Vụ đắm con tầu Méduse cách đây gần 2 thế kỷ là một sự kiện vô cùng thương tâm, bi thảm, khủng khiếp và rùng rợn, hoàn toàn do tội của con người gây ra. Tội lỗi ấy có thể đã được che đậy vĩnh viễn trong bóng tối nếu nó không bị phơi bầy ra giữa thanh thiên bạch nhật bởi tác phẩm hội hoạ “Chiếc bè của chiến thuyền Méduse” (Le Radeau de la Méduse/The Raft of the Medusa) của Théodore Géricault – một bức tranh làm người xem kinh hãi, xôn xao bàn tán về sự thật đằng sau nó, những kẻ chịu trách nhiệm bị nguyền rủa, sự phẫn nộ bùng nổ thành một vụ “scandal” chấn động nước Pháp và thế giới, bộ mặt thối nát của nhà nước đương thời lộ nguyên hình …
Sự thật ấy cũng đánh động lương tâm mọi người để nhận ra rằng con người không bao giờ được phép tự phụ về trình độ tiến hoá của mình: Khi bị dồn tới bước đường cùng, bản năng hoang dã có nguy cơ trỗi dạy để huỷ hoại toàn bộ thành tựu của tiến hoá, biến con người trở lại thành con vật!
Với tất cả những hệ quả do nó tạo ra, bức tranh “Chiếc bè của chiến thuyền Méduse” đã vượt ra khỏi ranh giới của hội hoạ để trở thành một trong những bài học sâu sắc nhất về xã hội, chính trị, và đặc biệt, nó đã rung lên tiếng chuông báo động về sự tha hoá trong đạo lý làm người của xã hội đương thời. Dường như muốn tiếng chuông ấy đến tai mọi người trong thế giới hiện đại nên trong năm 2008 vừa qua, Johnathan Miles đã cho ra mắt cuốn “The Wreck of the Medusa” (Vụ đắm con tầu Méduse), kể lại toàn bộ chi tiết vụ việc bắt đầu từ ngày 17-06-1816, khi hạm đội Pháp do chiếc Méduse dẫn đầu, rầm rộ khởi hành đi Châu Phi
-
Cuộc khởi hành rầm rộ ngày 17-06-1816:
Năm 1819, khi hoạ sĩ người Pháp Théodore Géricault lần đầu tiên trưng bầy tại Paris tác phẩm “Chiếc bè của chiến thuyền Méduse”, ông không thể tưởng tượng nổi phản ứng mà bức tranh sẽ nhận được. Người xem vừa khâm phục nghệ thuật bậc thầy vừa sợ hãi trước cảnh tượng khủng khiếp bầy ra trước mắt họ. Bức tranh rất lớn, kích thước khoảng 5m x 7m, mô tả một nhóm người tuyệt vọng cùng cực trên một chiếc bè đang trôi nổi lênh đênh giữa biển khơi, bỗng thấy một con tầu xuất hiện nhỏ xíu ở tít đằng xa phía chân trời, hy vọng đẩy họ lao về phía trước để vẫy gọi cầu cứu, …
Có một sự thật bẩn thỉu nhớp nhúa đằng sau bức tranh này, và mọi người được biết sự thật đó là như thế nào. Chuyện xẩy ra 3 năm về trước, liên quan tới một bên là những quan chức ích kỷ, độc ác, bất chấp sự sống của đồng loại, và một bên là những người thấp cổ bé họng có số phận khốn khổ cùng cực, mụ mị đến rồ dại, giết chóc và ăn thịt lẫn nhau như con vật. Khi những người khốn khổ này hiện ra lù lù trong bức tranh, mọi người xôn xao bán tán về câu chuyện rùng rợn của họ.
Chuyện bắt đầu tại Paris năm 1816, tức một năm sau khi Napoléon bị quân Anh và đồng minh đánh bại tại Waterloo. Để thể hiện sự ủng hộ đối với dòng họ Bourbon mới được phục hồi ở Pháp, người Anh trao trả cho nước Pháp hải cảng Saint Louis trên bờ biển Tây Phi thuộc Sénégal. Đây là một hải cảng thương mại sống còn, một điểm dừng chân lý tưởng trên đường đi từ Châu Âu tới mũi Hảo Vọng.
