm cách lồng ghép, ngụy trang những tư tưởng đó vào các thông tin, kiến thức phương Tây vốn có sức hấp dẫn với người dân bản địa hơn.
Kinh nghiệm đi phiên dịch trong các cuộc đụng độ quân sự giữa quân đội liên minh các nước phương Tây và quân đội nhà Mãn Thanh cũng tạo thêm động lực cho Martin phải dịch một cuốn sách nào đó giúp ích cho các cuộc đối thoại, thương lượng trong xung đột.
Giới ngoại giao Mỹ dĩ nhiên muốn Martin dịch một cuốn sách có lợi nhất cho họ: “Elements of International Law”, vốn được viết bởi một nhà ngoại giao Mỹ luôn ưu tư về quyền lợi của nước Mỹ.
Nhưng người đưa được cuốn sách tới tay giới tinh hoa cầm quyền Trung Quốc lại là một vị hoàng thân người Mãn: Dịch Hân (奕訢). Ông là vị quan đầu triều mang tư tưởng cải cách thân phương Tây nhất của nhà Thanh cuối thế kỷ 19.
Năm 1861, hưởng ứng lời vua Hàm Phong kêu gọi học tập phương Tây để tìm cách rửa nhục thất bại từ các cuộc chiến tranh Nha phiến, Cung thân vương Dịch Hân cho thành lập Tổng lý Nha môn (總理衙門), cơ quan ngoại giao quốc tế của nhà Thanh.
Tổng lý Nha môn phụ trách các giao thiệp, thương lượng với các nước phương Tây bao gồm chủ yếu là Anh, Pháp, và Nga. Lực lượng đến từ các nước này đang khá “lộng hành” trên lãnh thổ Trung Hoa. Trước đó, vào năm 1860, nhà Thanh đã phải ký kết Điều ước Bắc Kinh với ba nước này với nhiều điều khoản bất lợi cho phía Trung Hoa.
Trong bối cảnh đó, nhà Thanh tìm được đồng minh tin cậy là những người Mỹ. Tổng lý Nha môn và cá nhân Dịch Hân quan hệ khá thân cận với giới ngoại giao Mỹ và luôn tìm kiếm tư vấn về kiến thức ngoại giao quốc tế từ họ.
Và thế là “Elements of International Law” và dịch giả Martin đã được các nhà ngoại giao Mỹ tiến cử đến cho Dịch Hân. Martin sau này trở thành dịch giả đắc lực nhất cho Tổng lý Nha môn, giúp cơ quan này dịch thêm một loạt các đầu sách kinh điển khác về luật quốc tế.
Riêng với tác phẩm dịch đầu tiên “Elements of International Law”, nay đã trở thành “Vạn Quốc Công Pháp”, cả Martin và Dịch Hân đều phải khá vất vả trong cả quá trình trước và sau khi dịch.
Trong khi Martin dày vò chữ nghĩa (ông chính là người đầu tiên dịch từ “right” của tiếng Anh sang tiếng Hán thành “quyền lợi”), thì Dịch Hân phải vất vả bảo vệ cho việc dịch sách của Martin trước các công kích từ bên trong triều đình nhà Thanh. Vị hoàng thân đã phải trở thành một nhà quảng cáo sách ngoại văn ngay từ khi chưa có nghề này.
Các quan lại triều Thanh, đặc biệt là phe bảo thủ chống cải cách, đặc biệt nghi ngờ các thứ kiến thức sách vở phương Tây, cũng như việc trông cậy vào một dịch giả người nước ngoài.
Đáp lại các nghi ngờ đó, Dịch Hân tâu lên triều đình về “Vạn Quốc Công Pháp”:
“Chúng thần thấy rằng cuốn sách luật ngoại quốc này không hoàn toàn thuận theo luật pháp chúng ta. Nhưng có những đoạn trong cuốn sách này đã giúp ích. Ví dụ, liên quan đến vụ mấy chiếc thuyền Đan Mạch bị người nước Phổ bắt giữ ngoài khơi Thiên Tân, chúng thần đã sử dụng một số câu trong cuốn sách này tranh cãi với người Phổ. Viên chức người Phổ đã chấp nhận lỗi lầm mà không cãi lại. Đó là một bằng chứng tốt về cuốn sách.”
Vụ việc mà Dịch Hân kể liên quan đến một tàu chiến của vương quốc Phổ bắt giữ ba tàu buôn của Đan Mạch ngoài khơi Trung Quốc vào năm 1864. Lúc đó Phổ vừa tuyên chiến với Đan Mạch.
