Trong các món đồ sứ do vua Minh Mạng đặt làm tại Anh, ngoài bộ Spode có các dòng lạc khoản “Minh Mạng… niên tăng họa”, còn có những bình vôi mang hiệu đề Copeland & Garrett. Theo lời bà Pam Wooliscroft, quản thủ Bảo tàng Công ty Spode thì xưởng Copeland & Garrett không bao giờ chế tạo bình vôi hoặc một vật gì có hình dáng tương tự như thế. Điều này chứng minh rằng các cổ vật này là những món hàng ký kiểu do một phái đoàn đến từ Đại Nam đặt làm và đã được mang khỏi Copeland & Garrett nên Bảo tàng Công ty Spode không còn lưu giữ bình vôi nào.

Hiện có năm chiếc bình vôi do triều đình Đại Nam ký kiểu từ xưởng Copeland & Garrett đã được các nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật giới thiệu hay đề cập trong các bài khảo cứu của mình. Song thật không may là hai trong số những chiếc bình vôi ấy hiện không ai còn biết rõ tung tích. Kiểu dáng của các bình vôi này tương tự những bình vôi dùng tại Việt Nam dưới triều Nguyễn: thân hình cầu, trên đỉnh đắp nổi hình tròn dẹp, có núm nhỏ, qua hình cung, ở hai đầu quai có đắp nổi hình ngọn lửa.

binhvoikykieu-01

Được chế tác bởi một loại sành sứ mới sáng tạo, gọi là New Fayence(1) tại Spode vào năm 1826, các bình vôi ký kiểu này được trang trí theo phương pháp in chuyển họa. Việc phát minh kỹ thuật in chuyển họa đã biến đổi nghề làm gốm thủ công thành một công nghệ. Kỹ thuật chuyển họa xuất hiện vào năm 1756 do John Sadler và Guy Green sáng chế ở Liverpool, sau khi trải qua nhiều công đoạn cải tiến, phát triển.

18440506

Trong giai đoạn đầu (1780 – 1800), lò Spode sử dụng những hoa văn sao chép theo các hình mẫu của Trung Quốc nhằm thỏa mãn thị hiếu của khách hàng. Đây cũng là thời kỳ thực nghiệm nên những hoa văn trang trí trên đồ gốm chuyển họa đều khá đơn giản. Bước sang giai đoạn thứ hai (1800 – 1815), nhờ sự phát minh máy in trên giấy Fourdrinier, kỹ năng in khắc được cải tiến. Nhờ đó, những người thợ in khắc có thể hình thành hoa văn bằng các chấm nhỏ và đường vạch, tạo nên những độ sâu với những sắc thái khác nhau, hình dung được những đám mây trên trời. Thời kỳ này, Staffordshire trở thành trung tâm sản xuất đồ gốm in chuyển họa.

