Tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất trong lịch sử đấu giá là bức họa “Đấng cứu thế” do danh hoạ thời Phục hưng Leonardo vẽ. Bức hoạ đã được bán với giá 450 triệu đô la Mỹ vào năm 2017. Hiện vẫn chưa có tin tức gì về người sở hữu của bức tranh. Nhưng theo thông tin từ các nguồn không chính thức, bức tranh đã được mua bởi Thái tử Ả Rập Xê Út và cất giữ trên du thuyền riêng của ông. Gần đây, một số chuyên gia còn cho rằng bức “Đấng cứu thế” được bán với giá cao không phải là bức Da Vinci nguyên bản mà do trợ lý của Da Vinci vẽ.
Khi những nghi vấn này vẫn chưa có lời đáp, thì gần đây, một bí ẩn khác xung quanh chủ đề “Đấng cứu thế” lại được thêm vào. Cảnh sát Ý đã tình cờ thu giữ một phiên bản “Đấng cứu thế” khác 500 năm tuổi ở Naples. Bức tranh này ban đầu được sưu tập trong một bảo tàng nhà thờ địa phương, cũng như phiên bản từng đấu giá, các chuyên gia cho rằng phiên bản này do các môn đồ của Da Vinci thực hiện.
Bảo tàng lưu trữ bức “Đấng cứu thế” này nói rằng họ không hề biết về vụ trộm bức tranh. Căn phòng nơi bức tranh được cất giữ đã không được mở cửa cho công chúng trong ba tháng dưới dịch bệnh và cảnh sát cũng chưa từng nhận được báo cáo về vụ trộm trước đó, khiến vụ trộm trở nên khó hiểu.
Cảnh sát Naples đã tìm thấy phiên bản “Đấng cứu thế” này trong tủ của một người đàn ông 36 tuổi khi lục soát nhà anh ta do bị tình nghi vào một tội danh khác vào thứ Bảy tuần trước. Người đàn ông đã bị bắt giữ sau đó với tội danh chứa chấp đồ ăn cắp.
Trước đó Cảnh sát chưa bao giờ nhận được báo cáo rằng bức tranh đã bị đánh cắp, và bảo tàng nơi bức tranh được lưu giữ cũng không thấy bất kỳ dấu hiệu trộm cắp nào. Chi tiết về thời điểm bức tranh bị đánh cắp và cách kẻ trộm đã đánh cắp bức tranh vẫn đang được điều tra.
Các công tố viên địa phương chỉ nêu: “Việc phát hiện ra các bức tranh do các hành động thực thi pháp luật khôn khéo của cảnh sát.” Cảnh sát nghi ngờ rằng vụ trộm có thể liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức tầm cỡ quốc tế.
“Đấng cứu thế” này ban đầu được lưu giữ trong bảo tàng ở Nhà thờ San Domenico Maggiore ở Naples. Bức tranh được vẽ vào cuối những năm 1510, nhưng chỉ có thể xác định rằng nó đến từ xưởng vẽ của Leonardo. Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về người đã vẽ ra nó.
Bảo tàng chỉ ra rằng khả năng bức tranh là của Girolamo Alibrandi, một học trò của Da Vinci. Sau khi bức tranh được hoàn thành ở Rome, nó được Giovanni Antonio Muscettola, sứ thần của vua Charles V, mang đến Naples. Vào năm 2019, bức “Đấng cứu thế” này đã được mượn cho triển lãm Da Vinci của Villa Farnesina ở Rome, và bức tranh đã quay trở lại bảo tàng vào tháng 1 năm 2020.
So sánh hai tác phẩm “Đấng cứu thế”, bố cục của phiên bản Naples và phiên bản từng đấu giá giống nhau, nó cũng mô tả Chúa Kitô giơ hai ngón tay lên và tay kia cầm một quả cầu pha lê, nhưng âm điệu hơi khác. Bộ quần áo của Chúa Kitô phiên bản Naples là màu đỏ, trong khi quần áo ở tác phẩm đấu giá có màu xanh lam. Trong phiên bản Naples, đôi mắt Chúa Kitô cũng không được vẽ một cách đối xứng.
Chuyện đánh cắp phiên bản này của “Đấng cứu thế” liên quan tới những ai? và khi nào thì phiên bản đấu giá sẽ lại xuất hiện trước công chúng? Những câu hỏi này đều sẽ được giải đáp theo thời gian.
Phạm Phương Thảo (dịch và tổng hợp)