Cùng với chia sẻ kinh nghiệm phân biệt cổ vật thật giả, nhà nghiên cứu và sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn còn khuyên cách ứng xử trước “thế giới” cổ vật vốn đầy rẫy những chiêu trò tinh vi.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận xét rằng trước năm 1975, đồ giả cổ từ Hong Kong đưa về giống đồ thật chừng 70% nên người có chút kiến thức rất dễ nhận biết.

Nhưng hiện nay việc làm đồ giả cổ, nhất là đồ sứ, giống hơn 95%; chưa đầy 5% còn lại là vài tiêu chuẩn về cách chợt vẹt, mòn mờ của lớp men bên ngoài. Những điều này chỉ có người lão luyện với thời gian chơi cổ vật lâu năm mới có thể nhận biết được.

Phải nghe ngóng thị trường đồ giả

Đồ sứ cổ trải qua thời gian thì lớp men phần nào cũng xuống màu, soi kính vào thấy chỗ vẹt chỗ mòn rất tự nhiên do lau chùi. Còn đồ giả người ta chà giấy nhám hoặc phun cát làm cho mờ, nhìn thật kỹ thấy vết mờ ấy rất đều.

Cũng nên chú ý đến những chỗ vỡ bịt đồng hay bịt bạc. Đồng hay bạc bịt lâu ngày thì lớp ten sẽ dày vì đã ăn sâu vào trong.

Trong khi phần bịt giả cổ, người ta thường dùng hóa chất tạo lớp đen bên ngoài; lớp này sẽ mỏng nên chỉ cần dùng vật nhọn gí vào, vết rạch phía trong sáng chất kim loại thì đích thị là đồ mới.

Người ta cũng dùng hỗn hợp axit clohydric và thuốc tím phết lên mặt sứ trong ít phút, rửa sạch rồi đem phơi nắng. Cần tinh ý, cẩn trọng sẽ nhận ra sự khác biệt của “lớp thời gian” thật với sự mòn mờ, xỉn màu mới tạo này.

Riêng với đồ sứ ký kiểu, thị trường đồ giả khá sôi động. Từ đầu thế kỷ 20, đã có một gia đình người Hoa ở phố cổ Gia Hội (Huế) đem mẫu đồ Lê – Trịnh và đồ thời Minh Mạng sang Trung Quốc đặt làm rồi đưa về bán cho du khách.

Đến giai đoạn 1965 – 1975, một nhà buôn tên H.V.C. đem nhiều mẫu sang Hong Kong đặt hàng rồi đưa về bán.

Gần đây có đến hai người khá quen thuộc trong giới cổ vật đưa mẫu đồ ký kiểu, cả thời Lê – Trịnh lẫn thời Nguyễn, sang Trung Quốc đặt làm. Những mẫu này làm giống đến hơn 90% so với đồ thật nên rất nhiều người bị nhầm.

Ở đồ đồng cổ, lớp gỉ đồng tự nhiên thường rất dày. Những cổ vật đồng của VN thường có nhiều chì nên lớp gỉ có màu xanh lá cây nghiêng về màu sáng. Trong khi lớp gỉ giả thường có màu xanh lá cây tươi hơn.

Khi làm người ta thường phết lên một hợp chất mua từ Trung Quốc rồi đem đi chôn lâu ngày trong đất tưới nước tiểu và giấm. Do đó nên thận trọng với những đồ cổ đào loại này, thường có lớp gỉ màu xám khá đậm, đồng đều trên các bề mặt.

Ngoài ra, nên quan sát kỹ những cạnh sắc hoặc phần mép dưới đáy đồ vật vì đây thường là chỗ dễ lộ nhất của đồ giả cổ. Nếu quen mắt, “màu thời gian” của đồ đồng cổ rất khác so với đồ giả ở những vị trí này. Điều này rõ nét hơn cả từ những đồ đồng cổ chìm dưới nước ngọt lâu ngày.

Những đồ gỗ sơn thếp, người ta thường dùng keo pha loãng phết lên những khe hở hay góc sâu, để keo hơi khô rồi dùng muội nhang rắc lên… Khi bề mặt đã khô, người ta lau qua tạo nên bề mặt có sự “tích tụ thời gian” khá giống đồ cổ.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trong một triển lãm cổ vật tại Huế – Ảnh: T.Lộc

Tuy nhiên, chiêu lừa này sẽ khó qua mặt được người rành. Với người mới vào nghề phải nên xem kỹ, nếu những chỗ tích tụ thời gian khá đều đặn thì rất dễ ăn phải “quả lừa”…

Với những loại cổ vật bằng kim khí như tiền vàng, tiền bạc, tiền đồng và khánh vàng… cũng nên thận trọng vì rất dễ nhầm lẫn giữa đồ cổ với đồ cũ.