Để tiếp nhận chủ quyền đối với hải cảng này, nhà nước mới của Pháp chuẩn bị một hạm đội để đưa viên tổng toàn quyền mới Pháp tại Sénégal cùng với một số quan chức và binh lính tới hải cảng đó. Thuyền trưởng lãnh đạo hạm đội là Hugues Duroy De Chaumareys [1]. Mặc dù có cái tên nghe rất kêu, Duroy De Chaumareys không thích hợp chút nào với chức vụ mới: Đã 53 tuổi nhưng ông ta vẫn ăn diện, bảnh bao chải chuốt, khó tính, và đặc biệt là đã hơn 20 năm không hề ra biển, thậm chí chưa bao giờ chỉ huy một con tầu. Thực ra trước đó ông ta chỉ là một sĩ quan hải quan. Lý do chủ yếu để De Chaumareys được bổ nhiệm đơn giản vì ông ta là một nhân vật bảo hoàng tuyệt đối trung thành. Từng là một tử tước (vicomte), năm 1795 De Chaumareys đã gia nhập quân đội Anh để chống lại cách mạng Pháp. Năm 1814, lúc Louis XVIII được đưa trở lại ngai vàng cũng là lúc De Chaumareys xứng đáng được trả công. Hải quân là một bộ phận sống còn của nhà nước, do đó Louis XVIII thấy cần phải “bảo hoàng hoá” hải quân. Trong bối cảnh đó, De Chaumareys trở thành một lựa chọn thích hợp, bất chấp tính kiêu căng tự phụ và sự thiếu hiểu biết về hàng hải đến mức đáng lo ngại. Sự bổ nhiệm này làm yên lòng triều đình bao nhiêu thì lại làm cho các sĩ quan cấp dưới của De Chaumareys thất vọng bấy nhiêu. Những sĩ quan này phần lớn đã từng tham gia những chiến dịch của Napoléon chống lại quân Anh, làm sao họ có thể kính nể một gã bất tài chỉ huy mình? Quan hệ giữa họ với De Chaumareys trở nên căng thẳng. Trung uý Des Touches nói: “De Chaumareys là một quý tộc, nhưng suy nghĩ không được nghiêm túc cho lắm. Ông ta coi việc tôi phải làm tôi tớ vâng lời ông ta là một điều tự nhiên. Tôi đã giải thích để ông ta hiểu rằng chúng tôi không sai khi phục vụ tổ quốc trong giai đoạn ông ta chạy ra nước ngoài. Thế là ông ta khó chịu rồi thay đổi thái độ cư xử với tôi …”.
Cuối cùng, cái gì đến phải đến:
Ngày 17-06-1816, dưới sự lãnh đạo của De Chaumareys , đoàn tầu hải quân của Pháp gồm 4 con tầu – chiến thuyền Méduse, tầu chở hàng Loire, thuyền hai buồm Argus và tầu hộ tống nhỏ Écho – khởi hành từ Rochefort, rầm rộ hướng tới Saint Louis.
-
“Nữ quỷ Méduse”[2] gặp con trai thần Zeus:
Bản thân De Chaumareys đi trên con tầu Méduse cùng với vợ chồng đại tá Julien-Désiré Schmaltz, tổng toàn quyền Sénégal mới được bổ nhiệm, cùng nhiều nhân vật “quyền quý” khác. Tổng số hành khách trên chiến thuyền là 400, bao gồm đàn ông, đàn bà, trẻ em, trong đó có 160 thuỷ thủ.
Schmaltz là một sĩ quan hống hách, thích làm cho mình trở thành quan trọng. Ông ta nhanh chóng thuyết phục De Chaumareys nên đi theo lộ trình do ông ta vạch ra – lộ trình ngắn nhất từ Pháp tới Sénégal. Điều này có nghĩa là sẽ dẫn cả đoàn tầu đi qua những chặng nguy hiểm dọc theo bờ biển, nơi có những đụn cát gần bờ, những bãi đá ngầm và rất nhiều mối nguy hiểm khác tiềm ẩn, đặc biệt là dải đất ngầm Arguin nổi tiếng. Tóm lại, đó là một lộ trình đi qua toàn những thứ có thể làm tiêu tan sự nghiệp của những nhà hàng hải kinh nghiệm nhất. Kinh nghiệm thông thường là giương buồm tiến ra ngoài khơi xa xôi của Đại Tây Dương rồi từ đó sẽ đi vào bờ khi cần thiết. Nhưng Schmaltz, một người không biết gì về hàng hải và hay nạt nộ người khác, không hề nghĩ tới một lộ trình đi đường vòng như thế. De Chaumareys dốt nát không kém, nên răm rắp nghe theo Schmaltz. Đám thuỷ thủ thấy lo sợ, nhưng không dám chống đối. Họ phải cố nén nhịn và buộc phải chấp hành mệnh lệnh, mặc dù linh cảm rằng họ đang đi theo một lộ trình cực kỳ điên rồ.
