Năm 2018 đang dần khép lại, Nghệ Thuật Xưa xin đuợc bình chọn và giới thiệu đến bạn đọc top 11 sự kiện lớn đã làm chấn động giới đấu giá trong năm nay. Một số sự kiện đã trở thành cú sốc lớn đối với người yêu nghệ thuật nói chung, trong khi đó, một số khác lại mang lại những tác động lâu dài đối với thị trường đấu giá nghệ thuật.

Để có thể đưa đến bạn đọc danh sách này, chúng tôi đã có những quyết định rất khó khăn bởi lẽ đã có rất nhiều sự kiện lớn xảy ra làm thay đổi hoàn toàn cục diện trong giới đấu giá năm 2018 này.

 

  1. Tác phẩm lớn nhất của bậc thầy trừu tượng Zao Wou-ki

Giới đấu giá đã được chứng kiến một cơn cuồng khát những tác phẩm trừu tượng vẽ bởi danh hoạ Zao Wou-ki (1920-2013) trong năm 2018. Việc săn lùng những tác phẩm của hoạ sĩ này bất chấp thời gian và tiền bạc đã đạt đến đỉnh điểm sau khi tác phẩm lớn nhất của Zao Wou-ki được bán thành công tại Sotheby’s Hong Kong tháng 9 vừa qua.

Bức tranh có tên Tháng 6-Tháng 10 1985 (Juin-Octobre 1985), có kích thước 280 x 1.000cm, đã được bán với giá kỷ lục 510 triệu đô la Hồng Kông (65 triệu đô la Mỹ). Tác phẩm này không chỉ phá vỡ kỷ lục về bức tranh có giá trị nhất được bán ở Hồng Kông, mà còn phá bỏ kỷ lục thế giới về giá trị của tranh sơn dầu bởi một nghệ sĩ châu Á.

Zao Wou-ki (1920-2013). Juin-Octobre 1985.

Nhà đấu giá: Sotheby’s Hong Kong

Buổi đấu giá: Đêm đấu giá Nghệ thuật Hiện đại

Ngày bán: 30 tháng 9 năm 2018

Giá sau cùng: 510.371 đô la Hồng Kông (khoảng 65 triệu USD)

 

  1. Tác phẩm được vinh danh « Chén Thánh » của hội họa Trung Quốc « Đá và Cây »

Mùa thu năm nay, một bức tranh cuộn 1000 năm tuổi của học giả Trung Quốc Sū Shì (Tô Thức), tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, cũng đã gây chú ý khi nó xuất hiện trở lại trên thị trường đấu giá nghệ thuật.

Bức « Đá và Cây » của Su Shi đã được mệnh danh là « Chén Thánh của hội họa Trung Quốc » sở dĩ bởi có rất ít những tác phẩm được vẽ bởi học giả Tô Đông Pha còn tồn tại cho đến ngày nay. Ngoài bức « Đá và Tre » trong Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc và hai tác phẩm khác thư pháp khác được biết đến nằm tại bảo tàng Thượng Hải và bảo tàng cố cung Đài Bắc, bức tranh này là bức duy nhất thuộc sở hữu tư nhân và được bán với giá 463 triệu đô la Hồng Kông (59,5 triệu đô la Mỹ).

 

Chân dung học giả Tô Đông Pha

 

“Đá và Cây” là một cuộn tranh vẽ bằng mực trên giấy, mô tả các nhánh cây khô héo bên cạnh một khối đá cong vênh với nhiều đường cong uốn lượn. Bức tranh là một phần của một cuộn thư mở rộng với phần thư pháp được thực hiện bởi học giả Mi Fu – một tác phẩm trứ danh của Tô Đông Pha. Tờ The Straits Times cho biết gia đình Nhật Bản hiện đang sở hữu bức “Đá và Cây” đã quyết định đưa tác phẩm này ra đấu giá tại nhà đấu giá Christie’s sau khi được biết nhà đấu giá này đã bán thành công các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc từ Bảo tàng Fujita với giá 263 triệu đô la Mỹ vào tháng 3 năm 2017. Trước đó, mức giá kỷ lục cho một tác phẩm châu Á được đem bán đấu giá là 64 triệu đô la Mỹ, là mức giá bán của một cuộn thư trong buổi đấu giá quốc tế Poly ở Bắc Kinh năm 2010. Mức giá đó đã bao gồm phí bảo hiểm của người mua và giá gõ búa.