Nhiệm vụ của người thợ in khắc là thiết kế một đồ án trang trí thích hợp hoặc sửa đổi một họa tiết có sẵn cho phù hợp với hình dáng của món đồ sứ. Sau đó họ sao chép đồ án này lên một tấm đồng đỏ cán mỏng và dùng acid để khắc lên tấm đồng những đường vạch hoặc chấm tròn nhỏ. Một khi nhiệm vụ vất vả này hoàn thành (một tấm đồng cho mỗi kích thước hoặc hình dáng của món đồ sứ) thì lúc đó tấm đồng mới sẵn sàng để dùng cho việc in chuyển hoa văn giấy. Màu lam cobalt luôn được dùng để in các đồ án bởi vì vào thời kỳ này đây là màu duy nhất có thể chịu được sức nóng của lò nung men mà không bị phai màu. Lúc đầu, cobalt được nhập khẩu từ Đức, nhưng về sau thì được khai thác từ xứ Cornwall. Cobalt được trộn lẫn với bột đá lửa và dầu tạo thành một loại mực sền sệt để in. Trước tiên người ta đặt những tấm đồng ở trên bếp lò để làm cho chúng nóng lên và dùng con dao trộn sơn dầu phết mực lên trên tấm kim loại đó tạo thành các chi tiết của hình khắc. Rồi thì người ta cạo sạch bề mặt tấm đồng bằng một miếng vải nhung kẻ. Giấy dùng để in rập hoa văn được làm ướt bằng xà phòng và nước rồi được đặt lên trên tấm đồng để sao các hoa văn khắc in trên tấm đồng. Sau đó, người ta ép và đặt tấm đồng lên trên bếp lò để làm cho nó nóng trở lại nhằm làm cho tờ giấy vừa được sao chép hoa văn bong ra. Người thợ cắt tỉa các hoa văn sao in trên tờ giấy và đặt nó lên các vị trí thích hợp trên những món đồ sứ sẽ được chuyển họa. Mặt giấy có mực in vừa được sao từ tấm đồng sẽ tiếp xúc với xương đất mộc của món đồ sứ. Sau đó, người ta dùng một cuộn vải flanen để chà nhẹ lên mặt sau tờ giấy để lưu lại các họa tiết trên nền một xương gốm. Đường viền của các họa tiết và hoa văn sẽ được in riêng rẽ, thường thì gồm hai hoặc nhiều mảnh hơn ghép lại, vì thế, người ta có thể thấy rõ các chỗ đấu nối họa tiết. Tiếp theo, bằng cách rửa món đồ trong nước lạnh, lập tức, tờ giấy sẽ nổi lên mặt nước để lại hoa văn được in trên món đồ sứ. Để lưu giữ hoa văn đã in lên món đồ một cách bền chắc, người ta đem món đồ ấy hấp trong một lò kín. Công đoạn cuối cùng là phủ lên trên hoa văn vừa in một lớp men trong để bảo vệ. Người ta cẩn thận nhúng mỗi món đồ vào trong nước men lỏng sao cho lượng nước men dư thừa trên món đồ là không đáng kể, rồi đem nung món đồ lần thứ hai trong một lò nung để làm chảy lớp men phủ.

Dưới chiếc bình vôi(2) nguyên của Bảo tàng Khải Định (Bảo tàng CVCĐ Huế hiện nay) có ghi hiệu đề New Blanche ở giữa, cùng với dòng chữ Copeland & Garrett viết theo hình tròn và hình vương miện ở trên. Hiệu đề này được sử dụng vào khoảng thời gian giữa các năm 1838 và 1847. New Blanche là một loại đồ sành dùng tại xưởng Copeland & Garrett. Theo ghi chép của xưởng này vào năm 1839, thì thành phần cấu tạo của New Blanche gồm 1/3 đất sét, 1/3 đất kaolin và 1/3 đá lửa. Hình trang trí trên chiếc bình vôi này vẽ một con chim phượng đậu trên cái kệ, cạnh một chiếc bình, một chậu hoa và một mâm trái cây. Được đặt tên là kiểu thức Macau, hoa văn này được chép theo kiểu Trung Quốc, xuất hiện trên đồ sứ xuất khẩu châu Âu, và vào năm 1839, lần đầu tiên tên hoa văn này ghi chép trong các tài liệu lưu trữ của xưởng Copeland & Garrett. Vì nét tương đồng giữa kiểu thức trang trí này với các đồ Spode mang hiệu đề “Minh Mạng…niên tăng họa”, nên sứ bộ Đại Nam đã chọn bình vôi ấy. Theo sổ sách lưu trữ của Bảo tàng Khải Định trước đây, bình vôi này được tìm thấy (hoặc mua) tại Huế trước khi đưa vào Bảo tàng Khải Định (số kiểm kê MKD 653).

Môt bình vôi khác(3) nay thuộc sưu tập của Bảo tàng CVCĐ Huế (Ảnh 01) được trang trí bằng men nhiều màu, đề tài hoa điểu. Mặt trước vẽ một con chim trĩ và bông hoa (hoa văn số B.587); mặt kia vẽ một con chim công (hoa văn số B.588). Cách vẽ chim và bông hoa theo kiểu phương Tây. Theo sổ sách của xưởng Copeland & Garrett thì hai hoa văn trang trí số B.587 và B.588 được sáng tạo năm 1839. Chữ B ghi trước số hoa văn chứng minh là hoa văn này được dùng dưới men.

Dưới đáy bình vôi có ghi hiệu đề Copeland & Garrett, bao quanh chữ late Spode và tên chất liệu New Fayence trong một dải ruy băng. Hiệu đề này, in màu xanh lá cây hoặc màu nâu, được sử dụng giữa các năm 1833 và 1847.