Tại Huế trước năm 1975, một nhà buôn chuyên làm giả các loại hiện vật này để bán cho du khách khiến những người sưu tập về sau rất dễ nhầm lẫn.

“Cổ vật thì tự bản thân chứa đựng những tiêu chí về đồ thật, đồ quý hiếm hay không chứ không chỉ do xuất xứ mang lại. Nhiều món đồ xuất xứ từ hoàng gia, nhưng thực tế vì những lý do trong cuộc sống mà những hiện vật rất tầm thường vẫn có mặt xen lẫn vào đó.

Ngoài ra, phải hết sức tỉnh táo, đừng chủ quan vì giới lừa không chỉ nhắm vào sự thiếu hiểu biết, mà còn nhằm chủ yếu vào lòng tham của người mua nữa!” – ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, để tránh vấp phải tình trạng bị lừa cổ vật, điều trước tiên cần phải có kiến thức lẫn thực tế. Nếu không, dù có chơi đồ cổ lâu năm, sở hữu sưu tập lớn hay quản lý một bảo tàng hàng đầu cũng bị lầm như thường.

Ngoài việc phải học hỏi, tích cóp kinh nghiệm thì dù có là giám đốc bảo tàng hay tiến sĩ khảo cổ đi nữa cũng phải theo dõi, nghe ngóng và quan sát cả hiện vật lẫn thị trường đồ giả cho kỹ, biết giai đoạn nào người ta làm giả đồ gì, làm như thế nào.

Phải đưa đồ giả ra khỏi bảo tàng!

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, người có hơn 40 năm chuyên sưu tầm cổ vật trục vớt, cho rằng tất cả bảo tàng khi sưu tầm các hiện vật đều lập ra một hội đồng giám định.

Và thường hội đồng này gồm những người có uy tín, cả về học hàm, học vị lẫn uy tín trong nghề. Trước một hiện vật, có khi hội đồng họp đi họp lại nhiều lần.

Ông Phan nói: “Đáng tiếc tình trạng bảo tàng mua phải hiện vật giả không phải là ít. Bởi vì có trường hợp người trong giới nghiên cứu lẫn người học hàm học vị cao nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong nghề, được mời vào hội đồng và góp phần quan trọng quyết định.

Theo tôi, hội đồng nên dung hòa giữa một bên là bằng cấp, một bên là người có kinh nghiệm trong nghề. Điều quan trọng là phải thống nhất với nhau những tiêu chí để dựa vào đó mà giám định”.

Thật ra, theo ông Phan, không chỉ có bảo tàng trong nước mà các bảo tàng lớn, nổi tiếng của nước ngoài đôi khi vẫn mua phải đồ cổ giả, đồ nhái. Thậm chí có cuộc đấu giá quốc tế, hiện vật được giám định bởi một hội đồng chuyên sâu mà cũng bị lầm đồ giả.

Thường những công ty đấu giá phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác giám định và sẽ chịu sự đền bù. Tuy nhiên ở nhiều nước, người ta có chuyên ngành về cổ vật, được đào tạo bài bản, từ việc phân tích cho đến kinh nghiệm được truyền đạt từ những người thầy giỏi nghề.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan (phải) trong một buổi trao đổi về cổ vật với nhạc sĩ Dương Thụ – Ảnh: T.Lộc

Các học viên được đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực như đồ (cổ) đồng, đồ đá, đồ gốm sứ châu Á hay châu Âu… Còn ở nước ta, ngành học này đang còn thiếu điều kiện, quan trọng nhất là nhiều thầy dạy lại không phải là người giỏi trong nghề.

Bảo tàng có vai trò rất quan trọng, là nơi lưu giữ các hiện vật nguyên gốc. Những hiện vật bảo tàng là nguyên mẫu để người ta dựa vào đó giám định những hiện vật khác.

Hiện vật bảo tàng phải bảo đảm tính khoa học vì đây vừa là cơ quan văn hóa, đồng thời là cơ quan giáo dục khoa học. Do đó, theo ông Phan, nếu bảo tàng nào có bất kỳ hiện vật nào nghi ngờ là đồ giả thì phải đưa ngay hiện vật đó ra khỏi nơi trưng bày.

Hiện vật bày trong bảo tàng phải được giám định lại một cách kỹ càng. Sau giám định lại vẫn xác định đó là đồ giả thì phải đưa ra khỏi bảo tàng.

Cũng có thể bày những món đồ giả ấy vào một chỗ riêng của bảo tàng để người ta biết thế nào là đồ giả, dựa vào đó rút kinh nghiệm, và trở thành một trong những công cụ trực quan để huấn luyện, đào tạo những thế hệ học viên bảo tàng khác – ông Phan nói.

 

Tác giả : Thái Lộc

Nguồn : tuoitre.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.