Khi được hỏi về nguồn gốc của cuộn tranh, Christie nói rằng một nhà sưu tầm nghệ thuật Trung Quốc được biết với tên gọi là Bai Jian Fu đã mua lại hai bức tranh của Tô Đông Pha vào những năm 1930, một trong số đó chính là bức “Đá và Cây.” Người này sau đó đã bán lại bức tranh trên cho một nhà sưu tầm nghệ thuật Nhật, Abe Fujisarom, vào năm 1937.

Trong quá trình liệt kê lại những thương vụ xoay quanh tác phẩm này, nhà đấu giá Christie’s cho biết nhà sưu tập Abe đã mua lại bức tranh “Đá và Cây” tại một buổi đấu giá, nơi mà ông đã trả giá thắng một nhà sưu tầm người Trung Quốc khác có tên Zhang Heng với 1.000 liang vàng (1 liang = 50 gram). Zhang sau đó cũng đã ghi lại thương vụ thất bại này của mình trong cuốn Muyanzhai, một cuốn sổ gồm nhiều chương ghi lại lịch sử của nhiều tác phẩm hội hoạ đáng chú ý của Trung Quốc.

Nhà đấu giá cho biết họ rất vui khi thấy bức tranh được mang trở lại cố hương Trung Quốc. Họ cũng tin rằng bức tranh sẽ được triển lãm công khai trong tương lai. Điều này mở ra một gợi ý về chủ sở hữu bức tranh có khả năng là một tổ chức hoặc một bảo tàng.

 

 Su Shi (1037-1101). Đá và Cây. Tranh cuộn, mực trên giấy.

Nhà đấu giá: Christie’s Hong Kong

Buổi đấu giá: Vượt quá sức tưởng tượng – Một ngàn năm của Mỹ học Hàn lâm

Ngày bán: 26 tháng 11 năm 2018

Giá sau cùng: 463.600.000 đô la Hồng Kông (59,5 triệu đô la Mỹ)

 

  1. Bức « Cô gái và quả bóng bay » tự huỷ bởi Banksy

« Cô gái và quả bóng bay » là một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng của Banksy. Bức tranh đã bị xé nhỏ một cách bí ẩn sau khi được bán tại đêm đấu giá Nghệ thuật Đương đại của Sotheby’s với giá gõ búa 860.000 bảng Anh. Giá cuối cùng mà người mua phải trả là 1,042 triệu bảng Anh (khoảng 1,4 triệu USD) thiết lập kỷ lục về giá mới cho tác phẩm của Banksy.

Nghệ sĩ đường phố này sau đó đã đăng một video tiết lộ cách anh ta bí mật chế tạo một máy cắt bên trong khung tranh vài năm trước đây, cho phép nó tự phá hủy. Bức tranh với một nửa bị xé nhỏ, hiện được giới truyền thông đặt cho cái tên « Tình yêu nằm trong thùng rác », thay vì bị huỷ bỏ lại được dự kiến ​​sẽ có giá cao hơn ít nhất 50%, có thể cao tới mức 2 triệu bảng Anh hoặc thậm chí hơn thế nữa, nếu được bán ra vào lần tiếp theo.

Banksy. Cô gái và quả bóng bay.