Bình vôi(4) của nhà sưu tầm Trần Đình Sơn (Ảnh 02) thì được trang trí kiểu thức hoa văn B.466 một cách tỉ mỉ và tương xứng. Hoa văn này được sáng tạo vào năm 1838. Có hai chiếc lá bao quanh miệng bình vôi và hai vòng hoa trang trí quanh thân bình. Một dãy hồi văn chữ chi viền quanh vai và quai bình. Các hoa văn trên chiếc bình vôi này hẳn nhiên được thực hiện theo kiểu thức châu Âu.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ một bình vôi(5) (Ảnh 03), cũng do xưởng Copeland & Garrett chế tạo. Chiếc bình vôi này cũng được trang trí theo lối in chuyển họa nhiều màu với kiểu hoa văn châu Âu: một bó hoa đặt trên chiếc lưới màu xanh (tượng trưng cho vườn hoa) được vẽ trên phần trên thân bình và hai cánh hoa lá ở phần dưới thân bình. Một dãi hoa văn màu xanh viền quanh quai bình và đế bình. Kiểu hoa văn này được ghi trong sổ sách của xưởng Spode năm 1839 với mã số B 593. Hiệu đề in màu xanh dưới chiếc bình vôi này là New Fayence ở giữa, kèm theo dòng chữ Copeland & Garrett viết theo hình tròn và hình chiếc vương miện. Hiệu đề này là kiểu hiệu đề nối tiếp hiệu đề có trên chiếc bình vôi của Trần Đình Sơn, xuất hiện khoảng giữa các năm 1838 đến 1847.

binhvoikykieu-03

Dưới đáy của một chiếc bình vôi(6), nguyên của nhà sưu tầm người Bỉ, ông Clément Huet, cũng có in hiệu đề Copeland & Garrett và Saxon Blue trong một dãi ruy-băng. Hiệu đề này rất hiếm gặp và được ghi khi thợ gốm dùng kỹ thuật in chuyển họa dưới lớp men chảy. Hoa văn trang trí trên bình vôi này là một bó hoa.

Căn cứ vào các kiểu thức hoa văn và hiệu đề thì những bình vôi này do xưởng Copeland & Garrett sản xuất vào giữa các năm 1839 và 1847. Trong thời gian ấy chỉ có một sứ bộ duy nhất sang Luân Đôn để ký kiểu đồ sứ. Đó là sứ bộ do Tôn Thất Thuyền và Trần Việt Xương làm chánh sứ và phó sứ.

Cuối năm 1839, sau chiến thắng của quân Anh tại Trung Quốc, vua Minh Mạng đã tìm cách đối phó với các nước phương Tây bằng đàm phán ngoại giao. Vua cử một sứ bộ sang Pháp và Anh để thăm dò tình hình, lấy cớ đi mua hàng hóa. Việc sứ bộ Đại Nam đến Pháp đã làm nhiều người chú ý. Các hội truyền giáo lợi dụng dịp này để tố cáo việc  cấm đạo Thiên Chúa và giết hại giáo sĩ của vua Minh Mạng. Cả tòa thánh Vatican cũng gửi thư phản đối. Vua Louis Philippe của nước Pháp, vì phải đối mặt với những khó khăn trong nước nên không tiếp kiến sứ bộ Đại Nam.

Sau thất bại ở Pháp, sứ bộ lên tàu sang Anh (tháng 02 năm 1840). Họ được Thủ tướng Anh, Tử tước Melbourne, tiếp đãi nhưng họ không thu được nhiều thành công hơn. Trong thời gian lưu tại Luân Đôn, phái đoàn Đại Nam, theo lệnh vua Minh Mạng, đã ký kiểu các bình vôi tại thương quán Luân Đôn. Thời gian lưu lại của họ quá hạn chế nên họ không kịp nhận những chiếc bình vôi đã ký kiểu. Sau đó, những món hàng này được gửi đến Toàn quyền Ấn Độ để chuyển đến Huế. Năm 1845, viên Toàn quyền Ấn Độ cử một sứ bộ đến tạ ơn sự giúp đỡ(7) của vua Thiệu Trị (1841 – 1847). Lần đầu tiên các tài liệu đề cập đến việc triều đình nhận tặng phẩm. Một trong những lý do của việc này là sự có mặt của những bình vôi Copeland & Garrett ở trong số quà tặng. Hai năm sau người Anh lại đến Việt Nam và vua Thiệu Trị từ chối không cho yết kiến.

