HÌnh mang tính chất minh họa

Lục bộ gồm có 6 bộ: Hộ, Lại, Lễ, Binh, Hình, Công. Lục bộ là hệ thống quan trọng và lớn nhất trong các hệ thống cơ quan trung ương trong thời Nguyễn, do đó việc giới thiệu ấn triện ở hệ thống Lục bộ là việc làm cần thiết. Việc giới thiệu sẽ không riêng ra từng bộ mà trình bày chung để đảm bảo tính thống nhất của ấn triện trong hệ thống này.

Năm 1804 khi mới thành lập Lục bộ, Gia Long mô phỏng theo cơ cấu tổ chức tên hiệu, chức danh, phẩm trật của Lục bộ thời Lê. Đứng đầu mỗi bộ là chức Thượng thư rồi đến Tham tri, Thiêm sự, Câu kê, Thủ hợp. Thuộc viên gọi là Lệnh sử ty, Bản ty. Từ tháng 2 năm 1804 Gia Long đã đặt quốc hiệu là Việt Nam, đồng thời cho đúc ấn 6 bộ. ấn khắc 5 chữ Triện “Mỗ bộ đường chi ấn” (ví dụ ấn của bộ Lễ là “Lễ bộ đường chi ấn”). Các Kiềm ấn của mỗi bộ khắc 4 chữ Triện là “Khâm ty (bộ Mỗ) chính”, riêng bộ Lễ kiềm ấn khắc 4 chữ “Khâm ty lễ điển”.

Hiện nay trong Châu bản triều Gia Long còn lưu giữ một số ấn các bộ. Trong bản công văn đề niên hiệu Gia long chúng tôi đã sao lại được hình dấu của bộ Lễ. Dấu có kích thước 9,2 x 9,2cm. Viền ngoài để khuôn rộng 1cm, 5 chữ Triện bên trong xếp 3 hàng, chữ “đường” ở giữa to gấp đôi các chữ khác, là 5 chữ “Lễ bộ đường chi ấn” (ấn của bộ Lễ)(l) (ảnh l). Dấu đóng ở đoạn chữ “nguyệt” dòng ghi niên hiệu đời Gia Long thứ 5 (1806). Mặt trước trang có dấu ghi dòng chữ Hán: “Lễ bộ Thượng thư nguyên thự Lại bộ thần Nguyễn Đăng Hưng”. Đây là ấn dấu của Thượng thư bộ Lễ Nguyễn Đăng Hưng, nguyên giữ chức quyền thự bộ Lại. Thực chất đây là ấn dấu của Thượng thư bộ Lễ. Thời đầu Gia Long, tổ chức Trung ương mới hình thành, số văn quan vừa có tài vừa có công trạng không nhiều, nên việc kiêm nhiệm chức vụ là việc tất yếu.

Khi mới lên ngôi, Minh Mệnh đã tiến hành cải cách chính quyền Trung ương, trong đó có Lục bộ. Đến năm 1827, tổ chức hàng ngũ lãnh đạo cấp bộ mới được hoàn thiện, chức Thượng thư và Tham tri vẫn giữ nguyên. Tiếp theo những chức cũ được thay bằng chức Thị lang, Lang trung, Viên ngoại lang, Chủ sự, Tư vụ và các Lại điển. Việc thay đổi chức vụ quan chế cấp bộ cũng dẫn đến việc thay đổi ấn triện cho từng chức vụ để phù hợp với thực tại, nhưng phải đến cuối năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), việc thay đổi ấn kiềm và cấp ấn kiềm trong cấp bộ mới được hoàn thiện.

Trong việc thay đổi ấn triện cấp bộ, thì những ấn kiềm cũ được thu hồi không dùng nữa, thay vào đó là ấn mới trang trọng hơn. ấn mới bằng bạc trắng đúc hình con kỳ lân, vuông 2 tấc 1 phân, dày 3 phân 6 ly, khuôn dấu dưới hình vuông có kích thước 9 x 9cm, khắc 4 chữ Triện “Mỗ bộ chi ấn”. Như vậy chữ “đường” trong ấn dấu cũ đã được lược bỏ đi, đồng thời đúc các kiềm bằng ngà cho Lục bộ để thay thế kiềm cũ. Kiềm mới làm theo hình tháp bằng đầu, khuôn dấu hình vuông 2,7 x 2,7cm, khắc 2 chữ Triện “Mỗ bộ”. Tự dạng ở ấn lớn và kiềm nhỏ được khắc chung một kiểu chữ.