Nhà đấu giá: Sotheby’s London

Buổi đấu giá: Đêm đấu giá Nghệ thuật Đương đại

Ngày bán: 5 tháng 10 năm 2018

Giá sau cùng: 1,042,000 bảng Anh

 

  1. Siêu thị Xuzhen – một khái niệm được bán với giá 2 triệu đô la Hồng Kông

Trong thế kỷ 21, nghệ thuật phi vật thể có ở khắp mọi nơi. Bây giờ, trong một cửa hàng, ngoài những tác phẩm nghệ thuật, bạn còn có thể mua một khái niệm về tác phẩm nghệ thuật vô hình. Tại buổi bán đấu giá mùa thu năm nay của Sotheby’s, khái niệm Siêu thị Xuzhen, được thiết kế bởi nghệ sĩ đương đại Trung Quốc Xu Zhen, được bán với giá 2 triệu đô la Hồng Kông. Nhà thầu thành công có quyền uỷ thác các sáng tạo mới và việc ban hành khái niệm này trong một buổi đấu giá khác.

Siêu thị Xuzhen giống như một bản sao của một cửa hàng tiện lợi Trung Quốc, bao gồm một máy tính tiền hoạt động tốt và một loạt các loại hàng hóa vốn dĩ quen thuộc cho khách thăm quan mua với mức giá bán lẻ bình thường. Tuy nhiên, những hàng hoá này hoàn toàn rỗng, không có gì ở bên trong vỏ hộp cả. Đối với khách thăm quan, mỗi một hành động mua – hoặc không mua – và chuỗi suy nghĩ – hành động tương ứng, đều tạo nên một sự châm biếm vô cùng dí dỏm và sắc sảo về chủ nghĩa tiêu dùng, quảng cáo và chủ nghĩa tư bản toàn cầu.

Siêu thị Xuzhen

Nhà đấu giá: Sotheby’s Hong Kong

Buổi đấu giá: Đêm đấu giá Nghệ thuật Đương đại

Ngày bán: 30 tháng 9 năm 2018

Giá sau cùng: 2.000.000 đô la Hồng Kông

 

  1. Christie’s trở thành nhà đấu giá quốc tế đầu tiên tổ chức một buổi bán đấu giá rượu maotai – quốc rượu của Trung Quốc :

Nhận thấy lượng cầu ngày càng tăng của rượu maotai – quốc rượu của Trung Quốc trên thị trường, nhà đấu giá Christie’s đã quyết định trở thành nhà đấu giá quốc tế đầu tiên bán loại rượu đặc biệt này của Trung Quốc. Đợt mở bán đầu tiên được tổ chức tại Thượng Hải vào tháng 9 năm nay, thu được tổng cộng hơn 25,5 triệu RMB.

Lô đắt nhất trong buổi bán này là một bộ Feiti Maotai 1980 với 12 chai, mỗi chai 540ml, được bán với giá 660.000 RMB.

Nhà đấu giá: Christie’s Thượng Hải

Buổi bán đấu giá: Kho báu của sông Chishui – Kweichow Moutai

Ngày bán: 21 tháng 9 năm 2018

Tổng giá bán: 25.527.600 RMB

 

  1. Bức chân dung đầu tiên do trí tuệ nhân tạo – AI tạo ra

Một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi trí thông minh nhân tạo có tên « Chân dung của Edmond Belamy » đã được bán với giá 432.000 đô la Mỹ tại buổi đấu giá ở New York vào tháng 10 này. Đây là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên do AI tạo ra mà được bán với giá vượt xa giá ước tính ban đầu: 7.000-10.000 USD.

Bức tranh thuộc về một bộ các bức chân dung của một gia đình hư cấu có tên Belamy được tạo ra bởi Obvious, một tập thể có trụ sở tại Paris tham gia vào việc khám phá giao diện giữa nghệ thuật và trí tuệ nhân tạo. Họ đã nhập vào hệ thống một bộ dữ liệu gồm 15.000 bức chân dung được vẽ từ giữa thế kỷ 14 cho đến thế kỷ 20. Bức tranh do AI tạo ra có chữ ký là công thức đại số với nhiều dấu ngoặc đơn.

