Trong năm 1413 sau Công Nguyên, một hạm đội nhà Minh Trung Hoa có lẽ vào khoảng năm mươi bẩy chiếc thuyền – một số dài hơn 200 bộ Anh (feet) – đã trương buồm một cách oai hùng tiến ra khỏi các xưởng đóng tàu gắn liền với Nam Kinh, kinh đô của đế quốc.  Các chiếc thuyền lớn nhất được mệnh danh là “các bảo thuyền” bởi các khối lượng khổng lồ các hàng hóa Trung Hoa mà chúng chở đi và các báu vật mà chúng mang về từ sự mậu dịch và triều cống từ các nơi xa xôi.  Trong hạm đội có các chiếc thuyền chuyên chở một đội quân hơn 20,000 chiến sĩ, các thuyền chở ngựa, và các thuyền chỉ chở theo nước uống. 1 Sau hơn một năm chuẩn bị, hạm đội chậm rãi đi về hướng đông 200 dậm, xuôi dòng sông Dương Tử ra tới biền Hoàng Hải (Yellow Sea). 2 Đoàn thuyền được chỉ huy bởi Trịnh Hòa, một viên thái giám cao cấp trong triều nhiều uy thế, và thân cận với vị hoàng đế.

Khi hạm đội trương buồm từ Nam Kinh, trong số các kẻ trên thuyền có Mã Hoan, được tuyển mộ “vào một chức vụ thuộc cấp làm thông dịch viên các văn kiện ngoại quốc”. 3 Ông ta ở tuổi ba mươi hai, theo đạo Hồi, nói và đọc được tiếng Ả rập. 4 (*a) Mã Hoan có nguyên quán từ một thành phố nằm phía nam Hàng Châu vài dậm, một trong những hải cảng mậu dịch quan trọng ở thời đại đó và cách Nam Kinh khoảng 150 dậm về phía nam.  Ông không thuộc giới quý tộc hay cận thần trong triều, mà đúng hơn chỉ là một con người bình thường, có lẽ là một viên chức cấp thấp.  Ông tự hạ mình xưng là “kẻ tiều phu vùng núi”. 5 Giống như các người khác còn lại trên thuyền, ông sẽ xa nhà và gia đình trong hơn hai năm.  Tập hồi ký của Mã Hoan đặc biệt quan trọng bởi vì nó là một trong hai bản chứng từ duy nhất còn tồn tại về các hạm đội này và các cuộc du hành của chúng.

Vào thời đại của Mã Hoan, các sản phẩm của Trung Hoa đã sẵn được lưu hành tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương trong nhiều thế kỷ.  Xin nhắc rằng các sản phẩm của Trung Hoa đã tạo thành phần lớn chuyến hàng hóa của chiếc tàu Intan bị chìm hồi thế kỷ thứ mười như đã nói đến nơi Chương 3[của nguyên bản, ND].  Tuy nhiên, các thuyền của Trung Hoa đã không mạo hiểm đi quá về phía của Bán Đảo Mã Lai.  Ngay trong thế kỷ thứ mười ba, Abraham bin Yiju, nhà mậu dịch đồ gia vị gốc Do Thái, ghi nhận không có hạm đội Trung Hoa nào trong suốt hai mươi năm cư trú tại bờ biển Malabar của Ấn Độ.

Một vài điều gì đó khá mới mẻ đã xẩy ra hồi cuối thế kỷ thứ mười ba.  Quân Mông Cổ, dưới sự thống lĩnh một một cháu trai của Genghis Khan, đã chinh phục toàn cõi Trung Hoa trong năm 1279 sau Công Nguyên.  Các học giả vẫn còn tranh luận một cách sôi nổi về việc người Mông Cổ đã thích nghi với các phong tục của Trung Hoa đến mức độ nào, và họ đã ảnh hưởng đến Trung Hoa tới mức độ nào. 4 (*b) Các cuộc xâm lăng của Mông Cổ thực sự đã đóng lại bất kỳ sự chia rẽ nào giữa Bắc và Nam Trung Hoa. 5 (*c) Quân Mông Cổ đã gửi các đoàn viễn chinh đi chinh phục đến miền đại lục Đông Nam Á.  Họ cũng đã gửi một phái bộ sang đánh phá Java nhưng bị thất bại một cách ngoạn mục và đã để lại một số lớn các người Trung Hoa lang thang tại Java, đưa đến một sự thăng tiến trong cả kỹ thuật đóng tàu lẫn quân sự.  Trong nội bộ Trung Hoa, sự thờ ơ của Mông Cổ với mậu dịch có lẽ đã giúp cho các thương nhân tư nhân né tránh được sự kiểm soát của chính quyền và thuế khóa. 6

Vào khoảng những thập niên đầu của thế kỷ thứ mười bốn, các đoàn tàu mậu dịch Trung Hoa to lớn đã phá vỡ các biên giới của mậu dịch Đông Nam Á và tiến về phía tây sang Ấn Độ.  Vào khoảng 1300 sau Công Nguyên, Ibn Battuta (Chương 6) [trong nguyên bản, ND] tự mình đã nhìn thấy một đoàn thuyền như thế, được tài trợ hoàn toàn bởi tư nhân, bao gồm mười ba chiếc thuyền.  Đoàn tàu cập bến hải cảng Malabar ở Kalikut.  Đoàn thuyền lưu lại trong ít tháng và sau đó cùng nhau khởi hành sang Trung Hoa.  Các nhà mậu dịch lớn trên thuyền biết rõ những loại gia vị mà họ muốn có và chở các hàng hóa đặc biệt để trao đổi lấy gia vị.  Ibn Battuta hiển nhiên lấy làm bội phục.

Các thuyền lớn có từ mười hai đến ba cánh buồm, làm bằng các thanh tre đan lồng vào nhau như các tấm thảm.  Chúng không bao giờ được hạ xuống, nhưng họ đã xoay chuyển chúng theo hướng gió; khi thả neo họ để chúng phất phới trong gió.  Một chiếc thuyền chuyên chở đủ cấp số là một nghìn người, sáu trăm người trong họ là thủy thủ, và bốn trăm người là binh sĩ chiến đấu, gồm cả các xạ thủ, các kẻ có thuẫn và nỏ, tức các kẻ phóng ra tên lửa (naphtha).  Mồi chiếc tàu lớn được tháp tùng bởi ba chiếc thuyền nhỏ hơn … 7

Ibn Battuta có gắng xin đi đến Trung Hoa trên một trong các chiếc thuyền mậu dịch cỡ lớn và khám phá rằng ngoài các cánh buồm, chúng còn được đẩy đi bởi các mái chèo lớn, mỗi mái cần đến mười lăm tay chèo.  Các chiếc thuyền có bốn sàn (boong) và các phòng riêng dành cho các thương nhân quan trọng nhất, những kẻ có mang theo các bà vợ và các nàng hầu.  Trên tàu cũng có đại diện của chủ tàu, và ông ta du hành với một đoàn tùy tùng đông đủ, kể cả các nô lệ Phi Châu. 8

