Từng lập kỷ lục về giá cách đây 15 năm, nay chiếc “cốc gà” lại tái xuất trên sàn đấu giá Sotheby’s với mức định giá tăng gấp 10 lần.

Các chuyên gia đồ cổ đã dành những nhận định ưu ái nhất cho chiếc chén nhỏ vẽ hình đàn gà ra đời từ thứ kỷ XV: Món đồ cổ Trung Quốc đắt nhất, được săn lùng nhiều nhất và cũng lại là món đồ bị làm giả nhiều nhất trong lịch sử. Họ cùng thống nhất để đưa ra mức giá dự kiến lên tới 38,5 triệu USD, khi chiếc chén ngự dụng này được đem lên sàn đấu giá nhà Sotheby’s ở Hồng Kông hôm 8.4 tới đây.

Mang những nét tinh hoa của nghệ thuật gốm sứ triều đại nhà Minh, chiếc chén ngự dụng thường được gọi với cái tên “cốc gà” (Chicken Cup) từng được bán với mức giá kỷ lục cho một tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc vào năm 1980 và 1999. Đây là một trong 4 chiếc chén trong bộ sưu tập Meiyintang – BST đồ sứ Trung Quốc lớn nhất ở châu Âu.

Toàn bộ họa tiết trên cốc gà được thể hiện bằng ảnh panorama.

Nicolas Chow – Phó chủ tịch Sotheby’s tại châu Á, phụ trách về mảng nghệ thuật gốm sứ Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi được chào bán chiếc “cốc gà” huyền thoại này tại phiên đấu giá tới, 15 năm sau khi nó phá kỷ lục thế giới cho một tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc vào năm 1999. Từ khi được ra đời vào thời Thuần Đế nhà Minh, niên hiệu Thành Hóa, cốc gà đã được các vị hoàng đế, cũng như những người am hiểu về đồ sứ trân trọng và coi là một báu vật. Được sản xuất với số lượng rất ít, chúng luôn nổi bật nhất trong bất kỳ BST đồ sứ Trung Quốc nào.”

Dòng gốm sứ Đấu Thái (Doucai) được làm rất sớm từ thời đầu nhà Minh nhưng chất lượng lúc đó không thể nào sánh được với các sản phẩm được sản xuất dưới triều đại Thành Hóa (1464-1487). “Cốc gà” là tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ đỉnh cao này. Với đường kính 8,2cm, chiếc cốc được vẽ hình một chú gà trống ngẩng đầu, một con gà mái cúi đầu bận rộn tìm sâu và 3 con gà con. Ở trôn cốc có một triện hiệu đề chữ Hán “Đại Minh Thành Hóa”. Thư pháp của triện theo mẫu chữ viết của chính vị hoàng đế này.

Theo nhiều ghi chép, để đảm bảo độ hoàn hảo của những chiếc cốc, 72 người thợ đã được điều động để sản xuất. Việc làm đồ Đấu Thái chia thành hai giai đoạn. Đầu tiên là vẽ viền cảnh vật bằng men lam cô-ban, phủ lên một lớp men trong, rồi nung cao độ. Sau đó người ta sẽ tô điểm men màu khác lên trên. Chiếc cốc tiếp tục được nung một lần nữa ở nhiệt độ thấp hơn mà vẫn đảm bảo men màu hòa lẫn vào men trong nhưng phải không ảnh hưởng đến men ở khu vực khác. Điều này có nghĩa là giá thành để sản xuất những chiếc cốc Đấu Thái là rất cao.

Vẫn mang đặc trưng của đồ sứ thời kì này, “cốc gà” có kích cỡ nhỏ và khiêm tốn nhưng được chế tác rất tinh xảo. Họa tiết trang trí cũng bớt cứng nhắc hơn so với những triều đại trước. Màu sắc sử dụng vẫn là màu phổ biến của gốm sứ Đấu Thái. Các tông khác nhau của màu đỏ, xanh ô-liu (được tạo nên bởi sự pha trộn giữa xanh lá và vàng), xanh dương nhạt bóng mờ… Đặc biệt, bộ lông của đàn gà được phủ nhiều lớp men chồng lên nhau, tạo ra hiệu ứng màu sắc rất đẹp.