Edmond de Belamy

Nhà đấu giá: Christie’s New York

Buổi bán đấu giá: Tác phẩm Ảnh & In ấn

Ngày đấu giá: 23-25 ​​tháng 10 năm 2018

Giá cuối cùng: 432.000 đô la Mỹ

 

  1. Công nghệ chuỗi khối (blockchain) được đưa vào sử dụng tại các cuộc đấu giá

Vào tháng 11, Christie’s đã thí điểm việc đăng ký các giao dịch mua bán nghệ thuật mã hóa bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) phối hợp với Artory, một văn phòng đăng ký kỹ thuật số độc lập hàng đầu của thị trường nghệ thuật. Công nghệ chuỗi khối đã được sử dụng trong quá trình lưu lại toàn bộ thông tin của buổi đấu giá bao gồm giá của mỗi lô trong bộ sưu tập Ebsworth, tiêu đề, mô tả, giá cuối cùng và ngày đấu giá, và cuối cùng tạo ra một chứng chỉ kỹ thuật số về giao dịch đó để nhà đấu giá tiện lưu trữ và kiểm tra.

Đêm đấu giá bộ sưu tập Barney A. Ebsworth bán được 88% trên tổng số lô hàng, tức 37 trong tổng số 42 lô được chào bán đã được sang tay thành công. Lô hàng bán được với giá cao nhất trong buổi đấu giá chính là bức « Chop Suey » bởi Edward Hopper khi nó đã thiết lập được kỷ lục về giá với giá bán 91,9 triệu đô la Mỹ – một mức giá kỷ lục cho tác phẩm của một hoạ sĩ tranh tả thực, và cũng là kỷ lục về giá của một tác phẩm nghệ thuật của Mỹ trước chiến tranh.

 

  1. Nhà đấu giá Bonhams được bán cho công ty cổ phần tư nhân Epiris của Anh:

Vào tháng 9, công ty cổ phần tư nhân Empiris của Anh tuyên bố đã mua lại Bonhams, một nhà đấu giá toàn cầu 225 năm tuổi. Bonhams là thương vụ mua lại thứ tư được Quỹ Epiris II thực hiện, trong đó, các điều khoản tài chính hoàn toàn được giữ bí mật. Quỹ Epiris II đã bổ nhiệm Bruno Vinciguerra làm Chủ tịch điều hành của Bonhams và Matthew Girling sẽ vẫn giữ vị trí CEO của công ty.

Matthew Girling sẽ vẫn giữ vị trí CEO của công ty.

Bruno Vinciguerra trở thành Chủ tịch điều hành của Bonhams

Bonhams là một trong những nhà đấu giá nghệ thuật và đồ cổ lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Bên cạnh đồ mỹ nghệ và đồ cổ, nhà đấu giá 225 tuổi đang nổi lên trong các lĩnh vực khác khi nhà đấu giá này đã tổ chức thành công nhiều cuộc đấu giá quan trọng trong năm nay, bao gồm một vài buổi đấu giá mà tại đó, nhiều chai rượu whisky Macallan đã được bán với giá cao kỷ lục.

 

  1. David Hockney trở thành người nghệ sĩ còn sống có tác phẩm đắt giá nhất:

Bức « Chân dung nghệ sĩ » (Hai người tại hồ bơi) của David Hockney đã trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhất được vẽ bởi một nghệ sĩ sống trong lịch sử đấu giá sau khi bức tranh được bán thành công với mức giá kỷ lục 90,3 triệu đô la Mỹ tại nhà đấu giá Christie’s ở New York vào tháng 11 này. Ngôi vị này, trước khi tác phẩm bởi David Hockney chiếm ngôi, thuộc về tác phẩm Bóng bay hình chó (màu cam) bởi Jeff Koons.

David Hockney (1937). Chân dung nghệ sĩ (Hai người tại hồ bơi) được bán với giá kỷ lục 90,3 triệu đô la Mỹ

Tác phẩm Bóng bay hình chó (màu cam) bởi Jeff Koons từng giữ kỷ lục về tác phẩm có giá trị nhất của một nghệ sĩ còn sống

Những bức tranh với chủ đề hồ bơi của Hockney là những tác phẩm được ao ước nhất trong giới nhà sưu tập và những người sành chơi. Tác phẩm « Chân dung nghệ sĩ » là một trong tám bức tranh theo phong cách vẽ hai nhân vật của Hockney, và trong bức tranh đặc biệt này xuất hiện chính họa sĩ và ông Peter Schlesinger, một trong những người tình của Hockney.