Vua Minh Mệnh rất chú trọng hệ thống Lục bộ, Thượng thư ở mỗi bộ được coi là chức quan cao nhất trong hàng ngũ văn quan, nên hình thức ấn cấp bộ được làm theo hình kì lân, chỉ sau Kim Bảo Ngọc Tỷ của Hoàng đế. ở tập “Công văn cổ chỉ” trong tờ “Tư di” (công văn chuyển đi) có hình con dấu kích thước 9 x 9cm, viền ngoài đậm 1cm, 4 chữ Triện “Hình bộ chi ấn” (ấn của bộ Hình) khắc vuông vức. Dấu đóng trên chữ “Nguyệt” dòng ghi niên hiệu: “Minh Mệnh thập tam niên chính nguyệt thập ngũ nhật” (ngày 15 tháng Giêng năm Minh Mệnh 13 (1832). Bên cạnh là dòng chữ Hán “Thừa Thiên phủ dĩ bắc chí Hà Nội chư địa phương quan” (ảnh 2). Đây là bản công văn chuyển đi cho các quan địa phương từ phủ Thừa Thiên ra Bắc đến Hà Nội. Phần giáp trang ở phía dưới của văn bản này có hình dấu kiềm, đóng 2 chữ Triện “Hình bộ” . Kích thước 2,7 x 2,7cm, kiểu chữ giống ấn lớn “Hình bộ chi ấn” trên. Đây là dấu kiềm của bộ Hình cùng cặp với ấn lớn, chuyên dùng đóng chỗ tẩy, xóa và nơi giáp trang trên các văn bản chữ Hán của bộ.

Bên cạnh ấn kiềm của cơ quan bộ thì từ Thượng thư trở xuống đến Tả Hữu Thị lang, Biện lí của Lục bộ đều được sử dụng ấn Quan phòng chức vụ. Năm 1820 Minh Mệnh đã cho làm Quan phòng chức vụ của Thượng thư 6 bộ, chất liệu bằng bạc, núm ấn hình sư tử, dài 9 phân, ngang 6 phân 3 ly, dày 2 phân 7 ly, dây đeo ấn màu vàng. Quan phòng của Tham tri, Thị lang, Biện lý 6 bộ chất liệu bằng ngà, núm ấn hình chuôi vồ dài 8 phân 4 ly, ngang 5 phân 4 ly.

Một số tập trong Châu bản triều Nguyễn hiện còn lưu giữ nhiều hình dấu Quan phòng chức vụ của Thượng thư, Tả, Hữu Tham tri, Tả, Hữu Thị lang, Biện lý ở Lục bộ và một số Quan phòng chức vụ của các quan chức khác. Những hình dấu này đóng trên tập biên bản ghi về hội nghị Công đồng(2) của triều đình Nguyễn. Hội nghị Công đồng là đại hội công nghị một tháng họp một lần 4 ngày liền, vua tham khảo ý kiến đình thần để quyết định những việc trọng đại. Biên bản ghi nội dung hội nghị, đoạn ghi ngày tháng của dòng niên hiệu được đóng ấn lớn “Công đồng chi ấn” (ấn của Công đồng) [ấn “Công đồng chi ấn” sau được đổi làm ấn “Đình thần chi ấn”]. Dấu hình vuông kích thước 9,6 x 9,6 cm, bốn chữ Triện bên trong chia 2 hàng. Phía dưới ấn lớn là một loạt Quan phòng nhỏ đại diện cho mỗi bộ hoặc một cơ quan, binh chủng được dự họp. Trong quyển 18 – Chư bộ Nha – Minh Mệnh thứ 7 – Châu bản hiện lưu giữ nhiều hình dấu Quan phòng chức vụ của các chức quan cấp bộ.