Chiếc Méduse đi nhanh nhất, đến nỗi viên thuyền trưởng nhanh chóng mất liên lạc với các chiếc Loire và Argus. Chiếc Echo cố gắng giữ khoảng cách để dẫn đường cho chiếc Méduse, nhưng rồi cũng không theo kịp. Đợi lúc trời tối, nó khôn ngoan đi vòng ra ngoài khơi để tránh cái chết, trong khi chiếc Méduse vẫn tiếp tục đi theo con đường riêng của mình.
Ngày 28-06, De Chaumareys quen biết một người bạn mới trên tầu – ông bạn Richefort “quý hoá”. Ông này tự giới thiệu bản thân mình là một một nhà thám hiểm Châu Phi sành sõi, mặc dù kinh nghiệm thực tế hàng hải của ông ta còn ít hơn chính De Chaumareys . Thực ra tay này mới ra tù ở Anh, nơi hắn đã phải đi tù trong khoảng 10 năm trước đó, và lúc này đang là thành viên của một hội từ thiện có ý định đi sâu vào nội địa Châu Phi. Thế là De Chaumareys liền quay sang tin tưởng tay này về “kiến thức Châu Phi”, đến nỗi tuỳ tiện giao cho tay này nhiệm vụ lái thuyền chính thức. Các thuỷ thủ cảm thấy bị sỉ nhục nghiêm trọng. Không khí phản ứng bắt đầu lan tràn, ngay cả phụ nữ cũng phải kêu ca. Nhưng trong khi các thuỷ thủ lắc đầu thì viên thuyền trưởng và ông bạn “quý hoá” đã lái con tầu từ từ đi vào chỗ nguy hiểm.
Ngày 02-07, số phận của họ đã điểm. Những xoáy nước đục ngầu hai bên mạn thuyền thông báo cho biết thuyền đang đi vào chỗ ngày càng nông. Hành khách tỏ ra giận dữ. Bị đe doạ bởi một hành khách, Richefort cười thản nhiên rồi trả lời xoa dịu: “Quý vị thân mến, chúng tôi biết việc chúng tôi làm. Xin quý vị hãy chú tâm vào việc của quý vị và giữ yên lặng. Tôi đã hai lần vượt qua dải đất ngầm Arguin. Tôi đã từng giương buồm tới Biển Đỏ và quý vị sẽ thấy tôi không dễ bị dìm chết đuối đâu”. Lúc ấy Schmaltz vẫn đang ra lệnh và quát tháo mọi người xung quanh, De Chaumareys thì chạy tới bên cạnh những người không vâng lời và ra lệnh phải chấm dứt những lời phàn nàn chê bai. Đó là lý do dẫn tới thảm hoạ.
Ngày 02-07 đã chứng kiến dấu chấm hết của chiến thuyền Méduse. Vào lúc 11 giờ 30’ sáng, có những tiếng kêu thông báo con thuyền đã đi vào chỗ nước chỉ sâu có 80 sải (1 sải bằng khoảng 1,82m). “Không có gì mà phải báo động!”, De Chaumareys hét lên với các thuỷ thủ, rồi lại nhắc lại điều đó một lần nữa với giọng to hơn để yên chí rằng tất cả các thuỷ thủ đều nghe rõ.
3 giờ 10’ chiều, còn thuyền đã vào chỗ nước chỉ sâu có 6 sải và cứ thế càng lúc càng vào chỗ nông hơn. 5 phút sau con tầu bỗng rùng mình nhô lên. Một va đập mạnh, con tầu mắc phải dải đê ngầm Arguin, cách đất liền khoảng 60 dặm (khoảng 110km). Theo các nhân chứng kể lại, một biến dạng hiện lên trên khuôn mặt của De Chaumareys và Richefort, “một nỗi lo lắng bồn chồn rõ rệt, mặt mũi nhăn nhó”.
-
“Sáng kiến” vô lương tâm:
Vài giây sau, Richefort trở thành đối tượng của một làn sóng chỉ trích dâng lên, chỉ chút nữa là biến thành một cuộc tấn công. Viên thuyền trưởng câm lặng không nói một lời. Tổng toàn quyền Schmaltz và gia đình ông ta nhìn chằm chằm vào viên thuyền trưởng, mặt lạnh như tiền với vẻ kiêu căng mà đám nhà giầu thường có, ra điều sẽ có ai đó phải lo liệu phục vụ ông ta và gia đình ông ta chu đáo, sao cho mọi việc sẽ phải đâu ra đấy.
