Có một hôm dăm ba anh em ngồi nói chuyện. Một anh kể : có một người mua tranh của một họa sĩ, không ngờ một hôm đến chơi nhà bạn cũng thấy một bức giống hệt vậy. Hai bức cùng của một họa sĩ vẽ và bán. Không hẹn mà nên, hai người lại cũng gặp nhau ở nhà ông họa sĩ « quý hóa », vì cùng mang tranh lại trả.
Tôi không nhớ là tranh đó, của họa sĩ nào (tên mới nghe lần đầu và không cố tình nhớ) điều đó không quan hệ, nhưng tôi tự hỏi : không hiểu người ta chơi tranh vì một lẽ gì ? Tuy sự mang trả lại tranh này không làm tôi ngạc nhiên.
Nhưng nếu một họa sĩ « đứng đắn » vẽ xong một bức, lại tự nhiên có một cái thích thành thực muốn thử vẽ lại một cái mới, đúng như cái cũ. Thử hỏi trong một lúc rất yên tĩnh, không còn một lòng bồng bột của cảm hứng say sưa lúc vẽ bức tranh đầu, là một cuộc thử thách gay go tài nghệ của mình đáng quý lắm chứ sao ? Vẽ xong hai bức mất rồi, lại không có quyền bán cả hai hay sao ? Người ta còn bán cả những bức vẽ phác mà vẫn được công nhận là một hành vi rất đứng đắn !
Còn người mua, vì lẽ gì mà mua ? Tất nhiên không phải chỉ vì thích bức tranh đó. Nếu thích thực tôi tưởng người ta không chịu mang trả lại, nghĩa là rời bức tranh ra ; trái lại còn có thể muốn luôn luôn xem cả hai, để so-sánh và tìm hiểu. Nhưng đó lại là một chuyện khác.
Vậy thì vì lẽ gì ? Vì lẽ gì mà mua rồi lại trả ?
« vì người ta bị lừa (anh bạn kể chuyện trả lời) người ta yên trí rằng bức tranh của người ta quý, vì chỉ có một »
Câu nói làm tôi nhớ tới câu « Ta yêu cái gì chỉ có một », Quý không phải ở Đẹp, quý ở Hiếm nữa.
Tôi lại xin kể một câu chuyện đã nghe lỏm được. Câu chuyện này cũng như câu chuyện tôi vừa kể, xếp đặt có một chút ý-nhị « văn chương », một thứ mắm muối người ta dùng để làm đậm nhiều thứ chuyện : một nhà triệu-phú bên Mỹ chơi tem, rất quý một con tem, ông ta yên trí rằng trên thế giới này không thể đào đâu ra một con tem nữa như vậy. Trên bài tường-thuật cuộc triển lãm tem, con tem đó đã được chụp, in lên báo Mỹ. Một báo Âu đap lại : con tem thứ hai cũng của một nhà triệu-phú bên này ! Nhà triệu-phú Mỹ lập tức thương lượng để mua con tem lạc-loài đó, nhưng vô hiệu. Ông liền tức khắc mở một ngân hàng bên Âu châu để canh tranh với nhà triệu phú Âu và cuối cùng làm cho ông này siểng liểng. Sau mười mấy năm trời, cuộc thương lượng mua tem có hiệu quả. Nhà triệu phú Mỹ vội đi tàu bay sang để trả tiền, tất nhiên bằng giá rất đắt, lấy con tem, đánh diêm đốt con tem mà thổi … phù.
Nhưng nếu vô số bức tranh mà các họa sĩ đã để cả « tâm hồn, hoài bão, tư tưởng, từng trải, tài năng » của mình vào để cấu tạo nên, sở dĩ bán được nhiều tiền chỉ vì một lẽ, lẽ chính : là những vật chỉ có một, thì thật chẳng vinh dự gì cho những ai đã « hi sinh » đời mình cho nghệ thuật.
Biết làm thế nào ? Phần nhiều các họa sĩ là những người chỉ vì cái Đẹp mà tận tụy, làm một bức tranh còn chưa được thỏa mãn, còn dư lực đâu mà mong cái chuyện thành nhiều.
Duy chỉ lạ cho một số họa sĩ lại « thành thực » cho tranh của mình cũng quỹ ở chỗ hiếm. Thậm chí có những người, mà tôi rất trọng về tài, đã dùng máy để in tranh mình mà cũng vô tình có một định ý quái gở chỉ in một số rất ít để bán rất đắt, cho những ai … tri-kỷ.
Biết nói vậy mà hiện giờ chính trong đời tình cảm của tôi, tôi dùng một thứ đồ dùng mà biết là hiếm, ăn một thứ đồ ăn mà người khác không có ăn thì thực quả mấy thú vị hơn những món thường, là tại làm sao ? Có lẽ tôi không phải là một người sành ăn ; xong cái bi kịch tâm lý « thành thực thích những vật hiếm » vốn có ở chỗ đó.
Nhưng một điều nhận xét nhỏ. Giá có phải chọn một bức tranh soàng, chỉ có một, với một bức tranh in rẻ tiền, đẹp hơn (tất nhiên không có thể so sánh với cái đẹp của bức nguyên họa đã làm mẫu cho bức tranh in ấy) thì tôi thấy nhiều người sành không đến nỗi phải lưỡng lự. Cho nên ở nhà một số đông họa sĩ thường chỉ thấy có tranh in. Ngoài ra, đứng mê mẩn trước những bức tranh nguyên tác của bạn đồng nghiệp, những bức tranh đẹp mà họ biết rằng không thể mơ tưởng thành nhiều được, họ đành thở dài và mong ước có một nhà bảo tàng nguy nga giữ thận trọng những bức tranh đó cho công chúng và cho mình.
Tôi tự đặt câu hỏi tầm thường :
« nếu không nhờ một nhu cầu quá rõ rệt của con người để phát triển, nghề in lại bị giàng buộc vì cái « thích hiếm » thì tư tưởng của nhân loại hiện giờ làm sao ? Và riêng về cái đời sống cảm giác của các họa sĩ và những người thích đẹp đã ra ra thế nào ?
Cái gì vĩnh viễn và sau khi một cái « thích hiếm » đã bị nghề in vật đổ thì cái gì đã chuyển biến ?
Tác giả : Nguyễn Đỗ Cung