David Hockney trở thành người nghệ sĩ còn sống có tác phẩm đắt giá nhất

Nhà đấu giá: Christie’s New York

Buổi bán đấu giá: Đêm đấu giá Nghệ thuật Hậu chiến tranh và Nghệ thuật Đương đại

Ngày bán: 15 tháng 11 năm 2018

Giá cuối cùng: 90.312.500 đô la Mỹ

 

  1. Phản đối bán sừng tê giác điêu khắc tại các cuộc đấu giá

Nhiều nhà đấu giá đã phải hứng chịu làn sóng phản đối dữ dội từ một nhóm bảo tồn động vật hoang dã khi cho chào bán những mặt hàng chế tác từ sừng tê giác. Sự việc gây tranh cãi này bắt nguồn từ khi nhà đấu giá Bonhams tổ chức một buổi đấu giá tại Hồng Kông vào ngày 27 tháng 11, chào bán 21 lô hàng sừng tê giác được chạm khắc từ bộ sưu tập của Angela Chua, một nhà sưu tập người Hồng Kông.

Buổi đấu giá đã thu hút sự chú ý của một tổ chức bảo vệ môi trường WildAid khi tổ chức này đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với buổi đấu giá của Bonhams và nêu lên quan ngại của họ về việc “buổi đấu giá sẽ chỉ khuyến khích nạn săn bắn trộm và thúc đẩy việc mua bán phi pháp những con tê giác châu Phi cuối cùng còn sống sót ». Tổ chức này sau đó đã thu thập được hơn 10.000 chữ ký phản đối buổi đấu giá, buộc Bonhams đã phải hủy việc bán sừng tê giác trong buổi đấu giá này và cam kết sẽ không chào bán những chế tác từ sừng tê trong tất cả các cuộc đấu giá của mình nữa. Lên tiếng về sự việc này, nhiều nhà đấu giá như Sotheby’s, Poly Auction, và China Guardian cũng đồng ý với tổ chức WildAid và hứa cũng sẽ thức hiện quyết định của Christie’s và Bonhams khi ngừng hoàn toàn việc bán sừng tê giác trong các buổi đấu giá của họ.

Chiếc sừng tê được chạm khắc xuất hiện trong catalog của Bonhams

Tổ chức WildAid tạo ra một trang web kêu gọi chữ ký của những người đồng phản đối việc Bonhams đưa sừng tê ra đấu giá

 

  1. Bộ sưu tập hội hoạ lớn nhất thế giới của tỉ phú Rockefeller được bán đấu giá với mức giá cao kỷ lục:

Phiên đấu giá trực tiếp đầu tiên các tác phẩm từ bộ sưu tập nghệ thuật của tỉ phú Rockefeller đã thu về 646 triệu đô la Mỹ, vượt xa giá dự kiến ban đầu.

David Rokefeller và vợ

Bộ sưu tập gồm rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Pablo Picasso, Claude Monet và Georgia O’Keeffe đã được mang ra bán đấu giá. Số tiền thu được từ các phiên đấu giá bộ sưu tập lần này được chuyển cho các quỹ từ thiện do vợ chồng Rockefeller lập ra trong suốt những năm cuộc đời.

Tranh của danh hoạ Monet trong bộ sưu tập

Bức “Cô gái bên giỏ hoa” bởi danh hoạ Picasso được bán với giá 115 triệu đô la Mỹ, trở thành tác phẩm có giá trị cao nhất trong toàn buổi đấu giá

 

Cuộc đấu giá đã mạng lại số tiền lớn nhất được thu về trong vòng một ngày từ một bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân. Con số đáng kinh ngạc này lên tới 646 triệu USD (tương đương gần 14.700 tỷ đồng).

 

LePhan (dịch và tổng hợp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.