Đất Giao Chỉ tức An Nam, tức Giao Châu, tức Nhật Nam. Phía tây bắc từ Giao Cương (chỉ vùng núi Tây Bắc Bộ) đến, nên gọi là Giao Chỉ. Đông bắc giáp Quảng Tây, đông giáp Quảng Đông, tây giáp Vân Nam, tây nam giáp Lão Qua, tức Ai Lao xưa. Phía nam gắn liền biển lớn, thông đến Chiêm Thành. Thời Tần, Hán đều là quận huyện. Họ Lê làm vương nước này ở phía tây sông Phú Lương, bên trái là núi Tam Phong, bên phải là núi Yên Tử. Núi Tản Viên cao đến tận mây, sông Phú Lương vây quanh trái phải trước khi đổ ra biển lớn. Cũng là một nơi đô hội ở đất hoang phương nam. Có 13 đạo, 52 phủ, 219 châu huyện sở thuộc. Đô thống họ Mạc chỉ giữ 1 phủ 4 châu Cao Bằng, nằm ở góc đông bắc. Đều không có thành quách.
Người ta quấn tóc, dùng sáp thơm chải, nên không xõa ra. Đi chân đất, chân không dơ bẩn, vì mặt đất đều là cát sạch. Nam nữ đều mặc áo đại lĩnh, không khác gì nhau. Không có quần, phụ nữ có váy xếp nếp. Vương và quan nước này có lúc đội mũ, đeo đai, mang ủng tất, nhưng không ưa thích. Gọi quý nhân là “ông già” (nguyên văn: 翁茶). “Ông già”, tức là quan lớn.
Bò, dê, lợn nước này, đem thui cho trụi lông, rồi cắt mà ăn. Chỉ có rượu trắng. Ăn trầu cau luôn mồm, chỉ khi ngủ mới ngừng nhai thôi. Hay dùng thuốc bôi lên răng, đen mà bóng, thấy ai răng trắng thì cười họ. Chỉ có vương cung dùng ngói vàng, quan, dân không dám dùng ngói mà dùng cỏ rơm, cột kèo bằng tre. Mái hiên cao chừng 4 thước, cửa cao không quá 3 thước, phải cúi đầu cong lưng mới ra vào được. Điện của vương hiên cao không quá 1 trượng.
Bên ngoài nhà có nhiều cây tre gai, chuối ngọt, dừa, những quả ấy bốn mùa sinh trưởng vô định. Khí hậu thường ấm, thổ sản chỉ có lúa nước, không có đại mạch, tiểu mạch. Vải vóc dệt rất nhẹ. (Lược 1 câu về dệt lụa 有蠶桑緜紬曰交兌素絹如畫絹闊二尺). Nhiều cây đa, cam, quýt. Có cây ba la mật (mít), quả giống quả nam qua (bí ngô), vị rất ngọt, bên trong có hạt như hạt đậu dao, đều ăn được. Các thứ ngà voi, trầm hương, bông, hồ tiêu, hồi hương, tương giấm ở nước này đều là đem từ bên ngoài đến (?). Không có bàn ghế (?), vì sứ thần mới đặc biệt làm 2 chiếc ghế công, rất cao lớn. Bàn yến tiệc hình tròn, sơn vàng, cao chừng 4 thước, mép tựa như cánh hoa.
Văn tự nước này giống với Trung Thổ, nhưng tạo riêng mấy chục chữ, thêm nhiều bộ bản địa, văn thư trao đổi với sứ thần thì không dùng. Công quán Lâm Hạ nằm ở phía đông sông Phú Lương, cách nước khoảng 20 dặm, dùng tre làm tường. Mỗi một lần thiên sứ đến, thì cắm thêm một lớp tre.
Phong tục nước này buông thả không biết xấu hổ. Tắm rửa dưới sông, nam nữ trần truồng đi lại ngồi đứng, không tránh né nhau, dù là nhà quyền quý cũng vậy. Nhà phú hào mới có giường, nệm, bình dân thì không. Người quyền quý dùng lưới làm võng, hai người khiêng đi. Người rất quyền quý có kiệu tựa như xe, ngồi khoanh chân trên kiệu, dùng 8 người hoặc 4 người khiêng. Đáng buồn cười nhất là, phu cầm lọng, cầm quạt, khiêng kiệu của vương nước này cả người trần truồng, chỉ dùng 1 tấm vải xanh quấn eo, từ xương cụt luồn xuống rồi dắt lên rốn. Dù trời lạnh cũng không mặc 1 tấc áo, lại đều có hình trạng béo tốt, gọi là “hảo hán”, nghe nói đa phần là bọn giết người được xá tội.
Binh lính chỉ có 1-2 chiếc áo xanh ống tay rộng, trời nóng liền cởi trần, cũng không có giáp trụ. Khí giới gồm các thứ súng, khiên mây, thương, đao, trang trí rất tinh xảo, sử dụng nhiều e là không đủ.
Ham đọc sách, biết viết chữ, nhưng thích cái quái dị, không có truyền thụ, nên chẳng hề hiểu thấu. Chuộng thờ quỷ, không theo tôn giáo của 2 họ (họ Thích và họ Lão, tức Phật giáo và Đạo giáo). Coi kẻ biết nói cứng là giỏi. Nên Căn này phê bình bốn chữ: Ngu – Nghi – Trá – Ngạo. “Ngu” tức không hiểu lí, “nghi” tức không tin lời người, “trá” tức lời của chúng không tin được, “ngạo” tức tự cho mình vô tội. Bốn chữ ấy như tường đồng vách sắt, vững không thể phá. Nếu như triều đình biết tính toán, quan lại biên giới xếp đặt uy phong, có thể làm kinh sợ vậy.
Tác giả: Lý Tiên Căn
(Sứ thần nhà Thanh sang Đại Việt năm 1668)