Trong thập niên 1370 sau Công Nguyên, nửa thế kỷ sau Ibn Battuta, một triều đại nhà Minh mới đã tái chinh phục Trung Hoa, dành lại nó từ các kẻ thừa kế của Genghis Khan, và sau hai thập niên theo đuổi chính sách cô lập, Trung Hoa đã phát triển một sự quan tâm đến mậu dịch đường biển phía nam.  Vào khoảng đầu thập niên 1400 sau Công Nguyên, triều đình nhà Minh vươn đến đỉnh cao về của cải và quyền lực của nó.  Vị hoàng đế ra lệnh xây cất Cấm Thành tại Bắc Kinh, một quần thể cung điện mới có tường thành bao quanh rộng 180 mẫu Anh (acres). 9 Áp dụng cả ngoại giao lẫn quân sự, vị hoàng đế đã mở rộng quyền lực Trung Hoa về phía tây dọc theo con đường khách thương sa mạc (Caravan), củng cố lãnh thổ mới với các vọng gác và tiền đồn vũ trang.  Ông ta tấn công về phía tây vào Tân Cương và phía nam vào Việt Nam ngày nay.  Các quan hành chính của ông đã chỉ huy lao động để sửa chữa và tái dựng các đoạn dài của bức Trường Thành.  Ông đã phái các đại sứ đi và đã tiếp nhận các đại sứ; từ nhiều quyền lực tại Trung Á và Trung Đông. 10

Trong khung cảnh nhiều tham vọng này, các hạm đội Trung Hoa tăng trưởng trong tỷ lệ và phạm vị hoạt động.  Hoàng đế nhà Minh Vĩnh Lạc (Yong-le) đích thân tham dự vào việc họach định các hạm đội và đã bổ nhiệm một trong những thái giám chính của ông làm tư lệnh.  Các đoàn thuyền to lớn có mục đích thiết lập sự thống trị mậu dịch và ngoại giao trên toàn thể cõi Đông Nam Á, Tích Lan, bờ biển Ấn Độ, bờ biển phía nam của vùng Trung Đông và bờ biển phía đông của Phi Châu.

Mã Hoan nắm được tinh thần của các cuộc viễn chinh trong một bài thơ ông viết ít năm sau khi trở về Trung Hoa:

Vị sứ giả vinh quang của Hoàng Đế đã nhận được các thánh chỉ

     ‘đi tuyên cáo ở hải ngoại các âm thanh ngọt ngào, và đi đến các vùng đất man rợ”. 11

Mã Hoan có mặt trong cuộc viễn chinh của đế triều lần thư tư(1413-1415 sau Công Nguyên) đi về phía nam và phía tây từ Trung Hoa và vào Ấn Độ Dương.  Giống như các hạm đội đế triều trước đây, cuộc viễn chinh này khởi hành vào các tháng mùa thu để lợi dụng các luồng gió mùa thuận tiện.  Đoàn thuyền men theo bờ biển Trung Hoa theo hướng tây nam trong mười ngày đến vương quốc Chàm, tại khu vực miền trung của Việt Nam ngày nay.  Ngay từ lúc bắt đầu cuộc hành trình, Mã Hoan đã cẩn thận ghi chép về y phục, phong tục, và sinh hoạt như ông nhìn thấy.  Ông xác định vị vua Chàm tại trung phần Việt Nam như một “tín đồ sùng đạo” Phật là kẻ đội một vương miện tô điểm thanh nhã ba tầng bằng vàng chạm lộng”. (*d)  Cả nhà vua lẫn các nhà quý tộc đều mặc áo choàng dài bằng vải chế tạo của bản xứ, phủ bên ngoài tấm lụa quấn che đôi chân.  Nhà vua cấm các kẻ khác mặc đồ màu trắng hay có cửa nhà cao hơn độ cao đã định.  Mã Hoan nhận thấy rằng nón đội của các nhà quý tộc được sơn và trang trí mạ vàng để chỉ cấp bậc.  Từ các sự tiếp xúc đầu tiên của ông tại xứ Chàm, ông khám phá rằng giới quý tộc sống sung túc.  “Ngôi nhà trong đó nhà vua cư ngụ thì cao và rộng.  Bốn bức đường bao quanh được xây có họa tiết trang trí bằng gạch và vữa, rất ngay ngắn”. 12

Mã Hoan kế đó ghi nhận rằng khí hậu thì “nóng một cách dễ chịu, không có sương hay tuyết, lúc nào cũng giống như mùa trong tháng tư hay tháng năm.  Cây cối thảo mộc luôn luôn xanh tươi”.  Ông kế đó đã hướng sự mô tả đến các thực vật và động vật hữu dụng:

Vùng núi sản xuất gỗ mun, ch’ieh-lan [một loại trầm thượng hạng], tre Quan Âm (Kuan-yin), và gỗ la-ka.  Gỗ mun thật đen bóng, và nhất quyết có phẩm chất tốt hơn sản phẩm của các xứ khác.  Trầm ch’ieh-lan chỉ được sản xuất từ một ngọn núi lớn của xứ sở này, và không có ở nơi nào khác trên thế giới, nó thì rất đắt giá, được trao đổi [ngang với bạc theo trọng lượng]. 13

Ông cũng liệt kê các sản vật mậu dịch khả hữu mà dân Chàm ưa thích: “các loại đĩa, bát, và các đồ sứ men xanh da trời khác, lụa gai, sa lụa, chuỗi hạt, và các vật khác như thế từ Trung Hoa”. 14

Mã Hoan đã cố làm cho các độc giả của ông hiểu được các nơi chốn xa lạ bằng các so sánh thực phẩm và các gia súc với những gì thịnh hành ở quê nhà:

Ngựa của họ thì thấp và nhỏ, giống như các con lừa.  Các con trâu nước, bò vàng, lợn và dê … họ đều có cả thảy.  Ngỗng và vịt thì hiếm có… Các con gà đá có mào đỏ và tai trắng, với lườn nhỏ và đuôi vểnh cao; chúng cũng gáy lên khi người ta nhắc chúng lên tay của họ; {chúng] rất được ưa thích. 15

Tại xứ Chàm cũng như tại các hải cảng sau này, Mã Hoan tìm kiếm thường dân và mô tả phong tục của họ.  Sau khi kết hôn, “cha và mẹ của chàng trai, cùng với các thân nhân và bạn hữu, cùng với đội kèn trống đi kèm đã hộ tống chú rể và cô dâu trở về nhà [cha mẹ]; họ sửa sọan sẵn rượu và chơi nhạc”. 16 Tại xứ Chàm, ông khám phá ra sự phán quyết tư pháp thì hà khắc.  “Đối với tội nhẹ, họ dùng hình phạt đánh roi vào lưng bằng một sợi mây; đối với tội nặng, họ cắt mũi”. 17 Mã Hoan ghi nhận không có giấy viết tại xứ Chàm.  Dân chúng thường giã vỏ cây hay da dê để ghi chép lại các sự tường thuật hay các bài viết khác.  Từ xứ Chàm, đoàn thuyền xuôi nam xuống Java, nơi vần còn can dự sâu xa vào hoạt động mậu dịch đường biển.