Tình thế lúc ấy thật nan giải, con tầu tuy không bị vỡ, chỉ mắc kẹt, nhưng rất khó để kéo nó ra khỏi dải đất ngầm, vì thuỷ triều khá cao. Với nỗ lực làm cho tầu nổi lên để kéo ra, đám thuỷ thủ bắt đầu ném bớt đồ vật ra khỏi con tầu, nhưng một lần nữa De Chaumareys lại quyết định trái ngược: Ông ta ra lệnh ngừng ném đồ, vì sợ cấp trên ở nhà sẽ khiển trách việc quăng bỏ những chiếc đại bác quý giá. Thế là con tầu tiếp tục từ từ chìm xuống tới những mực nước nhơ bẩn mà nó có thể chìm.
Sau một lúc đi đi lại lại lo lắng lẩm bẩm gì đó, De Chaumareys quyết định rời bỏ con tầu. Ông ta tập hợp những người “tin cẩn” để thảo luận phương án cấp cứu, tất nhiên thuỷ thủ không được mời tham dự.
De Chaumareys nêu khó khăn rằng số thuyền cấp cứu không đủ để chở tất cả vào đất liền, Schmaltz lập tức đưa ra “sáng kiến”: Làm một chiếc bè để chở thuỷ thủ vào đất liền, ưu tiên dành thuyền cấp cứu cho những hành khách “quan trọng”, và những thuyền này sẽ kéo chiếc bè vào bờ an toàn.
“Sáng kiến” này lập tức được thi hành: Một chiếc bè gỗ kích thước khoảng 20m x 7m được chế tạo vội vàng từ những cột buồm và xà ngang của con tầu, không có phương tiện để lái và chèo. Khi đám thuỷ thủ và binh lính bắt đầu tỏ ra lo lắng, viên thuyền trưởng vội vàng xua họ lên chiếc bè. Tổng cộng có 146 đàn ông và một phụ nữ đã bước lên đó. Ngay lập tức bè tròng trành, người trên bè bị chìm xuống nước tới thắt lưng, vì số lượng chen chúc quá đông. Cảnh tượng ấy làm nhiều người sợ hãi, 17 người từ chối không chịu lên bè, quyết định ở lại trên phần nổi của chiếc Méduse, hy vọng rồi trước sau cũng sẽ có người đến cứu.
Trong khi đó, 5 trong số 6 thuyền cấp cứu lại rất thưa người. Ít người hơn trên một chiếc thuyền cấp cứu có nghĩa là khẩu phần ăn cho mỗi người trên con thuyền đó sẽ lớn hơn, đó là cách tính toán của đám người “quyền quý”. Cuối cùng thì những chiếc thuyền cấp cứu cũng bắt đầu giương buồm lướt sóng chạy vào bờ, kéo theo chiếc bè. Trong khi De Chaumareys , kẻ đầu tiên rời bỏ con tầu Méduse, cùng với gia đình của Schmaltz và những hành khách “quan trọng” khác được ngồi rộng rãi an toàn để chạy trốn thì đám người khốn khổ trên chiếc bè bị ướt lướt thướt, bắt đầu đối mặt với đói khát, tù túng, và tất cả những gì bị đát nhất. Họ không có đủ lương thực và nước uống, không có một chỗ khô ráo để ngủ, thậm chí một chỗ trống để ngả lưng. Tất cả chỉ có vài thùng rượu và nước uống cùng với ít bột mì, không thể đun nấu và cũng không thể đốt lửa để sưởi ấm.
Đám người trên bè bắt đầu phản ứng với cách đối xử bất công đê tiện quá lộ liễu đó. Vì quá thất vọng, họ rắp tâm sẽ nhẩy lên bất cứ chiếc thuyền cấp cứu nào đi gần tới họ. Do đó mỗi lúc chiếc bè ở gần một chiếc thuyền cấp cứu nào là chiếc thuyền ấy chạy bán sống bán chết cho xa chiếc bè. Tình hình đó làm De Chaumareys hoảng sợ và hắn lập tức ra lệnh cắt đứt dây nối với chiếc bè, để mặc cho nó trôi nổi lênh đênh trên biển, cầu mong lòng khoan dung độ lượng của biển cả để sống còn. Chúng ta có thể hình dung ra trạng thái tâm lý của những người trên chiếc bè lúc đó thất vọng và hoảng loạn đến chừng nào, khi họ trông thấy những chiếc thuyền cấp cứu dần dần khuất khỏi đường chân trời, để mặc họ ở lại trơ trọi giữa lòng biển khơi xa cách đất liền. Liệu có ai sẽ trở lại cứu họ không?
Victor Hugo từng nói: “Kẻ dốt nát gây ra nhiều điều ác hơn chính kẻ ác” (Les ignorants font plus de méchancetés que les méchants), nhưng De Chaumareys vừa dốt nát vừa độc ác, do đó hậu quả do ông ta gây ra vượt quá mọi sức tưởng tượng.
