Một ấm trà với niên hiệu Gia Long niên tạo sẽ được đưa ra đấu giá tại Millon Asium vào ngày 1 tháng 4 năm 2022, lot 51. Đây là copy giả mạo, đồ mới. Tôi đã cầm trong tay và nghiên cứu kỹ lưỡng tại Millon.
Trước khi nói về bình trà Millon, tôi muốn đề cập chung về các chiếc ấm với niên hiệu Gia Long. Cho đến hiện nay chỉ có một loại gốm sứ duy nhất mang niên hiệu 嘉隆年造, Gia Long niên tạo. Đó là các ấm trà hình tứ giác với các cạnh được uốn cong. Hai bên có hình cá chép trồi lên mặt nước, giữa những cây rong và vươn mình về phía mặt trăng ở giữa những đám mây, Lý Ngư Vọng Nguyệt. Trang trí biểu tượng này, được các học giả ưa chuộng, minh họa lời chúc thi đỗ trong các kỳ thi cử và thành danh trong sự nghiệp. Hai bên quai, vẽ hai cây hoa lan. Cách vẽ hoa lan với rễ cây rất lạ thường, không như các bleu de Huế khác. Hai bên vòi có một bài thơ chữ Hán phía trên có ghi hai chữ 壽 篆 Thọ triện, có thể là bút hiệu của tác giả bài thơ. Tôi nhớ anh Tùng cho rằng Thọ Triện là ấn mừng thọ.
古今同親
愛遠近慕
知音清香
飄满坐故
友遇佳人
Cổ kim đồng thân ái
Viễn cận mộ tri âm
Thanh hương phiêu mãn tọa
Cố hữu ngộ giai nhân
Vào những năm 1992-1995, chỉ có một ấm trà duy nhứt loại này trong bộ sưu tập của anh Phạm Hy Tùng, một trong các nhà sưu tập lớn tại Sài Gòn, người chuyên môn về gốm Trịnh (nội phủ bốn chữ). Tôi có đến nhà anh Tùng và nghiên cứu rất kỷ về ấm này với anh Tùng.
1. Chất lượng và cách thực hiện ấm trà này chứng tỏ rằng đây không phải gốm sứ được chế từ lò hoàng gia Jingdezhen mà từ các lò miền Nam Trung Quốc. Tất cả các gốm đặt hàng chính thức của chúa Trịnh và chúa Nguyễn (thế kỷ 18), vua Tây Sơn (thế kỷ 19) và hoàng đế nhà Nguyễn (thế kỷ 19 và 20) đều xuất phát từ lò đế quốc Trung Quốc Jingdezhen.Nếu đây là đồ sứ do vua Gia Long chính thức đặt thì phải thực hiện tại Jingdezhen.
2. Ngoài ra, tại sao không có một vật bằng gốm nào khác với niên hiệu Gia Long ngoài ấm trà này? Chúng ta có thể quan niệm rằng một vị hoàng đế vừa lên ngôi, vừa xây dụng kinh đô Huế, chỉ đặt một loại ấm trà, không bát dĩa hoặc vật trang trí? Không thể tưởng tượng được!
3. Hình trang trí trên ấm trà, là Cá chép trồi lên để chiêm ngưỡng Mặt Trăng”, ám chỉ rõ ràng ước mơ của các học giả để đạt được những vị trí cao. Hoa văn này không thể là mô típ mà một vị vua lựa chon để đặt hàng lần đầu tiên. Đồ sứ vua Minh Mạng hoặc vua Thiệu Trị đặt đều vẽ rồng Hoàng gia.
4. Vào cuối thế kỷ 19 (sau những năm 1890) và đầu thế kỷ 20, khi nhà Nguyễn chỉ cai trị ở An Nam, thì người Hoa ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ có đặt ở các lò nam Trung Quốc đồ sứ với hiệu nội phủ thị trung hoặc thị hữu, copy đồ chúa Trịnh. Đôi khi với hoa văn Trung Quốc không theo hoa văn chúa Trịnh. Những đồ này có thể dễ dàng nhận ra và có thể dùng như một tài liệu tham khảo so sánh. Khi so sánh chiếc ấm trà Gia Long với các đồ sao chép vừa nêu thì, theo tôi, ấm trà Gia Long của Phạm Hy Tùng là hàng nhái do người Hoa đặt hàng từ Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 cho tư sản Nam và Bắc Kỳ.
Vào những năm 2000, một ấm trà thứ hai, trong tình trạng hoàn hảo hơn, đã được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Cách đây chưa đầy mười năm, trong khoảng thời gian vài năm, tôi đã có thể nhìn thấy và nghiên cứu ba chiếc ấm tương tự.
1. Trong nhiều năm, chỉ có một hoặc hai ấm (ấm của anh Phạm Hy Tùng và của Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, tuy rằng tôi cũng có chút dè dặt về tác phẩm này). Đột nhiên xuất hiện nhiều ấm như ấm sắp đấu giá tại Millon Asium. Với số lượng hàng giả đang lưu hành ở Việt Nam, tôi đã nghi ngờ về tính xác thực của chúng.
2. Giả sử đây là những chiếc ấm do Gia Long đặt hàng thì các đồ này đã được sử dụng và phải có dấu vết sự hao mòn nhứt định phía trong. Còn những chiếc ấm mà tôi đã xem gần đây rất sạch và không có vết mòn thời gian. Dù có cho qua nhiều lần ngâm hóa chất thì bên trong luôn luôn vẫn còn lại một chút dấu vết của trà. Các ấm này mới tinh như vừa ra lò!
3. Không cần bàn luận các bạn xem các hình phóng to chụp trên ấm Millon thì biết ngay. Nhiều nơi, thợ gốm đã tự nguyện chấm lại lần thứ hai để sao chép và gợi ý những điểm bất thường của mực trên hoa văn gốc.
Phần kết luận: Có hai sản phẩm trong ấm được cho là thời Gia Long:
1. Ấm của anh Phạm Hy Tùng và Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội tuy ghi niên đại Gia Long nhưng không sản xuất thời Gia Long (1802-1820) mà là hàng giả do người Hoa đặt cho tư sản Nam và Bắc Kỳ và Bắc Kỳ giữa các năm 1890-1930.
2. Trong những năm 2005-2015, một loạt ấm copy thứ hai được thực hiện từ những bức ảnh chụp từ bình của Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội.Trong loạt có ấm sắp bán tại Millon mà chủ nhân đã rao bán gần đây trên ebay với giá ước tính thấp và rất bất ngờ bởi mức giá cao mà cuộc đấu giá đạt được, rồi người đó hủy giao dịch trên Ebay để đưa bán đấu giá tại Millon Asium với hy vọng đạt được mức giá cao hơn nữa..
Tôi đã thông báo cho nhà đấu giá và chuyên gia về kết luận của tôi về ấm trà này. Tuy họ biết rằng đó là hàng giả mới làm, họ là nhà bán và nếu có những người tham gia đấu giá, đặc biệt là người Việt Nam, ngu ngốc (hoặc cố tinhfgiar mù) đến mức độ bỏ cả tỷ đồng để mua hàng giả, thì tại sao lại không bán!
Tác giả : Philippe Truong
Nguồn: từ facebook của Philippe Truong