Trong khi tại Java, Mã Hoan cũng viết về các loại nhà ở, y phục của nhà vua và triều thần, và các khả năng mậu dịch.  Mã Hoan đã đọc sách vở du hành Trung Hoa trước đó và biết những gì được kỳ vọng.  Ông còn liệt kê các chủ điểm này trong phần giới thiệu hồi ký của ông: “khí hậu, địa chí … hình dáng dân chúng … phong tục địa phương … các sản phẩm thiên nhiên, và … các giới hạn biên cương”. 18

Sự nhạy cảm của Mã Hoan về chi tiết và sự khác biệt khiến tập tường thuật của ông khác với các bút ký du hành thường lệ (run-of-the-mill).  Sự quan sát của ông hãy còn mới mẻ và thú vị ngay dù năm thế kỷ đã trôi qua.

Các ngôi nhà được xây với nhiều tầng, mỗi cái cao [vào khoảng bốn mươi bộ Anh (feet)]; họ đặt ván [làm sàn nhà trên đó] họ trải chiếu đan bằng mây sợi nhỏ, hay các tấm thảm cỏ theo họa kiểu, trên đó người ta ngồi xếp bắt chân vào nhau; trên nóc nhà, họ dùng các tấm bảng gỗ cứng làm ngói, xẻ [gỗ để] lợp mái. 19

Mã Hoan nhận thấy rằng không giống như nhà vua xứ Chàm, vua đảo Java và các nhà quý tộc không khoác áo choàng mà chỉ quấn khăn lụa từ thắt lưng trở xuống.  Đàn ông, từ nhà vua trở xuống, mang một con dao găm gài vào dây thắt lưng của y phục này. 20

Chính ở vùng duyên hải Java mà Mã Hoan đã tìm được đầu tiên một cộng đồng cư dân Hoa Kiều Hải Ngoại.  “Tu-pan … là tên của quận; nơi đây có khoảng hơn một nghìn gia đình, với hai người đứng đầu cai trị họ; nhiều người trong dân chúng gốc từ tỉnh [Quảng Đông].” 21

Các sự ràng buộc mậu dịch giữa Phúc Kiến và Java đã có từ nhiều thế kỷ trước thời của Mã Hoan vào lúc ban đầu của thế kỷ thứ 15.  Tỉnh này sản xuất nhiều nhất các sản phẩm Trung Hoa được tìm thấy trong chiếc tàu Intan thế kỷ thứ mười bị đắm như đã trình bày trong Chương 4 [của nguyên bản, ND].  Sự xuất cảnh của Trung Hoa có lẽ đã đi theo sau các sự ràng buộc mậu dịch chặt chẽ bền lâu giữa Phúc Kiến và Java.

Mã Hoan và đoàn thuyền sớm đến một hải cảng trên bờ biển Java được thành lập và điều hành bởi Hoa kiều hải ngoại.  Sự thịnh vượng của nó được đặt nền trên đồ gia vị được mua từ quần đảo Molucca ở phía đông và gồ đàn hương từ đảo Timor.

Nguyên thủy nó là một miền của bờ cát; và bởi dân chúng từ [Trung Hoa] đến nơi này và tự định cư, do đó họ gọi nó là Làng Mới; ngay cho đến ngày nay người cai quản ngôi làng là một người từ [tỉnh Quảng Đông].  Có vào khoảng hơn một nghìn gia đình [ở đây].  Các người ngoại quốc với số lượng lớn từ mọi nơi đã đến đây để trao đổi mua bán.  Vàng, mọi loại đá quý, và mọi tbứ hàng hóa ngoại quốc được bán với số lượng lớn.  Dân chúng rất khỏe mạnh. 22

Vào thời đầu vủa thế kỷ thứ mười lăm, Java bao gồm một vương quốc to lớn, Majapahit, và một vài hải cảng nhỏ hơn. (*e) Hạm đội Trung Hoa, do đó, đã dừng chân nhiều lần để thương thảo với các kẻ cầm quyền địa phương dọc bờ biển phía bắc của Java.  Mã Hoan thường tìm thấy ba loại người tại các hải cảng: các người theo Hồi Giáo (gốc Ả Rập hay người địa phương theo đạo), người Trung Hoa, và dân địa phương theo Ấn Độ Giáo hay Phật Giáo. Như thường lệ, ông quan sát các khuôn mẫu tổng quát của cuộc sống tại các thị trấn hải cảng này:

Dân trong nước không có giường hay ghế để ngồi hay nằm ngủ; và để ăn họ không có thìa hay đũa.  Các đàn ông và đàn bà lấy hạt cau với lá trầu, và trộn chúng với vôi làm từ vỏ trai; và miệng họ không ngừng nhai hỗn hợp này. 23

Tại Java, Mã Hoan quan sát các cuộc trình diễn bởi các người đã vẽ trên giấy hình “con người, chim, thú vật, chim ưng, hay các côn trùng”.  Các bức vẽ này, ông nghĩ, “giống như các cuộn [ truyện bằng] tranh”.  Trong cuộc biểu diễn, nghệ nhân mở ra một phần, hướng nó về phía khan thính giả, và kể câu chuyện.  “Đám đông ngồi chung quanh và lắng nghe ông ta, đôi khi cười, đôi khi khóc, đúng y như người kể chuyện đang thuật lại một trong các tiểu thuyết nổi tiếng của chúng ta”. 24 Với cái nhìn thấu triệt này, Mã Hoan, một cách khó tin, đã tiến gần đến sự nhìn nhận khuôn mẫu chung của việc trình diễn cuộn truyện tranh đã phổ biến ở phần lớn Á Châu vào thời điểm đó.  Sự việc này thường diễn ra tại Bengal, Rajasthan, Persia, Đông Nam Á, và Trung Hoa.  Chỉ trong vài thập niên qua các học giả mới nhận thức được các đường nét chung của hình thức giải trí phổ thông này. 25

Một câu chuyện về đoàn thuyền tại Sumatra làm liên tưởng đến mối quan hệ phức tạp của Trung Hoa đế quốc với các cộng đồng và hải tặc Trung Hoa hải ngoại.  Vào một lúc nào đó hồi cuối thế kỷ thứ mười bốn, một nhóm người Trung Hoa đã chạy trốn đến một hải cảng tại bờ biển phía bắc của Sumatra “với toàn thể gia đình của họ”.   Một người tên Ch’en Tsu-I từ “Quảng Đông … tự lập mình làm thủ lĩnh; ông ta rất giàu có và tàn bạo và bất kỳ khi nào có một chiếc thuyền của các người lạ đi ngang qua, ông ta tức thời cướp đoạt chúng các đồ vật quý báu”.  Chuyến đầu tiên của các đoàn viễn chinh đế triều trong năm 1407 sau Công Nguyên đã bắt giữ hải tặc Trung Hoa này và dẫn ông ta về kinh đô, nơi y bị hành quyết. 26

Các cộng đồng người Hoa khác, chẳng hạn như cộng đồng tại Malacca, có vẻ có duy trì các mối ràng buộc chặt chẽ với triều đình đế quốc và có gửi đi các phái bộ triều cống.  Tại một số hòn đảo, các nhà mậu dịch Trung Hoa đã định cư, kết hôn với các phụ nữ địa phương, và đã hội nhập phần lớn vào xã hội địa phương.  Một cách toàn diện, đã có một ý tưởng tổng quát tại triều đình rằng một số người Hoa tại Đông Nam Á hãy còn liên kết với Trung Hoa, được gọi là Quốc Gia Trung Ương (Trung Quốc). 27

Sau các cuộc dừng chân tại Sumatra, nơi Mã Hoan cũng tìm thấy các cộng đồng mậu dịch Trung Hoa, đoàn thuyền đi theo hướng bắc dọc bờ biển phía đông của Bán Đảo Mã Lai đến vùng duyên hải Thái Lan ngày nay.  Kinh đô, Ayuthia, gần với địa điểm của thành phố Bangkok ngày nay.  Cùng với sự trình bày thường lệ về khí hậu, thảo mộc, động vật, các phong tục thịnh hành, và các sản phẩm mậu dịch, Mã Hoan nhận thấy rằng các nhà sư và ni cô Phật Giáo Thái Lan tương tự, một cách mơ hồ với truyền thống tu viện Phật Giáo tại Trung Hoa.