-
Hậu quả của dốt nát và độc ác:
Thật vậy, nhiều thùng rượu đã bị quăng xuống biển để lấy chỗ ngồi hoặc do bị ngập nước biển. Nhưng mối nguy lớn nhất không phải là sự đói khát, mà là những đe doạ đến từ chính những người trên bè, bởi họ đã bị xô đẩy tới chỗ bùng nổ bản năng hoang dại vốn có trong con người! Khi đêm xuống, họ bắt đầu nhận ra rằng sự thể mới thực sự tệ hại làm sao. Thật đau lòng, khi những kẻ chịu trách nhiệm với cảnh ngộ khốn nạn của họ không còn ở xung quanh nữa, họ bắt đầu quay sang đánh nhau, tự biến mình thành hung thủ lẫn nạn nhân, đầu óc trở nên rồ dại mất hết lý trí. Họ quăng hết những thùng rượu và bột mì xuống biển. Họ tấn công nhau bằng dao rựa, tháo tung dây rợ buộc các thanh gỗ với nhau, làm cho chiếc bè hẹp dần. Sáng sớm hôm sau, chiếc bè trở nên nhẹ hơn vì 20 người đã chết do tự tử hoặc bị giết đêm trước. Đến ngày thứ tư chỉ còn 67 người sống sót.
Đói khát, mất ngủ, và vô vọng, thuỷ thủ càng ngày càng trở nên hung dữ hơn. Việc giết nhau để ăn thịt bắt đầu xẩy ra, đặc biệt thường xẩy ra vào lúc đêm tối. Hình thành các bè cánh chống đối nhau, người gốc Phi chống lại người Âu, thuỷ thủ chống lại binh lính. Mỗi đêm là một đêm điên loạn giết chóc nhau tới tận sáng để khi sáng dậy đếm lại số người thấy còn ít hơn, và những người này biết rằng mình cũng chuẩn bị để chết và trở thành thức ăn cho những kẻ còn sống sót. Số người sống sót giảm đi nhanh chóng nên “khẩu phần ăn” cũng giảm nhanh chóng. Cuối cùng, không chịu được cơn đói khát, một số người bắt đầu xẻ thịt các xác chết còn lăn lóc trên chiếc bè để ăn thịt. Một số người lúc đầu cố kháng cự lại sự sỉ nhục này, nhưng rồi nhận ra rằng những kẻ ăn thịt người đó đã khoẻ mạnh trở lại, thế là từng người một đều thay nhau ăn thịt xác chết.
Cuối cùng còn 15 người sống sót tới khi chiếc Argus tới cứu, sau 13 ngày họ bị bỏ mặc trên biển cả cách xa bờ. Thực ra chiếc Argus không hề có ý định tìm kiếm những người bị bỏ mặc. Việc tìm thấy 15 người này hoàn toàn ngẫu nhiên. Nhiệm vụ của chiếc Argus là tìm kiếm những người còn sống sót trên những chiếc thuyền cấp cứu có thể đã dạt vào bờ, và một nhiệm vụ khác: Tìm lại kho vàng trong con tầu Méduse.
Khi chiếc Argus tiến gần tới chiếc bè, thuỷ thủ trên tầu bị sốc khi trông thấy những người trên chiếc bè đó: 15 người, trong đó nhiều người sắp chết, da chân họ đã bị sóng biển cuốn đi để trơ lại vết thương lở loét, mặt mũi hốc hác và rộp lên vì ánh nắng mặt trời. Số sống sót bằng 10% số người bước lên bè. Những thân xác rơi vãi trên sàn bè, một số đã tan tác từng mảnh và thối rữa, chứng tỏ dấu hiệu đã bị chim biển cắn xé rữa nát. Vài tuần sau, 5 trong số 15 người sống sót đó đã chết, trong đó có Jean Charles, thuỷ thủ da đen cuối cùng, người vung khăn vẫy gọi cầu cứu trong bức tranh của Géricault. 10 người còn lại phải nằm bệnh viện vài tháng.
-
Còn bức tranh thì sao?
Bản thân bức tranh cũng là một kẻ sống sót sau thảm hoạ, bởi chính tác giả của nó cũng không thể tiếp tục sống thêm nhiều năm để chứng kiến giờ phút bức tranh đạt tới tột đỉnh vinh quang. Sau 2 năm dốc kiệt sức lực cho bức tranh, bệnh lao của Géricault trở nên trầm trọng. Ông đã ra đi khi tài năng đạt tới độ chín nhất. Bức tranh sau đó đã được đem đi triển lãm và làm sợ hãi khắp Châu Âu. Cuối cùng nó được đem bán. Có hai khách mua sẵn sàng trả giá cao: Một thương nhân Anh giầu có và một nhóm quý tộc Pháp – nhóm này định cắt bức tranh ra làm nhiều phần nhỏ rồi đem bán đấu giá từng mảnh. Bên cạnh chuyện mua bán, bức tranh ngày càng nổi tiếng vì nó tố cáo bộ mặt xấu xa của đường lối chính trị bảo hoàng.