Vậy thì bình vôi Copeland & Garrett là những đồ sứ ký kiểu đầu tiên mà vua triều Nguyễn ký kiểu tại châu Âu. Sự chọn lựa lò Copeland & Garrett, một xưởng Anh quốc, chứng minh rằng đồ gốm sành sứ Anh được vua Minh Mạng chú trọng hơn đồ Pháp.

 

PHILIPPE TRUONG

Chú thích:

(1) Theo sách hướng dẫn làm đồ sành sứ của Spode vào năm 1826, thì thành phần cấu tạo của đồ New Fayence gồm:

– 65,31% đất sét xanh.

– 17,56% kaolin.

– 13,06% đá lửa.

– 04,05% đá Cornwall.

Tỷ lệ này không được xác định một cách cố định. Sau khi nung thì New Fayence trở thành trắng ngà và thường được trang trí bằng cách chuyển họa tô màu.

(2) Bình vôi, Anh quốc, niên đại khoảng năm 1840, Copeland & Garrett (Stroke-on-Trent, Staffordshire) chế tác theo kỹ thuật sành sứ men màu chuyển họa. Đường kính: 11cm, cao 18cm. Hiệu đề: NEW BLANCHE (ở giữa) COPELAND & GARRETT (ở trên, viết theo hình tròn) và một chiếc vương miện. Chiếc bình này nguyên là của Bảo tàng Khải Định, số kiểm kê MKD 653 (Dẫn theo: Jabouille P. & Peysonnaux J.H., “Sélection d’objets d’art et meubles conservés au Musée de Khải Định”, B.A.V.H., 1929, April-June, pl. XXX – 4.

(3) Bình vôi, Anh quốc, niên đại khoảng năm 1840, Copeland & Garrett (Stroke-upon-Trent, Staffordshire) chế tác theo kỹ thuật sành sứ men màu chuyển họa. Đường kính: 11cm, cao 16,5cm. Hiệu đề: LATE SPODE (ở giữa) COPELAND & GARRETT (ở trên, viết theo hình tròn), NEW FAYENCE (trong một ruy–băng), Hiện vật của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Số kiểm kê BTH.1679.S-1.GM-4639.

(4) Bình vôi, Anh quốc, niên đại khoảng năm 1840, Copeland & Garrett (Stroke-upon-Trent, Staffordshire) chế tác theo kỹ thuật sành sứ men màu chuyển họa. Hiệu đề: LATE SPODE (ở giữa), COPELAND & GARRETT (ở trên, viết theo hình tròn) và NEW FAYENCE (ở dưới, trong một ruy–băng). Hiện vật của sưu tập Trần Đình Sơn ở Thành phố Hồ Chí Minh.

(5) Bình vôi, Anh quốc, niên đại khoảng năm 1840, Copeland & Garrett (Stroke-upon-Trent, Stafordshire) chế tác theo kỹ thuật sành sứ men màu chuyển họa. Cao: 18cm, Hiệu đề: Hình một vương miện và NEW FAYENCE (ở giữa), COPELAND AND GARRETT (viết theo hình tròn), Hiện vật của Bảo tàng lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Số kiểm kê BTH 15182.

(6) Bình vôi, Anh quốc, niên đại khoảng năm 1840, Copeland & Garrett (Stroke-upon-Trent, Staffordshire) chế tác theo kỹ thuật men lam chảy chuyển họa. Cao: 18,50cm. Hiệu đề: một vương miện ở giữa; chữ COPELAND & GARRETT (ở trên, viết theo hình tròn), SAXON BLUE (ở trên, trong một ruy–băng), nguyên thủy thuộc sưu tập của Clément Huet (Bruxelles, Bỉ) (Dẫn theo: HUET Clément, “Les pots à chaux, les pipes à eaux”, Bulletin des Musées Royaux d’Art et d’Histoire, Bruxelles, 1941, Tome 4, p. 80, pl. 11).

(7) Vào năm 1824, một con tàu Anh xuất phát từ Quảng Đông bị đắm, vua Thiệu Trị đã tạo điều kiện giúp đỡ và cho tàu Việt Nam đưa họ trở lại Ấn Độ.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.