Tại xứ sở này, người dân trở thành sư hay ni nhiều một cách thái quá; lề thói của các vi sư và ni gần giống  như ở Trung Quốc; và họ cũng sống ở các chùa nữ tu hay tu viện, nhịn ăn và sám hối. 28

Mã Hoan, một người theo đạo Hồi, có lẽ không hay biết về sự phân chia giáo lý sâu xa, lâu đời trong Phật Giáo, chính yếu giữa phái Tiểu Thừa (Hinayana) và Đại Thừa (Mahayana), đã dẫn đến các sự khác biệt trong việc hành đạo mà ông ta đã ghi nhận.  Nhớ lại rằng Huyền Trang, tín đồ Phật Giáo hành hương ở Chương 1 [trong nguyên bản, ND] đã tranh luận về các sự khác biệt này trong sự phiên dịch [kinh sách] 800 năm trước đó. 29 (*f)

Từ Ayuthia, đoàn thuyền lại trở ngược xuống Bán Đảo Mã Lai, đến hải cảng Malacca, gần Singapore ngày nay.  Malacca được thành lập ở thời điểm nào đó giữa các năm 1375 và 1400 (chỉ một thế hệ trước khi có chuyến du hành đầu tiên của Mã Hoan), là một ngôi sao đang lên trong các hải cảng tại miền tây Đông Nam Á và là điểm chuyển tàu quan trọng giữa Ấn Độ Dương và các hải lộ của Đông Nam Á.  Mã Hoan ghi nhận rằng Malacca trước đây bị kiểm soát bởi Thái Lan, nhưng một vị vua địa phương đã xác quyết sự độc lập và một đoàn thuyền đế triều trước đây đã thừa nhận sự độc lập của nhà vua với “hai ấn tín bằng bạc, một chiếc mũ, một chiếc đai và một tấm áo choàng”. 30 Trưởng đoàn viễn chinh đã dựng một bia đá tại Malacca, và nhà vua sau đó đã sang thăm hoàng đế nhà Minh.

Vào lúc có hạm đội đế triều lần thứ tư, vị vua tại Malacca đang lấy làm bực dọc dưới sự đô hộ của Trung Hoa.  Ông ta vừa mới cải đạo sang Hồi Giáo và ăn mặc, như Mã Hoan ghi nhận, như một người Ả Rập.  Ông “dùng vải ngoại quốc trắng mịn quấn quanh đầu; trên thân, ông mặc y phục dài bằng vải màu xanh có mẫu mã đẹp, được may như tấm áo choàng; [và] chân ông mang đôi giày bằng da”. 31 Điều đáng chú ý là sự chấp nhận y phục này đi kèm theo sự cải đạo của nhà vua theo Hồi Giáo.  Đây là những loại áo choàng quen thuộc với phần lớn các khách du hành trong các chương trước đây, chẳng hạn như Ibn Fadlan, nhà ngoại giao; Abraham bin Yiju, nhà mậu dịch hạt tiêu gốc Do Thái; Ibn Sina, triết gia; và Ibn Battuta, luật gia.  Mối quan hệ đế quốc Trung Hoa với nhà vua ở Malacca hãy còn mật thiết vào lúc có cuộc viễn chinh thứ tư.  Mã Hoan ghi nhận một sự lưu trú kéo dài tại Malacca.  Thủy thủ của đoàn thuyền đã bốc dỡ các cống phẩm và sản phẩm mậu dịch mà họ đã thu thập vào một khu an toàn để chờ đến lúc họ trở lại từ Ấn Độ Dương.

Tại Malacca, các đoàn thuyền đế triều một cách điển hình, được phân chia, một số hướng đến bengal, các thuyền khác đi Phi châu hay bờ biển phía Tây của Ấn Độ.  Trong năm 1413 sau Công Nguyên, phân đội thuyền của Mã Hoan đi về hướng tây bắc giữa Sumatra và Bán Đảo Mã Lai, đã dừng chân tại hai hải cảng.  Các quốc gia nhỏ hơn có tầm quan trọng tối thiểu, và Mã Hoan đúng ra đã không đếm xỉa đến chúng.  “Vùng đất không có sản phẩm nào.  Đó là một nơi nhỏ bé”. 32

Việc đào mỏ thiếc tại Bán Đảo Mã Lai tạo được sự chú y nơi Mã Hoan.  Thiếc cũng chính là một sản phẩm mậu dịch quan trọng trong thế kỷ thứ mười lăm y như là trong thế kỷ thứ mười, thời điểm có vụ đám tàu Intan [ngoài khơi đảo Java, ND].

Về “thỏi thiếc”: có hai khu mỏ thiếc tại thung lũng vùng núi; và nhà vua chỉ định một kẻ đứng đầu để kiểm soát chúng.  Nhân lực được phái đến để đãi [lấy quặng] trên một cái sàng và nấu quặng.  [Thiếc] được xếp thành hình một cái đấu (a tou-measure) [?] … để làm thành các thỏi nhỏ được chuyển đến các quan chức. 33

Các thỏi có một trọng lượng tiêu chuẩn và được bó thành các đơn vị gồm 40 thỏi.  Các thợ trục vớt chiếc thuyền Intan bị đắm hồi thế kỷ thứ mười tìm thấy thiếc giống y như hình thức các thỏi này.

Một khi đã rời khỏi đảo Sumatra, đoàn thuyền hướng về phía tây xuyên qua quần đảo Andaman đến Tích Lan.  Mặc dù đoàn thuyền Trung Hoa có một đội quân hơn 20,000 người và phân đội của Mã Hoan có thể có 6,000 binh sĩ, ông không ghi lại một trận đánh nào.  Đoàn thuyền không hề tấn công hay lục soát một hải cảng nào.  Tại Tích Lan, giống như tại tất cả các điểm dừng chân khác, mục đích của đoàn thuyền là làm khiếp vía các quốc gia trong miền và địa phương, chứ không tấn công chúng.  Song, người Trung Hoa đôi khi có sử dụng sức mạnh quân sự của họ.  Một thập niên trước khi có cuộc viễn chinh của Mã Hoan, một hạm đội đế triều đã tấn công cả Sumatra và một nhà vua của Tích Lan là kẻ từ khước không chịu dâng cống phẩm.  Mã Hoan ghi nhận với sự thỏa mãn rằng tiếp theo sau cuộc tấn công, nhà vua Tích Lan vẫn còn lệ thuộc một cách vững chắc vào Trung Hoa.  Nhà vua “thường xuyên gửi người với cống phẩm gồm đá quý và các vật như thế; chúng đi theo các bảo thuyền (treasure ships) trở về từ [Tây] Dương [(Western) Ocean] và mang các cống phẩm về Quốc Gia Trung Ương {Trung Hoa]”. 34