Mỉa mai thay, người “cứu” nó khỏi bị “đày” ra nước ngoài và không bị cắt vụn ra thành nhiều mảnh lại chính là vua Louis XVIII. Ông này đã biếu tặng Bảo tàng Louvre để nó còn ở đó cho đến tận ngày nay.
Nhưng vẫn còn chuyện để nói: De Chaumareys nghĩ rằng vàng vẫn còn nằm trên chiến thuyền Méduse nên thay vì lo cứu 17 người còn ở lại đó, ông ta chỉ lo phái một nhóm cứu hộ ra đó tìm lại số vàng.
Sau ba ngày họ đã tìm thấy! Nhưng không phải tìm thấy vàng, mà tìm thấy 3 người mặt mày hốc hác còn sống thoi thóp. Họ đã trải qua 54 ngày chờ đợi, và chắc chắn đó là những ngày kinh hãi. Cả 3 đều điên – kết quả tất yếu của sự đói khát và sợ hãi! Người Anh đã giúp đưa 3 người này trở lại Pháp, và rất may, sau một thời gian họ đã hồi phục.
Tổng cộng số người còn sống được cho tới những năm tiếp theo là 13, gồm 10 người trên chiếc bè và 3 người trên phần nổi của chiến thuyền Méduse. Một trong số đó là nhà phẫu thuật Henri Savigny đã kể lại mọi điều mắt thấy tai nghe cho các nhà chức trách. Tin tức nhanh chóng được tiết lộ cho tờ Journal des débats, một tờ báo chống bảo hoàng nổi tiếng, và số báo ra ngày 13-09-1816 đã loan báo sự thật cho công chúng biết.
Tiếp theo, Savigny và một người sống sót khác là Alexandre Corréard, một nhà địa lý, cùng viết một cuốn sách nhan đề “Naufrage de la frégate la Méduse” (Vụ đắm chiến thuyền Méduse), công bố năm 1817.
-
Giới hạn trải nghiệm của con người:
Vấn đề càng lúc càng trở thành một vụ bê bối trong chính trường nước Pháp, trong khi giới chức cầm quyền cố tìm mọi cách che đậy vụ việc xấu xa này. Trong thư gửi lên vua Louis XVIII báo cáo tai nạn Méduse, bộ trưởng hàng hải Pháp viết: “Thần vô cùng buồn rầu thưa với bệ hạ rằng bọn nhà báo đang ra sức bới móc chi tiết của chuyện đáng buồn này, mà thần trộm nghĩ rằng cảnh tượng thảm thương này không thể mang ra trước con mắt của công chúng được”. Nhưng không thể không đưa De Chaumareys ra xét xử tại toà án quân sự. Tuy nhiên, ngay tại nơi được coi là “công minh chính đại” này cũng không có sự chính đại công minh: Lẽ ra De Chaumareys phải bị kết tội đào ngũ và bỏ chết đồng đội, và với tội danh này lẽ ra ông ta phải bị tử hình, nhưng các quan toà đã cứu De Chaumareys bằng cách gán cho ông ta 3 tội danh nhẹ: 1-“trình độ hàng hải kém”, 2-“tự mãn” và 3-“rời bỏ con tầu bị đắm trước các hành khách khác”. Với 3 tội danh đó, ông ta chỉ bị phạt 3 năm tù giam.
Và mặc dù tổng toàn quyền Sénégal, Schmaltz, sau đó cũng bị buộc phải từ chức, mặc dù bộ luật Gouvion de Saint-Cyr sau đó bảo đảm rằng từ nay việc bổ nhiệm quan chức phải dựa trên phẩm chất xứng đáng (thay vì dựa trên cấu kết chính trị), dân chúng Pháp vẫn tiếp tục căm phẫn và thất vọng trước sự thối nát và bất công mà vụ đắm tầu đã để lộ. Tâm lý ấy giống như một ngòi nổ chờ phát hoả.
Bức tranh “Chiếc bè của chiến thuyền Méduse” của Géricault chính là một mồi lửa châm vào ngòi nổ đó, bởi nó đã làm cho người xem kinh hãi nhận ra rằng “Chiếc bè đã đưa những kẻ sống sót tới giới hạn trải nghiệm của con người”, như bình luận của Jonathan Miles về tác động của bức tranh. Có lẽ chưa có một tác phẩm nào chỉ rõ giới hạn phân biệt con người với con vật một cách rõ ràng và sâu sắc đến thế.
