Nghệ Thuật Xưa xin gửi tới bạn đọc một vài dòng nhận xét của hoạ sĩ Nguyễn Đức Hòa về vấn nạn chép tranh tại Việt Nam.

1/ Khoảng những năm 1960-1970, khi được chép tranh mình theo yêu cầu của nhà nước, các họa sĩ Hà Nội khi đó KHÔNG AI NGHĨ ĐẾN VẤN ĐỀ BẢN QUYỀN! Bởi định hướng xã hội hồi đó tác động sâu sắc tới các nghệ sĩ miền Bắc nói chung và các họa sĩ Hà nội nói riêng. Hồi đó miền Bắc không có thị trường tranh… đồng thời “chủ nghĩa cá nhân” bị hạn chế ở mức thấp nhất! Người mua tranh duy nhất là… nhà nước, chủ yếu thông qua Bảo tàng, giá không do nghệ sĩ đặt mà theo thang giá nhà nước. Trừ “Tổ sáng tác” gồm mấy vị như Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Giáo, Dương Bích Liên… được nhận lương mà không phải làm gì, chỉ vẽ, còn mọi họa sĩ khác đều phải đi làm trong các cơ quan nhà nước để được nhận lương mà sống, chỉ tranh thủ vẽ ngày chủ nhật hay ngày nghỉ phép mà thôi…. (sau này nếu có dịp sẽ bàn về “tổ sáng tác” sau).

2/ Tại sao vậy ? Vì khi đó có định hướng cơ bản: “Tất cả để phục vụ nhân dân !” Thầy hiệu phó trường Mỹ thuật Trần Văn Lắm từng nhiều lần dạy sinh viên rằng: Nhà trường dạy các cô các chú không phải để ra làm nghệ sĩ mà làm cán bộ nghệ thuật phục vụ nhân dân ! Rõ chưa ! Và tất cả các nghệ sĩ đều thấm nhuần: “Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa là con đường duy nhất đúng dành cho các nghệ sĩ !” Ý này được nhắc đến mấy lần trong các Vựng tập Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1958 và 1960 (Tôi có chuyên luận dài về Lịch sử các Triển lãm Mỹ Thuật Toàn Quốc VN (MTTQ), từ 1945 đến 2010, có so sánh sơ bộ với các Triển lãm MTTQ của Pháp, Thái Lan và Trung Quốc nên nắm rõ các tư liệu này). Thầy Lê Quốc Bảo dạy môn Mỹ học Mác-Lê nin cũng mấy lần bắt chúng tôi chép vào vở câu này !

3/ Có điều – bây giờ thấy lạ, nhưng hồi đó thấy là đương nhiên: đa số các họa sĩ thật sự tin vào những tín điều kể trên, chỉ có rất ít người muốn vẽ khác kiểu. Có lẽ do sự hấp dẫn của định hướng phấn đấu cho một mô hình xã hội tuyệt đối công bằng chăng ? Hay do mới được làm công dân của một nước độc lập, thoát khỏi ách thực dân Pháp ? Chúng tôi còn được các bác lớn tuổi bảo: Bây giờ sướng thật, tốt nghiệp ra là có chỗ đi làm, ừ thì lương chưa cao nhưng ngày trước, chúng tôi tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương xong là phải tự kiếm ăn lấy, không có “cơ quan” nào nhận đâu !

4/ Có lẽ vì thế chăng, nên khi nhà nước (thông qua Bảo tàng MT chẳng hạn) đưa đến hợp đồng chép tranh thì ai cũng vui vẻ làm vì 2 lẽ cơ bản: cũng là phục vụ (như ý đã trình bày ở trên) và khi chép được cấp vật liệu quý hiếm lúc đó như son sơn mài, vàng bạc quỳ… chép xong được tiền cao gấp nhiều lần lương tháng, toàn gia đỡ đói…

5/ Chỉ sau khi đất nước “Đổi mới” & “Mở cửa” thì đa số các họa sĩ miền Bắc mới dần dần hiểu về vấn đề BẢN QUYỀN (mà cũng chưa hiểu hết đâu), và dần dần mới thấy nhức nhối về nạn sao chép và giả mạo tranh… chứ hồi những năm 1960, 1970 thì vô tư lắm, thậm chí mừng lắm, thật đấy !