Sự lượng giá cống phẩm đòi hỏi sự hoán đổi đồng tiên, trọng lượng và số đo địa phương thành các số đo tiêu chuẩn của Trung Hoa.  Đề tài này là một chủ điểm thường xuyên trong suốt quyển hồi ký của Mã Hoan.  Tại Tích Lan, nhà vua “dùng vàng chín mươi phần trăm [độ ròng] đúc tiền đồng để dùng hiện nay.  Mỗi đồng cân nặng một fen (phân) và một li (li) theo cái cân dọc (steelyard) [?] chính thức của chúng ta”. 35

Đoàn thuyền tiếp tục đi về hướng tây từ Tích Lan bọc quanh mỏm cực nam của Ấn Độ sang Malabar.  Mã Hoan hay biết rõ rằng bờ biển sum sê, đầy những cây dừa này, là một xứ sở của hạt tiêu.

Vùng đất không có sản phẩm nào khác, [mà] chỉ sản xuất hạt tiêu.  Dân chúng hầu hết  làm vườn trồng hạt tiêu để kiếm sống.  Mỗi năm khi hạt tiêu chin, dĩ nhiên, các nhà thu mua hạt tiêu lớn tại địa phương sẽ mua và thiết lập các nhà kho để trữ hạt tiêu, [sau đó] họ chờ cho đến khi các thương nhân ngoại quốc từ nhiều nơi khác nhau đến mua. 36

Vào cuộc viễn chinh thứ tư, là chuyến đi đầu tiên của Mã Hoan, cả hoàng đế Trung Hoa và các vị vua trong miền tại các hải cảng quan trọng có vẻ như đã thiết lập được một mối giao hảo.  Các nhà cầm đầu ngoại giao của đoàn thuyền vinh danh các nhà vua với áo choàng và các hiến chương.  Sau đó đại diện hai bên tiến hành công việc mua bán.  Đại diện nhà vua và nhà mậu dịch chính của đoàn thuyền trước tiên giám định lụa của Trung Hoa cùng các sản phẩm khác, và định ngày để ấn định giá cả.  Vào ngày đó, “mọi bên liên kết nhau” và “đồng ý rằng “bất luận giá đắt hay rẻ, chúng ta sẽ không bao giờ bác bỏ nó hay thay đổi nó”. Kế đó, các nhà mậu dịch của thành phố mua “các đồ quý”, chẳng hạn như ngọc trai và san hô.  Sự xác định các giá cả của chúng “không thể giải quyết được trong một ngày; nếu nhanh, cần đến một con trăng [tháng?], [hay nếu] chậm hơn, hai hay ba tháng”.  Tất cả các việc mua bán kế tiếp của đoàn thuyền đã diễn ra với các giá cả ấn định này. 37 Bất kể đến sức mạnh của hạm đội Trung Hoa, một sự thương thảo nhiều tháng có nghĩa là Trung Hoa không đơn phương xác quyết các giá cả và các điều kiện.

Việc ấn định giá thương thảo trên quy mô lớn này không phải là khuôn mẫu điển hình tại các hải cảng của Malabar vào lúc bấy giờ.  Các nhà mậu dịch chi đơn giản mua những gì họ có thể mua và thị trường sẽ ấn định giá cả.  Sau này trong tập hồi ký, Mã Hoan đã mô tả mậu dịch thường lệ này tại Kalikut:

Các tàu ngoại quốc từ mọi nới đến đó [Kalikut] và nhà vua của đất nước cũng gửi một kẻ cầm đầu và một văn nhân cùng các người khác đến quan sát việc mua bán; trên đó họ thu thuế quan và nạp nó cho các nhà chức trách. 38

Triều đình Trung Hoa đã có các đại kế hoạch cho sự thống trị trong trường kỳ.  Tại nhiều hải cảng, Trịnh Hòa đã dựng lên các lời tuyên cáo khắc vào đá loan báo ý định của họ rằng:

Mặc dù hành trình từ xứ sở này đến Quốc Gia Trung Ương [Trung Hoa] dài hơn một trăm ngàn dậm [li: lý), song dân chúng thì giống nhau, hạnh phúc, và thịnh vượng, lại có cùng các phong tục.  Chúng ta đã khắc bia đá nơi đây, một tuyên cáo vĩnh cửu cho mười nghìn thời đại.39

Một nhà vua cấp miền như Zamorin của Kalikut có thể được lợi những gì từ một sự liên kết với Trung Hoa? Với một đạo quân vài nghìn lính Trung Hoa tại hải cảng của ông ta, co’ lẽ nhà vua ít có sự lựa chọn.  Song, có vài lợi lộc về chính trị.  Người Trung Hoa cam kết hậu thuẫn ông ta chống lại các sự tranh dành trong hoàng tộc và các kẻ thù bên ngoài.  Trong thực tế, lời hứa hẹn này tương đối ít có ý nghĩa, khi mà một hạm đội chỉ đến một cách bất chợt một lần trong vài năm.  Mã Hoan ghi nhận chỉ có một trường hợp trong đó người Trung Hoa thực sự bắt giữ một kẻ tiếm ngôi tại Đông Nam Á và tái lập nhà vua trở lại ngai vàng.

Từ Kalikut, có thể trong các cuộc thương thuyết kéo dài, Mã Hoan đã có một cơ hội để đến Thánh Địa Hồi Giáo (Mecca) một mình, có thể trên một chiếc thuyền địa phương.  Thánh địa làm ông xúc động.  Ông đã viết về nhiều đề tài đã mong đợi: kiến trúc, hoa trái rau quả địa phương, và các sản phẩm mậu dịch.  “Các phong tục của dân chúng thì hòa dịu và đáng phục.  Họ tôn trọng mọi điều luật trong tôn giáo của họ; các kẻ phạm luật ít ỏi.  Thực sự đó là một xứ sở hạnh phúc”. 40

Sau sự ngừng chân lâu dài tại Kalikut, đoàn thuyền đi theo hướng tây đên quần đảo Maldive.  Nếu Malabar là một xứ sở của hạt tiêu, hai sản vật quan trọng tại các đảo Maldive là vỏ sò (cowry) dùng làm tiền đồng giá trị nhỏ, và dừa.