Trước khi bắt đầu vẽ bức tranh chính thức, Géricault thực hiện một loạt phác thảo nghiên cứu với 3 cách thể hiện chủ yếu: 1-Cảnh binh lính chống lại các sĩ quan trong ngày thứ hai; 2-Cảnh ăn thịt người xẩy ra sau vài ngày trên bè; 3-Cảnh những người trên bè vẫy gọi con thuyền ở xa đến cứu.
Cuối cùng ông chọn cách thể hiện thứ ba, có lẽ trước hết vì ông nghĩ rằng cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi có hy vọng, dù chỉ là một hy vọng mong manh – con người không thể tiếp tục sống khi tuyệt vọng. Hơn nữa, vì ông đã trực tiếp phỏng vấn những người sống sót, nên chắc chắn những người này đã truyền cảm hứng cho ông. Với họ, chỉ có giây phút hy vọng được sống mới đáng nói, còn tất cả những gì xẩy ra trước đó chỉ là một cơn ác mộng khủng khiếp mà họ muốn quên đi! Thật vậy, những người này kể rằng lần đầu trông thấy chiếc Argus, họ đã ra sức vẫy gọi nhưng chiếc Argus dường như không nhận thấy dấu hiệu, do đó đã đi qua rồi biến mất. Lúc ấy, “từ niềm vui và hy vọng cuồng nhiệt, chúng tôi trở lại nỗi thất vọng cay đắng và sầu muộn không nói sao cho hết”, họ nói. Nhưng 2 tiếng sau, đúng vào lúc mọi hy vọng tắt ngấm thì chiếc Argus bỗng nhiên xuất hiện trở lại và lần này đã trông thấy chiếc bè … Géricault nhấn mạnh tới thời điểm đó để nói với nhân loại rằng cuộc sống có giá trị thiêng liêng đến chừng nào, và những kẻ cướp đi cuộc sống của người khác có tội lớn đến biết bao!
- Đằng sau cánh cửa đóng kín:
Có lẽ tin tức trên báo chí không đủ nên đầu năm 1818, Géricault đã tìm gặp và trò chuyện với Henri Savigny và Alexandre Corréard, 2 trong số những người sống sót, rồi 3 người lại cùng với một người sống sót khác là Lavillette, một thợ mộc, cùng nhau dựng lại mô hình chiếc bè chính xác tới từng chi tiết, thậm chí tới từng lỗ hổng giữa các tấm ván, để làm vật mẫu cho bức tranh. Bất chấp ốm đau (ho lao), ông còn tới Le Havre để ngắm nhìn biển cả dưới bầu trời, chứng kiến cảnh giông bão ngoài biển để đưa nó vào trong tranh . Ông cũng tới nhà xác và bệnh viện để nhìn tận mắt mầu sắc và chất liệu bằng xương bằng thịt của những người sắp chết và đã chết. Ông dựng xưởng vẽ ngay bên kia đường bệnh viện Beaujon. Tại đây ông bắt đầu rơi vào tâm trạng buồn thê lương, buồn cho thân phận yếu ớt của con người trước những đe doạ của tự nhiên và của cái ác. Đằng sau cánh cửa đóng kín, ông ném mình vào công việc. Không gì có thể lôi kéo ông ra khỏi đó. Ông bị ám ảnh bởi câu chuyện đang vẽ đến nỗi luôn luôn sợ hãi và né tránh mọi người.
Ông nhờ bạn bè làm người mẫu để vẽ. Eugène Delacroix (1798–1863), một bạn thân của ông đồng thời cũng là một hoạ sĩ nổi tiếng, được chọn làm mẫu để vẽ nhân vật trong tranh đang ngồi thẫn thờ buồn bã, đầy thất vọng, tay phải chống lên má, tay trái buông xuôi trên thân thể đứa con nằm trên đùi. Chính Delacroix cũng bị ám ảnh bởi câu chuyện kinh hãi này. Ông kể: “Géricault cho tôi xem bức Chiếc bè của chiến thuyền Méduse ngay khi ông đang còn vẽ dở dang. Bức tranh đã gây một ấn tượng rất mạnh và khủng khiếp đối với tôi, đến nỗi khi ra khỏi phòng tranh, tôi bắt đầu chạy như một thằng điên không dừng lại cho tới khi về đến nhà và chui tọt vào phòng mới thôi”
-
Lòng Nhân:
Géricault được coi là một trong những người “khai sáng” ra “chủ nghĩa lãng mạn” (Romanticism) trong hội hoạ. Điều này hơi khó hiểu đối với những người không nghiên cứu hội hoạ. Tuy nhiên sẽ không có gì khó hiểu nếu nói rằng tranh của Géricault thể hiện rõ rệt tinh thần hiện thực chủ nghĩa (réalistic) và nhân đạo chủ nghĩa (humanistic), mặc dù bản thân ông chẳng tuyên bố về bất cứ một thứ chủ nghĩa nào. Đơn giản ông chỉ vẽ theo cảm xúc, ông vẽ vì xúc động trước nỗi đau của người khác và vẽ để tuyên chiến với tội ác. Thời gian ông tập trung để vẽ bức tranh cuối cùng hết 8 tháng, nhưng toàn bộ dự án kể từ việc nghiên cứu, phác thảo, … đến khi hoàn tất tác phẩm tổng cộng hết 18 tháng. Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên tại Salon ở Paris năm 1819, “Chiếc bè của Géricault đã trở thành tâm điểm của phòng tranh, nó đập vào mắt mọi người và kéo người xem vây quanh nó”, tờ Le Journal de Paris bình luận.
