Trong “văn phòng tứ bảo”: Bút, mực, giấy, nghiên, Thư pháp Việt Nam hiện chỉ còn giữ được một loại giấy Dó. Đó là một điều đáng tiếc trong quá trình xây dựng một nền Thư pháp mang phong cách Việt Nam. Dẫu sao chăng nữa, chủng loại giấy đa dạng phong phú hiện nay cũng là một tiền đề để Thư pháp phát triển.

Tất cả các nguyên liệu chủ yếu để làm giấy đều lấy từ sợi thực vật như tre, gỗ. Sợi từ tre tính cứng, lúc làm ra giấy thường ít hút mực; sợi từ gỗ tính mềm, lúc tạo ra giấy hút mực rất mạnh, từ đó, ta có thể phân chia giấy làm ra thành hai nhóm lớn:

1. Giấy hút mực ít , được làm từ tre trúc, bề mặt thường trơn láng. Khi viết, mực thường nổi trên bề mặt, không loang, tạo sắc thái riêng. Giấy loại này ở Việt Nam không có, chỉ có vài chủng loại giấy của Trung Quốc như: Trừng Tâm Đường Chỉ, Nê Kim Tiên, hiện nay có thêm Dương Chỉ – 洋纸.

Trừng Tâm Đường Chỉ – 澄心堂纸: là loại giấy được Nam Đường Lý Hậu Chủ sử dụng, nổi danh cùng loại mực Đình Khuê Mặc, bề mặt phẳng nhẵn, mịn màng, có tên gọi là “Hoạt như xuân băng, mật như tỷ” 滑如春冰密如玺”, là loại giấy thượng phẩm ít hút mực. Loại giấy kém hơn gọi là Lãnh Kim Tiên 冷金笺, cũng có đặc tính tương tự.

Thục Chỉ – 蜀纸: Tương truyền Tây Thục được chân truyền cổ pháp tạo giấy của Sái Luân (蔡伦), vì thế mới có tên là Thục Chỉ, nổi tiếng từ đời Đường về sau, có các loại: Tiết Đào Tiền , Tạ Công Tiên … Có thuyết cho rằng, nước vùng này tinh khiết, tạo được đặc tính riêng cho giấy. “Tạ Công Tiên” có mười sắc, nên còn gọi là Thập Sắc Tiên. “Tiết Đào Tiên” tuy được làm theo cổ pháp nhưng màu nhuộm mau phai, không thể để lâu.

Tàng Kinh Chỉ – 藏经纸: Được dùng trong cửa Phật hoặt dùng làm giấy in kinh sách, còn có tên gọi là Kim Túc Tiên có hai màu vàng và trắng.

Đời Minh, Thanh thường dùng Nê Kim Tiên – 泥金牋, Lạp Tiên – 蜡牋, Lãnh Quang Tiên – 冷光牋tới nay ít thấy. Tới nay chỉ có Nhật Bản vẫn còn chế loại giấy Ô Tử Chỉ thuộc nhóm giấy này, nhưng giá rất đắt, lại không để được lâu vì vậy không có tính thực dụng.

2. Giấy hút mực nhiều được làm từ sợi của các loại gỗ, hút rất nhiều mực, bề mặt hơi ráp, mực rơi xuống mặt giấy sẽ loang ra, khi viết thường quét thêm tương (chưa khảo được loại tương gì), hoặc xoa một lớp sáp lên trên.

Giấy này không bóng bằng loại giấy Tiên (như ở trên) và xuất hiện muộn hơn, nhưng là loại giấy quan trọng đối với Thư pháp.

Giấy Dó Việt Nam: được làm từ sợi cây Dó , màu ngà vàng, độ hút mực tùy theo độ dày của giấy, giữ được khoảng vài trăm năm. Giấy Dó hiện nay còn giữ được nghề chủ yếu vì phục vụ cho giới hội họa, vì vậy không có các khổ giấy cần thiết cho Thư pháp, mẫu mã cũng không đa dạng.

Tuyên Chỉ và Phỏng Tuyên – 宣纸 (Việt Nam gọi nhầm là Xuyến Chỉ): lấy tên Tuyên Thành ở An Huy. Tuy nhiên chỉ có vùng phụ cận của Tuyên Thành mới sản xuất giấy. Nhiều nơi cũng sản xuất giấy Thư pháp rồi cũng lấy tên là Tuyên Chỉ. Hiện nay loại giấy Tuyên được ưa chuộng là: Ngọc Bản Tuyên – 玉板宣, làm từ gỗ dâu, rạ và vỏ cây Đàn Mộc ngâm tro, vì vậy giấy hút mực rất nhiều. Dùng giấy này, nếu viết quá chậm, mực sẽ loang mạnh tuy nhiên có nhiều thư pháp gia lợi dụng được điểm này, viết ra nhiều tác phẩm mang phong vị riêng như Bao Thế Thần, Tề Bạch Thạch. Hiện nay, độ hút mực của giấy Tuyên đã được giảm bớt tiện cho người viết hơn.

Ngoài giấy Dó và giấy Tuyên, Việt Nam hiện nay còn thịnh hành viết loại giấy Điệp vốn dùng làm tranh Đông Hồ. Giấy Điệp thực chất là một tờ giấy Dó, quét một lớp Điệp (Vỏ sò giã nát trộn với màu thiên nhiên và hồ) trên bề mặt. Giấy này ít hút mực, đặc tính tương tự giấy làm từ tre, bề mặt bóng, có ánh sáng của vỏ sò. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào khổ giấy dó, nên giấy Điệp cũng không đa dạng về kích cỡ, đồng thời không giữ được lâu bởi màu Điệp mau phai, dễ gẫy mạch giấy.

Nam Long Nguyễn Quang Duy tổng hợp

Nguồn : thuhoavn.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.