Người hoạ sĩ kì tài và… kì dị

Trần thế cứ vui đi, còn tôi sẽ không bao giờ quay trở lại.

Dương Bích Liên (1924-1988) dấn thân và hiến dâng cho nghệ thuật đến mức lơ đãng, quên cả đời sống hạnh phúc tình cảm riêng tư của mình. Ông sống độc thân, khép kín, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Khi giật mình tỉnh ra và có ý muốn lấy vợ thì tóc ông đã bạc trắng như vôi.

            Tuy nhiên, như một nghịch lý, ông cũng có một vài mối tình riêng, kín đáo, đầy trắc ẩn trong cuộc đời giàu tâm tư của người nghệ sĩ. Cuối đời, sức khỏe ông suy sụp nhanh. Trong đó,phần lớn do tác hại của những chén rượu mạnh đã góp phần tàn phá cơ thể vốn mong manh, phong trần của người nghệ sĩ. Vài ngày trước khi chết, ông triền miên uống rượu và hầu như hoàn toàn “tịch cốc” (chữ ông đã dùng để nói là ông không thiết ăn gì nữa) Ông đã Chết nằm như mơ. Cái chết của ông chỉ được biết đến khi những người hàng xóm gõ cửa nhà ông mà không bao giờ còn nghe thấy tiếng ông trả lời nữa.

            Xuất thân trong một gia đình quyền thế và giầu có ,Dương Bích Liên là con trai duy nhất của một ông quan tri phủ. Nhưng đến năm 17 tuổi bỗng dưng máu nghệ sĩ giời cho đã nổi lên và ông đã muốn từ bỏ cảnh sống giầu sang để chạy theo cuộc đời gió bụi.Ông gặp gỡ họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vào năm 1941,khi đó Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vừa thiết kế xong chiếc xe ngựa và đặt tên cho chiếc xe tự chế của mình là ” Nhà Lăn Mê Ly” ,hoạ sĩ dùng chiếc xe ngựa kéo này làm phương tiện giao thông để đi vẽ trực cảnh khắp đó đây,và Dương Bích Liên đã được họa sĩ Hoàng Lập Ngôn cho nhập hội, lên xe lăn… xuyên Việt. Nhưng chiếc xe “Nhà Lăn Mê Ly” tưởng sẽ phiêu du đất trời dài lâu nhưng chỉ lăn được đến Thanh Hoá thì quan phủ sai người đi truy tìm. Người nhà quan phủ tìm ra “Nhà lăn Mê Ly” và áp giải cậu công tử về nhà. Sau chuyến lãng du có tính chất số mệnh ấy, Dương Bích Liên đã quyết định ghi tên theo học Trường Mỹ Thuật Đông Dương.Từ đây, Dương Bích Liên đã bắt đầu bước vào cuộc chơi với nghệ thuật của hình và mầu.

            Với một lối sống như người lập dị, bất cần Ông là họa sĩ cô đơn và kỳ dị,”Đời không hiểu tôi và tôi cũng không hiểu đời, vì thế nên tôi xin thu mình nhỏ lại” Dương Bích Liên là người có tật nói lắp, nhiều câu nói của ông, tôi đã nghe ông lặp đi lặp lại nhiều lần. Và mỗi khi ông chợt nghĩ ra một câu nào hay hay, của ông hay trích dẫn của ai đó, thì cứ cách vài phút ông lại nói lại và cứ mỗi lần ông nói lại câu đó lại là… nói lắp, khiến người nghe buộc phải thuộc lòng câu nói đó, “Chơi càng hay, vẽ càng hay” và ” Chúng mình mất hết chỉ còn nhau”, rồi “Đi và về cùng một nghĩa như nhau” và ” Trong nghệ thuật không có sự tiến bộ” Một câu nữa của ông cũng rất gây ấn tượng cho tôi : ” Cuộc sống càng nhiễu nhương thì nghệ thuật càng trở nên trừu tượng”…

            Lúc sinh thời, Dương Bích Liên thường hay đến chơi Bùi Xuân Phái, hai ông là bạn cùng học từ thời là sinh viên trường Mỹ thuật Đông dương. Họ thấu hiểu và cảm thông những quan điểm nghệ thuật của nhau, ngay cả đôi khi họ có những khác biệt về suy nghĩ.