Công trình của Géricault đã đối mặt với một nghịch lý lớn của hội hoạ: Làm thế nào để một chủ đề kinh hãi và thậm chí “ghê tởm” như thế có thể trở thành một tác phẩm mỹ thuật được tán thưởng? Làm thế nào để nghệ thuật hoà giải được với thực tế?
Một hoạ sĩ Pháp cùng thời với là Marie de la Couperie, nói: “Ngài Géricault đã nhầm rồi. Mục tiêu của hội Géricault hoạ là nói những điều đẹp đẽ với tâm hồn và con mắt, thay vì gây ra cảm giác khó chịu gớm tởm như thế”. Nhưng bức tranh vẫn được rất nhiều người ngưỡng mộ, trong đó có nhà văn kiêm nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng Auguste Jal, một người không tiếc lời ca ngợi chủ đề mang tính chính trị chống đối và ý thức đòi tự do của nó (bênh vực người thấp cổ bé họng, phê phán chủ nghĩa bảo hoàng cực đoan). Nhà sử học Jules Michelet còn làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi ông cảnh báo xã hội đương thời: “Toàn bộ xã hội chúng ta đang đi trên chiếc bè Méduse”. Cuối cuộc triển lãm năm 1819, ban giám khảo quyết định trao tặng huy chương vàng cho bức tranh, tuy nhiên vẫn chưa chịu công nhận giá trị của nó tới mức cần phải tuyển chọn để đưa vào bộ sưu tập tranh quốc gia tại Bảo tàng Louvre. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, cuối cùng nó cũng đã được đưa về Louvre. Tại đây, lời giới thiệu trưng bầy bên cạnh bức tranh nói với chúng ta rằng “người anh hùng duy nhất trong câu chuyện bi thảm đầy thương tâm này là tinh thần nhân đạo”.
Một người đọc xong lời giới thiệu đó liền quay sang thắc mắc với tôi:
– Tinh thần nhân đạo gì ở đây vậy?
Tôi suy nghĩ nhanh rồi trả lời:
– Géricault muốn tất cả chúng ta thắp hương cầu nguyện cho những linh hồn xấu số, gián tiếp kêu gọi loài người đừng bao giờ đẩy đồng loại tới chiếc bè của chiến thuyền Méduse, đừng bao giờ đối xử với nhau như những người ở trên chiếc bè đó nữa! Con người phải xứng đáng là con người, trong đó LÒNG NHÂN và chỉ có LÒNG NHÂN mới là giá trị đích thực!
Tác giả: Phạm Việt Hưng, nguồn http://vietsciences.free.fr/
[1] Tài liệu tiếng Anh viết là Hugues Duroy de Chaumereys
[2] Méduse là tên một nữ quỷ hung dữ trong thần thoại Hy Lạp, cuối cùng bị Perseus (con trai của thần Zeus) tiêu diệt. Người Pháp không “kiêng kị” nên đã lấy tên nữ quỷ này làm tên của chiến hạm bậc nhất của họ. Chiến hạm này đã từng chinh chiến khắp “bốn biển năm châu”, trong đó đã có lần tới Việt Nam: Ngày 24-07-1789, Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) và Hoàng tử Cảnh (con trai Nguyễn Ánh) đi trên chiến thuyền Méduse cùng với khoảng 300 thủy quân, 80 pháo binh và 50 lính da đen, cập bến Bãi Dừa, Cap Saint-Jacques, thuộc Vũng Tàu. Cuộc hành trình tới Saint Louis năm 1816 đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chinh chiến “oai hùng” của “nữ quỷ Méduse”.