Sơ bọc bên ngoài trái dừa được dùng làm các sợi dây thừng vừa dầy và mịn; người ta đến từ mọi nơi trên các con tàu ngoại quốc cũng để mua các sợi dây này … Trong việc đóng thuyền ngoại quốc họ không bao giờ dùng đinh, họ chỉ đục các lỗ hổng, và luôn luôn dùng các dây thừng này để buộc [các tấm ván] lại với nhau41

Các thuyền được đan buộc thì thông dụng khắp cõi Ấn Độ Dương, Vịnh Bengal, và Đông Nam Á, và đã có cả ngàn năm trước thời đại của Mã Hoan.  Xin nhớ rằng đây chính là cách kiến tạo của chiếc tàu Intan bị đắm đã khảo sát nơi Chương 4 [của nguyên bản, ND]. 42

Một thé kỷ trước khi có cuộc du hành của Mã Hoan, Ibn Battuta đã đến thăm viếng quần đảo Maldives, các đảo ngoài khơi bờ biển phía tây của Ấn Độ khi đó vừa mới cải đạo sang Hồi Giáo.  Ông đã nhiếc móc chống lại các phụ nữ ở trần từ lưng trở lên.  Họ cười ông ta.  Vào thời của Mã Hoan, sự khiêm tốn Hồi Giáo đang thịnh hành.  “Phụ nữ mặc áo ngắn ở phần trên [của thân thể]; và ở phần dưới, họ cũng quấn một chiếc khăn rộng quanh người.  Họ cũng mang một chiếc khăn bông vải khổ rộng ngang qua đầu và che kín nó, chỉ chừa khuôn mặt ra”. 43

Từ quần đảo Maldives, đoàn thuyền đế triều đi theo hướng tây bắc đến Aden và Hormuz.  Trong thế kỷ thứ mười hai, Aden cũng là quê quán của đồng sự cao cấp của Abraham bin Yiju.  Nó vẫn còn là một hải cảng tinh tiến, giàu có khi Mã Hoan đến đó ba thế kỷ sau.  “Họ có bẩy hay tám nghìn kỵ sĩ và bộ binh được huấn luyện kỹ lưỡng, vì thế xứ sở rất hùng mạnh và các nước lân bang đều sợ nó”. Cũng giống như tại Kalikut, ngoại giao đứng ở mặt tiền với sự trao đổi các tặng phẩm đắt giá, trong khi mậu dịch phủ kín đàng sau.  Mã Hoan đã viết các đoạn liệt kê các sản phẩm quý giá được cung cấp, giá cả của chúng, và các số cân trọng lượng và số đo địa phương. 44

Hormuz là điểm cực tây của cuộc viễn chinh đề triều lần thứ tư trong các năm 1413-1414 sau Công Nguyên.  Ở đó, Mã Hoan đã nhìn thấy một cuộc biểu diễn trên đường phố quyến rũ ông.

[Người đàn ông] ra hiệu một người đứng xem lấy một chiếc khăn, gấp nó lại nhiều lần, và buộc nó quanh cả hai con mắt của con khỉ; ông ra hiệu cho một người khác vỗ một cách bí mật lên đầu con khỉ và đi trốn trong đám đông người; sau động tác này [người đàn ông] tháo chiếc khăn ra và chỉ thị [con khỉ] đi tìm người đã vỗ trên đầu nó; bất kể đám đông to lớn đến đâu, con khỉ đã đi thẳng đến người nguyên thủy [vỗ đầu nó] và lôi anh ta ra; đó là điều kỳ lạ nhất45

Từ Hormuz đoàn thuyền mau chóng trở lại con đường của nó quanh Ấn Độ đến Malacca, thu nhặt các sản phẩm bảo quản ở đó, và trở về bằng con đường ngắn nhất đến bờ biển phía nam Trung Hoa.

Vào lúc mà cuộc viễn chinh thứ tư quay trở về Trung Hoa trong năm 1415 sau Công Nguyên, các tốn phí của các đại kế hoạch của hoàng đế bắt đầu bộc lộ.  Các sắc thuế lên cao và có sự bất ổn ở nông thôn. 46 Có các cuộc nổi dậy ở vùng ngoại vi, cả ở trong vùng ngày nay là Việt Nam và dọc theo Con Đường Tơ Lụa, ngoài các sự đe dọa mới từ Mông Cổ.  Mã Hoan tiếp tục cuộc viễn chinh thứ nhì trong năm 1421, và vào lúc ông quay trở về, triều đình còn gặp nhiều khó khăn hơn.  Tại triều đình, một phái mạnh thế của các văn nhân trí thức chống lại các thái giám trong triều là các kẻ bênh vực cho các cuộc viễn chinh.

Trong mùa xuân 1422, một trận đại hỏa hoạn đã đốt cháy nhiều tòa nhà trong Cấm Thành vừa hoàn tất và giết chết hàng trăm người, kể cả nàng cung phi sủng ái của vị hoàng đế.  Một đại sứ Ba Tư, chứng kiến cuộc hỏa hoạn, đã mô tả sự hoang mang của chính hoàng đế:

Ngọc Hoàng trên Thiên Đình tức giận trẫm, và vì thế đã đốt cháy cung điện của trẫm; mặc dù trẫm không làm hành vi độc ác gì: trẫm không hề xúc phạm cha trẫm, mẹ trẫm, trẫm cũng không hành động một cách tàn bạo47 (*g)  

Tại triều đình, ngọn lửa chỉ củng cố them cho phái trí thức chống lại các thái giám và các hạm đội.

Sau khi vì hoàng đế già băng hà vào năm 1424 sau Công Nguyên, phái văn nhân trí thức kiểm soát người con trẻ tuổi của ông ta, vị tân hoàng đế.  Một đạo dụ đảo ngược chính sách các đoàn thuyền đế triều, tuyên bố chúng là một sự phí phạm tiền của mà không làm lợi gì cho Trung Hoa.  Tuy nhiên, đạo dụ đã không hoàn toàn đình chỉ các đoàn thuyền.  Đã có một chuyến viễn chinh nữa, vào năm 1431 sau Công Nguyên, và Mã Hoan một lần nữa lại bước chân lên tàu với tư cách một thông dịch viên tiếng Ả Rập.

Vào khoảng thập niên 1440 sau Công Nguyên, chính sách bành trướng bị bài trừ với sự triệt để của triều đình.  Một đạo dụ ra lệnh mọi tài liệu về các đoàn thuyền phải bị thiêu hủy.  Chỉ có một nhóm nhỏ các hồi ký, một số biểu đồ, và một bản đồ còn tồn tại.  Một đạo dụ khác ra lệnh chấm dứt mậu dịch ngoại quốc và còn ra lệnh cho dân cư bờ biển phải di tản vào trong nội địa.  Đây là chính sách hướng nội rất giống như bẩy mươi năm trước đó, trong các thập niên đầu tiên của triều đại nhà Minh và là một đường nét thường tái diễn của lịch sử Trung Hoa trong 500 năm kế đó.  Mậu dịch, dĩ nhiên, không thể bị ngừng lại.  Nó thì quá quan trọng. Các sản phẩm đã được xuất lậu xuyên qua vương quốc độc lâp tại vùng ngày nay là Vịet Nam. (*h)

