Tôi sinh ra đời, hình như định mệnh đã an bài, bởi vậy tất cả những gì tôi làm ra đều có bàn tay của định mệnh dính vào.

Lúc còn trẻ tôi yêu tất cả những thứ gì thuộc về văn chương nghệ thuật, nhưng tôi mê kéo vĩ cầm hơn cả. Vào năm 1936-37 gì đó, tôi được nghe tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Anh chơi bản Dance Macabre với tiếng dương cầm phụ họa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu. Tất cả nhà hát đều yên lặng để thưởng thức tiếng đàn tuyệt vời của hai nhạc sĩ trứ danh nhất của đất Thăng Long thời đó. Tôi về nhà xin Mẹ tiền mua cây đàn và quyển Mazas, là cuốn sách học kéo violon vỡ lòng. Tôi học kéo đàn song song với học vẽ ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Vì mê học nhạc nên tôi quen với cố nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt. Sau mấy năm học thấy không có tiến bộ, tôi bỏ đàn, chuyên về vẽ.

Rồi dần dà định mệnh cứ đẩy tôi từ ngả này qua ngả khác. Ngoài giờ học ở trường, tôi thường ra thư viện đọc những sách về Mỹ Thuật. Tôi đọc tờ báo Illustration có in nhiều tranh của các nhà danh học bên Pháp như Gaugin, Matisse, Van Gogh, Utrillo v.v… nhờ đó tôi mới có ý tưởng vẽ theo lối mới vì nhà trường chỉ dạy những thứ tầm thường, cóp nhặt mà không có sáng tạo.

Sau nhiều năm cầm cọ, đùa vui cùng màu sắc, dù rằng người ta đã tôn vinh hội họa là thứ ngôn ngữ quốc tế (langage Universal). Tuy nói thế, nhưng thứ ngôn ngữ này hạn hẹp quá, chỉ có các nhà chuyên môn mới đoán ra được. Từ ngày tôi chuyển hẳn sang vẽ tranh trừu tượng (từ năm 1960), tôi cảm thấy cô đơn vì luôn luôn là kẻ độc hành trong lãnh vực nghệ thuật tạo hình. Hơn nữa, tầm hoạt động của hội họa bị hạn chế bởi không gian cũng như thời gian, nên chỉ có một số người ở các thành phố lớn mới được thưởng thức, trong một khoảng thời gian nhất định nào đó thôi.

Còn một trở ngại to lớn nữa là người họa sĩ chỉ vẽ tấm tranh duy nhất, nếu bán đi, người họa sĩ không còn gì ngoài tấm ảnh chụp giữ làm kỷ niệm.. Vì nhìn thấy cái thế “yếu” của hội họa, vả lại, cuộc sống trong chiến tranh có rất nhiều sự việc tác động mạnh và sâu đậm trong tâm cảm mà hội họa bất lực, không thể nói bằng màu sắc được. Do đó, tôi phải nhờ tới văn chương cũng như thi ca để bày tỏ lập trường, cùng thái độ sống trước tập thể, trước xã hội.

Biết bao nhiêu đổ vỡ, tang thương do chiến tranh gây ra. Biết bao nhiêu tuổi trẻ đã lên đường và cũng có bao nhiêu vòng khăn tang đã quấn ngang đầu, bao nhiêu tiếng khóc than vật vã, với đôi tay bé nhỏ xanh xao của người góa phụ, ôm lấy chiếc quan tài phủ lá quốc kỳ với vòng hoa cườm có hàng chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn”, nhưng tôi được biết, trong chiếc quan tài đó chỉ có chiếc bọc nylon ôm gọn thây người chiến sĩ đã nát bấy vì pháo địch, chỉ còn lại một đống thịt xương bầy nhầy với chiếc thẻ bài lẫn lộn trong vũng máu đông đặc vì được cất kỹ trong ô kéo của căn phòng chứa xác cực lạnh. Ngay cạnh đó, một đứa nhỏ chừng ba tuổi gầy ốm đứng nhìn ngơ ngác!

Còn biết bao nhiêu cuộc tình tan tác như những chiếc bong bóng thổi bằng bọt xà bông. Đại lộ kinh hoàng còn đó. Xác những chiếc xe tăng của Trung Cộng, của Liên Xô, của Mỹ còn nằm rải rác dọc theo đường số 1 như những con quái vật thời tiền sử và còn nhiều, nhiều nữa những dấu ấn của chiến tranh cần phải nói ra, nhưng hội họa quả tình bất lực trước vấn đề này. Chỉ có văn chương mới đủ sức khai quật những oan khuất chìm ở đáy sâu tâm cảm.

Thú thực, tôi làm văn nghệ không cầu mong nổi tiếng, vì tôi làm cho cuộc đời và cũng cho tôi. Tôi cộng tác viết bài cho nhiều tạp chí văn học, nhưng cho đến nay, tôi vẫn không ở nhóm nào. Tôi vốn không thích bè phái. Có bè phái là có bao che, để đưa nhau lên và cũng để dìm đối tượng xuống bùn đen một khi không ưng ý. Điều đó chúng ta phải nhận là có trong sinh hoạt văn nghệ Việt Nam. Theo ý riêng tôi, làm văn nghệ phải vô tư, độc lập, trong suy nghĩ cũng như hành động, vì thế, tôi thường nghi ngờ sự khen chê của người này đối với người khác.

Không hiểu sao, tôi rất sợ đám đông, nên ít khi có mặt tại những nơi tổ chức có đông đảo người tham dự. Tôi thích cô đơn. Sự cô đơn làm tôi thấy tâm hồn mình thư thái hơn, khỏe mạnh hơn, vì: “có cứng mới đứng đầu gió”. Ngựa hay mới chạy được đường dài.

Tôi thả những cánh hoa nghệ thuật bay theo chiều gió, chẳng biết có cánh nào rơi vào bàn tay thân ái của kẻ sĩ?

 

Tạ Tỵ

(Hợp Lưu số 32, Xuân Đinh Sửu 1997, trang 216

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.