Các quan chức Tổng lý Nha môn đã dùng các kiến thức luật pháp về lãnh hải và quy định hiệp ước sẵn có giữa Trung Quốc và Phổ để phản đối hành vi của phía Phổ. Dịch Hân đích thân lên tiếng công kích đại sứ Phổ và từ chối gặp mặt ông này. Để dàn hòa, phía Phổ phải thả ba tàu Đan Mạch và bồi thường cho họ 1500 đô-la Mỹ.
Lời tâu của Dịch Hân đã bảo vệ thành công “Vạn Quốc Công Pháp”. Cuốn sách này được triều đình nhà Thanh chính thức cho xuất bản và phân phối cho quan lại trong triều đình đọc.
Trong lịch sử tồn tại 40 năm của Tổng lý Nha môn, “Vạn Quốc Công Pháp” đã đóng vai trò là cuốn cẩm nang đầu tiên giúp các quan chức ngoại giao người Thanh “vừa làm vừa học” và có thể hoạt động ngoại giao được với các thế lực phương Tây.
Các khái niệm mới về “nhiều quốc gia độc lập”, về “chủ quyền”, về “quyền lợi quốc gia” từ cuốn sách cũng dần đi vào tiềm thức giới tinh hoa Trung Quốc, khiến họ nhận ra một cách sâu sắc rằng cái vị thế “nước trung tâm thế giới” của họ chỉ là một thứ ảo ảnh trong thời đại đế quốc thực dân bành trướng.
Đó là năm 1864, bốn năm trước khi Nhật Bản tiến hành Minh Trị Duy Tân, và 19 năm trước khi Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp.
Như đã kể, “Vạn Quốc Công Pháp” được vua Tự Đức ra lệnh in và truyền bá tại Việt Nam vào các năm 1879 và 1881.
“Vạn Quốc Công Pháp” đã có thể góp phần thay đổi Việt Nam?
Các kiến thức từ “Vạn Quốc Công Pháp” có khiến Trung Quốc của người Mãn Thanh “vùng dậy” trở thành một cường quốc Đông Á hay không?
Lịch sử thực tế đã phũ phàng nói không. Các nỗ lực canh tân của Cung thân vương Dịch Hân và quan lại mang tư tưởng cải cách nhà Thanh cuối cùng vẫn không thắng được các cản trở của giới quan lại và hoàng tộc bảo thủ.
Từ 1864 cho đến khi sụp đổ năm 1912, nhà Mãn Thanh đã không thể bình được thiên hạ. Họ vẫn phải ký kết những hiệp ước không công bằng với phương Tây, và vẫn phải hứng chịu các thất bại quân sự nhục nhã, đặc biệt đau đớn là trước Nhật Bản, những kẻ đã nhanh chân và may mắn hơn trong công cuộc cải tổ quốc gia.
Cuốn “Vạn Quốc Công Pháp”, sau khi được dịch xong bên Trung Quốc, cũng phải mất đến 15 năm mới được vua Tự Đức ra lệnh in cho quan lại Việt đọc. Điều này cho thấy tốc độ tiếp nhận kiến thức phương Tây của Việt Nam thời nhà Nguyễn chậm chạp đến thế nào.
Việt Nam cũng đã không hề có một phong trào duy tân hướng về phương Tây mạnh mẽ như phong trào từ năm 1861 ở Trung Quốc, hay phong trào từ năm 1868 ở Nhật Bản.
Vậy nên, cho dù có nhiều quan lại Việt Nam thế kỷ 19 đọc và hiểu được “Vạn Quốc Công Pháp” thì có lẽ số phận thuộc địa của đất nước cũng vẫn sẽ không tránh khỏi.
Câu chuyện “Vạn Quốc Công Pháp” có giá trị cho người Việt chúng ta hiện đại nhiều hơn, ở chỗ là nó nhắc nhở chúng ta về giá trị của tri thức, bao gồm tri thức pháp luật quốc tế, đối với vận mệnh một dân tộc.
Người Việt thế kỷ 19 của xe ngựa kéo và đầu máy hơi nước đã được học quá muộn, nhưng người Việt thế kỷ 21 của Internet và công nghệ thông tin luôn có thể học trước khi quá muộn.
Bài viết đăng trên Luật Khoa tạp chí (luatkhoa.org) của tác giả An Đạt.