– Dấu của Thượng thư bộ Lại có cỡ 2,5 x 3,8cm, 6 chữ Triện bên trong chia làm 3 hàng là chữ “Lại bộ Thượng thư quan phòng” , dấu đóng dưới dòng chữ Hán “Lại bộ Thượng thư kiêm quản Tào chính sự vụ thần Trần Lợi Trinh”. Đây là dấu Quan phòng của đại thần Trần Lợi Trinh” giữ chức Thượng thư bộ Lại kiêm quản Tào chính sự vụ” (ảnh 3).

– Dấu “Hình bộ Thượng thư quan phòng” đóng dưới dòng chữ: “Thự Hình bộ Thượng thư thần Hoàng Kim Xán”. Đây là dấu Quan phòng của đại thần Hoàng Kim Xán giữ chức quyền Thượng thư bộ Hình, dấu có kích thước bằng dấu của bộ Lại (ảnh 4).

– Dấu “Công bộ Thượng thư quan phòng” đóng dưới dòng chữ “Công bộ Thượng thư thần Trần Văn Tính”. Đây là dấu Quan phòng của Thượng thư bộ Công Trần Văn Tính. Dấu có kích thước bằng hai dấu trên (ảnh 5).

– Dấu “Lễ bộ Tả tham tri quan phòng” có kích thước 2,1 x 3,3cm đóng dưới dòng chữ “Lễ bộ Tả Tham tri thần Nguyễn Đăng Tuân”. Đây là dấu Quan phòng của Nguyễn Đăng Tuân giữ chức Tả Tham tri bộ Lễ (ảnh 6).

– Dấu “Hộ bộ Hữu tham tri quan phòng” đóng dưới dòng chữ “Thự Hộ bộ Hữu tham tri thần Hoàng Văn Diễn, có kích thước 2,1 x 3,3 cm. Đây là dấu Quan phòng của Hữu tham tri bộ Hộ Hoàng Văn Diễn (ảnh 7).

– Dấu “Công bộ Tả tham tri quan phòng” có kích thước 2,1 x 3,3cm, đóng dưới dòng chữ “Thự Công bộ Tả tham tri thần Bùi Đức Cẩn”. Là dấu Quan phòng của Bùi Đức Cẩn giữ chức quyền Tả tham tri bộ Công (ảnh 8).

– Dấu “Binh bộ Hữu tham tri quan phòng kích thước 2,1 x 3,3 cm, đóng dưới chữ “Thự Binh bộ Hữu tham tri thần Hoàng Văn Quyền”. Đây là dấu Quan phòng của Hoàng Văn Quyền giữ chức quyền Hữu tham tri bộ Binh (ảnh 9).

– Dấu “Biện lý Hộ bộ quan phòng” có kích thước 2,1 x 3,3 cm, đóng dưới dòng chữ “Cai bạ Biện lý Hộ bộ sự vụ thần Nguyễn Đức Hội”. Đây là dấu Quan phòng của chức Cai bạ kiêm Biện lý sự vụ bộ Hộ tên là Nguyễn Đức Hội (ảnh 10).

– Dấu “Biện lý Binh bộ quan phòng” có kích thước 2,1 x 3,3 cm, đóng dưới dòng chữ Cai bạ(3) Biện lý Binh bộ sự vụ thần Đặng Văn Hòa. Đây là dấu Quan phòng của chức Cai bạ kiêm Biện lý sự vụ bộ Binh tên là Đặng Văn Hòa (ảnh 11).

– Dấu “Biện lý Hình bộ quan phòng” có kích thước 2,1 x 3,3 cm, đóng dưới dòng chữ “Hiệp trấn(4) Biện lý Hình bộ sự vụ thần Nguyễn Kim Bảng”. Đây là dấu Quan phòng của Nguyễn Kim Bảng, giữ chức Hiệp trấn kiêm Biện lý sự vụ bộ Hình (ảnh 12).

– Dấu “Lại bộ Hữu thị lang Quan phòng” có kích thước 2,1 x 3,3cm, đóng dưới dòng chữ “Lại bộ Hữu thị lang thần Doãn Uẩn”. Đây là dấu Quan phòng của Hữu thị lang bộ Lại Doãn Uẩn (ảnh 13).

Qua 11 hình dấu được dẫn chứng trên(5) chúng tôi thấy:

– Dấu Quan phòng chức vụ của Thượng thư các bộ có cùng kích thước, và lớn hơn ấn các chức khác.