Edie Hu, chuyên gia về gốm sứ Trung Quốc làm việc tại Sotheby’s Hồng Kông chia sẻ: “Nó là một vật  dụng gần gũi mà mang dấu ấn cá nhân. Rất nhiều đồ dùng khác không được các vị vua sử dụng. Tôi nghĩ chiếc cốc này là thứ mà ngài thực sự yêu thương.”

“Những chiếc “cốc gà” được làm cho hoàng đế Thành Hóa và ngay sau đó, các đời hoàng đế sau đã thu thập chúng. Họ yêu thích những chiếc cốc, khen ngợi chúng và sao chép chúng.” – Chuyên gia Nicolas Chow cho biết.

Ngay cả thời điểm hiện tại, những nhà sưu tầm vẫn chưa thống nhất về mức giá cũng như số lượng lớn hàng nhái trôi nổi. Có thể nói, đây là cổ vật được giả mạo và sao chép nhiều nhất trong lịch sử nghệ thuật Trung Hoa.

Vào cuối thời Minh, rất nhiều hàng nhái xuất hiện bởi giá trị cao của những chiếc cốc Đấu Thái Thành Hóa. Tất nhiên chất lượng của chúng thì không thể bằng. Dưới triều đại nhà Thanh, Khang Hy, Càn Long và Ung Chính đều cho làm những chiếc cốc Đấu Thái vẽ gà. Một số mang hiệu đề riêng của triều đại, một số lại mang hiệu đề sao chép lại hiệu đề thời Thành Hóa.

Những chiếc cốc ra đời sau thường vẽ gà trống quay về phía gà mái và đàn gà con, đồng thời dấu triện dưới trôn có 6 chữ Hán. Những chiếc cốc này có giá khoảng vài trăm ngàn USD.

“Cốc gà” Thành Hóa được sản xuất với số lượng rất hiếm và là biểu tượng cho nghệ thuật gốm sứ Trung Quốc. Thậm chí, mảnh vỡ của những chiếc “Cốc gà” cũng xuất hiện không nhiều trong các cuộc khai quật khảo cổ học tại khu vực lò luyện sứ của triều đình nhà Minh ở Jingdezhen, Trung Quốc.

Ngoài chiếc được Sotheby’s đấu giá tháng tới, 3 chiếc còn lại đều thuộc sở hữu tư nhân và chỉ một vài bảo tàng uy tín nhất trên thế giới mới có thể khoe chúng trong BST của mình như bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Bắc, bảo tàng Anh ở London, bảo tàng Victoria & Albert, London, bảo tàng Fitzwilliam ở Cambridge…

“Đây là tác phẩm gốm sứ giá trị nhất trong bất kỳ BST tư nhân nào” – Eskenazi, người mua chiếc cốc vào năm 1999 với giá gần 3 triệu USD chia sẻ. Để tiện so sánh, một chiếc cốc gà cùng niên đại từng được bán với giá hơn 100.000 USD. Tuy nhiên, nó từng bị vỡ và đã được phục chế.

Các chuyên gia nhận định, chiếc cốc này sẽ không thể có giá dưới 25,6 triệu USD (gần 544,7 tỷ VND) và kỷ lục tiềm năng được mong đợi là 38,5 triệu USD (khoảng 819,1 tỷ VND).

Cổ vật “cốc gà” đang được hy vọng phá vỡ kỷ lục về giá của một chiếc bình thời Càn Long, được bán với giá 32,4 triệu USD vào năm 2010. Ông Nicolas Chow từng nhận xét về phiên đấu giá này: “Đây là vụ bán đấu giá phi thường chưa từng thấy trên thị trường từ trước tới nay. Nghệ thuật của Trung Quốc đã thật sự tham gia một cách ấn tượng vào các bộ sưu tập chính. Khi một phiên đấu giá bán được trên 150 triệu USD thì tôi nghĩ là chúng ta phải đưa nó vào danh sách những bộ sưu tập mỹ thuật vĩ đại trên thế giới.”

Bạn đọc có thể cập nhật thông tin về phiên đấu giá “cốc gà” tại đây.

Nguồn: luxvn

1 thought on “Đắt nhất, được săn lùng và bị làm giả nhiều nhất

  1. Cam on ban ve nhung thong tin bo ich, doc bai nay hieu them nhieu ve chiec bat nay. Toi cung co mot chiec bat tuong tu nhung khong biet that gia the nao? Lam cach nao toi co the lien he voi ban de nho kiem tra gium duoc nhi? Cam on ban mot lan nua.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.