            Dương Bích Liên là người dị ứng ghê gớm với người lạ hoặc không cùng ‘kênh’ với ông, khi đang ngồi chơi với Bùi Xuân Phái, nếu có bất kỳ ai tình cờ đến chơi, ông đều lặng lẽ đứng dậy ra về. Và mỗi khi ông đến, bao giờ ông cũng đi rón rén để nhìn qua cửa sổ xem trong nhà có khách của Bùi Xuân Phái không, nếu có, ông sẽ lại rón rén chuồn rất nhanh. Không phải ông có tính kiêu ngạo mà do cá tính ông như vậy, tôi nghĩ ông không phải kiêu ngạo là bởi vì thời đó, ngoài những người trong giới họa, thì hầu như thiên hạ chẳng ai biết             Dương Bích Liên là ai, và nhiều người nếu biết thì lại nhầm Dương Bích Liên là một …nữ ca sĩ. Vì tên ông trùng với tên nữ ca sĩ Bích Liên, một giọng ca rất nổi tiếng vào thời đó.

            Có lần vì ngạc nhiên và không cảm thông được khi thấy Bùi Xuân Phái thường tiếp chuyện những vị khách không “đồng cân đồng lạng” với mình. Dương Bích Liên hỏi: “Tớ chịu cậu thật, tại sao những tay vô tích sự như thế mà cậu chịu đựng được? Tai thì nghe nó nói những chuyện tầm phào, tay thì vẫn hí hoáy vẽ được?” Bùi Xuân Phái cười hiền lành, ông đáp: ” Cậu không biết đó thôi, mỗi vị khách đến với tớ đều trở thành người làm mẫu cho tớ vẽ. Họ cứ ngồi mà nói những chuyện mà họ thích, còn tớ thì dùng họ để làm mẫu vẽ.” Đấy là lý do mà Bùi Xuân Phái có hàng ngàn bức ký họa vẽ chân dung mọi người thuộc đủ các tầng lớp, nghề nghiệp khác nhau.

            Dương Bích Liên có cách nói chuyện về hội họa dễ gây ấn tượng cho người nghe, ông cho rằng hội họa là cõi riêng tư, là nơi bộc lộ những cảm xúc của mình, mỗi tác phẩm phải có dấu ấn riêng của tâm hồn, dù chưa ai hiểu, chưa ai thích cũng không cần bận tâm nhiều. Ông chỉ vẽ những vấn đề đã yêu thích và nghiền ngẫm thật sâu về nó. Mặt khác, nghệ thuật của Dương Bích Liên có tác động nhiều bởi lý thuyết sách vở mà ông nghiên cứu rất nhiều, hầu như những sách ông nghiên cứu đều bằng nguyên tác tiếng Pháp. Có lẽ vì thế đã làm ông trở nên khó tính với chính mình, ông vẽ chậm và nhọc nhằn hơn nhiều nếu so sách với lối vẽ và quan niệm của Bùi Xuân Phái. Một lần ông cũng có nói ” Moi vẽ bức thiếu nữ, thường thì ngay từ đầu, bên trong moi phải có cái ham muốn faire lamour với người thiếu nữ ấy thì bức tranh mới có thể đẹp được” Nghĩa là ông cũng chỉ thích vẽ những gì đã làm ông ham muốn và yêu nó.

            Giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Dương Bích Liên ở vào thập niên 60, 70, trong những năm tháng này, ông đã từng hăm hở gửi các tác phẩm của mình tham dự triển lãm nhưng chúng đều đã sớm bị loại, như bức “Hào” và bức “Bác Hồ nói chuyện với Vệ Quốc Quân” Riêng bức thứ 2, sau khi bị loại, người ta không bao giờ còn thấy tăm tích tác phẩm này nữa, và cũng không thấy có ai nói đến nó nữa. Bức tranh mô tả cảnh Hồ Chí Minh đang nói chuyện với người lính Vệ Quốc Quân ở trong Chiến khu Việt Bắc. Lý do bức tranh bị loại là họa sĩ đã vẽ người lính nhắm mắt trong khi vị lãnh tụ đang nói chuyện. Nhưng theo cách lý giải của Dương Bích Liên thì chỉ khi nào người ta extreme (cực sướng) thì người ta mới thường nhắm mắt.Ông muốn giải thích rằng người lính đang ngất ngây khi nghe lãnh tụ căn dặn,chỉ bảo. Nhưng vào thời thời đó, cách diễn giải của người họa sĩ không thuyết phục được ban giám tuyển, vì họ cho rằng, lãnh tụ đang nói chuyện mà người nghe lại ngủ, thế nên tác phẩm này bị loại ngay khi họ vừa được nhìn thấy nó. Người ta cho rằng Dương Bích Liên đã tự ái và đau buồn vì sự ghẻ lạnh của giới chính thống đối với những tác phẩm của mình, thế nên về cuối đời ông đã gần như không có hứng thú sáng tác, ông rơi vào chán nản và gần như bỏ cuộc, người ta không thấy họa sĩ vẽ thêm được tác phẩm nào xuất sắc nữa. Năm 1984, Nhà nước chính thức mời bộ tứ ” Sáng, Nghiêm, Liên, Phái” tổ chức triển lãm cá nhân. Chỉ có riêng Dương Bích Liên từ chối, lý do chính và cũng là sự giải thích dễ thấy nhất là trong xưởng vẽ của ông hầu như chẳng còn có bức tranh nào. Tất cả tác phẩm đã được ông cho ‘lên đường’ để đổi lấy những chai rượu mạnh từ trước đó.

            Tôi nhớ lần cuối cùng Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái ngồi uống rượu với nhau, bữa đó ông đến từ chiều, Bùi Xuân Phái cũng phải hai lần bảo tôi cầm chai đi mua rượu trắng về cho các ông uống. Dương Bích Liên uống nhiều, càng uống ông càng nói hăng, mãi đến 2 giờ đêm. Tôi thấy Bùi Xuân Phái đã thấm mệt, nên đã chủ động dìu Dương Bích Liên đứng dậy và nói ” Để cháu đưa tiễn bác về nhà” Giữa đêm hôm, đường phố Hà Nội không một bóng người, chỉ có hai bác cháu đang dìu nhau đi trên hè phố. Một tay Dương Bích Liên bá vai tôi, còn tay kia vẫn ôm khư khư cái nón cối. Trên đường đi, tôi ngỏ ý muốn có một bức tranh của ông để chơi. Dương Bích Liên như tỉnh rượu hẳn, ông bảo tôi như mắng ” Nếu cậu đã là một thằng họa sĩ thì đừng bao giờ tính chuyện chơi tranh của một thằng họa sĩ khác, bởi vì nếu cậu phục lăn nghệ thuật của nó thì cậu còn vẽ được cái gì hay hớm nữa ? Là họa sĩ, cậu cũng không cần phải đánh ghen với thằng họa sĩ nào, nếu có đánh ghen thì hãy đánh ghen với Gauguin, Van Gogh. Phải có tinh thần như vậy thì mới hòng mong khá lên được” .

            Đêm hôm đó, tôi tiễn Dương Bích Liên đến đầu con dốc phố Bà Triệu, đến đó ông bảo tôi là ông tự về được vì nhà ông ở ngay phía dưới con dốc đó. Tôi dừng lại và nhìn theo dáng đi liêu xiêu của người họa sĩ được xếp vào bộ tứ huyền thoại “Sáng – Nghiêm – Liên – Phái” danh giá vào bậc nhất làng hội họa Việt Nam. Hình ảnh cuối cùng về Dương Bích Liên trong tôi là hình ảnh bóng dáng một người say đang đi loặng quạng khuất dần dưới triền con dốc của phố Bà Triệu.

            Nhìn vào những tác phẩm Dương Bích Liên để lại người ta nhận thấy, mảng đề tài Chân dung thiếu nữ của Dương Bích Liên được xem là thành công hơn cả, và có một thành ngữ của giới mộ điệu Phố Phái – Gái Liên đã khẳng định điều đó.