– Người quyền thự chức, tuy văn bản có ghi rõ là Thự (Tạm quyền) nhưng ở dấu lớn vẫn giữ nguyên chính chức, không có chữ “Thự” trong dấu.

– Tỷ lệ kiêm chức ở cấp bộ tương đối nhiều như viên Thượng thư bộ Lại Trần Lợi Trinh kiêm quản cả Tào chính sự vụ.

– Thời Gia Long cho đến đầu Minh Mệnh, chức Biện lý ở các bộ đều do các chức Phó quan ở chính quyền địa phương cấp tỉnh kiêm quản, như viên Hiệp trấn Nguyễn Kim Bảng kiêm nhiệm cả chức Biện lý bộ Hình. Hai viên Biện lý ở bộ Hộ là Nguyễn Đức Hội, bộ Binh là Đặng Văn Hòa đều đương nhiệm chức Cai bạ.

Ở hệ thống Lục bộ còn một loại ấn kiềm nữa được làm ngay từ đầu đời vua Minh Mệnh. Sử cũ ghi lại “… chế tạo ấn bằng ngà dùng những lúc xuất hành cho bộ Binh, nay chuẩn cho quan Hữu tư theo kiểu mẫu chế thêm cho các bộ Lại, Hộ, Lễ, Hình, Công, mỗi bộ đều một quả ấn dùng lúc hành quân và 6 bộ đều dấu kiềm bằng ngà. Sau đây phàm ngày đi tuần hạnh, viên nào là Đường quan ở bộ nào sử dụng đi hỗ giá thì lĩnh ấn dùng đi đường, còn viên nào lưu ở bộ làm việc, vẫn giữ ấn bộ dùng thường lệ”.(6)

Trong “Quyển l7, Thiệu Trị 2″(7), chúng tôi đã tìm thấy hình dấu của loại ấn này. Dấu hình vuông, kích thước 4,2 x 4,2cm, 4 chữ Triện chia 2 hạng, mỗi chữ xếp theo hình vuông l x l cm, là 4 chữ “Binh bộ hành ấn” . Dấu được đóng dưới dòng ghi niên hiệu ngày tháng, vào ngày 13 tháng 8 Thiệu Trị thứ 2 (1842) (ảnh 14)

Như vậy 5 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công đều có ấn dấu riêng cùng kích thước và kiểu loại như dấu “Binh bộ hành ấn” trên. Loại ấn này dùng khi việc hộ giá tuần hạnh xong đến ngày hồi loan, thì viên đường quan theo hộ giá ấy mang ấn kiềm này nộp cho Nội các cất đi, khi nào có việc xuất hành thì đến Nội các nhận mang theo sử dụng.

Trong hàng văn quan, Thượng thư là chức quan cao nhất, nhưng phẩm trật cũng chỉ là Chánh nhị phẩm. Triều Minh Mệnh còn đặt ra những chức hàm Đại học sĩ: Cần chánh, Đông các, Võ hiển, Văn minh và Hiệp biện đều có phẩm trật cao hơn Thượng thư. Chức Thượng thư có khi được gia phong hàm chức Đại học sĩ với trật phẩm cao nhất, thực ra đó chỉ là vinh hàm để tăng thêm uy lực của các Thượng thư, thậm chí có người kiêm nhiệm nhiều chức vụ như Trương Đăng Quế là Thượng thư bộ Binh triều Tự Đức.

Trong quyển 119 – Tự Đức, chúng tôi in lại được hình dấu của đại thần Trương Đăng Quế. Dấu hình chữ nhật có cỡ 3 x 4 cm lớn hơn dấu Thượng thư, 3 hàng 8 chữ Triện “Cần chánh điện Đại học sĩ quan phòng” (Quan phòng của Cần chánh điện Đại học sĩ). Dấu đóng ở mấy dòng chữ Hán “Thái Bảo Cần chánh điện Đại học sĩ quản lý Binh bộ sự vụ, sung Cơ mật viện đại thần, sung Kinh diên giảng quan, kiêm lãnh Khâm thiên giám, sung Sử quán Tổng tài Tuy Thịnh Quận công thần Trương Đăng Quế”. Niên đại của văn bản có hình dấu này ghi năm Tự Đức 13 (1860) – Tuy Thịnh Quận công Trương Đăng Quế với chức hàm Thái bảo Cần chánh điện Đại học sĩ, là Thượng thư bộ Binh và một đại thần của viện Cơ mật, sung Kinh diên giảng quan, quản lãnh cả Khâm thiên giám và là Tổng tài của Quốc sử quán. Nhiều chức vụ như vậy, điểm nổi bật của Trương Đăng Quế là: một Đại thần với chức vụ Thượng thư bộ Binh trong giai đoạn lực lượng quân đội được coi trọng (ảnh 15).