Rồi thì đâu là nhưng thành quả của các hạm đội và các cuộc hành trình của chúng sang Tây Dương  Các hạm đội đế triều đi theo các con đường mậu dịch nổi tiếng nhất khi lái thuyền theo các khuôn mẫu mà các đoàn thuyền Trung Hoa tư nhân đã qua lại trong hơn một thế kỷ.  Chúng chỉ dừng lại tại các hải cảng lớn nhất và các kinh đô, không cần biết đến các địa điểm ngoài lộ trình nơi mà các sự việc có thể sẽ được “khám phá”.  Không phải là các cuộc du hành thám hiểm, hành trình hạm đội đế triều là một sự kết hợp của mậu dịch với điều, theo cách nói hiện đại, được gọi là nền ngoại giao bằng chiến thuyền (gunboat diplomacy).  Toàn thể chiến dịch xem ra chắc hẳn là một sự lựa chọn chính sách tốt tại Bắc Kinh, nếu không nỗ lực như thế đã không được đài thọ trên đó. Một lợi ích tiềm tàng là vị hoàng đế có thể mở rộng khu vực ảnh hưởng của minh bằng cách cưỡng ép các hiệp ước lệ thuộc trên một loạt các nhà vua dọc trên đường đi.  Và cuộc mạo hiểm có thể dư sức tự trang trải với các sản phẩm triều cống và mậu dịch thuận lợi từ các vị vua lệ thuộc.  Tuy nhiên, giống như trong thời hiện đại, nền ngoại giao bằng chiến thuyền chứng minh là quá sức tốn kém và đã mang lại các kết quả quá mong manh so với kỳ vọng.  Điều hoàn toàn dễ hiểu là một phe trong triều đình đã tranh luận cho một sự lưu tâm đến mối nguy hiểm tức thời của sự nổi dậy tại vùng đồng cỏ phía đông, đe dọa đến trọng địa miền bắc của Trung Hoa hơn là phí phạm tiền của vào các hạm đội vĩ đại. 48

Tuy nhiên, đối với Mã Hoan, các cuộc du hành là một điều gì đó hoàn toàn khắc hẳn.  Giống như nhiều nhà du hành khác — Ibn Fadlan, Ibn Battuta, Huyền Trang – Mã Hoan đã tìm kiếm khuôn mẫu và cấu trúc trong các tín ngưỡng và phong tục xa lạ.  Ông đã phân tích và tìm cách lý giải những gì ông trông thấy và trải qua.  Có một nhu cầu liên tục về các văn gia và thông dịch viên như thế khắp thế giới Á Châu.  Tuy nhiên, hồi ký của ông nhiều hơn một bản tường trường đơn thuần về ngoại giao, các sản phẩm, và các điều kỳ diệu của các nơi chốn xa xôi.

So sánh với các văn gia du hành khác cùng thời đại, bản văn của Mã Hoan nổi bật nhờ các sự quan sát giản dị, không chau chuốt, sự kính trọng của ông đối với những người ông gặp gỡ, và sự hay biết của ông rằng ít nhất một số cách thức hoạt động tại các vùng đất xa lạ không quá khác biệt so với quê nhà.  Ông đã so sánh các trò chơi tại Đông Nam Á với các trò được thấy tại Trung Hoa.  Nhiều người được nói là “gọn ghẽ và sạch sẽ” và cần cù trong sự phát triển các ngành sản xuất địa phương.  Các thức ăn của họ thì khác biệt nhưng thú vị.  Mã Hoan bị xúc động bởi sự đón nhận dành cho ông như một kẻ theo Hồi Giáo tại các hải cảng ở Trung Đông và, quan trọng hơn, tại Thánh Địa.  Không giống như Ibn Battuta, Mã Hoan không bao giờ nói đến hoặc sự tranh chấp giáo phái hay các biến chuyển trong Hồi Giáo.  Chỉ cần là một trong số các đồng đạo và là một phần của cộng đồng xa xăm trải dài từ Mecca sang Trung Hoa đã đủ mãn nguyện.

Vài năm về sau, một người bạn có địa vị cao của Mã Hoan có viết một lời đề bạt ngắn cho quyển hồi ký.  Ông ta hy vọng rằng nó sẽ giúp cho Mã Hoan phấn đấu để tìm kiếm kẻ đỡ đầu tại triều đình hầu quyển sách của ông được in ra. (*i)

Lời đề bạt nói về việc Mã Hoan trở về làng quê và mô tả ông như một người “thường xuyên đi ra ngoài để giác ngộ kẻ khác, để giúp cho mọi người thu thập được kiến thức về tình hình tại các vùng đất xa lạ”. 49 Hồi ký của Mã Hoan  truyền đạt sự tán thưởng biết bao của ông về cơ hội để có kinh nghiệm và sự giải thích các dân tộc bên ngoài Trung Hoa – họ đã sống, kết hôn, và hành đạo nhiều tín ngưỡng của họ như thế nào.  Mã Hoan đã bị thay đổi và xúc động sâu xa bởi những gì ông đã trải qua./-

_____

Ông Stewart Gordon là Học Giả Nghiên Cứu Thâm Niên tại Trung Tâm Center for South Asian Studies của Đại Học University of Michigan, là tác giả của ba công trình nghiên cứu về Á Châu.  Ông thường xuyên tham dự các hội nghị quốc tế chuyên khoa Á Châu Học.

*****

*a: Mã Hoan có thể người thuộc  một làng đa số hay hoàn toàn gồm các người theo đạo Hồi, điều xem ra là một khuôn mẫu thông thường.  Các làng người Hồi có khuynh hướng tọa lạc dọc các lộ trình mậu dịch và tập trung quanh một ngôi đền duy nhất ở địa phương.

*b: Có đầy mọi thứ để cướp đoạt và chinh phục tại Trung Hoa.  Trung Hoa của các thế kỷ thứ mười một, mười hai, và mười ba, đã có các thành phố to lớn, nông nghiệp và kỹ thuật công nghiệp tiên tiến, và một giới tinh hoa quan lại đặt trên học vấn, được tuyển chọn qua các kỳ thi.

*c: Một thành kiến cổ xưa hơn của Trung Hoa trong văn chương bác học mô tả miền bắc chịu ảnh hưởng Khổng học chống lại mậu dịch và miền nam hướng về mậu dịch.  Điều này ngày càng khó biện hộ dưới ánh sáng của sự nghiên cứu hiện đại.  Đúng hơn, giờ đây có vẻ rằng ngay ở thời đại của nhà sư Huyền Trang (thế kỷ thứ bẩy), mậu dịch đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên cả hai miền.  Mậu dịch đặc biệt quan trọng trong sự tổng hợp tiệm tiến các nền văn hóa và ngôn ngữ sẽ trở thành “Trung Hoa”.  Vào thời nhà Minh (1368-1644), mậu dịch đã là một mối quan tâm tích cực của các quan chức cấp miền và chính sách của chính phủ.

*d: Trong suốt hồi ký của mình, Mã Hoan không phân biệt giữa các quốc gia Phật Giáo và Ấn Độ Giáo.  Các học giả hiện đại cố gắng truy tìm ảnh hưởng của mỗi hệ thống tín ngưỡng tại nhiều vương quốc Đông Nam Á nhưng không mấy thành công.  Mã Hoan có thể xác thực hơn rằng Ấn Độ Giáo và Phật Giáo đã trộn lẫn nhiều với nhau và, đối với một kẻ bên ngoài, các sự hành đạo tại Đông Nam Á hoàn toàn tương tự như các cách thức hành đạo Án Độ Giáo tại Ấn Độ.

*e: Trong các thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ mười ba, các quốc gia then chốt trong vùng là Kediri và Singosari, nhưng chúng sau đó bị thế chỗ bởi đế quốc đang phát triển, Majapahit.  Vào khoảng thế kỷ thứ mười lăm, thời kỳ quyển hồi ký của Mã Hoan được víết, Majapahit đang lúc suy tàn và các quốc gia thừa kế mới đang xuất hiện.