            Trước khi giã từ trần thế , Dương Bích Liên đã bày tỏ nguyện vọng của mình với bạn :” Sau này, trong cái ngày tôi sang bên kia thế giới, tôi không muốn có ai là người lớn, tôi muốn đến đưa tiễn tôi là hai đứa trẻ nhỏ, một trai, một gái, chúng ăn mặc thật correct. Chỉ có hai đứa trẻ ấy, đi lững thững theo chiếc xe ngựa trở cái xác không hồn của tôi ra nghĩa trang và đừng có người lớn nào đi theo cả.” Nhưng khi Dương Bích Liên chết, người ta đã không dám chiều theo ý muốn đó của ông. Vài năm sau khi Dương Bích Liên chết, các nhà làm phim đã dựng lại toàn bộ chi tiết mà nguyện vọng của nhà danh họa đã bày tỏ, có hai đứa trẻ, ăn mặc đúng điệu, theo kiểu Châu Âu, lững thững đi theo chiếc xe ngựa trở cỗ quan tài, vừa đi chúng vừa rắc những cánh hoa xuống hai ven đường, trong khung cảnh của trời chiều mùa thu. Bộ phim có tựa đề là: Sắc vàng lặng lẽ.

 

Mai không những được tiếng là kiều nữ xinh đẹp nhất Hà Nội thời ấy (1982) mà còn vì từng được các danh họa huyền thoại vẽ chân dung: Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái. Họa sĩ Dương Bích Liên từng có một cuộc tình mê man và vô vọng với cô người mẫu này.

Hình ảnh họa sĩ Dương Bích Liên lúc nào cũng ôm khư khư chiếc mũ cối trong vòng tay là chuyện thường thấy. Hồi mới giải phóng miền Nam, ông vô chơi Sài Gòn, ông lấy làm lạ là khi đi vào khu đèn đỏ của dân ăn chơi, ông đi đến đâu thì các kiều nữ chân dài, chân ngắn nháo nhác bỏ chạy. Ngạc nhiên và phân vân quá, ông bèn tìm người để hỏi để biết rõ nguyên nhân. Sau ông mới vỡ lẽ ra là do ông đội cái nón cối (người Sài Gòn khi đó, không ai đội loại nón cối này cả) thế nên các bướm đêm đã được một phen tá hỏa tam tinh vì nhầm tưởng Dương Bích Liên là quan chức lãnh đạo đi tuần tra.

Chân dung Bùi Xuân Phái_ Chì than của Dương Bích Liên.

Hào

Họa sĩ Dương Bích Liên và họa sĩ Bùi Xuân Phái_Ảnh chụp năm 1984 Sinh thời, ông có rất ít bạn thân ngoại trừ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng.

Dương Bích Liên thường hay đến chơi Bùi Xuân Phái, hai ông là bạn cùng học từ thời là sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương. Họ thấu hiểu và cảm thông những quan điểm nghệ thuật của nhau, ngay cả đôi khi họ có những khác biệt về suy nghĩ và quan niệm nghệ thuật trong sáng tác. Dương Bích Liên tỏ ra ngạc nhiên và không cảm thông được khi thấy Bùi Xuân Phái thường tiếp chuyện những vị khách không “đồng cân đồng lạng” với mình. Có lần Dương Bích Liên hỏi: “Tớ chịu cậu thật, tại sao những tay vô tích sự như thế mà cậu chịu đựng được? Tai thì nghe nó nói những chuyện tầm phào, tay thì vẫn hí hoáy vẽ được?” Bùi Xuân Phái cười hiền lành, ông đáp: ” Cậu không biết đó thôi, mỗi vị khách đến với tớ đều trở thành người làm mẫu cho tớ vẽ. Họ cứ ngồi mà nói những chuyện mà họ thích, còn tớ thì dùng họ để làm mẫu vẽ.” Đấy là lý do mà Bùi Xuân Phái có hàng ngàn bức ký họa vẽ chân dung mọi người thuộc đủ các tầng lớp, nghề nghiệp khác nhau.

Dương Bích Liên là người không thích bị chụp ảnh. Những bức ảnh chụp được Dương Bích Liên là rất hiếm hoi. Trong ảnh người ngồi đầu tiên là Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Bá Đạm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên. Người đứng là Đức Minh.

 

Nguồn: Facebook Bùi Thanh Phương

Biên tập: Le Phan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.