Về chức năng của một vài bộ có liên quan đến ấn dấu, như bộ Lại gồm 5 Ty, trong đó Ty Lại ấn do các ty lần lượt phái nhân viên phụng giữ ấn của bộ, tiếp nhận chương sớ và tờ tư, trình Đường quan rồi chuyển giao cho các Ty chiếu biện, cứ 1 tháng thì hết hạn luân phiên.

Ty Lại trực do các Ty lần lượt phái chuyên viên viết phiếu bài trình tiến và viết tinh tả phiếu nghĩ để trực hầu đóng dấu ấn vàng.

Bộ Lễ là bộ có liên hệ mật thiết nhất với Bảo tỉ của Hoàng đế và việc phong sách ấn cho Hoàng thái hậu, đến các vương công Hoàng tộc và các loại hình ấn triện khác. Các định lệ về việc đúc vàng, chế tạo các ấn kiềm, ấn Quan phòng, Đồ ký, Kiềm ký và Triện đều do bộ Lễ phân chia từng loại tâu lên, nhà vua phê chuẩn rồi tư cho các nơi thi hành. Sử cũ còn ghi: “phàm khi có đúc ấn bằng bạc, Quan phòng bằng bạc, ấn đồng, Quan phòng, Ký triện bằng đồng, hoặc khi chế Quan phòng bằng ngà, Ký triện bằng gỗ, bộ Lễ tư cho Hữu ty theo đúng kiểu thức mà chế tạo. Chế xong bộ trình lên giao cho Nội các cất giữ đợi ban cấp. Nếu lâu ngày bị hao mòn, tùy theo ấn đó bằng bạc, đồng hay ngà, căn cứ khai báo, bộ tâu xin cấp thay con dấu khác… Nếu là ấn gỗ thì ở Kinh đô ngành văn do bộ Lại, ngành võ do bộ Binh, ở ngoài do quan Thượng ty các hạt theo y thể thức chế ra mà cấp và thu hồi tiêu huỷ ấn cũ, không cần tâu xin”(9).

Chú thích:

(1) Hình dấu này in ở quyển 2 – Gia Long – l8 trang 259 – Châu bản.

(2) Hội nghị Công đồng được lập từ năm 1787 với tên gọi Sở công đồng, dùng ấn “Công đồng chi ấn”. Đến năm Minh Mệnh 16 (1835) đổi làm hội nghị Đình thần với tổ chức như cũ. ấn “Đình thần chi ấn” được làm ra thay cho ấn Công đồng.

(3) Cai bạ: thời Gia Long và đầu Minh Mệnh, đứng đầu mỗi doanh (tức tỉnh sau này) là một Lưu thủ, có các chức Cai bạ, Ký lục phụ tá. Cai bạ chính là chức phó doanh.

(4) Hiệp trấn: thời Gia Long và đầu Minh Mệnh, đứng đầu mỗi trấn (tức tỉnh sau này) là một Trấn thủ, có các Hiệp trấn, Tham hiệp phụ tá. Hiệp trấn chính là chức Phó trấn.

(5) Tất cả những dấu trên ở trang 16, 17, 18 quyển 18 Minh Mệnh 7 Châu bản.

(6) Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ – Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, trang.304.

(7) Quyển 17, Thiệu Trị 2, tr.23, Châu bản.

(8) Quyển 119, Tự Đức 13, Châu bản.

(9) Đại Nam hội điển toát yếu và quan chế đời Minh Mệnh, Ký hiệu LA.13. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Ngô Thế Long dịch.

 

Tác giả : NGUYỄN CÔNG VIỆT, nguồn Hội mê Sắc Phong – facebook

1 thought on “Ấn triện trong hệ thống Lục Bộ thời Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.