*f: Các sự khác biệt vè giáo lý cũng đưa đến chiến tranh.  Một vương quốc tại Tích Lan đã dùng quân đội để đóng cửa và triệt hủy các tu viện của Đại Thừa ở một thời khoảng trong thế kỷ thứ năm.  Tích Lan còn theo phái Tiểu Thừa cho đến ngày nay.

*g: Một cách tình cờ, viên Đại Sứ Ba Tư là một tay đam mê đánh cờ và đã tìm được nhiều đối thủ xứng đáng tại Bắc Kinh, mặc dù các người chơi cờ không có chung ngôn ngữ.

* h: Sự triệt thoái khỏi mậu dịch quốc ngoại là một chủ đề tái dĩễn nhiều lần trong lịch sử Trung Hoa.  Sự thoái bộ trong thập niên 1440 tương ứng với một chính sách tương tự bẩy mươi năm trước đó, vào thời Minh sơ, và giống như thời kỳ đó, phải cần đến vài thập niên để đảo ngược.

*i: Sự việc thì khó khăn để ấn hành một quyển sách tại Trung Hoa vào lúc này.  Sách thì khan hiếm và  đắt  tiền.  Thái độ bài ngoại nói chung của triều đình chỉ có thể làm cho tiến trình thêm khó khăn.  Song, quyển hồi ký này đã sống sót.

*****

CHÚ THÍCH:

1. Ma Huan, Ying Yai Sheng-Lan: The Overall Survey of the Oceans’ Shores, phiên dịch bởi J. V. G. Mills (Cambridge: Cambridge University Press, 1970), 27-31.

2. Cùng nơi dẫn trên, trang 31-32.  Hình dáng các thuyền này, số buồm, và sức trọng tải làm phát sinh cuộc tranh luận khá thâm sâu.  Tôi nói chung tán đồng tác giả Joseph Needham, Science and Civilization in China, Civil Engineering, and Nautics, vol. 4 (Cambridge: Cambridge University Press, 1971), pt. 3, các trang 460-507.  Tên hiện này của Biển Vàng là Huang Hai (Hoàng Hải).

3. Ma Huan, Ying-Yai, trang 69.

4. Dru C. Gladney, Muslim Chinese: Ethnic Nationalism in the People‘s Republic (Cambridge: Harvard University Press, 1991), các trang 36-39.

5. Ma Huan, Ying-Yai, trang 178.

6. Anthony Reid, “Flows and Seepages in the Long-Term Chinese Interaction with Southeast Asia”, trong sách biên tập bởi Anthony Reid, Sojourners and Settlers: Histories of Southeast Asia and the Chinese (Honolulu: University of Hawaii Press, 1996), các trang 17-20.

7. Ibn Battuta, The Travels of Ibn Battuta, A. D. 1325-1354, vol. 4, phiên dịch bởi H. A. R. Gibb (New Delhi: Hakluyt Society, 1993, bản in lại), 813-814.

8. Cùng nơi dẫn trên, các trang 15-26.  Cũng xem đoạn tham chiếu ngắn về các thuyền buồm lớn trong bản văn về Trung Hoa ít được chấp nhận hơn của Ibn Battuta, các trang 894-895.

9. Giles Beguin và Dominique Morel, The Forbidden City: Center of Imperial China (New York: Harry Abrams, 1999), trang 18.

10. Geoff Wade, “The Zeng He Voyages: A Reassessment”, Journal of Malaysian Branch of the Royal Asiatic Society 78 (2005): 37-58.

11. Ma Huan, Ying-Yai, trang 73.

12. Ma Huan, Ying-Yai, các trang 79-80.

13. Cùng nơi dẫn trên, trang 81.

14. Cùng nơi dẫn trên, trang 85.

15. Cùng nơi dẫn trên, trang 81.

16. Cùng nơi dẫn trên, trang 82.

17. Cùng nơi dẫn trên, trang 83.

18. Cùng nơi dẫn trên, các trang 69-70.

19. Cùng nơi dẫn trên, trang 87.

20. Cùng nơi dẫn trên, trang 88.

21. Cùng nơi dẫn trên, trang 89.

22. Cùng nơi dẫn trên, các trang 89-90.

23. Ma Huan, Ying-Yai, trang 92.

24. Cùng nơi dẫn trên, trang 97.

25. Victor H. Maier, Painting and Performance: Chinese Picture Recitation and Its Indian Genesis (Honolulu: University of Hawaii Press, 1986).

26.Ma Huan, Ying-Yai, các trang 99-100.

27. Kenneth R. Hall, “Multi-Dimensional Networking in the Fifteenth Century Indian Ocean Realm: Communities of Exchange in Southeast Asian Perspective”, tham luận trình bày tại hội nghi của Hiệp Hội Á Châu Học (Association for Asian Studies), Chicago, Illinois, April 2005.

28. Ma Huan, Ying-Yai, trang 103.

29. Xem Ronald Inden, Jonathan Walters, và Daud Ali, Querying the Medieval: Texts and the History of Practices in South Asia (Oxford: Oxford University Press, 2000), các trang 99-165.

30. Ma Huan, Ying-Yai, trang 108.

31. Cùng nơi dẫn trên, trang 110.

32. Cùng nơi dẫn trên, trang 121.

33. Cùng nơi dẫn trên, trang 111.

34. Cùng nơi dẫn trên, trang 129.

35. Cùng nơi dẫn trên.

36. Cùng nơi dẫn trên, trang 135.

37. Cùng nơi dẫn trên, các trang 140-141.

38. Cùng nơi dẫn trên, trang 143.

39. Cùng nơi dẫn trên, trang 138.

40. Cùng nơi dẫn trên, trang 174.

41. Cùng nơi dẫn trên, trang 149.

42. Xem Rananbir Chakravarti, “Seafarings, Ships, and Ship Owners: India and the Indian Ocean (AD 700-1500), trong sách cùng biên tập bởi David Parkin và Ruth Barnes, Ships and the Development of Maritime Technology in the Indian Ocean (London: Routledge Curzon, 2002), các trang 46-47.

43. Ma Huan, Ying-Yai, trang 149.

44. Cùng nơi dẫn trên, các trang 154-156.

45. Cùng nơi dẫn trên, các trang 168-169.

46. Timothy Brooks, The Confusions of Pleasures: Commerce and Culture in Ming China (Berkeley: University of California Press, 1998), các trang 79-86.

47. Hafiz Abru, A Persian embassy to China: being an extract from Zubdatu‘t Tawarikh Abru, phiên dịch bởi K. M. Maitra (New York: Paragon Book Reprint Corp., 1970), 118.

48. Xem Wade, “Zeng He Voyages”, các trang 37-58.

49. Ma Huan, Ying-Yai, trang 180.

_____

Nguồn:  Tác gỉả Ngô Bắc dich từ sách Stewart Gordon, Chapter 7: Treasure and Treaty, Ma Huan, 1413-1431 CE, các trang 117-135, trong quyển When Asia Was The World, Traveling Merchants, Scholars, Warriors, and Monks Who Created The “Riches of The East”, xuất bản bởi Da Capo Press: Philadelphia, PA.: 2008.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.