6/ Năm 1958, VN đưa tranh đi tham gia Triển lãm Nghệ thuật Hiện thực 12 nước XHCN ở Mouscou (tôi có danh sách các tranh này, do Hội MT in trong Vựng tập Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1958 hoặc 1960). Có một số đại diện Hội Mỹ thuật VN đi cùng như Mai Văn Hiến, Lương Xuân Nhị, Công Văn Chung… Nhưng quan trọng nhất là ông Hiến- Thường trực Hội. Sơn mài VN đã gây được tiếng vang lớn ở Triển lãm này và Bộ Văn hóa Liên Xô muốn mua hầu hết để bày trong Bảo tàng Phương Đông của họ, tất nhiên với cái giá cao ngoài sức tưởng tượng của lãnh đạo ta. Nhưng rắc rối là ở chỗ:

  • Phía VN không ngờ đến chuyện bán nên tác giả không đề giá tiền gì hết, điện hỏi về thì phức tạp và chắc không kịp (thời đó thông tin không đơn giản như bây giờ).
  • Ngay sau đó số tranh này còn phải đi bày tiếp theo hợp đồng tại Ba Lan và Đông Đức nên nếu bán thì vỡ hợp đồng.
  • Sang đến bên Ba và Đức thì lãnh đạo văn hóa cả 2 nước này cũng đòi mua nên càng khó xử… Nên nhớ ở đây cá nhân không có quyền quyết mà tập thể thì Hội MT lúc đó không có tư duy kinh tế.
  • Toàn bộ tiền vé tàu hỏa liên vận (từ VN qua TQ, xuyên LX sang Ba và Đức… rồi ngược về) cho người và tranh + ăn ở + tham quan + tiêu vặt do LX, Ba, Đức đài thọ hết.

Quyết định sau cùng: không bán để khỏi mất lòng các “ông anh” và mang tranh về. (tôi được nghe trực tiếp cụ Công Văn Chung kể lại trong thời gian đến tận nhà cụ hàng tháng trời để làm thợ khắc bức tranh sơn khắc “Chùa Thầy” cho cụ, năm 1990… và cũng nghe nhiều cụ khác kể tương tự)

7/ Nhưng sau đó thấy có lợi cả về chính trị, kinh tế, nghệ thuật… nên phía VN đã quyết định đặt chính các tác giả sao lại tranh của họ để bán cho Bảo tàng Phương Đông của Liên Xô. Tranh nào mà tác giả không có điều kiện sao thì thuê người khác (có cụ đã mất hay đi vắng hay ốm đau hay Nhân văn Giai phẩm… chẳng hạn). Cái lợi về kinh tế hồi đó thấy rõ ngay, nhưng chủ yếu Bộ Ngoại thương hưởng và đưa vào ngân sách nhà nước, các tác giả nhận được không nhiều.

8/ Đến thời miền Bắc bị bom đạn của Johnson và Nixon (1965-1972) thì một lần nữa Bảo tàng Mỹ thuật VN lại đặt một số họa sĩ sao lại tranh của họ (lần này có mở rộng thêm nhiều người chép mà không phải là chính tác giả). Lý do là để sơ tán tranh, đề phòng Bảo tàng trúng bom (có vẻ chính đáng).

9/ Đến thời Đổi mới và Mở cửa thì xuất hiện nhà sưu tập Việt kiều Hà Thúc Cần. Ông có cái mánh là xem BTMT xong thì đến đặt ngay tác giả. Dẫn chứng điển hình là cụ Dương Bích Liên đến BT năn nỉ mượn lại tranh Mùa Gặt để chép… rồi mãi sau BT đòi thì trả lại… tranh xấu hơn nhiều, nhưng… “vẫn chính chủ” (?). Điều C kể trên đây được 1 cựu chuyên viên Bảo tàng MTVN công khai trong Hội thảo về Giám định tác phẩm Mỹ thuật tại phòng họp của Bảo tàng năm 2009- tất cả những người tham dự được nghe vẫn còn đang sống (lúc đó không ai phản bác !)

 

Hoạ sĩ Nguyễn Đức Hòa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.